TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Đau đáu trong tôi vẫn là đồng đội chết trẻ"

Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Đau đáu trong tôi vẫn là đồng đội chết trẻ"

 leminquoc-1977-1546658411-width678height1005

(Dân Việt) “Đau đáu lớn nhất trong tôi vẫn là đồng đội chết trẻ, rất trẻ. Trong lòng tôi luôn suy nghĩ một điều là những người đồng đội tôi hình như đã linh cảm thấy mình sẽ chết, nhưng họ hoàn toàn không ý thức được điều này”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

 nha tho le minh quoc:

Nhà thơ Lê Minh Quốc thời khoác áo lính. (Ảnh: NVCC)

Được biết cứ vào dịp kỷ niệm chiến tranh biên giới Tây Nam, anh lại đi thăm và thắp hương cho đồng đội của mình?

- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Những ngày này, trước đây, thú thật, thường có những lời mời trao đổi, trò chuyện về thế hệ của mình với các bạn trẻ nhưng tôi luôn từ chối. Bởi đời sống hôm nay đã khác trước, liệu chia sẻ ấy có tìm được sự đồng cảm? Nhưng rồi gần đây suy nghĩ này đã thay đổi.

Từ tác phẩm văn chương của người viết trẻ lẫn phát biểu của họ trên cộng đồng mạng, tôi nhận ra rằng, vấn đề về đất nước, niềm tự hào dân tộc bao giờ cũng tồn tại trong tâm thức của mọi người dù già hay trẻ. Vì thế, trao đổi với người trẻ những gì mà thế hệ tôi đã trải qua, đã cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, nay tôi thường nhận lời.

Ngoài ra, dịp này tôi cũng thích gặp đồng đội cũ và ôn lại câu chuyện cũ, tuy nhiên chẳng mấy hào hứng. Tại sao thế? Vì chúng tôi không thể gặp lại những chiến hữu đã hy sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ. Năm nọ cũng ngày này, chúng tôi đã lên nghĩa trang ở Tân Biên (Tây Ninh) thắp nén nhang vái vọng bốn phương trời cho người đang nằm ở đây và kể cả đang nằm lại ở chiến trường K. Câu thơ tôi đã viết ngày ấy vẫn còn đọng trong sổ tay:

12 ngàn liệt sĩ quy tụ ở Tân Biên

Chỉ khoảng 6 ngàn bia mộ có tên

Nghĩa trang thông reo trong gió

Chợt nghe tiếng ai gọi nhỏ:

“Quốc ơi”

Tuổi 18 ngày tháng thắm tươi

Tôi quay lại thấy bàng hoàng vệt máu

Vẫn còn nghe chòng chành tiếng pháo

Đang réo lên như chuông gọi hồn người

Cỏ vẫn xanh một sắc biếc ngậm ngùi…

Thế thì, làm sao có thể quên?

Mỗi năm vào những ngày này chắc sẽ có rất nhiều kỷ niệm lại ùa về. Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc chiến tại Campuchia được không?

- Chẳng bao giờ tôi quên được những buổi chiều vàng vọt ở các nghĩa trang Đức Cơ (đường 19B), An Lung Veng, Kulen… nơi an nghỉ của những đồng đội. Chẳng quên được những cánh rừng trong mùa khô, mùa mưa mà mìn KP2, K63, 65.2A, 45.2A… rải đầy như lá.

Đối đầu với biết bao sự gian khổ rất khắc nghiệt, chúng tôi sống và làm thơ. Những bài thơ của tôi sau này được in trên báo chí, trong tập thơ "Đất bên ngoài Tổ quốc" (in chung với Đoàn Tuấn) đã được ra đời như vậy.

Lại nhớ đến những ngày sống chung với người dân Campuchia, dù khác sắc tộc nhưng họ vẫn tràn trề tình cảm ruột thịt dân quân với quân tình nguyện Việt Nam.

Và bấy giờ để đồng đội nhớ tiếng của nước bạn khi làm công tác dân vận, tôi và Đoàn Tuấn đã “chuyển thể” qua thơ lục bát có vần vè. Đọc vài lần là nhớ ngay, khỏi phải lật sổ ra tra cứu, chẳng hạn:

Me ơi me miên ây đô

Ao ni xà át kho này thơ mây

Me sơi me xốc xờ bay

Oi con xum tít ớt cay, bụi hành

Hoặc:

Me ơi sờ lanh côn tê?

Oi con xì cọ mang về me ơi!

Me ơi vào nói với âu

Con mượn cái liềm cắt cỏ cho bò hốp bai

Me ơi con tốp lò o

Thơ man con hốp sơ nganh chờ rờn

Thế thì, làm sao có thể quên?

 nha tho le minh quoc:

Nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn luôn đau đáu với những cái chết trẻ, rất trẻ của đồng đội ông. (Ảnh: I.T)

Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1978 đến 1983, chắc hẳn anh cũng có những lần vào sinh ra tử, cận kề hiểm nguy?

- Về chuyện này, Đoàn Tuấn có kể lại trong tập sách "Mùa chinh chiến ấy" (NXB Trẻ - 2018): “Và có lần, Quốc đã suýt chết. Ấy là một buổi sáng, Quốc cùng Nhân, Á, Hạnh đi tuần. Đi ngay trên con đường mòn gần đơn vị. Con đường này, hàng ngày chúng tôi vẫn đi qua, để lên Cam-tuất gùi đạn, gùi gạo. Quốc phải ra đường sớm. Đi kiểm tra xem có mìn không? Có địch phục không?

Đang đi, Quốc vấp mìn. Nghe tách một cái, trái mìn bay lên ngang người Quốc, rơi bịch xuống. Quốc và Nhân đi gần nhau. Cả hai bị bất ngờ, vội lăn ra. Mặt tái xanh. Tim đứng lặng. Chờ nghe mìn nổ. Nhưng mãi không thấy. Hai tên bò dậy, thấy quả KP2 xanh lè, nằm ngay bên mình. Còn nguyên.

Nhìn kỹ, thì ra quả mìn bị cài kíp ngược. Chắc thằng địch cài mìn vội vàng, nên đặt lộn kíp. Nếu nó đặt đúng, thì Quốc tiêu đời rồi. Trưa hôm ấy, tôi sang chỗ Quốc chơi. Quốc vẫn lặng im. Chắc chưa kịp hoàn hồn. Quốc còn sống, chắc nhờ âm phần che chở”.

Đó là lúc rợn người nhất, vì suýt chết. Đồng đội tôi đa phần đã chết bằng lối gài mìn chằng chịt trong rừng. Tôi duy nhất thoát khỏi. Vì thế, thật đáng nhớ. Còn những lần khác, nay nhớ lại chỉ lẻ tẻ chẳng nhằm nhò gì, dù trên đầu vẫn còn hằn nguyên vết sẹo vì đạn. Đạn tránh người, chứ làm sao người tráng đạn. Tôi vẫn tin thế.

5 năm chiến đấu nơi chiến trường, đối đầu hiểm nguy, chứng kiến đồng đội ngã xuống. Vậy nỗi đau, nỗi day dứt lớn nhất khiến anh không nguôi được là gì?

- Đau đáu lớn nhất trong tôi vẫn là đồng đội chết trẻ, rất trẻ. Từ gần 20 năm trước, tôi đã viết trong tiểu thuyết "Thời của mỗi người". Rồi từ sự đồng cảm này, tôi đã giục Đoàn Tuấn phải viết. Hơn 10 năm trước, Tuấn đã viết "Những người không gặp lại nữa", qua đó Tuấn đã nói hộ tôi cùng một thế hệ.

“Tôi nhớ căn hầm ba người của Hoàng An ở An-lung-viêng. Sau khi ba người lần lượt hy sinh, mỗi lần qua đó nhìn vào, tôi cố đi và nhìn thật nhanh, vẫn cảm thấy cái hố đó đen ngòm, đầy khí lạnh thoát ra. Và cái cây nhỏ trước cửa hầm, hàng ngày anh em vẫn phơi khăn, gác đũa bát lên đó, sau này cũng hắt hiu, héo dần, lá tự khô và thân cây cũng tự se lại.

Trong lòng tôi luôn suy nghĩ một điều là những người lính đồng đội tôi, hình như đã linh cảm thấy mình sẽ chết. Nhưng họ hoàn toàn không ý thức được điều này. Định mệnh, số phận và cái chết cuốn họ đi. Chỉ khi họ chết rồi, xâu chuỗi lại những lời nói và hành động của họ, tôi mới nhận ra được những điều họ đã linh cảm.

Trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã được chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội. Đã phải chôn và bốc cả một nghĩa trang của tiểu đoàn tôi ở An-lung-viêng. Năm 1982 đã áp tải hơn 40 xác đồng đội về Đức Lập…”.

Những đau đớn ấy không nguôi trong tâm tưởng. Vì thế, khi lập nghiệp tại Sài Gòn, lần đầu tiên trong đời có được căn nhà riêng, tôi đã tâm niệm:

Sống cái nhà chết cái mồ

Bạn anh có người xương thịt cháy ra tro

Nằm dọc theo biên giới

Nắng nung mưa xối

Anh tìm nấm mồ của bạn nơi đâu?

Bạn anh có người gửi lại rừng sâu

Một cánh tay

Một bàn chân

Muôn đời nằm phơi trần

Mưa nắng

Những buổi chiều anh ngồi yên lặng

Nguyện cầu người khuất bóng

Đã một thời cùng anh yêu và sống

Hãy về dưới mái nhà

Mỗi chiều ngồi uống trà

Và cùng anh đọc báo

Thế thì, làm sao có thể quên?

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về một thế hệ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự bình yên của đất nước và nước bạn Campuchia.

authorThanh Hà (thực hiện) Thứ Hai, ngày 07/01/2019 07:30 AM (GMT+7)

(nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/nha-tho-le-minh-quoc-dau-dau-trong-toi-van-la-dong-doi-chet-tre-945270.html)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com