NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC (SÀI GÒN): “LỢI THẾ” CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
Covid-19 dù đang tung hoành và gây lo lắng, đau khổ, nhưng nghĩ cho cùng, cũng là… một “lợi thế” cho người cầm bút. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên là “Đóng cửa phòng văn hì hục viết”, để khỏi phải bị “Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”, mà còn được khen là chấp hành tốt quy định của Nhà nước.Với người cầm bút, điều lý tưởng nhất vẫn là có thời gian toàn tâm, toàn ý để sống cùng tác phẩm. Quá trình viết nhọc nhằn này mà không bị phân tâm bởi ngoại cảnh, bởi những lo toan sát sườn về cơm áo gạo tiền, rồi thỉnh thoảng còn bị chia năm xẻ bảy vì các mối quan hệ xã hội… thì còn gì bằng.
Có những tài năng lớn, dù bận rộn trăm công ngàn việc, họ vẫn viết được tác phẩm để đời. Ấy là sự ngoại lệ. Còn nhìn chung những người “thường thường bậc trung” như chúng ta đây vẫn cần có thời gian cho riêng mình để dành cho việc trau chuốt tác phẩm.
Tôi có anh bạn thân thiết là nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái, do những ngày giãn cách, anh đã “giết” thời gian bằng cách nhẩn nha chọn lọc các hình ảnh đã chụp về Hội An. Chụp từ tháng 7.1973 đến nay, bao nhiêu ngàn ảnh, làm sao chọn những tấm ưng ý nhất, nếu không toàn tâm, toàn ý?
Xin thưa, trong nghịch cảnh, bao giờ người ta cũng tìm ra sự “thuận cảnh” hữu ích. Nhờ thế, tập sách “Hội An - Lang thang phố nhớ” của Tam Thái nay đã hoàn thành bản thảo ngon lành, mà trước đó anh cứ nợ vì bận rộn với công việc thường nhật.
Thêm trường hợp khác mà tôi biết là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Những ngày này không thể bia bọt, bù khú bạn bè như thường lệ, anh đã đóng cửa viết nháp hàng trăm trang tiểu thuyết mà bấy lâu nay đã thai nghén.
Ý tôi muốn nói là dẫu Covid-19 có tác động đến toàn xã hội cỡ nào đi nữa, thì mỗi người, kể cả người cầm bút, vẫn nên có cách sử dụng thời gian giãn cách một cách hiệu quả cho công việc của mình.
(nguồn: Đặc san 21.2.2021 báo QUẢNG NAM)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|