I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN
Cuối tháng 5 năm 1935, báo " Phong hoá" cũng đã bị Thống sứ Bắc Kì đình bản ba tháng, đoán trước được tình hình, Nguyễn Tường Tam xoay xở cho ra một tờ báo nữa làm "bánh xe sơ cua"- tờ "Ngày nay", một tờ báo hiền lành .
"Ngày nay" số 1, ra ngày 30 tháng 01 năm 1935, tồn tại đến 28 tháng 04 năm 1943 thì bị thực dân đóng cửa vì lí do chính trị. Tuy đây chưa phải là mốc thời gian đặt dấu chấm hết cho tờ báo, bởi lẽ đến 05 tháng 05 năm 1945, tờ báo lại được tái bản lần thứ hai dưới sự dẫn dắt của giám đốc mới- Nguyễn Từơng Bách. Nhưng giá trị và vai trò lịch sử của " Ngày nay" đã thực sự chấm dứt bởi hầu như đánh mất hoàn toàn tiếng nói rất riêng mà một thời đã gây tiếng vang sâu sắc trong đông đảo công chúng. Tờ báo mới trở nên bất cập và lạc lỏng với tình hình thời cuộc lúc bấy giờ.
Các tác giả tiêu biểu
Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam, trong lúc bình tâm nhất đã nói với con trai Nguyễn Tường Thiết của mình rằng :" Thật ra chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu làm cho đến nơi đế chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự lực văn đoàn".
Có công lớn đầu tiên khẳng định tên tuổi hai tờ báo chính là Tự lực văn đoàn. "Nhóm Tự lực không phải là nhóm duy nhất, nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại" _ Hoàng Xuân Hãn
Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn hoá ra đời năm 1933, trụ sở đặt tại số 80, đường Quán Thánh- Hà Nội. Ban đầu, văn đoàn chỉ gồm có năm người, là : Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Tứ Ly- Hoàng Ðạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), sau kết nạp thêm :Nguyễn Thứ Lễ (Thế Lữ), Ngô Xuân Diệu (Xuân Diệu), và Trần Tiêu( em ruột Khái Hưng), tổng cộng trước sau chỉ có tám người.
Ảnh hưởng của phong trào yêu nước và Duy tân đầu thế kỉ ít nhiều liên quan đến sự ra đời và khuynh hướng sáng tác của văn đoàn này. Tài năng của họ là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng cái để gắn kết họ lại với nhau chính là tình ruột thịt giữa những anh em nhà Nguyễn Tường, là tình bạn giữa những người chung một tâm hồn, là tình đồng chí giữa những tư tưởng và mục tiêu lớn.
Ngoài ra, tờ báo còn nhận được sự cộng tác của nhiều văn nghệ sỹ khác như : Ðoàn Phú Tứ, Trần Thanh Tịnh (Thanh Tịnh), Cù Huy Cận (Huy Cận), Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Ðà), Nguyên Hồng, Lưu trọng Lư.và các họa sỹ nổi tiếng hồi bấy giờ : Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường (Cát Tường Lơmuya).
Chính họ là những nhân tố không thể thiếu để tạo nên "Phong hóa" và "Ngày nay" - một hiện tượng độc đáo với nhiều đóng góp quan trọng trong nền báo chí Việt Nam những năm 1930- 1945.
1. Chủ trương, đường lối
Tác giả Vu Gia, với tác phẩm nghiên cứu :"Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học", đã nêu rõ tôn chỉ của "Phong hóa":
Hăng hái theo con đường mới, tìm lí tưởng mới;
Không chịu khuất phục thành kiến;
Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào;
Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động;
Lấy thành thực làm căn bản;
Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí.
(Ðăng trên "Phong hóa", số ra thứ sáu ngày 02 tháng 03 năm 1933)
Không thể không nhắc đến hai nguyên tắc chỉ đạo lớn, dễ nhận thấy mà người đứng đầu tờ báo lúc bấy giờ đề ra.
Nguyên tắc thứ nhất: hợp pháp để báo không bị đóng cửa, sách xuất bản không bị cấm lưu hành, hoạt động cá nhân không dẫn đến tù tội.
Nguyên tắc thứ hai: phải được cảm tình của công chúng văn học, của quốc dân nói chung. Muốn thế, không gì bằng chống lại những cái họ ghét, tán thành những cái họ yêu, tức thõa mãn những yêu cầu tinh thần và tình cảm của họ.
" Ngày nay" cũng không nói gì khác hơn những điều đó, không làm gì khác hơn những tôn chỉ đã được nêu trên.
2. Các thể loại
"Phong hóa", "Ngày nay"là một loại tuần báo, ra ngày thứ năm hằng tuần. Giá bán là 7 xu một tờ. Ðược in tại nhà in Ðời Nay do chính Tự lực văn đoàn làm chủ.
Là tờ báo dầu tiên có sáng kiến ra những số đặc biệt về Tết Trung Thu, Tết cổ truyền .
Nhìn chung hai tờ báo này trung thành với hình thức dùng tiếng cừơi làm vũ khí sắc nhọn tấn công xã hội," bàn một cách vui vẻ những vấn đề cần thiết : xã hội, chính trị, kinh tếv.v."
Cách thức thể hiện này không phải là mới. Trước đó đã là thời kì của Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc, Nguyễn Ðình Thấu với những tờ trào phúng như "Duy Tân", tờ " Dân mới" của Chu Mậu, "Ðông tây" của Hoàng Tích Chu, " Chiếu bóng " của Ðăng Trọng Duyệt, " Ngọ báo", " Việt báo" với những bài của Tam Lang. Nhưng dưới cái tạm gọi là thời đại của "Phong hóa", " Ngày nay", tiếng cười mang một hơi hướm mới, gần gũi hơn với đời sống thường nhật của tầng lớp bình dân. Và có lẽ cũng chính vì thế mà nó được đón nhận một cách nồng hậu.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|