THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Hoàng đế và thầy dạy

LÊ MINH QUỐC: Hoàng đế và thầy dạy


Khi đi điền dã ở Huế, tôi được nghe các cụ kể lại một giai thoại về vua Hàm Nghi: Đêm 30.10.1888, Trương Quang Ngọc làm phản, dẫn một đội Pháp bắt sống ngài tại khe Tá Bào (Quảng Bình), ngài hét lớn: “Thằng Ngọc! mày giết tao đi còn hơn đem tao giao Tây”. Từ đó, cho mãi đến khi bị giải về Huế, ngài vẫn không nói thêm bất kỳ một lời nào. Điều này gây khó khăn cho công tác điều tra của đối phương. Cuối cùng, để buột ngài phải nói, phải thừa nhận mình là vua Hàm Nghi, chúng nghĩ ra cách mời thầy dạy học của ngài đến. Kỳ lạ thay, đứng trước mặt thầy, nhà vua quỳ xuống và lễ phép xưng tên mình. Chi tiết này cho thấy, một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Dù làm vua, nhưng với thầy thì bao giờ sự tôn sư trong đạo cũng đặt lên hàng đầu.

qunagtrung

Đặc san Sử địa ấn hành tại miền Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Tư liệu L.M.Q

Cho đến muôn đời sau, hình ảnh vua Quang Trung và cuộc khởi nghĩa “áo vải cờ đào” vẫn là sự kiện rất tự hào. Nhưng nếu thuở thiếu thời, không được thọ giáo với thầy Giáo Hiến, thì liệu anh em nhà tây Sơn có thể nắm bắt được cơ hội “sắp đặt lại giang sơn”? Thầy vốn là môn khách của ngoại hữu Trương Văn Hạnh- một đại thần dưới triều Định Vương (1765-1778) thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Sau Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan giết hại, Giáo Hiến sợ vạ lây bèn trốn vào Quy Nhơn và mở trường dạy học ở ấp An Thái. Ngày nọ, anh trai của Nguyễn Huệ là Nguyễn Nhạc khoe với thầy tìm được một thanh gươm cổ. Thày xem xét một lúc, rồi nói:

- Có đại phước mới tìm được bảo kiếm này. Anh em con có thể dựng lên nghiệp lớn.

Nguyễn Nhạc thưa:

- Bẩm thầy, anh em con đã có đủ tài đức như thầy đã mong muốn chưa?

Thầy trầm ngâm:

- Xưa nay cổ nhân vẫn nói: “Thời thế tạo anh hùng”. Nay Trương Phúc Loan chuyên quyền, là Tần Cối trong triều Nguyễn. Thời thế rối ren, kẻ dưới lăng loàn, người trên suy đốn, giềng mối kỷ cương này một sa sút. Trời không dung nên mấy năm nay đại hạn, đồng ruộng khô cháy, nhân tâm ly tán. Nếu các con biết nắm thời cơ, dựng cờ khởi nghĩa thì sợ gì lòng dân không theo?

Chỉ một câu nói của thầy, anh em nhà Tây Sơn nhanh chóng nắm bắt thời cơ lật nhào ngai rồng chúa Nguyễn ở Đàng Trong, xóa luôn nền thống trị của vua Lê chúa Trịnh xây dựng 216 năm (1570 - 1786) ở Đàng Ngoài. Chỉ có người có tài, có tâm mới biết sử dụng bậc hiền tài. Dù không một ngày được học với thầy La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, nhưng vua Quang Trung vẫn kính trọng như thầy, chỉ dám gọi “tiên sinh” và mời  ra giúp nước. Dù bị thoái thác, nhưng nhà vua vẫn không nản, đã nhún mình ba lần đích thân mời thầy. Sự thành tâm này đã khiến thầy vui lòng nhận lấy trọng trách phát triển chính sách giáo dục dưới triều Tây Sơn.

Lịch sử không thể bắt đầu bằng bằng chữ “nếu”. Vẫn biết thế, nhưng nếu vua Trần Hiến Tông (1329-1341) không mất sớm, có lẽ trang sử đời Trần đã viết khác. Nói như thế, vì nhà vua được ngôi sao Bắc đẩu của nền giáo dục thời đó dạy dỗ: thầy Chu Văn An. Trong bộ sách bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú khẳng định: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt, trước sau chỉ có một Chu Văn An, các ông khác không thể nào sánh được!”.

Tiếng tăm và uy tín của thầy Chu văn An vang dội đến tận kinh đô, do đó, năm 1325 vua Trần Minh Tông đã vời thầy vào cung dạy cho Thái tử (sau này là vua Trần Hiến Tông). Trong thời gian giữ chức Tư nghiệp trường Quốc tử giám và dạy học, thầy đã soạn tác phẩm Tứ thư thuyết ước, gồm mười quyển, đời sau ghi nhận đây là sách giáo khoa giảng dạy Nho giáo do người Việt Nam biên soạn. Trong đó, thầy nêu bật chân lý “sùng chính tịch tà” là tôn trọng điều ngay thẳng và xua đuổi những điều sai lầm - bằng cách tóm lược tinh túy của bốn tập sách Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung để sử dụng vào việc giảng dạy. Năm 1329 vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho Trần Hiến Tông. Tiếc rằng thầy mất bao công lao dạy dỗ mà ông vua này mất sớm, chỉ mới 23 tuổi, nên Trần Dụ Tông lên ngôi. Triều nhà Trần bắt đầu suy thoái, chính sự bắt đầu nhiễu nhương. Là một thầy giáo tiết tháo, không cúi đầu trước bọn gian thần lộng quyền làm những điều phi pháp hại dân hại nước, thầy An đã dâng lên vua “Thất trảm sớ” đề nghị chém đầu 7 gian thần sâu mọt! Ý kiến của thầy về sau sử sách đánh giá là “làm rung động cả quỷ thần”. Thái độ dũng cảm này được các trung thần ủng hộ và khâm phục. Rất tiếc, vua Trần Dụ Tông vì mê muội trong tửu sắc và những lời nịnh hót nên không nghe theo những lời chính đạo. Không còn cách nào khác, thầy cởi mũ áo, từ quan để lui về ở ẩn.

Trước đó, vua Trần Minh Tông (1314-1329) cũng được học với thầy giỏi: thầy Trần Cụ. Đọc lại chính sử ta biết, tháng giêng năm 1305, lúc bấy giờ hoàng tử Trần Mạnh (tức vua Trần Minh Tông) được phong làm Thái tử, vua Trần Anh Tông chọn quan Độc bạ Trần Cụ làm thầy dạy cho vị vua tương lai bởi “Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu” (Đại Việt sử ký toàn thư). Được người đời khen là vị vua anh minh, thẳng thắn, thương ghét rạch ròi chắc hẳn vua Trần Minh Tông chịu ảnh hưởng ít nhiều từ thầy. Tương tự, ngay thời niên thiếu được học với thầy Lý Khánh Văn - vốn là nhà sư và về sau học với thiền sư Vạn Hạnh nên khi lên làm vua, Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ) thấm đượm lòng nhân và cho xây nhiều chùa chiền, gieo rắt điều thiện trong dân gian…

Tuy nhiên, cũng có những vị vua học thầy giỏi nhưng lại không xứng danh với thầy. Có thể nhắc đến trường hợp của vua Đồng Khánh. Ông là học trò của Tiến sĩ Trần Văn Dư (1842-1885), người Quảng Nam. Khi vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương, thầy Dư cùng tiến sĩ Nguyễn Duy Hiệu lập phong trào Nghĩa hội và đón nhận cái chết của người anh hùng. Lúc ấy, vua Đồng Khánh lại ố danh khi hợp tác với người Pháp đàn áp phong trào kháng chiến, kể cả lực lượng ái quốc do thầy mình lãnh đạo.

Trong lịch sử nước nhà, đọc kỹ, ta thấy một điều khá rõ nét, hầu như các vị vua anh minh không chỉ được học với thầy giỏi, mà họ còn biết vận dụng lời dạy của thầy trong thực tiễn. Chẳng hạn, vua Lê Thánh Tông - được giới sử học đương thời và cả thời sau đêu ghi nhận là nhà cải cách toàn diện nhất ở thế kỷ XV. Ngay từ nhỏ, lúc còn sống trong dân dã nhà vua đã được thọ giáo với thầy Trần Phong. Cho đến lúc ngất ngưỡng trên đỉnh cao quyền lực, ngài vẫn không quên lời dạy của thầy:

Lòng vì thiên hạ những sơ âu,

Thay việc tròi dám trễ đâu.

Trống dời canh còn đọc sách,

Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.

L.M.Q

(Tạp chí Duyên dáng Việt Nam tháng 11.2011)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com