TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC: "Muốn chống cái xấu phải có tác phẩm tốt"

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC: "Muốn chống cái xấu phải có tác phẩm tốt"


22.04.2009 20:31

Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành bộ sách "Kể chuyện danh nhân Việt Nam" 10 quyển do nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn. Nhiều danh nhân kinh tế, văn hoá, khoa học, chính trị, quân sự… của Việt Nam đã được tác giả dựng lại theo lối “kể chuyện” khá lôi cuốn. TBKTSG vừa trao đổi với tác giả bộ sách này…

small_1240407063.nv

PV: Thưa anh, từ hơn 10 năm trước, ý tưởng nào làm anh bắt tay viết bộ sách này?

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Có một thông tin mà chắc là anh còn nhớ, đó là vào khoảng thập niên 1990, trong nhà trường đã rộ lên việc các học sinh chuyền tay nhau các “sách đen” về tình dục như Chú Kim, Cô giáo Thảo v.v... đã khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Trước hiện tượng đáng lo ngại này, Thành Đoàn TP. HCM đã gặp gỡ một số anh em viết văn trẻ để đặt hàng viết các tác phẩm dành cho tuổi mới lớn. Muốn chống lại cái xấu phải có tác phẩm tốt để các bạn sinh viên học sinh đọc.

1240407043.nv

Giao lưu với SV ĐH Cần Thơ ngày 22.5.2009

Thực hiện chủ trương này, Tủ sách Áo Trắng, tập san Tuổi Hồng... của NXB Trẻ lần lượt ra đời. Sau khi viết một vài cuốn truyện dài như "Sân trường kỷ niệm", "Về nơi nào để nhớ", "Mùa thu đứng trước cổng trường" thì tôi “hết vốn”. Đang lúc loay hoay tìm cốt truyện mới để viết tiếp thì anh Nguyễn Thế Truật - phó Giám đốc NXB Trẻ - đã gợi ý tôi là nên chuyên tâm viết về tiểu sử, công đức các danh nhân Việt Nam, vốn là loại sách mà nhà văn cùng thế hệ tôi chưa khai thác. Sở dĩ anh Truật “tín nhiệm” vì trước đó tôi đã cộng tác với NXB Văn Học viết những tập truyện danh nhân như "Nguyễn Thái Học", "Dấu ấn Nguyễn An Ninh", "Tướng quân Hoàng Hoa Thám".

Sau khi thảo luận, tôi đã làm xong đề cương chi tiết của bộ "Kể chuyện danh nhân Việt Nam" và được NXB Trẻ thông qua. Ròng rã mười năm trời, tôi toàn tâm toàn ý dành cho bộ sách này. May mắn, gia đình tôi có một kho sách đồ sộ nhờ vậy, tôi có tương đối đủ điều kiện tham khảo nhiều tài liệu để viết. Lúc ấy, tôi viết đến tập nào thì NXB Trẻ đưa ngay vào kế hoạch in ấn phát hành - nhằm kịp thời phục vụ cho học sinh cấp II, III và các bạn sinh viên trong nhà trường.

PV: Anh gởi gắm gì vào bộ sách này?

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Khi bắt tay thực hiện, tôi suy nghĩ rất nhiều đến việc làm thế nào để bộ sách của mình khác với các bộ sách mà giới chuyên môn đã xuất bản.  Cách làm của tôi là sắp xếp các danh nhân lịch sử theo từng chủ đề. Đó là: Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những người Việt Nam đi tiên phong, Danh nhân khoa học Việt Nam, Danh nhân văn hóa Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, Danh nhân cách mạng Việt Nam, Những nhà cải cách Việt Nam, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Danh nhân sư phạm, Các nhà chính trị. Muốn vậy, tôi phải đọc, phải “thẩm tra lý lịch” của hàng ngàn danh nhân để sắp xếp theo từng chủ đề khác nhau. Tất nhiên, sự sắp xếp này chỉ có ý nghĩa tương đối. Có những danh nhân ta có thể đặt ở chủ đề này hoặc ở chủ đề kia mà vẫn hợp lý. Có nhân vật lựa chọn rồi, nhưng chưa đủ tài liệu thì tôi đành khất lại ở tập sau, chẳng hạn như Bí thư Kim Ngọc v.v… Khi thực hiện một bộ sách, ai cũng gửi gắm vào trong đó “một cái gì đó” của mình. Với tôi, viết là học. Bài học của tôi là nhằm lý giải câu hỏi: Vì sao trong bất cứ thời đại nào, đất nước ta cũng có những Con Người đã sống, đã cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, cho cộng đồng? Tất nhiên là họ được “trang bị” tài năng, lý tưởng, nhưng làm sao họ có được tài năng, bối cảnh xã hội thế nào để hình thành lý tưởng ấy? v.v...

PV: Và anh rút ra được bài học gì từ các nhân vật lịch sử này?

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Điều tôi rút ra, qua sự khảo sát ở 207 danh nhân trong 2.574 trang sách, có nhiều điều rất thú vị. Chỉ xin nêu một hai điều thuộc phạm vi lịch sử cận đại. Thứ nhất, sự tự học. Các danh nhân Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn An Ninh, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Xuân Hãn... là một trong hàng ngàn tấm gương hiếu học. Thứ hai, nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một thế hệ thanh niên dấn thân vào con đường cách mạng từ sự kiện đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu và tham dự đám tang của cụ Phan Châu Trinh. Ý thức yêu nước hình thành từ cuộc đấu tranh tự phát ấy để dần dần là sự tự ý thức và có sự lựa chọn khác nhau tùy theo nhận thức của họ.

Hoặc trong chủ đề Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, khi khảo sát các ngành nghề truyền thống, tôi hiểu ra rằng, không phải chỉ khi có vị Tổ truyền nghề thì ở nước Nam ta mới có nghề ấy. Mà thật ra ngay từ thuở bình minh dựng nước, tổ tiên ta đã biết thành thạo các ngành nghề ấy. Đã đành các vị Tổ là người có công dạy nghề cho dân, nhưng những người thợ tài hoa có công cải tiến nghề, đem lại lợi ích cho cộng đồng thì cũng được tôn vinh là tổ nghề. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh hoàn toàn có lý khi khẳng định: “Tổ nghề (tổ sư hay thánh sư) không nhất thiết là con người thực, do đó, gạt bỏ  những nhân vật huyền thoại, là không đúng với thực tế, nhất là sự thực ở tấm lòng và ở cảm quan thẩm mỹ của người dân”. Có một số ngành nghề gắn liền với thần thoại hoặc cùng một nghề nhưng mỗi địa phương lại thờ các Tổ khác nhau, cũng có những nghề mà người ta không rõ Tổ của mình là ai v.v... Phần lớn các ngành nghề truyền thống đề cập trong trang sách này như: nghề mộc, nghề thêu, nghề hát xẩm, hát ả đào, nghề in, nghề kim hoàn, nghề dệt chiếu, nghề đúc đồng, nghề dệt... không phải mới ra đời từ thời ông Tổ đó - mà có thể đã có trước đó rất lâu. Vậy tại sao làng nghề lại chọn người đó làm Tổ của nghề? Đây là điều hết sức thú vị và cũng phản ánh rõ nét đạo lý của người Việt là luôn biết ơn cả những vị đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề nghiệp của mình để năng suất ngày một hiệu quả hơn.

PV: Lúc đó anh đã làm việc ở Báo Phụ nữ TP. HCM. Anh dành thời gian cho công việc này như thế nào?

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Do tập được thói quen từ thời trong quân ngũ, nên tôi luôn tìm việc gì đó để làm trong một ngày. Không việc này thì việc kia. Với bộ sách này, tôi tự đặt cho mình một “kỷ luật”: trước khi ngủ phải đọc, sắp xếp tư liệu và sáng dậy ngồi viết. Viết đến khoảng 9 giờ là đến cơ quan làm việc. Ngày nào cũng như ngày nào. Hoặc trước lúc đi công tác ra Hà Nội hoặc địa phương nào đó thì phải sắp xếp trước kế hoạch “tiếp cận” với nguồn tư liệu nơi đó. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là đã được gặp vợ và con trai của nhà khoa học lừng danh Đỗ Xuân Hợp. Họ đã kể, đã dẫn tôi đi khắp Hà Nội để thu thập tư liệu về “ông vua” của ngành phẫu thuật học Việt Nam. Hoặc tôi đã được con trai họa sĩ Nam Sơn cung cấp nhiều tài liệu về vị danh họa đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương v.v... Muốn như vậy, trước hết, ta phải tạo được sự tin cậy ở nơi họ. Nếu không, chẳng ai mất thời gian giúp đỡ cho ta. Những chuyến đi như thế này với tôi luôn là bài học quý báu trong quá trình thực hiện bộ sách này.

PV: Liệu việc chọn cách "kể chuyện" cho từng nhân vật lịch sử như vậy, có thể làm cho tác giả "tự do hư cấu" quá - nghĩa là có thể làm cho nhân vật lịch sử không còn là "lịch sử" nữa hay không?

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Tôi chọn cách viết về nhân vật theo lối “biên niên tiêu sử” và thể hiện theo văn phong “kể chuyện” để lôi cuốn người đọc. Đó nguyên tắc mà tôi luôn cố gắng tạo sự nhất quán. Do đó, dù có “tự do hư cấu” cũng phải trên cơ sở của một sự kiện đã được chính sử ghi nhận. Chẳng hạn, mở đầu cho cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Hải Thượng Lãn Ông - Thánh y Việt Nam - là cảnh ông múa gươm dưới trăng và ngâm thơ để từ đó khai thác sự chuyển biến của một người từng cầm gươm xông pha trận mạc lại chuyên tâm nghiên cứu về ngành y để cứu người. Ở đây, vấn đề quan trọng khiến người đọc thấy hợp lý là tôi đã chọn bài thơ nào của Hải Thượng Lãn Ông nhằm phục vụ cho sự “hư cấu” đó? Những thí dụ như thế này khá nhiều. Hoặc về sự lựa chọn của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ngay từ lúc xuống tàu du học ở Pháp là gì? Tôi chọn cảnh lúc bố của ông là Nguyễn Khắc Niêm đưa ông xuống tàu, và khi tàu ra khơi, ông đã đọc lá thư của bố v.v...

PV: Lịch sử hiện đại đang chuyển động quá nhanh và cũng để lại những nhân vật lịch sử ngay lúc này. Anh có tính chọn ai để viết tiếp trong bộ sách của mình?

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Đành rằng vậy, nhưng “tiêu chí” của bộ sách này phải là người đã khuất. “Cái quan định luận”. Trong bộ sách này tôi đã “phá lệ” khi đưa vào bốn nhân vật còn sống, được thế hệ trẻ ngưỡng mộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà toán học Hoàng Tụy - cha đẻ của lý thuyết "Tối ưu toàn cục", giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - người đi đầu trong khoa học vật lý hạt nhân và Thiếu tướng Võ Bẩm - vị tư lệnh đầu tiên mở đường Trường Sơn huyền thoại. Sắp đến đây, tôi tiếp tục viết bổ sung thêm các danh nhân phù hợp theo chủ đề đã chọn.

H.K (Cần Thơ)

http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4894

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com