TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Cải cách và luật hóa liệu có làm tiếng Việt trong sáng?

Cải cách và luật hóa liệu có làm tiếng Việt trong sáng?

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 5):

Cải cách và luật hóa liệu có làm tiếng Việt trong sáng?

sachDai_Nam_quac_am_tu_vi

 

(Thethaovanhoa.vn) - Vấn đề cần phải trả lời rốt ráo và minh bạch: Có cần phải cải cách và luật hóa chữ quốc ngữ hay không? Các sự cải tiến và luật hóa từ năm 1902 đến nay đã cho thấy điều gì? Có phải là sự thất bại thảm hại của sự can thiệp theo ý chủ quan của cơ quan quyền lực/cá nhân nào đó?
 

Nhà thơ Lê Minh Quốc trả lời: Đúng thế. Anh chia sẻ những suy nghĩ của mình với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

1. Chúng ta phải thừa nhận rằng, từ hình thức ký âm trong Từ điển Việt - Bồ - La của nhà truyền giáo Đắc Lộ (1651) đến Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của đã có sự thay đổi khá lớn. Sự thay đổi này, chắc chắc do nhà từ điển ghi nhận từ cách viết/lời ăn tiếng nói đã phổ biến và được chấp nhận trong cộng đồng lúc bấy giờ. Nói cách khác, chính cộng đồng đã “cải cách” và dần dần trở nên thông dụng, chứ không từ một can thiệp nào có tính cách hành chính, luật hóa.

Ví dụ riêng về Y và I, theo hiểu biết của tôi thì mãi đến Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo thì nó mới rạch ròi như hiện nay. Chứ trước đó, giữa Y và I còn khá lẫn lộn.

“Có cần một chuẩn hóa, luật hóa về cách viết, ví dụ như Y và I?”, theo tôi là không nên và cũng không cần thiết đặt ra. “Vẽ rắn thêm chân” để làm gì, trong khi mà những ai biết đọc, biết viết tự họ đã phân biệt được lúc nào là Y hoặc I? Chẳng hạn, i tá/y tá; ti tiện/ty tiện; nhà Lí/nhà Lý… thì tự khắc người ta biết cách chọn lấy cách viết.

Xin hỏi, dựa vào đâu để chuẩn hóa, luật hóa? Mà liệu có cần thiết không, hay chỉ là một cách khiến chữ viết thêm dị dạng, méo mó? Như đã nói, không thể có một quyền lực hành chính nào có thể can thiệp được.

2. Về cách phiên âm, cách viết tên của người nước ngoài, trong tập sách Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ, 2017), tôi tán thành ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, khi ông khẳng định: “Những tên nước như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... đã từ lâu trở thành những từ của tiếng Việt. Cũng như cái tên nước của các thứ tiếng khác, đó là những cái tên mà bản ngữ đặt cho các nước ngoài đã trở nên quen thuộc, dù cái tên đó có thể thật không chính xác”.

Và thật thú vị khi ông còn cho biết thêm, một người bạn Ba Lan phát biểu: “Tôi rất lấy làm vinh dự là nước tôi ở trong số các nước có một cái tên Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Ba Lan đã đi vào văn hóa của các bạn từ xưa, cũng như Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Mỹ, tuy còn thua các nước này ở chỗ chưa được đơn tiết hóa. Nhưng tôi biết sở dĩ như vậy chỉ là vì chữ Ba, nếu không có chữ Lan, sẽ trùng với quá nhiều từ thông dụng của tiếng Việt”.

Điều này cho thấy một khi ta du nhập thêm một từ mới của nước ngoài, ghi âm lại bằng chữ quốc ngữ không những làm giàu cho vốn từ tiếng Việt, mà còn là niềm tự hào của chính nước mà ta vay mượn. Nói như vậy không chủ quan, khi ta biết tự điển nước ngoài cũng có ghi những chữ quốc ngữ của ta như “áo dài”, “nước mắm”, “phở”, “Đổi mới”…, cho dù chưa hẳn họ vay mượn của ta, nhưng phải ghi đúng như thế để chỉ đúng một sự vật, hiện tượng mà họ đang đề cập đến mà thôi.

Vậy thì những từ chỉ tên riêng cũng nên ghi âm qua chữ quốc ngữ như trên chăng?

3. Và cũng theo nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo: “Lâu nay, vẫn có người thực hiện như thế vì nghĩ là giúp cho những người không biết tiếng nước ngoài dễ đọc. Nhưng nhược điểm lớn nhất là mỗi người phiên âm một kiểu nên nhiều khi chỉ một người nhưng người ta lại tưởng là... nhiều người. Ví dụ khi ta viết bằng chữ quốc ngữ Ri-gân, Ri-gơn, Rêi-gân tưởng là 3 người khác nhau, nhưng thật ra là cũng chỉ để nhằm vào... mỗi một ông Reagan mà thôi!”.

Chúng tôi tán đồng với ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, đối với cách viết tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt thì không nên phiên âm như vừa nêu trên.

Và ông cũng cho rằng: “Vấn đề người bản ngữ có đọc dễ không thì không nên đặt ra, vì không ai đòi hỏi họ đọc đúng. Vả lại làm sao đọc đúng được tất cả các tên riêng của mấy trăm thứ tiếng?... Đã biết được điều đó, thì tốt nhất là hy sinh cách đọc để ít ra cũng được cách viết. Vả lại vấn đề đặt ra ở đây là “nên viết như thế nào”, chứ không phải là “nên đọc như thế nào”. Tên Reagan mà trước đây các báo phiên là Rigân, nếu có ai cứ đánh vần ra mà đọc “Re-a-gan” chẳng hạn, thì cũng chẳng hại gì hơn. Một đằng không biết phải đọc như thế nào, phải hỏi người khác; một đằng thì nắm chắc 80% là đọc sai - và có lẽ là vĩnh viễn đọc sai - đằng nào hơn?”.


Cần có một cơ quan quản lý việc sử dụng tiếng Việt


"Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã từng có đề xuất cho việc xúc tiến khảo sát, nghiên cứu và soạn thảo Luật Ngôn ngữ tiếng Việt. Đã có lúc vấn đề này tưởng đã được đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội, nhưng rồi lại thôi. Rất tiếc là việc này chưa được nhiều người, nhiều cơ quan chức năng hưởng ứng. Đã đến lúc chúng ta phải bàn bạc nghiêm túc và cụ thể về vấn đề này. Chúng ta cần có một thể chế hành chính để quản lý việc sử dụng tiếng Việt một cách quy củ” (PSG-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.)

(nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa - Thứ Ba, 12/12/2017)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com