TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Cãi nhau với LÊ MINH QUỐC

Cãi nhau với LÊ MINH QUỐC

Không phải là nhà dân tộc học, cũng chẳng phải nhà Quảng học, nhưng với một tình yêu đất quê sâu nặng, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết cuốn Người Quảng Nam khá độc đáo, kết hợp giữa biên khảo, bút ký điền dã, tản văn và cả ngẫu hứng thi ca... Để bàn thêm những điểm thú vị của tập sách này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lê Minh Quốc.

cai-voi-lmq


*Thưa anh, xin được mở đầu cuộc trò chuyện này bằng hai câu thơ: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà sa”y. Theo anh thì rượu Hồng Đào hoàn toàn không có thật và anh đã lý giải theo kiểu của anh trong tập sách người Quảng Nam. Chuyện này, chắc chắn người Quảng Nam còn… cãi nhiều. Ở đây, tôi thử đặt ra vấn đề câu thành ngữ: “Quảng Nam hay cãi”; và đặt nó trong toàn bộ bài vè:Quảng Nam hay cãi/Quảng Ngãi hay lo/Bình Định nằm co/Thừa Thiên ních hết. Theo tôi thì mấy câu này cũng có thể là đặt cho có vần. Vì ở địa phương cũng có người “hay cãi”, người “hay lo”, người “nằm co” và người “ních hết”. Anh có… cãi chuyện này không?

-Tất nhiên là... cãi. Ở địa phương nào cũng có những con người với những tính cách như anh đã đã nêu. Nhưng để tính cách ấy trở thành sự đặc trưng của cả một vùng đất, như “Quảng Nam hay cãi” thì đó là cả một quá trình lâu dài. Dẫu rằng, địa phương nào cũng có người “hay cãi”, nhưng chắc chắn họ không thể cãi một cách quyết liệt, dữ dội, bền bỉ - hay nói cách khác, là “thủy chung” cái sự cãi cho bằng người Quảng Nam. Điều này trong tập sách Người Quảng Nam tôi đã góp phần lý giải.

Ở đây, tôi chỉ nêu hai thí dụ:

Một: Nhìn lại sự kiện “Ngũ phụng tề phi”, mặc dù có ca ngợi tinh thần hiếu học làm rạng danh đất Quảng Nam - nhưng Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vẫn lấy làm tiếc khi “ngũ phụng” không để lại cho hậu thế một sự nghiệp chính trị, văn hóa, học thuật nào đáng kể. Cái sự “lấy làm tiếc” trong trường hợp này thiết tưởng chỉ có ở người Quảng Nam. Dù sự kiện trên làm rạng danh đất học xứ Quảng, làm sáng giá mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên nhưng họ vẫn chưa thật sự ưng ý. Họ vẫn đòi hỏi cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở đó. Phải có một bản lĩnh phi thường, họ mới dám đem cái danh xưng đáng tự hào kia ra thẩm định và bình luận. Nói rộng ra, tính cách của người Quảng Nam là muốn đi vào thực chất của sự việc, dù được khen nhưng nếu cảm thấy chưa thật sự xứng đáng với lời khen đó, thì họ cũng từ chối. Chao ôi! Người Quảng thật bụng thật lòng (và thật thà) đến thế là cùng.

Hai: Lâu nay, con dân xứ Quảng vẫn thường tự hào về tài cầm binh thao lược của Ông Ích Khiêm và nhiều nhà viết sử cho rằng, chính ông là người đã cha đẻ kế hoạch dùng trái mù u đánh Pháp! Điều này không sai, trong lời ăn tiếng nói của người Quảng còn nhớ:

Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ

Chuyện trăm năm còn kể trận mù u

Hội ni ngó bộ không xong

Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng

Có lẽ chính vì thế, nhà nghiên cứu Lâm Quang Thự khẳng định “chắc nịch”: “Quân Pháp thường hành quân trên các nẻo đường làng. Biết quân Pháp thường mang giày dưới đế đóng đinh, Ông Ích Khiêm bèn ra lệnh cho dân chúng nhặt thật nhiều quả mù u, rồi cho quân mang theo những giỏ thật đầy mù u phục kích các ngã đường mà giặc hay đi qua. Khi quân Pháp kéo qua, quân ta đổ ra đánh, vừa đánh vừa chạy và rải quả mù u đầy đường. Quân Pháp đang đà đuổi theo quân ta thì giẫm phải quả mù u, trượt chân ngã lăn, quân ta xông vào diệt. Trong trận này, địch chết rất nhiều, máu nhuộm đầy đường”. Thoạt đọc qua, ta thấy cũng có lý lắm chứ. Tôi chưa thấy nhà sử học nào phản bác lại. Nhưng kỳ lạ thay, chính… người Quảng Nam không thuận tình, bèn… cãi!

Người trước nhất có lẽ là nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân, ông cương quyết bác bỏ lập luận về việc sử dụng mù u trong chiến thuật của Ông Ích Khiêm; kế đến nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô cũng cãi, nhưng có phần dè dặt hơn: “Theo suy luận lôgic của ngành Folkclo học thì điều gì không có, chắc chắn sẽ không được nhân dân nhắc đến và lưu truyền. Dù sao, có lẽ trận mù u chắc không gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, nếu có thì họ đã ghi vào nhật ký “Chinh phục phương Đông” của mình rồi”.

Thêm chuyện này, ta lại thấy rõ hơn tính cách của người Quảng, cho dù có được khen, được ca ngợi nhưng nếu không hợp tình hợp lý thì họ cũng… cãi!

*Thưa anh, nói  “về thổ âm, thổ ngữ xứ Quảng, chúng tôi thấy có nhiều từ ngữ rất “đắc địa”, hoàn toàn không có trong từ điển tiếng Việt. Ví dụ: để chỉ một người có tính cà chớn, lếu láo…người Quảng gọi là “ba nhe”. “Ba nhe” là sao? Là… ba-nhe. Thật khó giải thích, khó thẩm thấu nếu không phải là người Quảng. Một đề xuất làm cuốn từ điển tiếng Quảng là cần thiết và thú vị. Nhưng tại sao vẫn chưa thấy ai làm?

-Chưa ai làm, chứ không phải không ai làm. Tôi tin rằng, rồi sẽ có người làm việc này. Mà không riêng gì về từ điển Quảng Nam, nếu các địa phương khác cũng có thì những công trình tương tự thì qua đó, ta sẽ thấy tiếng Việt của mình phong phú biết chừng nào. Thú thật cho đến nay, tôi vẫn khao khát, thèm khát được  đọc một quyển từ điển về tiếng Quảng tương tự như quyển Từ điển tiếng Huế của ông Bùi Minh Đức. Rất đỗi thèm. Ông Đức là người Huế, hiện sống tại California mà vẫn làm được một công trình tầm cỡ trên một ngàn trang in khổ lớn, in tại Việt Nam như một món quà dành cho quê nhà. Còn ta, ta đang sống trên quê nhà, từng ngày hít thở không khí của quê hương mà vẫn không bắt tay vào làm thì xấu hổ thật. Nếu ai đó thật sự yêu lấy mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, thì cũng đều có thể làm được quyển sách như thế. Đừng sợ thiếu sót, phiến diện. Khi sách ra, sẽ có nhiều ý kiến chân tình đóng góp để bổ sung...

*Đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”, có nhiều nhà yêu nước, chí sĩ nổi tiếng  như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Thoại Ngọc Hầu, Phạm Phú Thứ v.v… Đặc biệt đất Quảng Nam là nơi có rất nhiều người tham gia làng báo, để lại những dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, đây cũng được xem là mảnh đất của các thi sĩ. Theo anh thì giữa làm thơ và làm báo có gì “đụng độ” nhau không, nhất là theo tính cách của người Quảng Nam?

-Thật ra điều này khó có thể đưa ra một nhận định nào, tạm gọi là “chính xác” cả. Ở đây, tôi chỉ xin chủ quan nói rằng, hai công việc trên không hề “đụng độ” nhau mà nó có phần bổ sung cho nhau. Thí dụ, nếu Phan Khôi không làm báo thì ông không thể là người tiên phong nã phát đại bác vào thành trình Thơ cũ để mở ra phong trào Thơ mới qua bài thơ Tình già. Sự kiện kinh thiên động địa này diễn ra vào ngày 10.3.1932. Nhưng nếu Phan Khôi cũng làm báo, nhưng không phải là “Quảng Nam hay cãi” thì cũng không thể thực hiện cú “làm bàn” ngoạn mục như trên. Ở Bùi Giáng cũng vậy. Nếu báo chí là “lửa”, thơ là “mây” thì tay thợ nóng tính, nóng nẩy, quyết đoán là người Quảng Nam đã biết cách dung hòa chúng. Mà anh bạn này, xin nói nhỏ, tôi vẫn đang còn suy nghĩ tại sao những điều ta vừa đặt ra lại không diễn ra một cách tiêu biểu trên mảnh đất Quảng Nam - mà phải là Sài Gòn hoặc ở một địa phương khác? Có phải yếu tố môi trường cũng phần nào tác động nhằm phát huy tột cùng tính cách vốn có của người Quảng?

*Nói về ẩm thực xứ Quảng, đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, có thể quy gọn là hai chữ “no” và “đậm”. Theo anh thì trong chuyện ăn uống này, có thể hiện theo cung bậc tình cảm của người xứ Quảng hay không?

-Đúng như thế. Xin bổ sung thêm, nó còn phản ánh đúng tính cách của người Quảng. Đừng nhìn đâu xa, chỉ cần đi ngược ra phía bắc chừng 100 km, vượt qua bên kia đèo Hải Vân thì ta thấy cái nết ăn uống của người Huế lại khác hẳn người Quảng. Họ ăn uống không nhằm không “no” và “đậm” mà trên mâm ăn phải còn toát lên tinh thần “duy mỹ” nữa. Đó là tính cách của mỗi vùng miền. Chỉ tiếc rằng, lâu này các nhà nhiên cứu chúng ta chúng ta ít lưu tâm đến điều này. Mà hầu như khi tìm hiểu về tính cách, bản lĩnh... của người dân địa phương nào đó họ lại quá chú trọng đến sự kiện lịch sử, hoàn cảnh chính trị xã hội nói chung - hơn là khai thác các yếu tố đời thường mang tính đắc trưng, tiêu biểu như chúng ta vừa đề cập đến. Chính các yếu tố - tưởng rằng rất đời thường, tầm thường kia nhưng lại là một giá trị vật chất không thể chối bỏ nếu ta muốn tìm hiểu một cách chu đáo về tính cách của người dân các vùng miền.

*Nhưng chúng ta đã có nhiều loại sách về địa chí?

-Thưa, có nhiều quyển địa chí biên soạn công phu và có giá trị. Nhưng tôi không tin ở trí tuệ, tài năng, tâm huyết của một nhóm “nhà nghiên cứu, tiến sĩ” nhân danh Viện này, Hội nọ hiện chuyên sống bằng nghề... làm địa chí cho các địa phương! Đây là điều có thật 100%. Những “địa chí” kiểu này chỉ là một cách “giải ngân” hợp pháp mà thôi. Theo tôi, muốn viết địa chí phải là người địa phương sống và lớn lên tại vùng đất đó hoặc yêu dấu vùng đất đó như nơi mình đã sinh ra. Cả một đời họ dành cả tâm huyết nghiên cứu nơi mình đã sống. Đó là người hợp của ông Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam, ông Sơn Nam với Nam bộ nói chung, ôngn Nguyễn Tú với Quảng Bình, ông Quách Tấn với Bình Định v.v... Sách của họ không dày, chừng vài trăm trang nhưng có giá trị thiết thực hơn các bộ sách “địa chí” đồ sộ.

*“Quảng Nam quốc” là một xưng tụng đặc biệt, duy nhất dành cho đất và người Quảng Nam. Tuy nhiên cũng có thể thấy Người Quảng Nam không lấy điều đó như một tấm áo choàng kiêu hãnh khoác lên mình; mà họ luôn sống chân chất, thân thà, trọng nhân nghĩa. Người Quảng Nam đi đâu cũng giữ gốc quê của mình. Ví dụ như ghé vào chợ Bà Hoa ở khu Bảy Hiền ra thấy ở đây không sót một món gì của ẩm thực Quảng Nam. Đặc biệt, thêm một món đặc sản không trộn lẫn đó là… giọng Quảng rặt ròi, đặc sệt. Là một nhà thơ, anh nghĩ gì về giọng nói “người mình”?

-Xa quê hương gặp đồng hương

Mắt đen. Răng trắng. Má hường. Môi thơm

Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn

Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà

Bóng hình này của người ta

Nhưng kìa, giọng nói như là giọng tôi

Hồn quê đặt ở trên môi

Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về

Mơ hồ một bến sông quê

Long lanh mắt biếc xuôi về xốn xang

Chạm vào sợi tóc mênh mang

Vuốt ve sợ tóc nhẹ nhàng thơm lâu

Quê nhà ở tận đâu đâu

Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà

Ở gần đây chớ đâu xa

Nghe giọng nói nhớ quê nhà vậy thôi


TRẦN NHÃ THỤY (thực hiện)
(nguồn:Tuần báo Doanh nhân - số 196 (12-18.6.2007)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com