Nhà thơ Lê Minh Quốc
Trong giới cầm bút ở phía Nam hiện nay, nhà thơ Lê Minh Quốc (Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) là một trong những tên tuổi nổi bật. Anh là cây bút đa năng, đa diện, sung sức, ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc từ thơ đến tiểu thuyết, truyện dài, nghiên cứu văn hóa dân tộc và khảo cứu về tiếng Việt. Đầu Xuân Nhâm Dần 2022, phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuối tuần có cuộc trò chuyện thân mật với nhà thơ Lê Minh Quốc...
Viết để tỏ lòng tri ân
Phóng viên (PV): Đất nước, mùa xuân, tuổi trẻ... là mảng đề tài tạo cảm xúc đặc biệt trong giới sáng tác. Với một cây bút sung sức như nhà thơ Lê Minh Quốc thì sao nhỉ?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Dù đang vui đang buồn, đang hân hoan hay âu lo, lúc chào đón xuân, tôi vẫn thường chia sẻ lòng mình với thiên nhiên, cỏ hoa, muông thú: “Tôi chào lời chim hót/ Đang rót uống cõi đời/ Để con người lam lũ/ Còn nhớ chốn rong chơi/ Tôi chào những niềm vui/ Sau một ngày vất vả/ Còn biết đặt trên môi/ Những lời ru thong thả...”. Và đó cũng chính là lúc tự nhủ: “Nhốt hết nỗi buồn lại/ Đừng thả nó đi rong/ Sáng nay xuân đến sớm/ Cây nhú lộc xanh non/ Một mình tôi xuống phố/ Chim én mới vừa bay/ Lá dùng dằng níu lại/ Tiếng hót rớt ngang vai/ Khi cầm gọn niềm vui/ Dịu dàng trong nhịp thở/ Tôi thèm đám cưới tôi/ Với cỏ cây đường phố...”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong không khí rạo rực của ngày xuân, hẳn nhiều người cũng đều có tâm trạng vào lúc: “Nằm trên rơm rạ dịu dàng/ Hôn khe khẽ nhé nhẹ nhàng từ tâm/ Gió xuân uyển chuyển ngoài sân/ Sương mềm mại hương tần ngần thoáng qua/ Nằm yên trên cỏ quê nhà/ Lắng nghe cá quẫy như là dưới ao/ Nghìn xưa chưa gặp nghìn sau/ Đất thơm rơm rạ nôn nao giao mùa...". Hễ đến mùa xuân bao giờ lòng người cũng trẩy hội. Chào đón mùa xuân, tôi luôn nghĩ đến Tết. Đã có tuổi, người ta lại càng nhớ về cái Tết của tuổi thơ với biết bao kỷ niệm êm đềm. Điều này sẽ lý giải vì sao thơ xuân, thơ Tết của các nhà thơ Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Anh Thơ... vẫn còn lay động trong tiềm thức của thế hệ sau. Nói như thế, để thấy, mỗi người đều có những kỷ niệm riêng tư ấm áp. Với tôi vẫn là: “Ngày xuân trẩy hội/ Xin dẫn tôi theo/ Lộc còn nõn lắm/ Gió xanh lưng đèo/ Cầm tay nhau chạy/ Về phía mặt trời/ Nụ hồng nắng mới/ Thơm hoài son tươi/ Cùng lăn xuống cỏ/ Âm vang tiếng cười/ Lăn ngoài vô tận/ Gặp lại loài người/ Lăn từ trên núi/ Xuống tận vực sâu/ Ngàn năm mây trắng/ Hẹn hò bể dâu/ Lăn qua nguyên đán/ Chạm nụ mai vàng/ Ngày sau nhớ lại/ Môi còn nóng ran/ Lăn về ngày Tết/ Gặp bánh chưng xanh/ Thấy trong bếp lửa/ Dáng xuân hiền lành/ Thấy tôi trẻ lại/ Đứng sững như cây/ Một hôm bỗng lớn/ Thương ai tóc dài”...
PV: Gần đây bạn đọc biết đến anh như là một nhà khảo cứu văn hóa Nam Bộ, văn hóa Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Điều gì khiến anh dành tâm huyết cho lĩnh vực này?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Đầu thập niên 1980, từ một người lính sau khi phục viên, cái duyên đã gắn bó tôi với TP Hồ Chí Minh. Phải nói thật lòng, nếu ngày hôm nay, tôi có được ổn định về đời sống riêng, có được chút gì “tên tuổi” thì cũng chính từ mảnh đất này. Tôi có làm được gì đó hữu ích cho cộng đồng cũng chính từ “bệ phóng” của một vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống. Do đó, tôi nghĩ mình phải bày tỏ lòng tri ân qua khả năng cầm bút. Trong vài chục đầu sách đã viết, không phải ngẫu nhiên nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, tôi quyết định phải góp sức cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp làm cho bằng được quyển "Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng" (Lưu hành tại Nam Kỳ đầu thế kỷ 20). Rồi tôi lại viết "Hỏi đáp về 300 năm Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh"; viết tiểu thuyết lịch sử "Nguyễn An Ninh-Dấu ấn để lại"; biên soạn "Sơn Nam-Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê"... Lúc viết, tôi ý thức làm thế nào để người đọc ngày càng hiểu hơn, yêu hơn, dù một chút ít về vùng đất, con người nơi này. Gần đây nhất là trường ca "Sài Gòn-Ấn ngọc phương Nam"; "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" (2020), "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt" (2021)... Bên cạnh “cái chung”, tôi vẫn chú trọng đến “cái riêng” từ lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ, phong tục tập quán... đến dấu vết văn hóa của cư dân vùng đất này.
Bài học “Uống nước nhớ nguồn” từ đời sống
PV: Giữa sáng tác và nghiên cứu, khảo cứu văn hóa, đối với anh có mối liên hệ thế nào?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tôi là người từ năm tháng tuổi trẻ vào đời cho đến nay đã “lục thập” chỉ sống bằng nghề cầm bút. Tôi tự phân chia công việc của mình “Xay lúa thì khỏi bồng em” và ngược lại. Và, cũng như người nông dân yêu nghề, ngoài vụ mùa gieo trồng, cày sâu cuốc bẫm thì thời gian “nông nhàn” tôi có thể đan sọt, làm vườn, gieo đậu, đào ao thả cá...
Với sáng tác, người viết hoàn toàn có quyền suy nghĩ theo cách của mình từ sử dụng vốn từ đến thể loại, từ vốn sống đến trí tưởng tượng... Nhưng, với công việc khảo cứu lại khác, phải “nói có sách, mách có chứng”. Hai lĩnh vực này khó giống nhau về phương pháp tư duy, thế nhưng nó vẫn có “mẫu số chung”, đó là cảm hứng.
PV: Anh viết được nhiều thể loại, có nhiều sách in là nhờ thế?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Vâng! Nghề viết cần sự chuyên cần bền bỉ, ngày nào cũng phải viết, bắt buộc ngồi vào bàn viết. Thói quen này, sẽ dẫn cảm hứng đến. Nhờ thế, ta sẽ có được niềm vui trong suốt quá trình làm việc. Bạn sẽ hỏi, làm sao giữ được tính “kỷ luật” theo năm tháng? Tôi có thói quen tốt này là do đã được đào tạo, rèn luyện trong môi trường quân đội ngay từ thời còn trẻ. May mắn, khi về đời thường tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt này.
PV: Đảng ta vừa tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó có nói đến vai trò của văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa của dân tộc. Anh suy nghĩ gì về vấn đề này?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Vun đắp cho văn hóa bao giờ cũng cần đóng góp của nhiều tầng lớp, trong đó có trí thức, văn nghệ sĩ... Tài năng của họ là yếu tố cần, rất cần nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng nữa vẫn là sự lựa chọn một “thế đứng” phù hợp với quy luật biện chứng. Trong thời đại này, văn nghệ sĩ phải thể hiện vai trò công dân như thế nào? Câu hỏi đặt ra hết sức cần thiết, bởi lẽ chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, đã khác trước nhiều lắm từ tư duy đến vận dụng kỹ thuật sáng tạo. Ý nghĩa của triết lý sống, bản lĩnh sống mà người nghệ sĩ đã từng tâm niệm, đã từng phấn đấu-nói như Xuân Diệu chính là: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”... Chắc chắn rằng, tâm thế ấy, tư duy ấy, suy nghĩ ấy không bao giờ lỗi thời...
PV: Văn hóa Nam Bộ nói chung, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh nói riêng mang đặc trưng sông nước. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang thu hẹp tính đặc trưng này. Làm thế nào để bảo tồn, thưa anh?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Với người Việt nói chung, trong đó có con người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh thì tính cách thiện lương được thể hiện qua lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Vậy, ta có thể nhìn thấy từ đâu? Một câu hỏi, có thể chúng ta dễ dàng trả lời nhưng với bè bạn năm châu đến đây họ tìm câu trả lời từ đâu? Có phải trước hết từ các bảo tàng? Đúng vậy. Chính các địa chỉ này là nơi giúp họ có thể khái quát được lịch sử, nét đặc trưng, sự hình thành của cư dân, của vùng đất đó một cách linh hoạt nhất. Hiện nay, ta đã đáp ứng được điều này chưa? Đâu là bảo tàng lưu giữ những dấu ấn khai hoang của tiền nhân trên bước đường lập nghiệp ở Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh?
Sử sách chép lại rằng thuở xa xưa đó, không chỉ đối mặt với phong thổ chướng khí, rừng thiêng nước độc, người xưa còn phải đương đầu với thú dữ hùm, beo, cọp, sấu... nữa. Nó được tái hiện thế nào? Đây chỉ là một trong rất nhiều hiện vật cần có trong không gian bảo tàng văn hóa, nhằm tái hiện đời sống của lớp người khai cơ, khai canh tại đây. Với nhiều bảo tàng hiện đại, khi vào tham quan, ta không chỉ tận mắt nhìn hiện vật, nghe thuyết minh mà còn là phòng chiếu bóng với những thước phim tài liệu sống động... Với sinh hoạt mua bán, trên bến dưới thuyền của cảng biển Sài Gòn, Bến Nghé, Chợ Lớn... cũng cần được thể hiện lại một cách bài bản. Rồi còn những dấu vết thăng trầm của biến động lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội về sau nữa. Thí dụ, về văn hóa, đâu là nơi để du khách có thể hình dung ra từ nói thơ Sáu Trọng, thầy Thông Chánh, Hai Nhỏ... đến đờn ca tài tử, rồi hình thành nghệ thuật cải lương? Loại hình này ngày càng đơm hoa kết trái như hôm nay, chính là nhờ từ hệ thống rạp hát, gánh hát đã hội tụ nơi này. Vậy bảo tàng nào là nơi khắc họa được hành trình độc đáo này? Cùng với cư dân bản địa, những tinh hoa từ nơi khác tìm đến đã góp phần làm nên diện mạo con người, văn hóa của vùng đất này. Dấu vết của họ nay đâu? Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có một vài nhà lưu niệm của văn nghệ sĩ nổi tiếng được gia đình xây dựng và bảo quản. Tại sao hiện nay các công ty du lịch không đưa vào tour tham quan các nhà lưu niệm văn nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh cho du khách? Những tên tuổi lẫy lừng, như: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính... bằng thơ văn, đã vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia. Những tên tuổi ấy sẽ góp phần không nhỏ cho mọi người hiểu thêm phần nào bản sắc văn hóa của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh... Thiết nghĩ hội nhà văn địa phương và Hội Nhà văn Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này. Bài học về "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ được giáo dục, bồi dưỡng từ sách giáo khoa, nhà trường, mà còn sinh động từ ngay trong dòng chảy của đời sống...
PV: Xin cảm ơn anh đã trò chuyện với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần!
PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)
(nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 20.2.2022)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|