TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: "Con mắt trẻ thơ gương mặt người già"

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: "Con mắt trẻ thơ gương mặt người già"

Thứ bảy, 22 Tháng 10 2011 09:26

Ngoài thơ, Lê Minh Quốc còn mấy chục đầu sách về biên khảo. Người này cực kỳ ham chơi, đã  nhậu là say sa đà luôn, vậy mà không biết lấy thời gian đâu ra để làm đủ thứ như vậy, cũng nghịch lý như tâm tính anh, hồn nhiên, ngơ ngác mà viết thơ cay đắng, lắm lúc buông tuồng…

Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại TP.Đà Nẵng, hiện công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã in: “Trong cõi chiêm bao” (1989 - NXB Văn Nghệ TP.HCM), “Ngày mai còn lại một mình tôi” (1990 - NXB Trẻ), “Thơ tình Lê Minh Quốc” (1995 - NXB Trẻ), “Tôi vẽ mặt tôi” (1994 - NXB Văn hóa Thông tin), “Nếu không còn cổ tích” (1997 - NXB Đồng Nai), “Đất bên ngoài Tổ quốc” (in chung với Đoàn Tuấn - 1998 - NXB Văn Học), “Yêu em, Đà Nẵng” (1999 - NXB Trẻ), “Tôi chạy theo thơ” (2003 - NXB Trẻ), “Hành trình của con kiến” (trường ca 2006 - NXB Trẻ), “Thơ tình của Quốc” (2010), “Sơn Nam - hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (2011)…

leminhquoc1

Lao lực với trang viết là hạnh phúc


Lê Minh Quốc là một trong những người Quảng làm báo - viết văn - làm thơ thành danh tại Sài Gòn. Trong bộn bề công việc ấy, anh vẫn lách mình qua khe hẹp bận rộn để viết. Bởi với anh, lao lực với trang viết là hạnh phúc, là niềm vui của người lương thiện. Anh tâm sự:

- Chưa bao giờ tôi thèm được viết như lúc này, nhưng rồi công việc của một công chức đã lấy hết thời gian. Từng ngày lặp lại, cứ thế lặng lẽ trôi qua. Không có thời gian nào để có thể tập trung cho chuyện viết lách. Quyển “Sơn Nam, Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (NXB Kim Đồng) vừa phát hành ngày 10.10.2011 là một nỗ lực tận dụng thời gian ít ỏi. Hiện nay, tôi đang chỉnh lý, bổ sung lại quyển “Người Quảng Nam”. Quyển biên khảo này đã in đi in lại nhiều lần, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, vẫn muốn bổ sung thêm. Nhất là về hình ảnh, tư liệu mới, thậm chí phải làm cả niên biểu Quảng Nam nữa.

- Ở một thành phố náo nhiệt như Sài Gòn, có khi nào anh thấy thơ lạc lõng không?

- Không riêng gì Sài Gòn, bất kỳ ở một nơi xó xỉnh nào, tôi nghĩ, thơ vẫn không còn có chỗ đứng. Để hiểu, để cảm và chia sẻ một câu thơ, có khi người ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ ấy, nhưng mấy ai kiên nhẫn? Thơ lặng lẽ đi qua cuộc đời này. Không ai thèm nhìn thấy nó. Thời buổi này, các phương tiện nghe nhìn đã là thống soái. Thơ như ngọn gió đi qua trần gian này. Ai nhìn thấy gió? Thì ra, gió vẫn hiện hữu quanh đây đấy thôi! Bền lòng, cũng là tâm thế của nhiều người suốt đời sống quyết liệt với thơ.

- Đọc “Thơ tình của Quốc” vừa xuất bản, thấy một Lê Minh Quốc lúc bất lực, lúc ngạo đời khinh khi, lúc van nài được sống, có lúc lại quay quắt cô đơn và yếu mềm. Vậy đâu là chân dung tự họa của anh?

- Đã có lần tôi “tự bạch” về mình. Nay đọc lại vẫn thấy những đường nét đã cày trên gương mặt vẫn chưa đổi khác. Đại khái: “Anh vẽ anh chân dung không rõ nét/ Con mắt trẻ thơ gương mặt người già/ …Anh vẽ anh muôn thuở mới lên ba/ Muôn đời tập đi muôn năm tập nói/ Tập nói như sông tập đi như suối/ Tập đời mình phải có một cái tên/ Tập vở nào ghi dòng chữ đầu tiên/ Anh đã viết tên một người lương thiện”… Làm một người lương thiện trên đời này khó quá đi chứ? Tôi đã nhìn thấy rằng: Trong tình ái, tôi là người tình “trên cả tuyệt vời”. Trong hôn nhân, tôi là người đàn ông thất bại. Trong thơ, tôi là người thủy chung. Trong công việc, tôi là một công chức lúc nào cũng phải cố gắng một cách mệt mỏi, cam chịu để có thể được gọi mẫn cán. Trong đám đông, tôi là người sa đà, nể nang, dễ bị bạn bè lôi cuốn… Nhưng thôi, cứ làm hết sức mình với tâm thế đừng cầu mong, đừng mưu toan một điều gì cả. Được làm công việc mình yêu thích, được lao lực với trang viết, nghĩ cho cùng cũng là một hạnh phúc, một niềm vui của người lương thiện.

Kiêu hãnh là người Quảng

Phải nói rằng rất dễ nhận ra những người Quảng làm nghề viết lách tại Sài Gòn. Bởi họ không chỉ “rặt Quảng” trong giọng nói mà cả trong từng tác phẩm. Lê Minh Quốc cũng không ngoại lệ.

- Chất Quảng Nam trong anh hiện giờ còn được bao nhiêu sau nhiều năm ăn nằm với Sài Gòn?

- Mãi đến bây giờ, nhiều người vẫn không thể lý giải được vì sao tôi luôn là nhân vật được HTV, VTV mời phát biểu trên truyền hình. Đẹp trai? Xoàng. Thông minh? Không thể. Nói năng lưu loát? Cũng không. Thưa, chính là tôi còn giữ lại được… giọng Quảng Nam đặc sệt. Dù không cố tình, nhưng nó lại trở thành “đặc sản” khi người ta muốn nghe cái giọng nói ấy. “Quê nhà ở tận đâu đâu/ Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà/ Ở gần đây chớ đâu xa/ Nghe giọng nói nhớ quê nhà vậy thôi”. Thế thì, tự thăm thẳm tâm hồn mình, tôi vẫn luôn kiêu hãnh vỗ ngực xưng tên và tự hào mình vẫn là người Quảng Nam. Mỗi năm, tôi đều có dịp về quê. Đó là thời gian để tôi nạp lại năng lượng cho chính mình.

- Thơ anh và  thế hệ anh, bây giờ đã phải xếp vào loại già chưa?

- Tôi không rõ ý nghĩa của từ “loại già” ở đây. Từ sau 1975 đến nay, thế hệ làm thơ chúng tôi ra đời và trưởng thành. Thời gian sàng lọc, loại bỏ và giữ lại. Trong thơ, theo tôi không có già và cũng chẳng có trẻ. Còn làm được thơ nghĩa là vẫn đang trẻ, đang sung sức. Có người 81 tuổi, nhưng viết được những câu thơ trẻ trung phơi phới nõn nà như vừa 18. Ngược lại đã có người 18 lại viết những câu thơ già nua như bóng xế cuối ngày…

- Thơ làm nên một Lê Minh Quốc nhà thơ, vậy lĩnh vực báo chí thì có nghĩa gì với anh?

- Trong tập trường ca “Hành trình của con kiến” (NXB Trẻ - 2005), tôi đã viết: “Mặt đạo mạo/ đi láo nháo/ tìm sục sạo/ ngày lại ngày/ cày vẫn cày/ mồ hôi chảy/ đẫm trang giấy/ bở hơi tai/ qua ngày mai/ lại đôn đáo/ từng bài báo/ kiếm cơm...”.

- Thơ Sài Gòn, theo anh, bây giờ thế nào? Và sự góp mặt của thơ cách tân, hậu hiện đại… theo anh bây giờ đứng ở đâu?

- Ầm ĩ, nhốn nháo, huênh hoang, tuyên ngôn, tuyên bố cho dù có kinh khiếp đến mức nào đi nữa thì cũng thế thôi. Thơ Sài Gòn không tách ra ngoài dòng chảy của thơ Việt Nam hiện đại. Thơ phải nói lên “một cái gì” về nội dung, về tư tưởng. Thú thật, tôi không quan tâm đến cái gọi là hậu hiện đại, cách tân. Tôi thích đọc những câu thơ đã nói hộ lòng mình những điều trắc ẩn, hơn là đọc những câu thơ ngô nghê, ngọng nghịu và khoác lên đó một chiếc áo thời thượng với mỹ từ vô nghĩa… Nhưng thôi, mỗi người đều có quyền chọn cho mình cách chơi, nếu tự thân muốn chơi theo kiểu A hoặc B, C; chứ không vì bắt chước để chơi giống người khác.

- Trong thơ hiện nay, anh đang “đứng” ở đâu?

- Không có tham vọng phải tuyên ngôn một điều gì, tôi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là khai thác đến tận cùng cảm xúc của tâm trạng mình. “Nào ai biết trong câu thơ tẻ nhạt/ trong tro tàn tẻ nhạt/ trong đám đông tẻ nhạt/ vẫn không nguôi nuôi dưỡng một mầm xanh?”. Thì ra, gìn giữ “mầm xanh” của thơ trong tâm hồn mình, nhất là với một nhà báo công chức như tôi đã là một nỗ lực tự thân, một phấn đấu. Điều đó khiến tôi quan tâm nhiều hơn.

TRUNG VIỆT (thực hiện)

http://www.baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/109-ca-phe-cuoi-tuan/33686-nha-tho-le-minh-quocqcon-mat-tre-tho-guong-mat-nguoi-giaq.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com