Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: SƠN NAM - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê |
* Vài kỷ niệm với Sơn Nam |
* Niên biểu Sơn Nam |
Tất cả các trang |
Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê là tựa đề cuốn sách do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn hướng tới kỷ niệm ngày sinh của cố nhà văn Sơn Nam. Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Nhớ Sơn Nam, học Vương Hồng Sển. Sách thuộc tủ sách Nhà văn của em của NXB Kim Đồng, với hình thức nhỏ gọn (46 trang khổ 15x21cm) nhưng lược thuật đầy đủ những nét chính cuộc đời cũng như sự nghiệp viết văn của nhà văn Sơn Nam.
Trong đó, nhấn mạnh vào nghiệp sách bút “ám ảnh” ông từ thuở chưa học vỡ lòng, và lý giải cả chuyện vì sao ông lấy bút danh Sơn Nam. Cuốn sách cũng đem đến cho bạn đọc thông tin về sự ra đời của những biên khảo văn hóa để rồi ông được gọi bằng tên thân mật: “Ông già Nam bộ”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam bộ học”…
Tủ sách Nhà văn của em được xây dựng từ ý tưởng muốn cung cấp cho các em học sinh THCS, THPT những nét chính yếu trong cuộc đời của nhà văn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp sáng tác của nhà văn và từng tác phẩm, từ đó góp phần vun đắp tình yêu của các em đối với môn văn, với mỗi nhà văn.
Vừa qua, đơn vị ấn hành cũng đã đưa bản sách này về tặng cho Nhà lưu niệm Sơn Nam tại Mỹ Tho, Tiền Giang LÊ MINH QUỐC và chuyện trong làng - Tặng sách về “ông già Nam bộ” cho nhà lưu niệm Sơn Nam. Bà Đào Thúy Hằng - con gái nhà văn Sơn Nam tiếp nhận quyển sách mới, đồng thời cho biết gia đình đang không ngừng sưu tập các tư liệu về nhà văn Sơn Nam còn lưu giữ trong các bạn văn của ông để đưa về bảo quản và trưng bày tại Nhà lưu niệm. "Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê". Đó là đoạn cuối trong một bài thơ của nhà văn Sơn Nam được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất bản năm 1961.
D.T.Biền
(nguồn:http://giaoduc.edu.vn/news/van-hoa-661/hat-bui-nghieng-minh-nho-dat-que-172784.aspx)
Cùng một chủ đề:
Vài kỷ niệm với Sơn Nam
Sau Hiệp định Genève, từ U Minh Rạch Giá lên Sài Gòn sống bằng nghề viết văn, nhưng cho đến cuối đời ông Hương rừng Cà Mau Sơn Nam cũng không biết đi xe hon đa, xe đạp mà khi di chuyển chủ yếu phải nhờ vào xích lô, xe ôm và... đi bộ!
Nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Lê Minh Quốc. Nguồn: tư liệu: L.M.Q
Ròng rã suốt mấy mươi năm dẻo dai như thế, có lần trong lúc vui chuyện ông tâm sự rất hóm: Tôi là người tạo được chút ít tăm tiếng trong giới văn nghệ nhờ cái nghề đi bộ. Đi bộ rất có ích cho cái việc gọi là “lao động trừu tượng”. Muốn đi bộ cho sung sướng, chứ không phải để “hành xác” thì nên mặc sạch sẽ để cái áo sẽ rút bao nhiêu mồ hôi thấm vào.
Phải mang đôi giày hoặc đôi dép quen thuộc, khít khao. Phải có thuốc hút đầy đủ, thêm chút ít tiền “ngừa” khi sự chi tiêu phát sinh (gặp người bạn thân nào đó, ta cần thết đãi xã giao). Phải có bản lĩnh, nhất là khi tuổi già, để chịu đựng sự thua thiệt như bỗng dưng có cậu con trai nào đó chạy trái luật giao thông, suýt cán vào ta mà lại mắng ngược: “Thằng cha già mắc dịch! Đui hả?”.
Trời mưa, ta nên nhớ lòng đường chỉ dành cho xe ô tô. Gặp vũng nước, xe chạy sát bên lề, ta nên vui vẻ hứng chịu bao nhiêu nước văng tóe! Đi bộ còn để thấy cuộc đời! Chẳng hạn, đang đi gặp đám cưới, đang rước dâu, ta dừng lại xem để quan sát về phong tục. Thế nào cũng nghe tiếng xì xào: “Chàng rể đẹp trai hơn cô dâu!, hoặc “Cô dâu lùn mà hơi già”... Gặp đám ma, ta nghiêm túc quan sát...
Tưởng là đùa, nhưng thật ra đó cũng là một quan niệm về “đi thực tế sáng tác” của nhà văn Sơn Nam.
Với tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau (1962), ông đã trở một cây bút nổi tiếng trên văn đàn miền Nam, dù trước đó ông đã có Chuyện xưa tích cũ, Tìm hiểu đất Hậu Giang.
Nhiều người khen, nhưng lời nhận xét của ông bác lúc ấy đã 90 xuân xanh: “Thằng này nói dóc, nghe được quá. Nói dóc có căn cứ”, với Sơn Nam mới là quan trọng nhất. Ông bảo: “Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì gió đều là loại hư cấu. Nhưng hư cấu có căn. Có căn cứ là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm mình”.
Cũng vì yêu mến tập truyện ngắn này, gần đây tôi và độc giả Đinh Công Tâm đã góp phần hình thành tập truyện ngắn “lần đầu tiên công bố” của Sơn Nam. Nói như thế cũng không ngoa, bởi tập truyện ngắn “Hương quê, Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác” (NXB Trẻ) hoàn toàn mới mẻ đối với bạn đọc.
Đây là một tập hợp tương đối hoàn chỉnh các truyện ngắn của ông đã in rải rác trên báo chí miền Nam từ thập niên 1950 đến 1970. Những truyện ngắn này trước đây chưa được in thành sách và bản thân Sơn Nam cũng không lưu giữ được. Vẫn là những truyện ngắn mang đậm phong cách của ông thời trai trẻ, thời còn sung sức với Hương rừng Cà Mau rất nổi tiếng. Vì thế tập truyện này có sức hấp dẫn đặc biệt.
Hấp dẫn ở chỗ hầu hết các truyện ngắn này đều lấy bối cảnh từ đồng bằng sông Cửu Long. Từ tính cách nhân vật cho đến ngôn ngữ đối thoại cũng đậm đặc bản sắc của con người miền Nam nước Việt. Những địa danh lạ lẫm như sông Trèm Trẹm, kinh xáng Xà No, rạch Xẻo Quao... dần dần trở nên thân thuộc với người đọc. Đó là thế mạnh của Sơn Nam.
(nguồn: Lê Minh Quốc: Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê - NXB Kim Đồng - 2011)
Những truyện ngắn này còn có ý nghĩa ở chỗ, nó được viết trong thời điểm các nhà văn “thời danh” của Sài Gòn khai thác cảnh “phồn hoa đô thị” trong vùng tạm chiếm, thì ông quay về với sinh hoạt, phong tục, cảnh vật của vùng đất xa xôi như Rạch Giá, Cà Mau, Gò Quao, Hòn Tre... để đem lại cho bạn đọc một cái nhìn thân thiện của nơi “khỉ ho gà gáy”.
Thì ra, ở đó vẫn còn có những tay anh hùng, giang hồ mã thượng, những tài trí linh loạt, những mối tình đẹp như trong tiểu thuyết thời Tự lực văn đoàn... Đó là nhân vật Út Một trong Ba kiểu chạy buồm, là Tư Liệt trong Chim trời cá nước, là Đơn Hùng Tín trong Súng bắn không chết...
Thử hỏi, tại sao trong thời điểm đó, ngoài Sơn Nam viết về phong tục miền Nam còn có những nhà văn khác bám sát đề tài này nhưng tại sao nay không còn “đứng” được, thậm chí ta đọc lại thấy lỗi thời? Theo tôi, một kinh nghiệm đáng giá cần nhắc lại, có lần tại Lăng Ông Bà Chiểu, ngồi uống nước mía, Sơn Nam nói với tôi khi viết loạt truyện này ông phải cân nhắc nhằm đạt đến hai điều.
Thứ nhất, sau khi in nếu anh em “trong khu” nếu có đọc được thì cũng không buồn Sơn Nam, vẫn thấy Sơn Nam là người của thời “chín năm”; thứ hai, những truyện ngắn này không chỉ phù hợp với “khẩu vị” của người đọc đương thời mà qua đó phải ngụ ý rằng, thiên nhiên và con người ở mảnh đất chót vót cực Nam của Tổ quốc là một phần không thể tách rời của non sông nước Việt.
Nhờ ý thức chính trị như thế, nên những truyện ngắn này vẫn không lạc hậu trong “cơ chế” hiện nay. Hơn nữa, nay đọc lại ta còn tìm lại được sinh hoạt của bà con mình thuở ấy thể hiện qua các truyện ngắn như Ngày bổ tróc, Ông Thổ chủ, Súng bắn không chết, Tâm sự chú lái nồi, Thầy bắt rắn... Tất nhiên tập sách này vẫn chưa thật sự “thu gom” đầy đủ các truyện ngắn của Sơn Nam. Nó vẫn còn tản mác nhiều lắm.
Chẳng hạn, truyện ngắn Bên rừng cù lao Dung của Sơn Nam - giải nhất của cuộc thi sáng tác văn học do Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ tổ chức năm 1952 - vẫn chưa tìm được. Không rõ có ai còn giữ được không?
Lê Minh Quốc viết vào sổ lưu niệm tại Nhà Lưu niệm Sơn Nam (2011). Nguồn: Trần Hoàng Nhân
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam là người dễ gần gũi. Khoái chơi với anh em trẻ, ông bảo, đại khái, không gì chán bằng trò chuyện với mấy ông già về hưu “ưu thời mẫn thế” lúc nào cũng than thân trách phận, làm mình mất hết niềm vui sống. Đã sống thì phải vui. Muốn vui thì chỉ có... đi chơi với anh em trẻ.
Có lần lũ nhí nhố chúng tôi đưa ông đi uống bia “gác tay”. Ông vui ra phết. Tưởng là vui vậy thôi, nào ngờ ít lâu sau những sinh hoạt “đàn đúm thị dân” ấy đã được ông đưa vào trang viết rất “ngọt”.
Nhớ đến Sơn Nam, ta không thể không nhớ đến Quách Tấn của Bình Định, Toan Ánh của Bắc Ninh, Nguyễn Văn Xuân của Quảng Nam, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Văn Uẩn của Hà Nội... Đó là những người cầm bút lương thiện đã dành tâm huyết, trí lực cả một đời để tìm hiểu, khai phá vùng đất mà mình đã sống.
Những trang viết ấy về “văn minh miệt vườn” của Sơn Nam với các công trình khảo cứ như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn... đã giúp cho bạn đọc nhiều lắm. Và khi nhớ đến Sơn Nam ta cũng không quên nhắc đến Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc (và sau này còn có cả Nguyễn Ngọc Tư)... là những cây bút đã giữ được “hồn vía” lời ăn tiếng nói của người Nam bộ qua từng trang viết.
Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam, với tôi, còn có một kỷ niệm nhỏ là dòng chữ cuối cùng của ông chính là bài Tựa cho tập sách NGƯỜI QUẢNG NAM của tôi, ông viết vào tháng 6/2006.
Ông dặn tôi - những người “làm văn nghệ” sau ông rằng: “Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dạt dào sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát. Phải tạo ra cái vật chất, phải có khoa học kỹ thuật, phải tồn tại và tồn tại cho bằng được”.
Bên cạnh các tác phẩm văn học, Nhà văn Sơn Nam còn được nhiều người cùng nghề kính trọng về phong cách sống nhân hậu, luôn hết mình vì người khác.
Đã có nhiều thế hệ nhà văn được ông dìu dắt, trưởng thành để như Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư… luôn luôn coi ông là thầy. Đặc biệt, ông luôn tham gia nhiệt tình các lễ hội truyền thống, các chương trình văn hóa hướng về cội nguồn và chỉ bảo, giúp đỡ thế hệ trẻ trong việc tìm về với lịch sử, đặc biệt là lịch sử Khẩn hoang Nam bộ.
Nhà thơ Lê Minh Quốc
TP.HCM ngày 13/8/2008
(Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DuLich/www.tienphong.vn/Vai-ky-niem-voi-Son-Nam/1895829.epi)
Cùng một chủ đề:
Niên biểu Sơn Nam
1926: Sơn Nam sinh ngày 11.XII.1926 tại vùng U Minh Hạ thuộc huyện An Biên, Rạch Giá (Kiên Giang).
1937: Sau khi thi đậu bằng Sơ học, học trung học tại Cần Thơ.
1941: Chứng kiến vụ Pháp xử bắn nhà giáo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển - người đã tổ chức khởi nghĩa Hòn Khoai (Cà Mau).
1945: Tham gia kháng chiến. Được cử làm Tỉnh ủy viên Rạch Giá, sau chuyển qua công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc tỉnh, về phòng chính trị Quân khu IX.
1948: Tập thơ Lúa reo - tác phẩm đầu tay của Sơn Nam do Hội Văn hoá kháng chiến Kiên Giang ấn hành.
1951- 1952: Truyện ngắn Bên rừng Cù lao Dung - Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ.
1953 - 1954: Ký sự Tây đầu đỏ cũng được Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ.
1955: Lên Sài Gòn sống bằng nghề cầm bút, cộng tác với nhiều tờ báo.
1958: XB tập Chuyện xưa tích cũ (viết chung với Tô Nguyệt Đình)
1959: XB khảo luận Nguyễn Trung Trực - anh hùng dân chài.
1960: XB khảo luận Tìm hiểu đất Hậu Giang.
1961: Bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt gian tại nhà tù Phú Lợi, vì đã từng tham gian kháng chiến “thời chín năm”
1962: XB tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau.
1963 đến năm 1975: XB những tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuết như Chim quyên xuống đất, Vọc nước giỡn trăng, Hai cõi u minh, Hình bóng cũ, Truyện ngắn của truyện ngắn, Vạch một chân trời, Xóm bầu Láng, Bà Chúa Hòn, Người bạn triệu phú, Trời nước bao la...
1965: XB khảo luận Nói về miền Nam.
1966: Nhà phê bình văn học Lê Huy oanh viết trên báo Nghệ thuật số 35 ra ngày 11.6.1966 khẳng định: “Sơn Nam - người chép sử khai hoang”.
1967: XB khảo luận Nói về miền Nam.
1969: XB tiểu luận Người Việt có dân tộc tính không.
1971: XB Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên địa hội và cuộc Minh tân. 1973: XB Lịch sử khẩn hoang miền Nam; Gốc cây, cục đá và ngôi sao.
1974: Tham gia cuộc biểu tình “Ngày Ký giả ăn mày” nhằm chống lại hành động bóp nghẹt báo chí của chính quyền Thiệu; bị bắt.
1975: XB Phong trào Duy tân ở Bắc Trung Nam.
Từ năm 1975 trở về sau: XB các tác phẩm khảo cứu như Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa, Người Sài Gòn, Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Danh thắng miền Nam, Cá tính miền Nam, Nghi thức lễ bái của người Việt Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian, Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long... Ngoài ra, ông còn XB những tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện, bút ký như Bến cỏ miền Tây, Một mảnh tình riêng, Dạo chơi, Tuổi già, Chuyện tình một người thường dân, Ngôi nhà mặt tiền, Âm dương cách trở, Theo chân người tình...
Nhà văn Sơn Nam - ảnh tư liệu L.M.Q
1994: Lần đầu tiên ra Hà Nội nhân Hội nghị công tác nhà văn trẻ lần IV tổ chức tại Thủ đô; Sơn Nam được Hội Nhà văn VN mời đi thăm Đền Hùng (Phú Thọ).
1998: Hầu hết tác phẩm của Sơn Nam được tái bản nhân sự kiện 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
2003: NXB Trẻ ký bản quyền mua toàn bộ tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.
2005: XB Hồi ký Sơn Nam (4 tập).
2006: NXB Trẻ tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 81 của nhà văn Sơn Nam tại nhà hàng Hương Xưa (TP.HCM).
2007: Tạp chí Xưa & Nay cùng NXB Trẻ tổ chức “Tuần lễ sách Sơn Nam” tại tòa soạn tạp chí Xưa & Nay (181 Đề Thám, Q.1- TP.HCM).
2008: Từ trần thọ 83 tuổi, an táng tại Công viên Nghĩa trang Bình Dương - xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (Bình Dương).
2010: Khánh thành Nhà lưu niệm Sơn Nam tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang).
(nguồn: Lê Minh Quốc: Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê - NXB Kim Đồng - 2011)
Cùng một chủ đề:
< Lùi | Tiếp theo > |
---|