Vài thông tin về tờ NGÀY NAY của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - A. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI

Mục lục
Vài thông tin về tờ NGÀY NAY của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN
A. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI
B. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ VĂN HỌC
NỘi DUNG MỘT SỐ BÀI VIẾT TRÊN CÁC CHUYÊN MỤC CỦA NGÀY NAY
Thơ trào phúng
Văn trào phúng
Tất cả các trang


Nội dung của tờ Ngày Nay:
A.   PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI:

Ðả kích bọn địa chủ và quan lại Phong Kiến


Ta dễ dàng thấy được bộ mặt thối nát của quan lại Phong Kiến phản chiếu dưới cái ao tù nhỏ gọn của toà thực dân. Ðó là những bài được đăng tải trong chuyên mục "Trước vành móng ngựa"( sau được tập trung trong một tập phóng sự, in tại Nxb Ðời nay - Hà Nội 1938). Ðúng với lí lẽ mà Pascal từng đưa ra , rằng :"Công lí mà không có sức mạnh thì bị người ta phản đối.sức mạnh mà không có công lí thì bị người ta kết án". Tập phóng sự đã cho thấy các "bậc phụ mẫu" cũng có những đứa "con cưng, con ghét". Hãy nghe một đoạn được trích sau đây:
Bị cáo thứ nhất:    
-   Anh làm gì ?
-   Bẩm, kéo xe bò.
-   Chủ là ai ?
-   Bẩm , không có chủ, ai thuê thì làm thôi ạ.
-   Anh không có tiền ?
-   Bẩm, kiếm không đủ ăn.
-   Ba tháng một ngày nhà pha !
Rồi bị cáo thứ hai:
- Anh làm nghề gì ?
-   Bẩm, con làm cu li.
-   Cu li cho ai ?
-   Bẩm, cu li cho ai Ðào, nhưng con thôi đã được một tháng nay.
-   Thế một tháng nay làm gì ?
-   Bẩm con đi tìm việc, không làm việc gì cả.
-   Không làm gì ả ? Ba tháng một ngày nhà pha !
Rồi bị cáo thứ ba :
-   Anh làm nghề gì ?
-   Bẩm làm nghề rửa nứa ở ngoài bãi.
-   Rửa nứa không phải là một nghề. Ba tháng một ngày nhà pha !
(Trích từ tập phóng sự "Trước vành móng ngựa", bài "Du đãng", trang 44 -  Hoàng Ðạo)
Rõ ràng đó không phải là những "đứa con" nhận được nhiều tình thương lắm từ các bậc "cha mẹ dân" bởi họ chẳng có cái hân hạnh là một bị cáo được sự chú ý của mọi người và bên cạnh là hai ba tên thầy cãi xun xoe ca ngợi công đức
Ngòi bút của"Phong hóa" và "Ngày nay" cũng không bỏ qua cho những bậc trưởng thượng trong bộ máy quan lại của triều đình Huế  Thế nên mới có những cuộc phỏng vấn vô tiền khoáng hậu như với Công Bộ Thượng Thư Tôn Thất Quảng tại chính tư gia của ông.
" Ông ngồi bệ vệ trên sập gụ, mặt to mà béo, lông mày xếch, ria mép lún phún, tay trái cầm cái xe điếu trúc dài đương hút thuốc lào. Cái xe điếu mềm cong. Một người lính hầu đương châm lửa vào nõ điếu.
-Ðại nhân làm nhị bộ Thượng Thư, như vậy có tài lắm. Chúng tôi xin hỏi Thượng Thư Bộ Mỹ Thuật trước.
Tôn đại nhân vội xếp lại nếp áo cho chỉnh tề, vuốt lại mái tóc, đội lại cái khăn cho ngay ngắn, lấy cái lược con chải lại bộ râu mép cho có vẻ mĩ thuật , rồi ung dung dõng dạc đáp:
-   Bản chức xin nghe.
-   Bẩm , đại nhân coi về bộ Mĩ thuật chắc am tường mĩ thuật lắm. Ðại nhân hẳn nghe thấy nói kiểu áo mới của Cát Tường . Vậy đại nhân nghĩ nên đổi lấy cổ áo bành bẻ ?
Tôn đại nhân nghĩ một lúc rồi đáp :
-   Cũ mới đều hay cả. Cứ theo ý bản đường thì tuỳ ý, ai muốn may cổ gì thì may, miễn là có cổ được rồi.
-   Vâng, đại nhân dạy chí phaiin chỉ giáo cho một điều nữa. Quần tây thời nên may một nếp hay là hai nếp ?
Không ngần ngại, Tôn đại nhân trả lời :
-   Hai nếp. Là vì một là nhất. Mà chữ nhất thường dân không được dùng.
-   Bẩm, thế còn răng đen, thường dân cạo làm răng trắng có được không ạ
-   Bản chức muốn bắt nhuộm răng đen hết. Là vì răng đen là một cách bài trí mĩ thuật riêng của nước Nam. Và màu trắng là màu buồn dùng về việc tang. Vậy để răng trắng có khác gì để khăn sô.
-   Ðại nhân nói thực là chí lí.
-   Bay đâu ?
Tôi giật mình.
- Châm thuốc tao hút đây !
Ra đại nhân hứng chí muốn hút điếu thuốc lào nhấp giọng.
-   Thưa đại nhân, ngài có nghĩ đến mĩ thuật nước nhà không ?
-   Có, bản chức bao giờ cũng tìm cách chấn hưng mĩ nghệ trong nước. Hiện bộ Mĩ Thuật đang nghĩ  chế giấy dán vào bao chè và phong thuốc lào cho có vẻ mỹ thuật để làm quảng cáo cho đồ nội hóa.bản chức còn nghĩ nhiều cách khác, thí dụ như.như.
-   Ồ bản chức quên mất rồi, thôi để khi khác.
Ðọc xong đoản phỏng vấn trên, mọi lời bình luận dường như đều có vẻ thừa thải. Ðấy không phải là đoạn trích trong bất kì quyển tiểu thuyết nào của các nhà văn đương thời. Ðấy không phải nhân vật điển hình nào trưng ra hầu thõa mãn cái sở thích văn chương của bất kì một ai. Ðấy chính là bức chân dung gần như hoàn hảo về hình ảnh một vị quan có thật trong lịch sử chỉ qua vài nét gợi để nhân vật tự biểu hiện tính cách. Tiếng cười thật nhẹ nhàng mà thâm thúy được mang đến từ tài năng của nhà báo, cộng hưởng với một chút năng khiếu miêu tả của một nhà văn.
Giá trị bài báo thực sự được nâng lên bằng cái tâm, cái tầm và cái tài của những người đã làm nên một "Phong hóa" và "Ngày nay"


Kín đáo đả kích thực dân Pháp

 
Nguyễn Trác, Ðái Xuân Ninh đã nghĩ và viết trong tác phẩm nghiên cứu "Về Tự lực văn đoàn", rằng : ".họ chỉ cho vẽ trên báo mình những bức hí họa, đăng xã luận ngắn hoặc sáng tác mỉa mai xiên xỏ đôi ba nhân vật thống trị Tây cỡ trung bình.". Nhưng thực tế khảo sát trên một số tư liệu báo chí còn lại cho thấy, đúng như lời Vu Gia với tập sách "Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học", rằng :"Báo Phong hoá đúng là một quả bom nổ chậm giữa làng báo. Họ công kích, phê phán tuốt tuột, không chừa một ai"
Cụ thể hơn là :"Toàn Quyền Brévie, Thống Sứ Châtel, Khâm Sứ Graffeuil, Ðốc lí Virgitti, Vua Bảo Ðại, Thượng Thư Phạm Quỳnh, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu."( Võ Hồng :"Gặp Tự lực văn đoàn", Văn, số 107 - 108, 1968, trang 38), tất cả đều bị đưa ra làm tiếng cừơi chung cho mọi giới.
Phó Toàn quyền Ðông Dương lúc bấy giờ là Châtel, một tên thực dân vừa ranh ma quỷ quyệt vừa hám danh hiếu sắc. Không bỏ qua đặc điểm đó, "Phong hóa" cho đăng một bức biếm hoạ có nội dung như sau:Lý Toét từ quê ra Hà Nội, tay ôm một con gà mái tơ đem biếu Phó Toàn quyền Ðông Dương. Gà mái, dịch sang tiếng Pháp là "la poule", còn có nghĩa thứ hai là "con điếm ", độc giả biết tiếng Pháp thế là được một phen cười ra trò.
Một lần khác, họa sỹ Tô Ngọc Vân vẽ cái chuông đồng hồ ở chùa Cổ Lễ đang nhăn nhó than thở rằng sắp bị người ta mang sang đấm nước người. Hàm ý bức tranh ám chỉ chính quyền thực dân ra sứ thu gom các loại chuông ở các chùa đưa sang Pháp, đúc đạn cung cấp cho chiến tranh. Thực dân Pháp bị "chạm nọc", đã sai mật thám đến tòa soạn báo Ngày nay hỏi nhất Linh ai là tác giả bức tranh. Lẽ dĩ nhiên ông không bao giờ phản bội lại chiến hữu của mình.
Hoạ sỹ Nguyễn Gia Trí cũng có một bức biếm họa về hội nghị Munich chế giễu thái độ hèn nhát và phản bội đồng minh của chính phủ Pháp. Bức tranh mô tả việc Pháp ( trong hội nghị Munich diễn ra ngày 29-09-1936 ) đã đồng ý cho Ðức chiếm toàn bộ Tiêp Khắc, một nước láng giềng mà Pháp đã hai lần kí hiệp ước đồng minh. Pháp bán đứng đồng minh cho kẻ thù. Nhân dân Secbi và Slovắc hẳn chưa quên điều đó ( dẫn theo Vu Gia)
Nhân nói về nội dung đả kích thực dân Pháp của hai tờ báo, không quên nhấn mạnh vai trò của Hoàng Ðạo, người được mệnh danh là "Linh hồn chống đối của nhóm Phong hóa, Ngày nay". Ðồng quan điểm với Vu Gia, người đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về các anh em nhà nguyễn Tường, ta thấy phong thái của ông phù hợp với những bài báo ông viết. Ông đánh thẳng, lời chỉ trích chân xác. Có chế giễu nhưng không hỗn xược. Không cần nói xa nói gần, không cần úp mở, không cần mượn gịong ởm ờ nửa bỡn nửa thiệt. Ngòi bút Tứ Ly là ngòi bút có trách nhiệm, ngòi bút vô úy là điều không có gì phải tranh cãi.


Ðả kích những nhân vật đương thời


- Những trí thức Tây học nửa vời, những tên tuổi nổi tiếng vì thói hám danh đã được đưa lên trang báo bằng một cách như thế này:"Phải, tôi biết rồi! Ông Lê Thăng với mấy chữ "Luật khoa Tiến sỹ" có rời nhau bao giờ mà tôi không biết. Trên báo "An Nam mới", trên báo "Ðông Dương tiến bộ" lắm lúc tôi cứ tưởng tên họ ông ấy là "Lê Thăng Luật khoa Tiến Sỹ " cũng như "Mạnh Ðức Tư Cưu " hay " Phổ Lỗ Sỹ " vậy ."( Phong hóa số 55, 14 Juillet 1933, trang 7)
Hay như :" Ông Vũ Ðình Hải khiêm tốn quá. Ðăng quảng cáo trong Phong hóa, ông tự giới thiệu mình một cách nhũn nhặn. Nguyên thông tin phóng sự báo Phổ thông, nguyên Tổng thư kí báo Ðông Phương, Nguyên đại biểu khắp cõi Ðông Pháp cho báo Ami du Peuple, Nguyên tổng lí kiêm chủ bút Tân báo, Nguyên chủ nhiệm xuất bả cục Hoa khôi, Nguyên quản lí nhà chớp bóng và khách sạn Central, Nguyên Tổng lí chuyên môn Văn minh hí viện.
Trời đất, toàn nguyên là nguyên. Ấy là ông còn quên đấy, xin nhắc :
Nguyên học sinh lớp năm trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp tư trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp ba trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp nhì trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp nhất trường sơ đẳng"
(Phong hóa, số 62, 22 Sept 1933, trang 3)
Với các bậc mệnh phụ phu nhân , báo có lời khen tặng . "Hạng gái lãng mạn bên ta cũng nhiều như bên Mỹ. Có người lại bảo các bà Tham, bà Phán thường cũng vô nghề nghiệp cả. Những người ấy có mắt mà không biết trông. Các bà có nhiều công việc lắm chứ ! Bôi được cái môi cho đỏ, đánh cho má được trắng, vận cái áo cho xinh cũng là một việc nặng nhọc có khi đến nửa ngày mà chưa xong. Ðấy là không kể đến những công việc nặng nề khác như đánh bạc, đi chơi mát, nói chuyện gẫu"
Viết về Hoàng Tăng Bí thì chỉ nhạo văn ông" bí rì rì ", nói về Nguyễn Khắc Hiếu thì nhạo ông say và vẽ ông với một cái mũi to nẩy lửa, đề cập đến Nguyễn Công Tiễu thì vẽ ông quẹt diêm đốt đít con rùa và chế nhạo ông trồng thủy tiên , đến lúc mọc mầm lại thành ra củ hành tây.
Nhưng tờ báo thể yên tâm vì mình là những người lịch sự, không bới móc đời tư một ai, không phanh phui chỉ trích quá ác hiểm đến nỗi người đó bị tủi hổ mà đâm ra tuyệt vọng hay uất ức quá độ. Ðó là nhờ tòa soạn báo ấy biết giữ gìn ngòi bút , viết ra những âu châm biếm vui mà không tục tĩu, cười cợt người ta mà không thóa mạ ai. Âu cũng là một hình thức góp ý không nhẹ tay vậy.


Tranh đấu cho quyền lợi của tầng lớp bình dân và cho những tư tưởng cải cách mới


Giai đoạn 1930 - 1945 ghi nhận sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của cái gọi là chủ nghĩa bình dân. Phong trào này ảnh hưởng trực tiếp từ "Nước mẹ đại Pháp", khi đến Việt Nam đã phần nào thay đổi hình thức, thậm chí còn được "sáng tạo" thêm cho phù hợp với "tình hình thổ nhưỡng" nước nhà.
Không bị cái kệch cởm, tha hóa của một chủ nghĩa bình dân đã bị biến dạng tác động đến, họa chăng chỉ là có chung sự quan tâm về một đối tượng : ngừơi bình dân, hay nói khác hơn chính là tầng lớp nông dân, những nhà báo của "Phong hóa" và "Ngày nay"bám chặt và tình hình xã hội theo cách riêng của mình.
Trước hết và độc đáo nhất có lẽ là hoạt động của Hội Ánh sáng. Một tổ chức từ thiện được thành lập năm 1937 do Nguyễn Tường Tam làm chủ tịch. Ông đã tập hợp được xung quanh mình những nhà trí thức có tấm lòng với người nghèo như : Vũ Ðình Hòe, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Phạm Văn Bính, Tôn Thất Bình.Kể cả anh chị em thợ thuyền, dân quê, học sinh. Hội có phù hiệu riêng :"Nhiều tia yếu ớt hợp lại sẽ thành một nguồn ánh sáng lớn. Dấu ánh sáng mà các bạn cài trên ngực như một vinh dự. Vẽ ba tia sáng xuyên qua một vòng tròn tối đen tức là diễn các ý nghĩa đó một cách giản dị và mạnh mẽ". (Ngày nay, số 74, trang 6). Hội còn có bài hát riêng được soạn theo Quốc ca Hoa Kì với lời lẽ đầy mạnh mẽ
"Giờ đây anh em đứng lên mà chung tấm lòng và cùng hăng hái.
Quyết sao cho dân nghèo mau cùng ra thoát vòng cuộc đời lầm than.
Ðứng lên ta gây đoàn quân tìm gieo sáng tươi vào miền u tối.
Ðứng lên ta vui và tin rằng khi hết lòng là rồi thành công."
(Ngày nay, số 100, ngày 6 Mars 1938, trang 19)
Hội đã xây dựng được khu nhà Ánh sáng tại bãi Phúc Xá, là kiểu mẫu cho loại nhà bền chắc, rẻ tiền, văn minh, hợp vệ sinh, phục vụ nhân dân lao động nghèo. " Ta phải ao ước làm thế nào cho dân quê, dân tỉnh nghèo được có chỗ thảnh thơi mà an nghỉ sau khi làm việc. Ta phải hi vọng một ngày kia những căn nhà tối ẩm đó sẽ mở ra noun ánh sáng và khí trời trong sạch vào" ( Việt Sinh:" Nhà cửa An Nam", Ngày nay số 4 ngày 1 Mars 1935, trang 3). Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện( sau làm Thứ trưởng Bộ Kiến Trúc nước VNDCCH) và Hoàng Nhữ Tiếp là người vẽ kiểu chính. Kiểu nhà này đã được ứng dụng rộng rãi  trong điều kiện của chiến khu Việt Bắc sau này (Hồi kí Vũ Ðình Hòe )
Ngoài ra, Hội Ánh Sáng với đông đảo những thành viên là nhà báo của hai tờ "Phong hóa", " Ngày nay" còn làm những công việc mang ý nghĩa từ thiện khác như phát chẩn cho dân nghèo bị lụt, bị đói. Báo "Ngày nay", số 109, ra ngày 8 Mar 1938, có đoạn miêu tả rất cảm động cảnh tượng này :".Tất cả hơn 50 gia đình, cộng được 358 xuất. Ông Phó tổng mách chúng tôi một gia đình khổ ải nhất: bố vừa chết đói. Tôi nhìn một đứa trong ba đứa ; da nó đen kịt lại, chảy thõng trên một bộ xương vẹo vọ. Môi mắt nó lợt lạt như môi mắt người sốt rét rừng. Nhưng người nó không hôi lắm, vì trong bao nhiêu lâu rồi, nó đã xa thịt cá cơm, là những thứ phát sinh ra mùi hôi thối.".
Ta dễ có được sự đồng điệu với những gì họ đã cống hiến và cống hiến một cách nhiệt thành, không vụ lợi khi nghe chính Nguyễn Tường Tam nói lên những lời tâm huyết :"Muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì phải làm thế nào cho người ta khỏi nghèo khổ, mà một xã hội nghèo khổ thì bao giờ cũng dễ thành một xã hội xấu xa."
Vậy là đã rõ, trên hết vẫn là tấm lòng với một xã hội còn nhiều nhiễu nhương. Và đây có phải là " ảo tưởng và ngây thơ vì không thể nào cải cách được đời sống dân quê bằng cách dựa vào lòng tốt cá nhân của những địa chủ tân học " ?
Sau phải kể đến sự cố gắng trong việc cải hóa đầu óc ngừơi bình dân, hay nói cách khác là chiếu tia sáng của tri thức vào một vùng vốn đã tăm tối bấy lâu.
Họ không che giấu ý định "giáo hóa cho dân" ("Người quay tơ", Nxb đời nay, S, 1968, trang 38).
Tuy thời điểm này, chữ Quốc ngữ đang chiếm ưu thế nhưng không thể phủ nhận công lao của hai tờ báo trong việc truyền bá nó một cách rộng rãi. Bên cạnh những lời kêu gọi học "chữ mới" được nói lên trực tiếp, còn có những cuộc vận động ngầm gửi gắm trong hầu hết các tác phẩm báo chí lẫn văn học, thế nên mới có những dòng văn mang tính thời sự sau :"Em để anh dạy em học Quốc ngữ, em sẽ biết đọc, biết viết, em sẽ như mọi người khác, em cũng đọc sách.em cũng viết thư được."("Nắng thu", sđd, trang 30,31 )
Không chỉ có thế, họ còn có tham vọng muốn thay đổi quan niệm lâu nay của mọi người về thân phận người phụ nữ. "Phong hóa", "ngày nay" đòi cho họ quyền được sống với đúng nghĩa của từ này. Trong những truyện :"Dưới bóng hoa đào", "Ðoạn tuyệt", "Gánh hàng hoa".không thiếu những người phụ nữ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống: yêu chồng thương con, nhưng dám bộc lộ những ngóc ngách bạo liệt nhất của tâm hồn.
Hai tờ báo không ngần ngại lên án những cảnh trớ trêu của cuộc sống mẹ chồng, con dâu của quan niệm môn đăng hộ đối hay những cuộc ép duyên  theo kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" mà phần thiệt thòi luôn luôn thuộc về người phụ nữ thấp cổ bé miệng.
Ðả kích những tệ đoan của phong hóa An Nam cũng là một hình thức tích cực kéo người nông dân ra khỏi những hệ lụy mà xã hội Phong Kiến đã xô đẩy họ vào.
Ðầu tiên, những hội hè đình đám bị đưa lên bàn mổ. Thạch Lam đã từng bất đồng ý kiến với Nguyễn Văn Vĩnh về vấn đề này, bởi theo ông Vĩnh :" khen rằng phong tục hay ho, cách tổ chức rất khéo léo. Ông ước ao rằng dân quê; sống nguyên như thế thì nước ta mới có thể tiến bộ được". Nhưng với Phong hoá và Ngày nay, sự thật hoàn toàn trái hẳn với những gì nhà báo của Ðông Dương tạp chí ca tụng. "Người ta còn thấy trong hầu hết các làng những đường đi lầy lội, bẩn thỉu, những giếng ăn đầy rác đống ở trên bờ. Người ta còn thấy nhiều làng không có trường cho trẻ học, không có nhà hộ sinh cho đàn bà đẻ. Người ta còn thấy trong làng những người ăn mày đói rách, không có chỗ trú chân, nằm lăn trên đất cỏ kêu trời mà chẳng có ai thương." ( Việt Sinh; "Ngày nay với hội hè", Ngày nay số 9, Ðd, trang 6)
Thế mà :" Một bác nhiêu nghèo khó mua được con bò mười hai đồng đem về nuôi, định đợi cho nó béo rồi bán đi lấy lãi. Nhưng chẳng may ngày hội đến, anh ta lại được người ta cắt vào cái việc quan trọng là trông nom điế`u nước ở trong đình . Vào chân việc ấy mà quần áo không có Sẵn lòng hy sinh , kể ra anh ta cung chỉ mới hy sinh có con bò thôi. Anh ta dắt bò đi dạm bán khắp nơi, tình nguyện chỉ lấy tám đồng. Tám đồng ấy anh ta tha thiết nói, chỉ nguyện mua cái áo gấm để ngày hội vào đình pha nước hầu quan. Chỉ có thế thôi nhưng là hy vọng của cả cuộc đời" (Việt Sinh: "Ngày nay với hội hè", Ngày nay số 9, 1935, trang 6)
Hay như "có một anh chỉ còn có ba gian nhà. Ngày hội đến, anh ta thở dài bán nốt lấy mười tám đồng đóng tiêu pha, hết ngày hội lại lấy giời làm màn, đất làm chiếu, đem thân làm những nghề mà không ai muốn làm. "( "Ngày nay với hội hè", Ngày nay , số 9, 1935 trang 6)
Từ  những thực tế ấy ngòi bút của Thạch Lam đưa người đọc đi sâu vào nội tình ngày hội, như lưỡi dao của nhà phẫu thuật xén trực trưc diện vào khối ung nhọt, để rồi rút૦#7871;t ra một câu rằng :"Một ngày hội ở một làng quê, đem đến cho dân quê nhiều nỗi khổ hơn là nhiều sự vui mừng" ("Ngày nay", số 9, 1935, trang 6)
Không dừng lại ở đó, những người cầm bút còn băn khoăn về "Việc ăn tiêu Tết" của người Việt ta :" Trong mấy ngày Tế䬠người ta ăn uống chơi bời bằng ăn chơi trong mất tháng ngày thường. Thế mà người ta chơi chưa lấy làm chán, và ăn chưa lấy làm mãn nguyện, chưa lấy làm hả hê, đủ biết người mình đói bụng là thế nào. Mà có nhiều người họ đói thật"( "Ăn tiêu Tết ", Ngày nay số 2, ngày 10 Février, trang 3)
Sau đến,  "Phong hóa" cũng như "Ngày nay" lên tiếng về cái sự ăn ở thiếu tinh thần vệ sinh vốn đã là cố hữu ở những người nhà quê. "Ðã đành rằng người nghèo chì có thể dựng được một cái nhà bằng bùn với lá mà thôi. Ðã đành rằng cái nhà ấy không thể rộng rãi to tát được.nhưng ai bắt buộc người ta thu hẹp các cửa sổ lại bằng cái lỗ chuột để cho trong nhà lúc nào cũng tối tăm ? Ai bắt buộc trong căn nhà nhỏ hẹp như thế lại còn ngăn ra một căn buồng tối om như hũ đút , rồi trong cái buồng ẩm thấp đầy muỗi, chuột, gián và cóc ấy, chui rúc vào mà ngủ với nhau."
Ðã thế còn sinh ra tình trạng người chết và người sống cùng ở chung một nền nhà, thậm chí người chết còn giành những chổ thoáng mát , rộng rãi và sạch sẽ nhất của người còn sống. Ðiều này chưa từng nhận được sự quan tâm của bất kì một ai trước khi Tự lực văn đoàn lên tiếng xây dựng với một tư tưởng muốn cải cách.
Ở một khía cạnh khác hai tờ báo cho ý kiến của mình về sự ăn mặc của dân An Nam, rằng :" y phục mới bây giờ hơn y phục xưa là vì dịu dàng hơn và vui tươi hơn.Ngày trước, cốt che khuất thân thể, che khuất cái dáng tự nhiên của thân thể, thay vào một cái dáng của quần áo lụng thụng, bây giờ cốt làm cho dáng điệu thân thể tự nhiên, phô bày hay chữa cái dáng ấy cho được uyển chuyển thêm."( "Quần áo mới", Ngày nay, số 1, Janvier 1935 trang 3, 4). Viết như thế là nhằm gợi ý cho dân ta thay đổi cái quan niệm về ăn mặc, hướng cái suy nghĩ của họ vào một sự lụa chọn mới, cốt sao tìm được sự thoải mái và tiện lợi hơn. Âu cũng là một sự góp ý chân tình vậy.
Cũng cần nói thêm là qua báo "Phong hóa", "Ngày nay", đã giới thiệu cho phụ nữ cả ba miền Bắc, Trung, Nam những kiểu quần áo mới làm tôn vẻ đẹp của họ mà không đi ngược với truyền thống kín đáo, dịu dàng vốn có, đặc biệt, không quá túi tiền người phụ nữ bình dân. (Họa sỹ Nguyễn Cát Tường với những kiểu áo dài nổi tiếng gắn liền với tên tuổi ông- áo dài Lemur.) Báo "Ngày nay", số 1 ngày 30 Javier 1935, đăng ảnh cô Nguyễn Thị Hậu, "người thiếu nữ đầu tiên mặc áo lối mới kiểu Lemur". Sau đó kiểu áo này đã được phổ biến ở cả hai miền một cách nhanh chóng bởi tính mĩ thuật và tiện dụng của nó.
Nói tóm lại, "Phong hóa" và" Ngày nay" không hề có ý tưởng tuyên truyền suông. Họ dám nói dám làm để bỏ đi cái cũ bất cập, để đổi lấy cái mới tiến bộ hơn. Ngoài vai trò của một cơ quan ngôn luận họ còn cho thấy khả năng lớn lao của một nhà cải cách xã hội và hơn hết là một cái tâm với người đời. Và đây có phải là " ảo tưởng và ngây thơ vì chẳng thể nào cải cách được đời sống dân quê bằng cách dựa vào lòng tốt cá nhân của những địa chủ tân học " hay không ? Chính những điều họ cống hiến cho xã hội đã trả lời thay tất cả.



Add comment