(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Lê Minh Quốc, cho biết ông từng đi rất nhiều lễ hội nhưng Tết vừa qua chỉ đi chùa, vì lễ hội quá ồn ào.
Tết năm nay cũng như từ nhiều năm trước, tôi vẫn đi chùa chứ không tham gia bất kỳ một lễ hội nào cả. Đi chùa vì gắn bó với ký ức của tuổi thơ mà ngày thơ ấu, bà ngoại tôi thường dẫn lên chùa Tình hội ở Đà Nẵng để xin lộc đầu năm. Chỉ là những lá trầu xanh thắm bày biện ở trước sân chùa, lối đi vào chánh điện. Không ồn ào, không chen lấn, nói năng ồn ào mà ai nấy đều giữ phép chúc phúc cho nhau. Tôi thích không khí thánh thiện, an lạc này hơn.
Nói thật, chừng mươi năm trước tôi đã đi nhiều lễ hội nhưng sau đó, tôi thấy nản quá. Hầu như lễ hội nào cũng có “model” chung là ồn ào như vỡ chợ, tâm thức của người dự lễ hội phải “mâm cao cổ đầy” v.v…
Và kỳ cục nhất đó lại còn là chốn của những kẻ sống bằng nghề chen lấn khấn vái giúp cho khách thập phương! Phải thế thôi, nếu không, làm sao cho thể chen chân trong cả rừng người nườm nượp?
Không khí thiêng liêng, giao cảm giữa con người và cõi trên thần thánh đã thật sự nhuốm màu ô uế của sự trần tục.
Thật ra, về hai từ “lễ hội” hiện nay, “hội” vẫn còn; nhưng phần “lễ” đã biến thái đến mức khó còn có thể chấp nhận được nữa. Nhân đây bàn lan man một chút, Ngày thơ VN tổ chức Rằm tháng Giêng cũng là một hình thức lễ hội đấy thôi.
Nhưng rồi, một khi phần “lễ” quá nặng nề về hình thức, khua chiêng gõ trống thì phần “hội” giảm đi ý nghĩa đích thực của nó nhiều lắm.
Nên đặt các sinh hoạt cộng đồng đã tồn tại (hoặc mới phát sinh) là “hội” chứ không phải “lễ hội”. Hội là của cộng đồng đó, dân cư đó và nó tồn tại theo suy nghĩ của người dân từ xưa nay, chứ không phải là “lễ” thay đổi xoành xoạch theo các quy định, thủ tục rườm rà có tính hành chánh; hoặc biến thái theo cách “hiện đại” của ban tổ chức để rồi cuối cùng đánh mất đi ý nghĩa đích thực của nó.
Trạc Tuyền (ghi)
(nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa - Thứ Năm, 09/02/2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|