Văn trào phúng
MỘT ÔNG TỔNG ĐỐC, MỘT BÀI VĂN
Có tin ông Hoàng Trọng Phu xin về hưu, ông đã già lắm rồi, nên muốn lùi chân nhường chỗ cho người khác, trẻ hơn.
Nhưng báo Xứ Sở An Nam của ông Phạm Lê Bổng cho là sự hại lớn cho dân Việt. Trong luôn hai kỳ, báo Xứ Sở van lấy ông Hoàng Trọng Phu nên nghĩ lại cho dân nhờ. Báo ấy lại đăng một bài tán dài dằng dặc nói là của một người trẻ tuối viết, xin trích đăng mấy đoạn thống thiết như dưới.
“Như một làn chớp nhoáng bỗng xẻ trời quang, tin quan đại thần Hoàng Trọng Phu bỏ quan trường đã dìm cả nước vào trong sự khủng khiếp vô cùng và đã tan ra nhanh như đường thuốc súng.
...Một thứ cảm giác truyền nhiễm đại đồng, làm náo động hết thảy các trái tim. Một sự buồn bã khó chịu bỗng đè lên tinh thần của quan trường, mà một cái rỗng mông mênh đau đớn, không có gì lấp được, đã bắt đầu làm cho dân chúng cần cù tỉnh Đơ cảm thấy... Thật vậy, nếu muốn tả sự tưởng của dân gain và của những người đã đến gần quan đại thần H.T.Phu thì phải tặng ngài chức “phụ mẫu chi dân”... chỉ nên một cách giản dị rằng: đại thần là một tinh thần mới trong một linh hồn cổ, và đối với mắt trẻ hay mắt già, đại thần cũng là đại biểu của những di phong mạnh mẽ và vinh hoa của nước Nam thủa xưa. Đối với mọi người Ngài hiện ra như người gác và trau dồi ngọn lử An Nam”
Thật là một bài văn mạnh khỏe và văn hóa, tiếc rằng bài ấy chỉ ký tên: “một người An Nam trẻ tuổi” thành ra không biết tác giả là ai, khiến người đọc nghi nghi, hoặc hoặc, không rõ ông Bổng hay là ông Bình.
Văn trào phúng
MỘT TỜ BÁO MỘT BỨC THƯ
Báo Tràng An từ ngày xoay chí hướng, có những cái cử chỉ mới lạ, đáng mặt một tờ báo Huế.
Kỳ vừa rồi không biết nghĩ thế nào, ông chủ bút Lê Thành Cảnh tờ báo ấy đăng một thư riêng của ông Ưng Trình thượng thư, gửi cho một người trong hoàng phái đỗ bằng y khoa bác sĩ. Ý chừng vì câu văn tuyệt tác của bức thư, ai nghĩ khác thì tội cho ông Cảnh nhà tôi, thư rằng:
“Quan tiến sĩ.
Hỏi thăm, biết quan cháu đã vinh quy, bản chức thay mặt cả hoàng gia gửi lời thăm và chúc mừng...
...Thành được cái chí của cha, uỷ được tấm lòng của mẹ thế là hiểu, chuyên môn về y lý, học thuật sẽ bổ ích cho nhân dân, thế là trung, trung hiếu lưỡng toàn, thế là kết quả...
Tôn nhân phủ đại thần.
Ưng Trinh
Thật là một bài lý luận sáng suốt phiền một nỗi như vậy thì trung hiếu lưỡng toàn dễ dàng quá. Cứ đỗ bằng bất cứ bằng gì cũng được, thí dụ như bằng Thành chung. “Thành được ý cha, uỷ được lòng mẹ thế là hiếu. Ra làm giáo học, làm thông phán, học thuật sẽ bổ ích cho nhân dân, thế là trung”.
Mà không đỗ bằng gì cũng được, thí dụ như làm ông lang An Nam, thí dụ như làm ông thầy tướng. Miễn là học thuật tạm gọi có bổ ích cho dân, thế là trung rồi. Vậy ai có nghề gì trong tay đều là trung tuốt.
Dầu sao lúc thư của “quan chú”gửi cho “quan cháu” lúc “quan cháu” vinh quy bái tổ chắc cũng hởi lòng “quan cháu gái” và nức dạ lũ “quan chắt”, “quan chít”
Hoàng Đạo
Số 43, ngày 17-1-1937
Văn trào phúng
MỘT NHÀ ĐẠO ĐỨC
Ông Trương Tửu phê bình Lạnh lùng trong báo Thời Thế, một tờ báo mới ra đời.
Nhưng lần này phê bình, ông không phải là nhà phê bình. Đố ai đoán được ? Ông là một nhà ... đạo đức.
Ông cả quyết bảo Lạnh lùng là một cái hoạ lớn cho bạn gái và nó định phá hoại sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Làm sao vậy ? Vì ông cho rằng: Người đàn bà goá, đã là mẹ, phải lấy việc nuôi dạy con làm nghĩa vụ và hạnh phúc của đời mình.
Theo ông lý tưởng tuyệt đối của một người đàn bà là làm một người mẹ hoàn toàn. Sự hi sinh ở đây là một điều kiện cần thiết.
Nghĩa là ông bắt người đàn bà phải bỏ mình đi, ra công nuôi con, dầu trong lòng còn muốn đi lấy chồng cũng mặc, dầu trong lòng còn mong mỏi, theo đuổi nghĩa vụ khác cũng mặc. Nghĩa là ông Trương Tửu là một tín đồ của nền luân lý Tống Nho, cái luân lý chật hẹp coi “người” như một phần tử nhỏ mạn không đáng kể của “đoàn thể”.
Ông không thể nghĩ rằng bổn phận làm mẹ không bắt một người đàn bà goá còn trẻ hi sinh hết cả đời xuân xanh để làm mẹ, chỉ làm mẹ, ông không nghĩ đến chữ nhân đạo.
Ông bảo đàn bà bao giờ cũng vị tah, người đàn bà chỉ sung sướng bằng cái sung sướng của người khác. Nghĩa là ông cho đàn bà không phải là một người, một người hoàn toàn như đàn ông, ông quên mất chữ công lý và quên mất cả tâm lý.
Ông quên nhiều quá, khó lòng mà thành được nhà phê bình không thiên vị, chỉ có thành được một ông đồ nho.
Hoàng Đạo
Số 53, ngày 4-4-1937
Văn trào phúng
NGƯỜI VÀ VIỆC
BỘ GIÁO DỤC QUỐC DÂN
Ông Phạm Quỳnh thượng thư Bộ giáo dục, kể cũng như các ông thượng khác, nếu mỗi năm ông không đọc một bài diễn văn.
Nhưng ông Phạm Quỳnh là ông Phạm Quỳnh, một hòn ngọc báu của Nam triều, vì thế cho nên ông ta đã diễn thuyết.
Ông họp các ông Kiểm các ông Đốc lại, để lập thành một hội nghị, giữa hội nghị ấy, năm nay ông tán dương công việc của Bộ quốc gia giáo dục.
Theo ông ta, công việc của bộ ấy rất có ích. Từ năm 1932 đến năm 1936, số học trò Sơ đẳng và Sơ học từ 68.354 người tăng lên đến 92.562 người. Bắt đầu từ năm nay, bằng sơ học yếu lược không bắt buộc phải có khi lên lớp nhì và kể từ năm 1940 trở đi thì không có bằng ấy cũng có thể thi lấy bằng sơ đẳng, ông ta còn định bắt học trò tập thêm việc làm bằng tay chân, và tập làm vườn nữa. Bộ của ông ta còn mong bành trướng hơn, nhưng tiền công quỹ định về việc học chỉ có hạn. Cách tổ chức của bộ ấy ông bảo đã “khuôn vào những cái khung bất diệt của xã hội Việt Nam: làng, tỉnh, và các ông học quan. Là những người thay ra một cơ quan giáo dục bình dân, dạy cho học trò biết chút đỉnh để đủ dùng trong cuộc sinh hoạt hàng ngày, và đừng để cho họ có cái óc thoát ly ra ngoài hoàn cảnh của họ.
Ông ta lại bảo cái lý tưởng ấy tầm thường, ông ta nói thế mà đúng đấy. Nếu bộ của ông ta chỉ dùng để dạy học lên tám lên mười biết viết, biết đọc chữ quốc ngữ, thì nó có thể lấy tến là “Sở coi về việc học các lớp sơ đẳng” và ông ta chỉ là một người giám đốc sở ấy. Nhưng nó lấy tên là Bộ giáo dục quốc dân, nên tôi lấy làm ngượng lắm.
Giáo dục quốc dân ! Cái tên đẹp đẽ thay. Nghĩ thấy là ta hình dung ra một cơ quan nỗ lực giáo dục dân chúng; cưỡng bách sự học ở lớp sơ đẳng, đặt thư viện bình dân, dùng sách vở, báo chí, các cuộc diễn thuyết, bộ máy vô tuyến điện...đủ hết các phương pháp hành động, để đạt được mục đích: là làm mọi người trở nên người hiểu biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, dẫu không làm nhiều việc thế, bộ của ông Phạm Quỳnh cũng có cái tên đẹp đẽ như vậy. Bộ giáo dục quốc dân, chứ nào có kém cạnh gì đâu !
Có cái tên đẹp âu cũng là đẹp rồi.
Văn trào phúng
HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ
Từ ngày đồng Franc phá giá, các đồ vật cứ tuần tự mà tăng, tăng một cách mau chóng, như muốn vét tận đáy túi nhân dân.
Thế rồi người ta thấy sản xuất ra một hội đồng định giá các thực phẩm, đáy túi của nhân dân đã lấy làm mừng.
Hội đồng làm việc, xem giá mọi nơi rồi đăng lên báo chí rồi bảo giá ấy không ai bán cao lên được. Phiền một nỗi lúc đó không có hàng hoá nào giá cao hơn cả. Chỉ nhận thấy một điều rằng thực phẩm nào còn rẻ bỗng tăng lên bằng giá đã định. Đáy túi của nhân dân lại không lấy làm mừng nữa.
Từ độ ấy đến bây giờ giá hàng hoá vẫn cứ thấy tăng lên dần. Sự hoạt động của hội đồng định giá, trái lại, cứ thấy bớt dần. Hội đồng định giá có lẽ rồi biến ra hội đồng không định giá.
Còn đáy túi của nhân dân, thì chắc hẳn là biến ra trống rỗng.
Văn trào phúng
VÍ DA CỦA ÔNG HONEL
Ông nghị cộng sản Honel đã phát chẩn ở Bắc Ninh bị kẻ ăn cắp lần mất ví da với 200 đồng.
Câu chuyện ấy thật là giản dị.
Nhưng với ông Honel, thì việc giản dị gì cũng hoá rắc rối hết.
Tờ Populaire Indochinoise đăng lại rằng ông Honel muốn lám quảng cáo cho mình nên đi ô tô đến phát chẩn vừa mới tới nơi, thì một bọn người Nam tóm lấy cả gạo, lẫn áo, lẫn tiền.
Tờ Tribune Indochinoise thì cho ông là bị một bọn cướp thực hành câu châm ngôn của đảng cộng sản: “cái gì của anh là của tôi” lột trần ông như nhộng, chỉ để cho ông một chiếc quần.
Nhưng tờ báo này đã khéo tưởng tượng cho có chuyện. Thật là đúng với câu phương ngôn mới:
Báo ở xa, tha hồ nói láo.
Văn trào phúng
HÀNH KHÁCH
Sở hoả xa vẫn có tiếng là yêu hành khách.
Nói cho đúng hơn, thì sở ấy yêu túi của hành khách, yêu một cách thiết tha !
Còn thân thể của hành khách thì họ cũng yêu, nhưng yêu một cách khác. Có đáp xe lửa vào Sài Gòn mới rõ.
Mũi của hành khách, họ nghĩ rằng dùng để ngửi, và nếu không cho ngửi thì thật là phí. Vì vậy cho nên những chuồng hôi ở hãng tư họ dùng một lối khoá không ăn; cứ để mùi xông ra tự do.
Những chỗ lên xuống, họ để một ngọn đèn dầu lờ mờ, nhưng không phải để cho đỡ tốn, nhưng vì họ muốn luyện mắt hành khách cho sáng, có thể nom trong bóng tối được như những tay phi hành gia.
Có một lần, một tay hành khách kia đáp xe lửa vào Tourane, ông ta ngủ vùi. Đến Truồi, cách Tourane còn khá xa, sở hoả xa cho cắt một ít toa để lại, còn thì đi vào Tourane. Trong số toa để lại, ông hành khách kia vẫn ngủ, mãi dậy thì đã muộn rồi. Nhưng lỗi là lỗi ở ông ta, ai bảo ông mệt, ông ngủ thiếp đi, ông cứ thức có được không; còn lúc cắt toa, người ta không bào ông, chẳng qua là vì muốn ông nghỉ ngơi cho khỏe, đánh thức sợ mất giấc của ông mà thôi. Họ nghĩ thật đã chu đáo lắm thay.
Nhưng họ đem lối chu đáo ấy dùng vào lúc thu tiền vé thì vẫn là hay hơn.
Hoàng Đạo
Số 78, ngày 26-9-1937
Truyện
HỘI CHỢ HUẾ
Truyện ngắn
Về nhịp hội chợ Huế năm vừa qua, gian hàng của Tuyên lại dọn khít bên gian hàng một người Bắc. Bên tay trái là gian hàng tơ lụa của Nam kỳ. Tuyên làm thư ký cho hội bán muối ở sông Cầu, người mạnh bạo và nước da hơi thâm. Năm ấy, Tuyên bàn với chủ về chưng một gian hàng ở hội chợ Huế để tiên việc quảng cáo thì được chủ nhận lời ngay. Tuyên được cử ra Huế để dọn gian hàng ấy.
Một hôm Tuyên đang xem người ta dọn ghế tủ trong gian hàng mình thì bỗng nghe bên kia nhà có tiếng người Bắc nói chuyện. Tuyên mỉm cười lẩm bẩm:
Đây mới thật Trung Nam Bắc một nhà.
Lúc thấy mấy người nhà sắp xong bàn ghế, Tuyên tò mà chạy qua bên gian hàng người bắc đứng xem. Một bà người Bắc và cậu con trai đang loay hoay sắp những đồ bằng đồng lên trên ngăn tủ. Thấy hai mẹ con làm lụng ra chiều khó nhọc nên Tuyên cũng muốn vào làm dùm. Tuyên tiến vào trong gian hàng thêm vài bước rồi đứng thẳng người nói:
Đồ đồng nặng mà cụ thì yếu, cụ để cháu sắp dùm cho.
Hai mẹ connghe tiếng nói thì quay đầu lại. Bà Tuý đưa trái cánh tay lau mồ hôi trên trán nhìn Tuyên nói sẽ ra dáng cảm động lắm:
Chúng tôi không dám vì chắc làm phiền ông lắm...
Tuyên vội vã ngắt lời:
Phiền thì chắc không phiền lắm, vì chỉ đứng trông cụ làm tôi đã thấy phiền rồi.
Nói xong Tuyên đi thẳng vào nhà, sắp cái này, chữa cái kia ra vẻ sốt sắng lắm. Bà Tuý thấy có Tuyên đến giúp thì vui vẻ hơn trước. Thấy bà ta rinh vật gì hơi nặng thì Tuyên đã đến cướp trên tay và giành rinh cho kỳ được. Tuyên vừa làm vừa huýt còi miệng vang cả nhà. Nhờ tay Tuyên bao nhiêu đồ bằng đồng đều sắp đặt ngay thẳng và trông đẹp mắt hơn trước. Cậu con bà Tuý thì lẳng lặng làm việc, gương mặt điềm tĩnh và ngơ ngơ trông đến buồn cười. Tuyên thá6y sự yên lặng tràn ra lâu quá cũng khó chịu nên quay lại hỏi bà Tuý:
Đồ đạc nhiều thế này mà chỉ hai người thì sắp đặt thế nào kịp.
Bà cụ đặt xong chiếc lư đồng trên cái đôn rồi quay lại nhìn Tuyên đáp:
Còn nhiều người nữa chứ. Nhưng người nhà thì sáng mai nầy mới đến Huế.
Tuyên vừa bước lên chiếc ghế cao vừa nói:
Thế mấy người ấy đi tầu suốt à ?
Cậu con trai bà Tuý buông thả hai tay xuống, trố mắt ngạc nhiên nhìn Tuyên:
Vậng, nhưng sao ông biết ?
Tuyên đưa mắt nhìn bà Tuý mỉm cười:
Thì tầu suốt ở Bắc đến Huế vào khoảng sáu giờ. Có khó gì đâu mà không biết.
Bà Tuý tươi cười nói tiếp
Ông đừng để ý đến những câu hỏi của thằng điên ấy. Lắm lúc nó như gi điên thật ông ạ. Nó tên là Dủ, nhưng ở nhà chị nó thường gọi nó là thằng ngốc. Nó ít ăn ít nói lắm. Ít ăn thì không chắc nhưng sự thật thì ít nói. Chuyện gì dễ dàng đến đâu nó cũng tưởng là bí mật. Rồi hễ ai nói được câu gì hơi khó – khó đoán chứ không phải khó nghe- thì nó đã hỏi: nhưng sao ông biết?
Nói xong bà ta lại ười lớn hơn nữa. Tuyên nhìn Dủ cười theo. Nhưng Dủ thì cặm cụi làm lụng như trước, nét mặt vẫn không thay đổi, điềm tĩnh một cách lạ.
Qua hôm sau vào khoảng mười giờ mai, sắp đặt gianhàng mình xong xuôi, Tuyên liền qua thăm bà Tuý. Lúc bước chân vào nhà thì không thấy ai hết. Tuyên gnỡ bà ta còn ở trong phòng nên cứ tự nhiên sắp lại mấy cái lư để chưa được thẳng. Lúc tấhy cái tượng bán thân một thiếu nữ để giữa bàn, Tuyên liền vòng tay lẩm bẩm:
Ồ tượng này đẹp quá. Nhất là cặp mắt !
Rồi quay mặt vào phòng, Tuyên nói lớn:
Bà cụ ơi ! Ra cho tôi hỏi thăm cô này một chút !
Ngay lúc ấy hai bức màn che trước phòng từ từ vén lên. Một thiếu nữ ăn vận kiểu Bắc chậm rải bước ra. Trông thấy Tuyên thì thiếu nữa cúi đầu đỏ cả mặt. Tuyên ngượng nghịu quá vì tượng bằng đồng để trên bàn lại một khuôn mặt với thiếu nữ. Thiếu nữ thong thả buông tay thả bức màn bên trái xuống. Tuyên lắp đi lắp lại trong miệng ba bốn lấn mới nói được một câu thật sẽ:
Cô làm ơn cho tôi biết bà cụ có ở nhà không ?
Thiếu nữ e lệ cúi đầu đáp:
Dạ có.
Ngay lúc ấy bà Tuý và Dủ tự bên ngoài đi vào. Trông thấy Tuyên thì bà ta mừng lắm, tươi cười nói lớn:
Ông qua chơi đấy à. Sáng mai nầy tôi đợi mãi.
Tuyên cúi đầu nói sẽ như để trách thầm:
Bà cứ gọi tôi bằng ông mãi. Tôi chì đáng đầu con bà thôi. Bà gị vậy tội Trời...
Dủ đăm đăm nhìn Tuyên nói tiếp:
Ông đáng đầu con mợ tôi, nhưng sao ông biết ?
Bà Tuý phá lên cười.
Mày ngốc lắm Dủ ơi ! Vào trong phòng lấy vài chiếc ghế ra đây !
Nói xong bà ta quay lại bảo thiếu nữ:
Con lấy bình chè tầu mới pha để ông xơi nước.
Dủ vừa đi vào phòng vừa mói:
Để con xơi nước chứ. Vì ông ấy đáng đầu con mợ kia mà...
Thiếu nữ và Tuyên đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng cúi đầu một lần, mặt đỏ như gấc.
Bắt đầu từ hôm ấy, Tuyên cứ qua gain hàng nhà bà Tuý thăm luôn. Lúc thì lấy cớ đem muối kiểu mẫu qua biếu, lúc thì qua xin nước đem về uống. Trước Thìn – cô gái bà Tuý - thấy Tuyên qua thì lẩn mặt. Sau lâu thành quen, Thìn không e thẹn nữa.
Hôm ấy hội chợ đông ngày thứ hai. Tuyên đang ngồi trước bàn giấy thì Thìn rón rén đi vào. Người ra vào tấp nập quá nên Thìn đã đứng trước mặt mà Tuyên không để ý. Thìn nghiêng đầu về phía trước nói sẽ:
Thầy Tuyên viết thư cho ai mà vội thế ?
Tuyên ngẩng đầu lênthấy Thìn thì trong lòng hồi hộp, vui mừng mộtvcách lạ. Tuyên đứng dậy chỉ ghế mời Thìn ngồi rồi nói sẽ giọng hơi run:
Cộng lại số tiền bán được hôm qua chứ có viết thư cho ai đâu.
Thìn biết mình nói hớ nên mỉm cười im lặng. Một lát sau Thìn đứng dậy nói sẽ:
Ban nãy có người Pháp hứa sẽ đến mua vài cái lư đồng đen. Mợ em nói qua nhờ thầy nói bán giúp cho. Vì để em nói thì họ không tin và sợ họ mặc cả lôi thôi lắm.
Tuyên đưa tay xếp lại giấy tờ để trên bàn rồi tươi cười đáp:
Nhờ với chẳng nhờ. Cô thì giỏi dùng những chữ khách sáo lắm.
Thìn liếc mắt nhìn. Tuyên mỉm cười không đáp.
Lúc hai người bước vào gian hàng thì người Pháp cũng vừa đến. Sau năm phút mạc cả, người Pháp mới nhận mua hai chiếc lư đồng sáu chục bạc. Thấy cái tượng bằng đồng của Thìn để trên bàn, người Pháp cũng đòi mua, nhưng Tuyên đã vội vã quay lại hỏi Thìn:
Cô đã bằng lòng bán tượng này cho tôi rồi phải không ?
Thìn hiểu ý cúi đầu đáp:
Dạ phải
Người Pháp liếc Thìn rối với một giọng hóm hỉnh cười nói:
Nhưng còn một tượng nữa chắc chưa có người làm chủ ?
Tuyên đaư mắt đắm đưối nhìn Thìn nói sẽ:
Cả hai.
Thìn cúi đầu nhìn xuống đất hai mà ửng đỏ. Vài sợi tóc tơ lả lơi xoã xuống trán. Bà Tuý đứng một bên không hiểu mấy người nói gì, thật thà nói lớn:
Tôi chỉ bán lư đèn và các vật bằng đồng thôi. Còn cái tượng thì để chưng chứ không bán.
Người Pháp giả vờ chặt lưỡi tiếc thầm rồi cười nói:
Tôi tiếc quá.
Tuyên đưa mắt nhìn Thìn rồi làm ra vẻ băn khoăn nói tiếp:
Và tôi cũng tiếc quá.
Tối hôm ấy đến quá nửa đêm Hội chợ mới đóng cửa. Tuyên định qua thăm Thìn thì gặp ngay Thìn đi với Dủ vào gian hàng mình. Hôm ấy thìn mặc áo màu lục điểm bông trắng, neên trông người tươi tắn và dong dảy lắm. Thìn mới để chân lên bậc thềm đã tươi cười nói lớn:
Thầy Tuyên chưa cho người đóng cửa hàng à ? Chúng tôi định qua mời thầy qua nhà tôi ăn chè đây.
Tuyên hớn hở đáp:
Tôi cũng biết trước, nên cứ để đèn trong nhà sáng. Chẳng không cô sẽ bảo tôi đi ngủ và không qua mời nữa.
Thìn nghe nói ôm bụng cười như nắc nẻ. Còn Dủ thì ngơ ngác nhìn Tuyên rồi nói lớn:
Bên tôi có nấu chè thật, nhưng sao ông biết ?
Thìn, Tuyên nghe nói đua nhau cười tức cả bụng. Qua bên gian hàng Thìn, Tuyên không thấy bà Tuý đâu hết. Thấy Tuyên đưa mắt nhìn quanh. Thìn hiểu ý nên nói trước:
Mẽ em có người bà con mới qua phố ở lại rồi.
Lúc ngồi vào bàn ăn tự nhiên Tuyên có cảm giác được Thìn xem như người nhà. Thìn ân cần hỏi Tuyên những chuyện vặt ở Sông Cầu làm Tuyên suyng sướng và cảm động lắm. Nghe Tuyên tả cảnh đẹp ở tình nhà, Thìn bất giác vỗ hai tay xuống bàn tươi cười nói lớn:
Theo anh kể thì phong cảnh tỉnh Sông Cầu em ưa lắm và em cũng muốn ở đấy lắm.
Tuyên tươi cười nói tiếp:
Cô Thìn muốn ở Sông Cầu thật à ?
Thìn sợ Dủ hiểu câu nói bóng gió của mình nên vội nói chữa:
Vâng, nếu được thì em bàn với mẹ em dọn một cửa hàng trong ấy cho vui.
Tuyên nhìn Thìn thậtthà nói sẽ:
Nếu chỉ dọn hàng thôi thì xa xôi lắm câ ạ.
Thìn cúi đầu nhìn xuống bàn rồi thì thầm nói sẽ như để một mình nghe:
Nhưng miễn không xa...là được.
Tuyên nghe nói sung sướng lắm nhưng không dám nhìn Thìn, vì ợ gặp cặp mắt của Thìn thì không giữ được vẻ tự nhiên nữa. Thấy Dủ đăm đăm nhìn mình như cố gắng hiểu lời của mình, Thìn liền đứng phắt dậy cười nói:
Tối hôm nay không hiểu sao em nói chuyện nhạt lắm. Nhưng chắc không can gì, vì em được ở bên gian hàng...muối.
Tuyên được dịp ngẩng đầu lên nhìn Thìn, nhưng hai cặp mắt vừa gặp nhau, hai người đã cúi đầu nhìn một lần xuống đất. Dủ đứng dậy nhìn Thìn rồi tươi cười nói:
Chị thường bảo em ngốc, nhưng em cũng ngốc theo chuyện thôi chứ !
Nói xong Dủ đi thẳng vào phòng cười chúm chím. Tuyên, Thìn đưa mắt nhìn Dủ rồi quay lại nhìn nhau mỉm cười yên lặng.
Người đến xem Hội chợ càng ngày càng htưa dần. Chỉ còn nửa giờ nữa là Hội chợ đóng cửa lần cuối cùng. Tuyên cảm thấy sự phân ly sắp đến nên buồn không đi đâu hết. Trưa hôm ấy Tuyên thẫn thờ qua gian hàng Thìn thì thấy bà Tuý đang sắp đặt đồ đạc vào thùng với Dủ. Thấy gian hàng trống trải dần, Tuyên tự nhiên muốn bưng mặt khóc. Thìn thì đang ngồi viết chữ thật lớn trên mặt thùng. Thấy Tuyên qua, Thìn ngẩng đầu nhìn lên nhưng ngẹn ngào không nói được câu gì. Mỗi cái thùng để trước mặt, mỗi thúng rơm khô đều nói cho hai người cảnh chia tay sắp đến. Thìn vẫn cắm cúi ngồi viết, nhưng nét chữ run run không được tự nhiên như trước. Thấy Tuyên đứng nhìn, Thìn liền viết nhanh trên thùng một hàng chữ thật lớn và thật rõ:
Mademoiselle Thìn 23 phố Hàng Đồng Hanoi.
Tuyên hiểu ý Thìn cho mình biết địa chỉ nên cảm động lắm. Nhân thấy mẹ chạy vào phòng lấy giây, Thìn liền e dè lên tiếng nói:
Tối nay em ra Bắc rồi anh ạ.
Hai chữ “ra Bắc” làm cho Tuyên giật mình, nghe đau đớn và tha thiết vô cùng. Tuyên cúi đầu nhìn lên mái tóc Thìn rồi nói tiếp:
Cô Thìn ạ, lòng tôi đau khổ lắm.
Dủ ngừng tay nhìn xuống đất, nét mặt rầu rầu nói sẽ:
Lần này em hiểu tại sao lòng anh đau khổ rồi.
Thìn và Tuyên ngẩng đầu nhìn nhau, hai cặp mắt thấm đầy cả lệ.
Thanh Tịnh
Số 114, ngày 12-6-1938
< Lùi | Tiếp theo > |
---|