Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện với tác giả Lê Minh Quốc.
Người Việt dám làm
* Nếu tính từ loạt sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam hồi năm 1998, ông đã có hơn 20 năm theo đuổi đề tài về các cá nhân nổi bật trong sử Việt, ông tâm đắc điều gì nhất từ hành trạng, công đức của các vị danh nhân này?
- Tinh hoa của một dân tộc, nhìn từ những con người cụ thể, dân tộc nào cũng có và thời nào cũng có. Điều này thể hiện qua công nghiệp của họ để lại cho cộng đồng đương thời và có tầm ảnh hưởng mãi đến đời sau.
Khi khảo sát về các danh nhân của non sông nước Việt, có đặc điểm chung khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ: dám làm. Một khi nhìn thấy sự vật, sự việc nào đó đã cản trở bước đường tiến hóa của dân tộc, họ sẵn sàng đương đầu chống chọi và thực hiện thay đổi cho bằng được.
Muốn như thế cần trang bị nhiều đức tính, tùy lãnh vực mà các danh nhân có thể hiện khác nhau, nhưng trước hết việc làm đó không xuất phát từ danh và lại càng không phải vì lợi. Mà, mục tiêu của họ có điểm chung vẫn là vì lợi ích của cộng đồng, lấy đó làm mục tiêu cao nhất.
Nếu chỉ chăm bẵm vì lợi, sức mấy mà các ông Trần Chánh Chiếu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… dám bỏ đồng lương làm thuê đang được chủ trả cao ngất ngưởng để lao vào công việc đang đeo đuổi, dù chưa biết sẽ thế nào.
Nếu vì lợi, sức mấy các ông Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng… dám bỏ cả cơ ngơi, tài sản tại Hà Nội; các ông Đặng Văn Ngữ, Trần Đại Nghĩa… dám trở về nước để đi theo tiếng gọi hào hùng của cuộc kháng chiến.
Nếu vì lợi, sức mấy ông Phạm Ngọc Thạch lúc chế tạo thuốc Tây, trước khi sử dụng cho người khác đã dám thể nghiệm trên thân thể của mình.
Ở các danh nhân đi trước, tôi nhận thấy yếu tố "mình vì mọi người" rất rõ nét. Tôi tâm đắc với đức tính này.
* Với chiều dài và bề dày văn hóa Việt, các cá nhân trong mỗi thời với nỗ lực của mình có tác dụng "khơi dòng" như cách ghi nhận của ông là một điều thú vị. Nhưng ở ta có tình trạng đời trước khơi ra rồi đời sau để cho ách tắc và lại loay hoay khơi các dòng khác...?
- Trong hiểu biết ít ỏi của mình, tôi cảm thấy đáng tiếc nhất vẫn là lãnh vực giáo dục. Đầu thế kỷ 20, các nhà nho cấp tiến như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành, Hoàng Tăng Bí… đã dấy lên phong trào Duy Tân, đã góp công góp sức thực hiện, phổ biến rộng rãi mô hình giáo dục mới, hoàn toàn mới và cách mạng: Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Mô hình này đã được các nhà Duy Tân tổ chức tại nhiều địa phương như luồng ánh sáng mới trong công cuộc khai tâm, khai trí.
Vậy, tính cách tiên phong của mô hình giáo dục này hướng đến là gì? Xin thưa, học là thực học, kể cả học nghề. Học là để làm người. Học là để làm giàu trong xu hướng "dân giàu nước mạnh". Quan điểm mới mẻ này nhằm thay đổi suy nghĩ đã tồn tại hàng ngàn năm:
Học để thi cử, để tiến thân bằng cách ra làm quan. Không chỉ có lợi cho mình mà còn "vẻ vang" cho cả dòng tộc: "Một người làm quan cả họ được nhờ". Việc học chỉ trói buộc trong một mục đích hạn hẹp, đáng buồn quá đi chứ?
Thay vào đó, tiền nhân đã khơi dòng nhằm thay đổi một mục tiêu của giáo dục như vừa nêu, tiếc thay cho đến nay não trạng cũ kỹ, lạc hậu trên vẫn chưa giải quyết một cách quyết liệt, triệt để.
Phải thật tâm thay đổi
* Bên cạnh hành trạng của các danh nhân Việt, ông thấy vai trò của giới cầm quyền mỗi thời đóng góp vào việc "khơi dòng văn hóa" như thế nào?
- Thời đại nào cũng thế, nếu việc làm vì lợi ích chung của cá nhân, tập thể được nhà cầm quyền hỗ trợ thì cũng là một yếu tố thuận lợi.
Nếu vua Gia Long, Minh Mạng không khuyến khích, không có chính sách đãi ngộ cụ thể, không tuyên dương công trạng kịp thời, liệu các ông Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Thận, Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh… có hoàn thành xuất sắc khát vọng và vai trò tiên phong của mình?
Nếu Toàn quyền Đông Dương không đồng thuận, liệu họa sĩ Tardieu và Nam Sơn có mở được trường mỹ thuật dạy vẽ theo lối phương Tây?
Nếu chính quyền Pháp gây khó khăn, liệu chừng ông Nguyễn Văn Tuyên có thể đi từ Nam chí Bắc cổ xúy cho tân nhạc?
Sau này, trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, có một điều không thể không nhắc đến, đó là sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các bậc trí thức khi họ tiến hành nghiên cứu, chế tạo vũ khí, thuốc men… mà trước đó người Việt chưa biết đến.
Nghĩ cho cùng, vai trò của giới cầm quyền đã có tác động, đóng góp nhất định cho các việc làm tiên phong đó.
* Kết nối từ quá khứ đến hiện tại, theo ông, việc nào cần làm tiếp để dòng chảy văn hóa ấy được sâu rộng và bền vững?
- Trước đây, các danh nhân nước nhà đã khơi dòng văn hóa Việt bằng nội lực tự thân trong nhiều lĩnh vực và để lại dấu ấn rực rỡ lâu bền, thiết nghĩ điểm xuất phát căn bản vẫn là lòng yêu nước, thương dân - thể hiện qua việc đặt lợi ích của cộng đồng lên cao nhất.
Nhờ thế, dòng chảy văn hóa mang tính tiên phong đó đã lan tỏa và cộng hưởng. Nay thế nào? Tôi nghĩ, bao giờ, người Việt thật tâm, thật lòng thay đổi, mong muốn khắc phục các hạn chế về thói hư tật xấu như một lẽ sinh tồn, ắt chúng ta có câu trả lời. Mà việc thay đổi phải là công việc bức thiết của một dân tộc, chứ không là một hai cá nhân riêng lẻ.
Cuốn sách hơn 600 trang khảo sát về các ngành nghề, các vị tổ ngành nghề Việt Nam; những danh tài sáng tạo tiên phong trong nhiều lĩnh vực; những nhân vật khơi dòng nghệ thuật hiện đại như Đặng Huy Trứ “đưa nhiếp ảnh vào VN”, Tống Hữu Định “khai phá sơn thạch nghệ thuật cải lương”, Lương Văn Can “khởi xướng nền giáo dục theo lối mới”, Tạ Duy Hiển “hiện đại hóa nghệ thuật xiếc”...
LAM ĐIỀN
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 4.6.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|