TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Trò chuyện với nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc: KHI NHÀ THƠ… TƯ VẤN SỨC KHỎE

Trò chuyện với nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc: KHI NHÀ THƠ… TƯ VẤN SỨC KHỎE



khoa-hoc-pho-thong-so-21.6.2015

 

Lê Minh Quốc là một nhà thơ và một nhà báo thuộc lãnh vực văn hóa văn nghệ (hiện công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM); gần đây anh đã “liều mạng” nhảy sang viết lãnh vực tư vấn sức khỏe; giữ thường xuyên mục “Sức khỏe cho tâm hồn” của Báo Khoa Học Phổ Thông số cuối tuần - Chuyên đề (KHPT - CĐCT). Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, KHPT - CĐCT đã có cuộc trò chuyện với “nhà thơ… tư vấn sức khỏe”

L.M.Q: Gần 30 năm theo nghề, tôi đã viết hầu hết các lãnh vực, trừ tường thuật bóng đá (vì không rành kỹ thuật thể thao), và viết bình luận quốc tế (vì dốt ngoại ngữ). Vậy khi nhảy sang viết về tư vấn sức khỏe cũng là điều bình thường như cân đường hộp sữa. Chẳng có gì liều lĩnh cả. Hơn nữa, nếu không viết cái này, tôi lại viết cái kia. Chẳng ai ăn không ngồi rồi bao giờ. Không xây lúa, thì bồng em. Không ra cày cuốc thì trồng khoai, trồng bắp. Cứ sống bằng tâm thế của một người cần cù, luôn yêu công việc là ổn.

*Tuy nhiên, anh có gặp khó khăn gì khi viết về lĩnh vực mới này? và anh phải chuẩn bị “tư liệu” như thế nào để có thể viết đều đặn mỗi tuần 1 bài tư vấn sức khỏe qua “lăng kính” văn học?

L.M.Q: Nào riêng gì tôi, ai cũng có thể viết được, nếu họ đã có một quá trình tích lũy tri thức lâu dài. Đợi đến lúc viết, mới bắt tay vào tìm kiếm, chuẩn bị tư liệu thì bao giờ mới xong? Một người thợ giỏi luôn chuẩn bị trước các dụng cụ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công việc hằng ngày. Với tôi, đó là các loại từ điển chuyên ngành chẳng hạn, vì khi cần kiểm tra lại điều gì đó, có thể tra cứu được ngay. Phải đọc nhiều. Đọc mỗi ngày. Đọc cũng là học, nhờ vậy, ai cũng có thể biết được viết đề tài, lãnh vực khác nhau. Thời mới vào nghề, tôi từng phụ trách chuyên mục hướng dẫn phụ nữ làm đẹp,  viết bài hằng tuần, dù không phải sở trường. Tôi khắc phục bằng cách tham khảo từ sách, từ các nhà chuyên môn.

*Tới tháng 9 này là anh tròn 1 năm giữ mục “Sức khỏe cho tâm hồn”; anh có cảm thấy đã “cạn” đề tài thể hiện? Anh sẽ tiếp tục giữ mục “sức khỏe cho tâm hồn” hay sẽ tạm ngừng khi tròn 1 năm. Nếu viết tiếp anh có những đề tài; hay cách viết nào theo kiểu “làm mới mình”?

L.M.Q: Dòng chảy của cuộc sống phong phú, đa dạng và mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho những ai sống bằng nghề viết lách. Nếu một khi nhà báo không viết nữa, chính họ đã cạn cảm hứng chứ đề tài thì không bao giờ. Một thầy thuốc tuyên bố cởi bỏ áo blouse là do không muốn hành nghề, chứ đâu phải đã hết bệnh nhân.

Tuy nhiên, tôi hiểu rằng trong nghề báo, còn tiếp tục hoăc không đeo đuổi đề tài nào đó, không phải tự mình quyết định mà còn do người “cầm chịch” tờ báo đó nữa. Có thể, do đề tài không còn “ăn khách”; hoặc muốn sắp xếp lại các chuyên mục v.v… nên phải thay đổi. Chuyện này hết sức bình thường vì đặc thù của nghề báo là công việc được vận hành với công sức, vai trò của nhiều người.

*Sau này anh có dự định xuất bản sách từ những loạt bài này?

L.M.Q: Nhiều đầu sách của tôi đã in, chính các bài viết in ròng rã trên báo nhiều năm liền. Chẳng hạn, Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại (từ báo TT cười); Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Labada, Tình éo le mà lý oái oăm (từ các báo PN TP.HCM, PNVN), Chuyện tình các danh nhân Việt Nam (từ báo SGGP tuần san)… Tất nhiên, khi in thành sách tôi phải chọn lọc, viết bổ sung thêm, hoặc phải viết mới hoàn toàn v.v… Với các bải đã in trong chuyên mục “Sức khỏe cho tâm hồn” cũng vậy. Hiện nay, đã một vài nhà xuất bản đề nghị in thành sách. Tuy nhiên, tôi vẫn ngần ngừ vì không rõ mình còn đeo đuổi đề tài này bao lâu nữa.

*Xin hỏi nhỏ, anh viết tư vấn sức khỏe rất hay, vậy anh có sống đúng theo những gì anh đã viết không?

L.M.Q: Tôi luôn ý thức rằng, những gì viết là điều hằng tâm niệm; hoặc mục tiêu đang hướng tới. Viết cũng là một cách tự giáo dục lấy chính mình. Nói cách khác, những gì đã viết cho bạn đọc cũng là trách nhiệm với chính mình.

*Nhân 21/6, anh cho biết lần tiên những gì đã viết của được xuất hiện trên mặt báo?

L.M.Q: Từ năm lớp 8 THPT, tôi đã có thơ, tản văn in trên nhiều báo. Bài thơ đầu tiên được in trên báo Thiếu Nhi do ông Khai Trí chủ trương, số ra ngày 13.5.1973, ký bút danh Thiên Bất Hủ. Bài thơ như sau: “EM TÔI: Em tôi bé nhỏ/ Bầu bĩnh dễ thương/ Trên môi son đỏ/ Nụ cười trầm hương/ Cắp sách đến trường/ Cô dậy A, B/ Về nhà tập đọc/ Mai học chữ C/ Thấy ai làm hề/ Là cười hớn hở/ Ai mà dọa ma/ Thì tìm đến ba/ Em thích hát ca/ Những bài cộng đồng/ Mẹ sẽ không la/ Như chim sổ lồng”. Tin, bài báo đầu tiên, tôi được báo Tuổi Trẻ chọn in từ lúc đang học năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn Trường Đại học TP.HCM (1983-1984). Từ đó đến nay, tôi chỉ sống bằng nghề suy nhất: viết báo và viết sách.

*Đến nay anh có thống kê được là đã viết được bao nhiêu bài báo; sáng tác được bao nhiêu bài thơ? Viết được bao nhiêu đầu sách?

L.M.Q: Nắm trong tay một nắm cát, đố ai có thể đếm được bao nhiêu hạt cát? Làm sao có thể thống kê đã viết bao nhiêu bài báo, bài thơ? Thậm chí, trong đời làm báo, đã ký bao nhiêu bút danh, thú thật tôi cũng không thể nhớ hết. Riêng về sách, tôi đã có gần một trăm đầu sách, đủ các thể loại từ thơ, văn xuôi đến tạp bút, khảo cứu…

*Nghe nói anh rất nghiêm túc trong việc viết lách. Vậy trong một ngày thời khóa biểu của anh thế nào?

L.M.Q: Tài năng nhiều hay ít là trời cho, nhưng đạt kết quả công việc thế nào là do mình. Ngày nào cũng như như này nào, kể cả ngày chủ nhật ngày nghỉ: buổi sáng thức dậy, tôi ngồi trước bàn phím, nhâm nhi ly cà phê và viết. Viết như một thói quen, không đợi cảm hứng. Không cà phê ngoài quán, mất thời gian lắm. Sáng nào bận họp thì rời nhà sớm, còn không cứ lặng lẽ viết một lèo đến chừng 9 hoặc 10 giờ, rồi đi ăn sáng, vào cơ quan. Chiều thức giấc, tôi lại ngồi vào máy tính, tiếp tục viết. Hôm nào có hẹn hò lai rai thì 17 giờ tắt máy; còn không cứ viết đến 19 giờ. Sau đó, mới cơm nước, khoảng 21 giờ đi nghỉ.

Trước lúc ngủ mỗi đêm, và lúc rảnh rỗi bao giờ tôi cũng đọc sách, nguyên tắc này không thay đổi dù bất kỳ không gian nào. Thích cái gì đọc cái nấy, cũng như ra hiệu sách, thấy thích là mua, dù sách đó chẳng thuộc chuyên môn của mình. Thời gian cà phê cà pháo, bia bọt anh em bạn bè cũng vui nhưng chắc chắn sẽ không thu nhập thông tin bằng đọc một quyển sách. Đã có lần tôi viết: “Một ngày của anh mưa nắng đã lập trình/ phải chạy đua cùng khoảnh khắc bình minh/ mười ngón tay gõ phím/ mười ngón tay quen đếm/ bao nhiêu niềm vui lọt xuống sàn nhà”. Chẳng rõ nên vui hay buồn?

*Anh thích nhất điều gì; và ghét nhất điều gì?

L.M.Q: Hiện tại, điều thích nhất vẫn đang tiếp tục công việc của mỗi ngày, vì tôi tìm thấy ở đó niềm sống, ổn định kinh tế, dù không giàu có nhưng vẫn sống phong lưu theo kiểu của mình. Điều ghét nhất, là đôi lúc phải thỏa hiệp, nhân nhượng, cả nể mà chiều theo ý người khác dù mình không hề muốn…

*Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi này.

TRIỆU NGUYÊN  thực hiện
(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 404 ra ngày 20.6.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com