TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Hãy là con kiến hiền lương

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Hãy là con kiến hiền lương

(MT 757 - 17/11/2006)

Vừa ra mắt tập thơ Hành trình của con kiến http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/733-hanh-trinh-cua-con-kien.html, được trên dưới 20 tờ báo giới thiệu, nhà thơ Lê Minh Quốc có buổi trò chuyện với bút nhóm Vòm Me Xanh và câu lạc bộ Đi Dưới Mưa Hồng báo Mực Tím.

“Câu hỏi hay nhưng... khó nhỉ!” Nhà thơ Lê Minh Quốc đã liên tục kêu lên như vậy trong suốt buổi giao lưu. Bạn hãy cùng xem các bạn trẻ “bắt bẻ” nhà thơ như thế nào nhé!

1. Có bao giờ nhà thơ bị “bí” đề tài? Thế nào là một bài thơ hay?

Khi sáng tác, tôi không tự đặt cho mình trước một đề tài. Tôi chỉ viết khi cảm xúc đến và thường để cảm xúc cuốn tôi đi. Trong văn chương, nhiều khi cố tình trồng hoa thì hoa không nở, vô tình chiết liễu thì liễu lại đơm hoa. Có những lúc tôi đang chạy xe trên đường thì cảm xúc bất ngờ đến, tôi dừng xe và ghi lại những dòng thơ.

Bài thơ hay là bài thơ có ẩn giấu nhiều tầng ý nghĩa, những điều sâu xa. Tuy nhiên, khó có một qui định chặt chẽ cho một bài thơ hay. Khi bài thơ nào đó làm bạn xúc động, thì đấy cũng chính là bài thơ hay, dù chỉ hay với riêng bạn mà thôi.

2. Đại đa số người đọc thường không hiểu được những bài thơ sâu sắc và dần xa thơ. Nhà thơ nghĩ sao về việc này?

Trước đây, hiện nay và sau này, tình hình này sẽ luôn là như vậy. Không biết có quá đáng không nhưng tôi xem văn xuôi là cơm - gạo còn thơ là cơm - gạo chưng cất thành rượu. Hiểu được thơ hay bao giờ cũng khó.

Vừa ra mắt tập thơ Hành trình của con kiến, được trên dưới 20 tờ báo giới thiệu, nhà thơ Lê Minh Quốc có buổi trò chuyện với bút nhóm Vòm Me Xanh và câu lạc bộ Đi Dưới Mưa Hồng báo Mực Tím.Vấn đề ở chỗ có những người viết còn không hiểu chính thơ mình! Họ cố tình viết rối rắm mà không sâu sắc. Tôi nghĩ người viết cần quan tâm đến ngôn từ, phải học, phải đọc của bạn bè, của người đi trước, ca dao tục ngữ và những người bình dân. Chẳng hạn như nhà văn Tô Hoài học được chữ “mạ ngồi” (nghĩa là mạ nhú lên) của người lao động để đưa vào tác phẩm của mình.

3. Nhà thơ Lê Minh Quốc đồng thời cũng là một nhà báo. Nếu chỉ được chọn hoặc là nhà báo, hoặc là nhà thơ, thì nhà thơ chọn gì?

Với từ “nếu” thì người ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai! Tôi hiện vừa là nhà báo, vừa là nhà thơ, đó là thực tế, không phải giả thuyết!

4. Nhà thơ nghĩ gì về thơ trẻ hiện nay? Có phải có rất nhiều tác giả trẻ làm thơ nhưng hầu như chưa có gương mặt nào nổi bật?

Tôi đồng ý với bạn hiện chưa có gương mặt trẻ nào nổi bật. Nhưng chúng ta hãy cho các nhà thơ trẻ thời gian để chín. Ít nhất mười năm nữa, nhìn lại mặt bằng thơ ngày hôm nay, chúng ta sẽ có cái nhìn chính xác hơn.

Một số nhà thơ trẻ hiện nay đang chú ý đến cách tân hình thức. Cách tân hình thức cũng tốt nhưng đó không phải là tất cả. Thơ cần phải đánh động lòng trắc ẩn của con người.

5. Nhà thơ hãy nói về Hành trình của con kiến.

Người ta thường bảo thân phận nhỏ bé là thân phận con sâu cái kiến. Người làm thơ cũng nhỏ bé như thế đó. Đạo Phật nói vũ trụ có 3.000 thế giới. Nhưng trong hành trình của con kiến, tôi muốn bày tỏ rằng mỗi người là một vũ trụ, một thế giới. Mình không thể hiểu chính mình thì hãy nhẹ lòng khi có ai đó chưa hiểu được mình. Mỗi người chỉ là một con kiến nhỏ bé trong cuộc sống, nhưng hãy là con kiến hiền lương!

LAN THƯƠNG ghi

Nhà thơ Lê Minh Quốc (x) chụp ảnh kỉ niệm với độc giả Mực Tím

http://www.muctim.com.vn/Vietnam/Van-hoc/Di-duoi-mua-hong/2006/11-17/8180/

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com