Thứ Tư, 25/03/2009 12:25
(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, NXB Trẻ vừa ấn hành bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam (10 tập) của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc. Chưa tính đến giá trị học thuật của “công trình” này, chỉ riêng việc một người đã đầu tư công sức và tâm huyết trong vòng 10 năm để “làm việc” - có thể so sánh bằng lao động của một tập thể đủ để những ai làm nghề phải… thán phục.
Nhà thơ Lê Minh Quốc đã trò chuyện với TT&VH xung quanh bộ sách và công việc viết sách liên quan đến lịch sử hiện nay.
* Tại sao anh chọn thể loại “kể chuyện” để chuyển tải những thông tin, tư liệu mà anh sưu tập được từ các danh nhân?
- Khi thực hiện đề cương cho bộ sách này, tôi đã đọc lại bộ sách giáo khoa môn sử và phát hiện ra rằng, người ta đã dạy sử, viết sử cho học trò bằng văn phong hành chánh, văn phong biên soạn các tài liệu chính trị. Chẳng hạn, theo SGK 7 khi đánh giá về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: “Nhân dân có lòng yêu nước, bất khuất, quyết tâm giành độc lập, đoàn kết, có đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu đứng đầu, biết dựa vào dân, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng đất nước...” (trang 93).
Với “mô hình” đánh giá rất chung chung này, chỉ cần thay đổi một số từ là có thể áp dụng cho các cuộc khởi nghĩa khác. Đơn cử, khi đánh giá về phong trào Tây Sơn, ta vẫn thấy SGK lặp lại những “gạch đầu dòng” ấy (tr. 131)!
Đọc sử và học sử nhằm rút ra được bài học từ mỗi sự kiện của quá khứ để vận dụng cho tương lai mới là điều chúng ta cần hướng đến. Chẳng hạn về cuộc kháng chiến đời Trần nếu ta làm nổi bật câu nói như “Đầu tôi chưa rơi xin bệ hạ đừng lo”, “Nếu muốn hàng giặc, bệ hạ hãy chặt đầu tôi”, “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”... thì người đọc sẽ thích thú, sẽ nhớ lâu hơn các con số, sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa của cuộc kháng chiến. Muốn như thế, tôi chọn cho mình cách “kể chuyện” để bày tỏ thái độ, tình cảm của mình nhằm chuyển tải các sự kiện lịch sử.
* Nói đến đầu tư làm những công trình liên quan đến lịch sử, hiện nay rất nhiều ngành, địa phương làm việc này khá tốn kém, và họ chỉ làm nhân dịp có các sự kiện liên quan đến ngành, địa phương mình. Làm báo lâu năm, xin anh nhận xét đôi chút về thể loại sách “nhân dịp” - hay còn gọi là “sách cúng cụ”?
Kể chuyện danh nhân Việt Nam
- Hiện nay có một số người, nhóm người nhân danh “nhà nghiên cứu, tiến sĩ” của Viện này, Hội nọ hiện chuyên sống bằng nghề... làm địa chí, làm sách kỷ niệm cho các địa phương! Những tập sách “thời vụ” kiểu này chỉ là một cách “giải ngân” hợp pháp mà thôi. Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta làm sách với mục đích “cúng cụ” nhằm chia chác ngân sách của Nhà nước thì không thể có được những bộ sách chất lượng tốt. Chỉ xin nêu một thí dụ gần đây nhất, bộ Từ điển bách khoa Việt Nam là công trình cấp Quốc gia nhưng cũng nhiều sai sót mà báo chí đã lên tiếng. Điều này có thể châm chước, vì công trình nào cũng khó có thể hoàn chỉnh một cách mỹ mãn. Nhưng điều đáng phê phán nhất khi chính các nhà trí thức lại “rút ruột” công trình mà Thanh tra chính phủ phải vào cuộc làm rõ! Nếu bạn cho rằng tôi bịa chuyện thì xin cứ vào Google gõ cụm từ “Thanh tra cơ quan Hội đồng biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam” thì sẽ nhận được hơn 100.000 kết quả! Công trình cấp Nhà nước còn thế, thử hỏi sách thực hiện kiểu này ở cấp địa phương, ban ngành đoàn thể thì có đáng tin cậy không?
* Được biết nhuận bút cho bộ sách này khá cao, anh có thấy nó “bù đắp” được công sức 10 năm mình đã bỏ ra?
- Thưa, làm sao có thể tính được giá trị của giọt mồ hôi khi lật kiếm từng trang tư liệu? Làm sao tính được giá trị của niềm vui khi mình phát hiện ra một chi tiết thú vị mà chỉ có thể biết đến trong quá trình viết hoặc tra cứu tài liệu? Dù vậy, vấn đề nhuận bút cũng không thể bỏ qua. Thú thật, lâu nay tôi chỉ sống được bằng nghề viết báo (hiện Lê Minh Quốc làm Trưởng ban Văn nghệ báo Phụ nữ TP.HCM - PV). Còn thu nhập từ bộ sách này, không kể nhuận bút trước đó, nay tôi chỉ nhận chưa đến 100 triệu đồng. 100 triệu chia cho 10 năm, hỏi có nhiều không?!
* Biện soạn xong bộ sách, anh rút ra được điều gì đáng để học hỏi và suy ngẫm từ các danh nhân nước Việt?
- Tùy theo từng lãnh vực của các danh nhân mà tôi đã rút ra cho mình từng bài học khác nhau. Tuy nhiên, tôi xin nêu một trong hàng trăm điều đáng để chúng ta suy ngẫm vì vẫn còn rất thời sự. Chẳng hạn, mẩu chuyện nhỏ mà Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) - ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - có kể: “Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, đến cả bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “Để ruộng thì về sau con cháu dễ bán cả mẫu, để cối đá thì phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây tôi hỏi thăm thì biết cối đá đã bán gần hết! Lại có một quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dỡ ra mà bán. Nay con cháu cũng đã bán cả nhà lẫn đất rồi!”.
Vậy đó, tôi tự hỏi: Thương con thì ta để của, cho nó một cái nghề, hay một tri thức?
Kể chuyện danh nhân Việt Nam dày 2.574 trang đề cập đến 207 nhân vật thuộc 10 lĩnh vực khác nhau (mỗi lĩnh vực 1 tập): Các vị tổ ngành nghề VN, Những người VN đi tiên phong, Danh nhân khoa học VN, Danh nhân văn hóa VN, Danh nhân quân sự VN, Danh nhân cách mạng VN, Những nhà cải cách VN, Các vị nữ danh nhân VN, Danh nhân sư phạm và Các nhà chính trị. Bộ sách sau khi phát hành đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo chọn làm sách tham khảo trong trường THPT. Hiện nhà thơ Lê Minh Quốc tiếp tục bổ sung các danh nhân chưa đề cập trong bộ sách đã phát hành cho lần tái bản sắp tới.
Hoàng Nhân (thực hiện)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|