TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Tôi không đọc cuốn sách nào thấy hài lòng…”

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Tôi không đọc cuốn sách nào thấy hài lòng…”

Trào lưu sex trong văn chương đương đại

Kỳ 3:

Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Tôi không đọc cuốn sách nào thấy hài lòng…”

Sex trong văn chương không phải là đề tài mới mẻ, nhưng sự có mặt một cách bất thường (cả bất thường về nội dung diễn đạt) những năm gần đây, dù quan trọng hay cần thiết đến đâu thì văn học tả sex đa phần bị dư luận lên án. Buồn thay, dường như bất chấp dư luận, các nhà văn vẫn cứ mặc nhiên đua nhau thể hiện. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Lê Minh Quốc về đề tài này.

PV: Thưa nhà thơ, anh nhận định sao về tình hình văn học trẻ đương đại mà chất sex được “phủ sóng” như hiện nay?

Nhà thơ Lê Minh Quốc:

- Sex lâu nay trong văn chương đã đề cập nhiều, vấn đề là cách thể hiện như thế nào để công chúng tiếp nhận không thấy thô vụng. Trên thế giới có nhiều nhà văn đạt đến trình độ sâu thẳm khi viết về sex, đáng để người ta phải chiêm nghiệm. Vũ Trọng Phụng từng viết Làm đĩ, hai từ ấy thoạt nghe đã rất… sex nhưng tác phẩm qua đó lại nói về thân phận, nỗi khổ của kiếp người bán thân nuôi miệng. Hay Hồ Xuân Hương chẳng hạn, chỉ với một câu thơ của bà thôi đã gửi bao nhiêu thông điệp về sex rất đáng suy ngẫm chứ không như những trang viết dài hơi, đơn thuần miêu tả sự việc. Còn các cây bút trẻ bây giờ vì muốn thông qua đề tài có phần “cấm kỵ” này nhằm dễ gây sự chú ý bạn đọc, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hầu hết họ có một nội lực tả sex chưa đủ tầm nên khi tả cảnh “giường chiếu” một cách chi tiết nhưng rất thô vụng khiến bạn đọc khó lòng chấp nhận.

lmqdtq

Nhà thơ Lê Minh Quốc (trái) và nhà thơ Đỗ Trung Quân trong một buổi hội thảo về văn chương. Ảnh: K.N

Như anh nói, đề tài này là cấm kỵ?

- Chữ “cấm kỵ” của tôi để trong ngoặc kép. Theo tôi, với văn chương thì không có đề tài nào là cấm kỵ, nhưng viết như thế nào đòi hỏi ở năng lực, khả năng thẩm thấu, vốn ngôn ngữ của nhà văn. Và trên hết, nhà văn ấy viết vì tự thân đam mê đề tài hay chạy theo mốt thời thượng. Khi viết sex, hầu như chỉ có hai khuynh hướng mà tác giả muốn gửi gắm: Một là tạo sự chú ý, bởi đề tài đó lâu nay ít người khai thác. Hai là họ tự thân muốn viết nhưng bản lĩnh ngôn ngữ chưa đạt đến mức độ thẩm mỹ. Tôi chưa đọc cuốn nào của các cây bút trẻ viết sex hiện nay mà thấy hài lòng.

Vậy, chất sex phải được đưa như thế nào để bản thân anh nói riêng và bạn đọc cầu thị các giá trị văn chương nói riêng cảm thấy chấp nhận được?

- Sex là một đề tài khó, không dễ viết. Vì con người ai cũng có nhu cầu nhưng khi viết để chia sẻ là điều không dễ, huống hồ “thay mặt ai đó” để nói lên. Với đề tài này, mỗi người có một cách cảm nhận riêng. Sự cảm nhận đó không phải tác giả nào cũng đủ sức biểu cảm, diễn đạt được. Trong tình hình văn chương sa đà tả sex hiện nay, bạn đọc khi tìm đến tác phẩm vẫn chỉ hai xu hướng: Một để thỏa mãn tò mò và hai là sự hấp dẫn đích thực của tác phẩm ở góc độ văn chương. Tuy nhiên, đa phần khi săn lùng những tác phẩm sex, hầu hết người ta vì tò mò muốn coi tác phẩm đó viết như thế nào. Nhưng tôi cam đoan là bạn đọc chỉ đọc một lần, hoặc nhìn lướt qua rồi bỏ đi! Bởi thực tế, các tác phẩm hiện tại chỉ mang một tầng nghĩa và miêu tả một cách quá trần trụi. Trong khi tác phẩm văn chương không làm chuyện đó. Văn chương phải đa nghĩa, ẩn sâu giữa hai tầng nghĩa. Đa thanh, đa chiều thì mới gợi sự tưởng tượng phong phú của bạn đọc.

Một tác phẩm ra đời tự thân sẽ quyết định sự tồn tại của nó. Hay thì đứng được với thời gian, trong lòng độc giả thôi. Văn chương là sự cảm nhận của mỗi người. Còn người cầm bút thì phải tạo vị trí, chỗ đứng riêng của mình.

Có ý kiến cho rằng các tác giả đang chạy theo mốt và vì… bí đề tài nên mới đưa chất sex một cách trần trụi vào văn học, anh nghĩ sao?

- Thực tế, không có chuyện bí đề tài mà vì nhà văn muốn khám phá ở nhiều đề tài, nhiều góc độ hơn. Có đề tài họ viết thành công thì hẳn có đề tài rủi ro thất bại. Điều đó là bình thường. Nhưng nếu viết sex thô tục thì không khác gì người ta xem một bức ảnh nude, sau đó lập tức họ sẽ quên và tìm đến bức ảnh khác ngay thôi. Nếu một tác phẩm văn chương đóng vai trò như thế thì liệu “tác phẩm” đó có xứng đáng để gìn giữ trong tủ sách gia đình không? Có đáng để đọc lần thứ hai không?

Vậy nhà văn viết sex hẳn vì mục đích “câu khách”, “câu tiếng”, “câu tiền”?

- Trong thị trường sách văn học ngày nay, việc xuất bản một tác phẩm văn chương giống như đem hạt muối ra bỏ biển. Có ai để ý đâu! nếu không có sự quảng bá, PR đủ mọi chiêu trò. Một tác phẩm ra đời đừng nói đến giá trị văn chương trong thời buổi này khi mà nó chỉ được xem như một hàng hóa, muốn đến tay người tiêu dùng thì phải có biện pháp quảng bá thôi. Đây là thời đại của tiêu dùng, nếu quảng bá tốt thì sẽ trở thành cuốn bestseller và ngược lại. Nói như thế không phải tôi phủ nhận giá trị những cuốn sách bestseller đích thực. Tôi muốn nhấn mạnh rằng một cuốn sách giá trị, bán chạy phải hay, được quảng bá tốt, nhờ sự chung tay vào cuộc của chính nhà văn và một tổ chức PR chuyên nghiệp. Ví như một cô gái đẹp, cứ ở nhà mãi thì không ai biết đến, còn một cô nhan sắc bình thường, thậm chí xấu đi chăng nữa khi được quảng bá, lăng xê thì chắc chắn công chúng biết đến nhiều hơn. Văn học nói chung và tác phẩm văn chương sa đà tả sex nói riêng cũng thế.

Nói như anh, nghĩa là trong “biển” sách ngày nay, bạn đọc thật khó để tìm một món ăn tinh thần đích thực, ở đó mình thấy hài lòng và không tiếc tiền mua?

- Sự lựa chọn trong thời buổi này rất đa dạng, phong phú. Mỗi người một lựa chọn. Ở góc độ khác, tiểu thuyết hay truyện có loại dành cho trí thức, có loại cho bình dân và nhà văn có đối tượng riêng của họ. Thời đại này, bạn đọc phải tự chọn thức ăn cho mình. Nếu không bản lĩnh hay có người hướng dẫn thì lẽ tất nhiên, sẽ ăn nhầm một món ăn độc, không có lợi cho sức khỏe thôi.

Xin cảm ơn nhà thơ!

TUYẾT DÂN (thực hiện)

(nguồn:Báo Giáo dục TP.HCM  9.7.2012 )

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com