(Nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 8.3.2017)
Từng miệt mài với hàng trăm tài liệu để tìm hiểu về tình yêu của người xưa, về những biến đổi của tình yêu tân-cựu, nhà thơ Lê Minh Quốc đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Chuyện tình các danh nhân Việt Nam. Nhân ngày 8/3, mời bạn đọc cùng anh trao đổi đôi điều về tình yêu hiện đại.
Phóng viên: Thưa anh, điều gì đã thúc đẩy anh nghiền ngẫm về tình yêu “cổ điển” của gần 200 nhân vật trong cuốn Chuyện tình các danh nhân Việt Nam, mà không phải là suy ngẫm về tình yêu thời hiện đại?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Có thể nói, mỗi cuộc tình trong bộ sách đó đều khiến tôi thú vị, ngạc nhiên với muôn vàn sắc thái yêu đương của tiền nhân. Tôi nhận ra, khi đến với tình yêu thì tâm thức, tình cảm của con người muôn đời vẫn giống nhau. Nếu đã thật sự yêu, đã xác tín là tìm thấy “chiếc xương sườn” thất lạc, thì dù ở thời đại nào, không gian nào con người ta cũng chỉ có một cách ứng xử: sống và chết trọn vẹn vì người mình yêu. Và trên hành trình yêu thương ấy, dù kết cục có thế nào thì trên môi họ vẫn luôn là nụ cười mãn nguyện.
Nếu “Tình cảm của con người muôn đời vẫn giống nhau” thì tại sao tình yêu và hôn nhân thời hiện đại cứ biến động liên tục, trong khi chuyện yêu đương, cưới xin ngày xưa thì ổn định, bền vững hơn?
Tìm hiểu và viết về những cuộc tình trăm năm, sống chết có nhau của các danh nhân như Phạm Nguyễn Du, Ngô Thì Sĩ, Phạm Thận Duật… tôi vô cùng xúc động. Bên cạnh đó là rất nhiều người vợ một đời hy sinh và tự hào về chồng như vợ nhà thơ Tú Xương, vợ ông Nguyễn An Ninh… Cũng không thiếu những chuyện tình thủy chung, vượt qua mọi rào cản như chuyện của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Quán Nho… Giá trị của tình yêu thời xưa rõ ràng là nằm ở sự thủy chung, hy sinh cho nhau và qua tình yêu họ còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Tôi tin đó là giá trị đích thực và ý nghĩa muôn đời của tình yêu.
Nhưng dường như “giá trị muôn đời” ấy đang bị đe dọa vì người trẻ bây giờ đã dần không còn quan tâm đến nó nữa?
Thời nay, người ta ít coi trọng sự gắn bó lâu dài, đôi khi chỉ yêu... đại, “yêu thử”, rồi “sống thử”. Tôi nghĩ, đó chỉ là sự yếu bóng vía trong tình yêu. Vì yếu bóng vía nên mới thiếu tin tưởng và không lắng nghe được cảm xúc của chính mình, phải “thử” hết lần này đến lần khác. Tại sao ngày xưa người ta có thể sống hạnh phúc trọn đời với một người, dù chẳng hề “thử”?
Chẳng hạn, cụ Cao Xuân Huy đã vượt qua rào cản để đạt ý nguyện, dù sau này không chung sống bên nhau nữa nhưng cụ vẫn thừa nhận không thể xóa được hình ảnh người phụ nữ ấy trong tâm trí. “Lòng ta chôn một mối tình/Tình trong giây phút mà thành thiên thu”, Félix Arvers (1806-1850) đã khái quát điều đó như vậy. Suy cho cùng, đó là vì người xưa có niềm tin, dám yêu, dám chọn và dám sống đến tận cùng với tình yêu, như câu nói của một nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếngLove story “Yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc!”.
Có thể đó là do chúng ta gọi tình yêu của người hiện đại là “yêu thử”; nếu xem những cuộc tình ngắn ngủi đó là yêu thật - theo đúng cảm xúc của người trong cuộc, thì sự hợp tan đó cũng là do sự yếu bóng vía của con người chăng?
Còn một yếu tố mà tôi cho là cũng vô cùng quan trọng, quyết định sự bền vững của một cuộc tình là sự linh cảm. Sự linh cảm chính là cái mà có lúc người ta gọi là “tiếng sét ái tình”. Ngay lúc ban đầu gặp gỡ đã lập tức yêu. Họ yêu là yêu, không cân đong, đo đếm. Như một người giong buồm ra khơi bất chấp phía chân trời đang bão bùng giông tố; bất chấp tất cả để tìm đến một kết thúc mà họ nghĩ rằng, đã là của họ thì phải là của họ. Dù linh cảm có thể sai, nhưng họ vẫn không nuối tiếc.
Tôi cho rằng, tình yêu ấy là tình yêu cao cả và đáng quý nhất trong mỗi con người. Đời sống hiện đại hơn, nhanh hơn, dường như khiến nhiều người ít có hoặc ít tin vào “linh cảm”, sinh ra “yêu thử”, “sống thử”, dò dẫm từng bước. Có thể làm vậy sẽ đến với nhau an toàn hơn, thỏa mãn hơn những yêu cầu họ đặt ra, nhưng xét đến cùng, đó là chính sự yếu bóng vía.
Tôi lại cho rằng tình yêu hiện đại mới thể hiện sự dũng cảm. Vì dũng cảm, họ sống thực với con tim trong từng khoảnh khắc. Nếu con tim suốt đời chỉ biết yêu một người và người đó cũng yêu lại thì vô cùng may mắn. Nhưng, nếu theo thời gian, con tim lại rung động với người khác hoặc vì lý do nào đó mà cạn tình, thì chẳng phải người ta rất cần đến sự dũng cảm để từ bỏ, thay vì khư khư ôm lấy vùng an toàn đã không còn hạnh phúc?
Mỗi người chỉ được quyền chết một lần trong đời. Chỉ một lần! Nếu trong tình yêu mà không tìm thấy hạnh phúc, phải chịu đựng mà chung sống là họ đang phải chết từng ngày. Do đó, cần thiết là phải biết quên. Biết quên - trong tình yêu thực sự là một thái độ sống tích cực. Ngày xưa có thể do ràng buộc của định kiến xã hội, người ta không dám tìm “lối thoát” nhưng nay đã khác, con người hiện đại thoải mái hơn rất nhiều.
Như vậy, sau khi đã biết quên, họ lại đứng dậy, tiếp tục mở lòng để tin yêu, để đón tình yêu mới, thì chẳng phải là đã quá dũng cảm sao?
Không. Tôi không nghĩ đó là sự dũng cảm. Dũng cảm phải là dám yêu và dám chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Nếu người ta cứ liên tục yêu, liên tục phủ nhận rồi yêu lại, thì cuối cùng sẽ còn lại gì? Những cuộc tình theo nhau đi qua đời họ, liệu có phải là tình yêu, khi không hề có điểm dừng?
Anh thật sự tin mỗi người đều có duy nhất một người là của mình, và người ta phải mở lòng, phải đánh thức linh cảm để nhận ra người đó?
Tôi không loại trừ những trường hợp ngoại lệ là có người không tìm thấy được “nhân duyên” của mình. Một khi đã có nhân duyên, nhất định ta sẽ gặp đúng người và đúng lúc ấy, chỉ cần hết mình yêu thương để giữ lấy.
Nhưng trước khi biết số phận mình thế nào, nhân duyên mình đến đâu, người ta cũng phải thử yêu hết phần của mình chứ?
Nếu đủ bản lĩnh và linh cảm, người ta chẳng cần phải thử.
Khi đã nhận ra nhau, người ta phải kết hôn, phải sinh con, phải ăn đời ở kiếp với nhau thì mới có thể gọi là tình yêu đích thực?
Đúng vậy. Không có một tình yêu nghiêm túc nào mà người ta không nghĩ đến tương lai đó. Yêu chỉ để mà yêu thì dù có tận tụy hết mình nhưng cuối cùng không tạo dựng được hình ảnh tiếp nối bằng xương thịt, thì khác gì mọi thứ chỉ là con số không. Vì vậy, việc cưới xin và duy trì nòi giống không chỉ là trách nhiệm mà còn là một nhu cầu chính đáng. Ngoài việc để lại “hình ảnh của chính mình” được tái sinh trong tình yêu, theo tôi, một tình yêu đẹp còn phải gắn với số phận chung của cộng đồng.
Tạm gọi những điều như “hôn nhân”, “duy trì nòi giống”, “đóng góp cho cộng đồng” là những “giá trị xã hội” từng chi phối tình yêu của thế hệ trước; nhưng chính vì những “giá trị xã hội” mà có những người đã lỡ “chọn sai” đành sống đau khổ suốt đời; vì gia đình, vì xã hội mà không dám ly hôn, khước từ hạnh phúc cá nhân. Thời hiện đại, đã vượt qua được những định kiến về “trách nhiệm” trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, sao người trẻ không có quyền yêu… chẳng vì điều gì, ngoài những khoảnh khắc thăng hoa.
Như vậy thì có chắc là người trẻ đã đúng? Khoảnh khắc để làm gì khi sau đó là trống rỗng, là vô hình tướng?
Không riêng người trẻ, một danh nhân thời trước từng nói “Tình yêu là từng khoảnh khắc vĩnh cửu”. Triết học hiện đại cũng nhìn cuộc đời trong từng khoảnh khắc. Như vậy, có phải những người trẻ bây giờ mới thật sự đến gần với bản chất của tình yêu?
Tình yêu là khoảnh khắc. Sáng tạo là khoảnh khắc. Hạnh phúc là khoảnh khắc. Nhưng những khoảnh khắc ấy chỉ thăng hoa khi nó để lại được điều gì đó cho đời. Cái gọi là “khoảnh khắc vĩnh cửu” ấy chỉ thuộc về cảm giác hoặc chỉ để ngụy biện cho một thất bại nào đó trong tình yêu. Tôi vẫn thấy trong tình yêu, sự chung thủy với một người, yêu chỉ một người mới là điều khó khăn và lớn lao nhất.
Nhiều lần yêu đương, dăm ba lần thay vợ đổi chồng thì ai cũng làm được. Ngay cả tôi còn làm được kia mà. Những người trẻ có thể háo hức với từng khoảnh khắc thăng hoa trong cái gọi là tình yêu của họ, nhưng với tôi, một người đã quá ngũ tuần, thì tôi chỉ chúc phúc cho những ai yêu nhau trọn kiếp, không gì chia lìa được sự gắn kết của họ.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành này!
Minh Trâm
(Thực hiện)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|