Vài thông tin về tờ NGÀY NAY của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

Mục lục
Vài thông tin về tờ NGÀY NAY của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN
A. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI
B. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ VĂN HỌC
NỘi DUNG MỘT SỐ BÀI VIẾT TRÊN CÁC CHUYÊN MỤC CỦA NGÀY NAY
Thơ trào phúng
Văn trào phúng
Tất cả các trang

 

Hơn mười năm trước, lúc tòa soạn Báo PN còn ở 188 Lý Chính Thắng, có một nhóm bạn sinh viên Khoa Báo chí trường Khoa học Xã hội - Nhân văn đến gặp tôi. Các bạn có nhờ tôi xem qua công trình khảo sát một số báo, tạp chí trước 1945 do các bạn thực hiện. Qua trao đổi, hầu như tôi không góp ý gì nhiều, chỉ hướng dẫn một vài chi tiết trong đề cương để các bạn tiếp tục làm tốt nhất công việc khó khăn này. Không rõ sau đó, công trình về báo chí Việt Nam của các bạn đã đến đâu?

BO-NGAY-NAY

CÙNG MỘT CHỦ ĐỀ

Vài thông tin về tờ GIA ĐỊNH BÁO - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam

Thi sĩ TẢN ĐÀ và AN NAM TẠP CHÍ

PHỤ NỮ TÂN VĂN (số đầu tiên)

NỮ GIỚI CHUNG - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam

NGUYỄN AN NINH và LA CLOCHE FÊLÉE

VŨ ĐÌNH HÒE và báo THANH NGHỊ

TRƯỜNG CHINH và báo CỜ GIẢI PHÓNG

Bàn về tiếng ta trên báo TRI TÂN

Các SẮC LUẬT BÁO CHÍ Việt Nam giaI đoạn 1865-1945

Vài thông tin về tờ ĐĂNG CỔ TÙNG BÁO

Chiều nay, sắp xếp lại tài liệu, tôi tình cờ tìm lại được. Đọc kỹ, thấy hữu ích nên công bố cho mọi người tham khảo. Xin cám ơn các bạn sinh viên đã tin cậy trao tôi tài liệu này. Và tôi sẽ post lần lượt dần, không biên tập gì thêm. Tất nhiên, người đọc có thể trao đổi thêm điều này điều kia, nhưng giá trị ở đây là các bạn đã tiếp xúc tư liệu gốc nên rất đáng tin cậy. Thiết nghĩ, việc làm đáng khâm phục của các bạn sinh viên có thể giúp ích cho nhiều người - nhất là những ai quan tâm đến sự hình thành và phát triển của nền báo chí nước nhà.

Cẩn chí,

L.M.Q



I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN


Cuối tháng 5 năm 1935, báo " Phong hoá" cũng đã bị Thống sứ Bắc Kì đình bản ba tháng, đoán trước được tình hình, Nguyễn Tường Tam xoay xở cho ra một tờ báo nữa làm "bánh xe sơ cua"- tờ "Ngày nay", một tờ báo hiền lành .
"Ngày nay" số 1, ra ngày 30 tháng 01 năm 1935, tồn tại đến 28 tháng 04 năm 1943 thì bị thực dân đóng cửa vì lí do chính trị. Tuy đây chưa phải là mốc thời gian đặt dấu chấm hết cho tờ báo, bởi lẽ đến 05 tháng 05 năm 1945, tờ báo lại được tái bản lần thứ hai dưới sự dẫn dắt của giám đốc mới- Nguyễn Từơng Bách. Nhưng giá trị và vai trò lịch sử của " Ngày nay" đã thực sự chấm dứt bởi hầu như đánh mất hoàn toàn tiếng nói rất riêng mà một thời đã gây tiếng vang sâu sắc trong đông đảo công chúng. Tờ báo mới trở nên bất cập và lạc lỏng với tình hình thời cuộc lúc bấy giờ.


Các tác giả tiêu biểu
Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam, trong lúc bình tâm nhất đã nói với con trai Nguyễn Tường Thiết của mình rằng :" Thật ra chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu làm cho đến nơi đế chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự lực văn đoàn".  
Có công lớn đầu tiên khẳng định tên tuổi hai tờ báo chính là Tự lực văn đoàn. "Nhóm Tự lực không phải là nhóm duy nhất, nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại" _ Hoàng Xuân Hãn
Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn hoá ra đời năm 1933, trụ sở đặt tại số 80, đường Quán Thánh- Hà Nội. Ban đầu, văn đoàn chỉ gồm có năm người, là : Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Tứ Ly- Hoàng Ðạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), sau kết nạp thêm :Nguyễn Thứ Lễ (Thế Lữ), Ngô Xuân Diệu (Xuân Diệu), và Trần Tiêu( em ruột Khái Hưng), tổng cộng trước sau chỉ có tám người.
Ảnh hưởng của phong trào yêu nước và Duy tân đầu thế kỉ ít nhiều liên quan đến sự ra đời và khuynh hướng sáng tác của văn đoàn này. Tài năng của họ là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng cái để gắn kết họ lại với nhau chính là tình ruột thịt giữa những anh em nhà Nguyễn Tường, là tình bạn giữa những người chung một tâm hồn, là tình đồng chí giữa những tư tưởng và mục tiêu lớn.
Ngoài ra, tờ báo còn nhận được sự cộng tác của nhiều văn nghệ sỹ khác như : Ðoàn Phú Tứ, Trần Thanh Tịnh (Thanh Tịnh), Cù Huy Cận (Huy Cận), Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Ðà), Nguyên Hồng, Lưu trọng Lư.và các họa sỹ nổi tiếng hồi bấy giờ : Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường (Cát Tường Lơmuya).
Chính họ là những nhân tố không thể thiếu để tạo nên "Phong hóa" và "Ngày nay" - một hiện tượng độc đáo với nhiều đóng góp quan trọng trong nền báo chí Việt Nam những năm 1930- 1945.

II.   NỘI DUNG


1.   Chủ trương, đường lối
Tác giả Vu Gia, với tác phẩm nghiên cứu :"Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học", đã nêu rõ tôn chỉ của "Phong hóa":
Hăng hái theo con đường mới, tìm lí tưởng mới;
Không chịu khuất phục thành kiến;
Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào;
Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động;
Lấy thành thực làm căn bản;
Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí.
(Ðăng trên "Phong hóa", số ra thứ sáu ngày 02 tháng 03 năm 1933)
Không thể không nhắc đến hai nguyên tắc chỉ đạo lớn, dễ nhận thấy mà người đứng đầu tờ báo lúc bấy giờ đề ra.
Nguyên tắc thứ nhất: hợp pháp để báo không bị đóng cửa, sách xuất bản không bị cấm lưu hành, hoạt động cá nhân không dẫn đến tù tội.
Nguyên tắc thứ hai: phải được cảm tình của công chúng văn học, của quốc dân nói chung. Muốn thế, không gì bằng chống lại những cái họ ghét, tán thành những cái họ yêu, tức thõa mãn những yêu cầu tinh thần và tình cảm của họ.
" Ngày nay" cũng không nói gì khác hơn những điều đó, không làm gì khác hơn những tôn chỉ đã được nêu trên.
2.  Các thể loại
"Phong hóa", "Ngày nay"là một loại tuần báo, ra ngày thứ năm hằng tuần. Giá bán là 7 xu một tờ. Ðược in tại nhà in Ðời Nay do chính Tự lực văn đoàn làm chủ.
Là tờ báo dầu tiên có sáng kiến ra những số đặc biệt về Tết Trung Thu, Tết cổ truyền .
Nhìn chung hai tờ báo này trung thành với hình thức dùng tiếng cừơi làm vũ khí sắc nhọn tấn công xã hội," bàn một cách vui vẻ những vấn đề cần thiết : xã hội, chính trị, kinh tếv.v."
Cách thức thể hiện này không phải là mới. Trước đó đã là thời kì của Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc, Nguyễn Ðình Thấu với những tờ trào phúng như "Duy Tân", tờ " Dân mới" của Chu Mậu, "Ðông tây" của Hoàng Tích Chu, " Chiếu bóng " của Ðăng Trọng Duyệt, " Ngọ báo", " Việt báo"  với những bài của Tam Lang. Nhưng dưới cái tạm gọi là thời đại của "Phong hóa", " Ngày nay", tiếng cười mang một hơi hướm mới, gần gũi hơn với đời sống thường nhật của tầng lớp bình dân. Và có lẽ cũng chính vì thế mà nó được đón nhận một cách nồng hậu.



Nội dung của tờ Ngày Nay:
A.   PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI:

Ðả kích bọn địa chủ và quan lại Phong Kiến


Ta dễ dàng thấy được bộ mặt thối nát của quan lại Phong Kiến phản chiếu dưới cái ao tù nhỏ gọn của toà thực dân. Ðó là những bài được đăng tải trong chuyên mục "Trước vành móng ngựa"( sau được tập trung trong một tập phóng sự, in tại Nxb Ðời nay - Hà Nội 1938). Ðúng với lí lẽ mà Pascal từng đưa ra , rằng :"Công lí mà không có sức mạnh thì bị người ta phản đối.sức mạnh mà không có công lí thì bị người ta kết án". Tập phóng sự đã cho thấy các "bậc phụ mẫu" cũng có những đứa "con cưng, con ghét". Hãy nghe một đoạn được trích sau đây:
Bị cáo thứ nhất:    
-   Anh làm gì ?
-   Bẩm, kéo xe bò.
-   Chủ là ai ?
-   Bẩm , không có chủ, ai thuê thì làm thôi ạ.
-   Anh không có tiền ?
-   Bẩm, kiếm không đủ ăn.
-   Ba tháng một ngày nhà pha !
Rồi bị cáo thứ hai:
- Anh làm nghề gì ?
-   Bẩm, con làm cu li.
-   Cu li cho ai ?
-   Bẩm, cu li cho ai Ðào, nhưng con thôi đã được một tháng nay.
-   Thế một tháng nay làm gì ?
-   Bẩm con đi tìm việc, không làm việc gì cả.
-   Không làm gì ả ? Ba tháng một ngày nhà pha !
Rồi bị cáo thứ ba :
-   Anh làm nghề gì ?
-   Bẩm làm nghề rửa nứa ở ngoài bãi.
-   Rửa nứa không phải là một nghề. Ba tháng một ngày nhà pha !
(Trích từ tập phóng sự "Trước vành móng ngựa", bài "Du đãng", trang 44 -  Hoàng Ðạo)
Rõ ràng đó không phải là những "đứa con" nhận được nhiều tình thương lắm từ các bậc "cha mẹ dân" bởi họ chẳng có cái hân hạnh là một bị cáo được sự chú ý của mọi người và bên cạnh là hai ba tên thầy cãi xun xoe ca ngợi công đức
Ngòi bút của"Phong hóa" và "Ngày nay" cũng không bỏ qua cho những bậc trưởng thượng trong bộ máy quan lại của triều đình Huế  Thế nên mới có những cuộc phỏng vấn vô tiền khoáng hậu như với Công Bộ Thượng Thư Tôn Thất Quảng tại chính tư gia của ông.
" Ông ngồi bệ vệ trên sập gụ, mặt to mà béo, lông mày xếch, ria mép lún phún, tay trái cầm cái xe điếu trúc dài đương hút thuốc lào. Cái xe điếu mềm cong. Một người lính hầu đương châm lửa vào nõ điếu.
-Ðại nhân làm nhị bộ Thượng Thư, như vậy có tài lắm. Chúng tôi xin hỏi Thượng Thư Bộ Mỹ Thuật trước.
Tôn đại nhân vội xếp lại nếp áo cho chỉnh tề, vuốt lại mái tóc, đội lại cái khăn cho ngay ngắn, lấy cái lược con chải lại bộ râu mép cho có vẻ mĩ thuật , rồi ung dung dõng dạc đáp:
-   Bản chức xin nghe.
-   Bẩm , đại nhân coi về bộ Mĩ thuật chắc am tường mĩ thuật lắm. Ðại nhân hẳn nghe thấy nói kiểu áo mới của Cát Tường . Vậy đại nhân nghĩ nên đổi lấy cổ áo bành bẻ ?
Tôn đại nhân nghĩ một lúc rồi đáp :
-   Cũ mới đều hay cả. Cứ theo ý bản đường thì tuỳ ý, ai muốn may cổ gì thì may, miễn là có cổ được rồi.
-   Vâng, đại nhân dạy chí phaiin chỉ giáo cho một điều nữa. Quần tây thời nên may một nếp hay là hai nếp ?
Không ngần ngại, Tôn đại nhân trả lời :
-   Hai nếp. Là vì một là nhất. Mà chữ nhất thường dân không được dùng.
-   Bẩm, thế còn răng đen, thường dân cạo làm răng trắng có được không ạ
-   Bản chức muốn bắt nhuộm răng đen hết. Là vì răng đen là một cách bài trí mĩ thuật riêng của nước Nam. Và màu trắng là màu buồn dùng về việc tang. Vậy để răng trắng có khác gì để khăn sô.
-   Ðại nhân nói thực là chí lí.
-   Bay đâu ?
Tôi giật mình.
- Châm thuốc tao hút đây !
Ra đại nhân hứng chí muốn hút điếu thuốc lào nhấp giọng.
-   Thưa đại nhân, ngài có nghĩ đến mĩ thuật nước nhà không ?
-   Có, bản chức bao giờ cũng tìm cách chấn hưng mĩ nghệ trong nước. Hiện bộ Mĩ Thuật đang nghĩ  chế giấy dán vào bao chè và phong thuốc lào cho có vẻ mỹ thuật để làm quảng cáo cho đồ nội hóa.bản chức còn nghĩ nhiều cách khác, thí dụ như.như.
-   Ồ bản chức quên mất rồi, thôi để khi khác.
Ðọc xong đoản phỏng vấn trên, mọi lời bình luận dường như đều có vẻ thừa thải. Ðấy không phải là đoạn trích trong bất kì quyển tiểu thuyết nào của các nhà văn đương thời. Ðấy không phải nhân vật điển hình nào trưng ra hầu thõa mãn cái sở thích văn chương của bất kì một ai. Ðấy chính là bức chân dung gần như hoàn hảo về hình ảnh một vị quan có thật trong lịch sử chỉ qua vài nét gợi để nhân vật tự biểu hiện tính cách. Tiếng cười thật nhẹ nhàng mà thâm thúy được mang đến từ tài năng của nhà báo, cộng hưởng với một chút năng khiếu miêu tả của một nhà văn.
Giá trị bài báo thực sự được nâng lên bằng cái tâm, cái tầm và cái tài của những người đã làm nên một "Phong hóa" và "Ngày nay"


Kín đáo đả kích thực dân Pháp

 
Nguyễn Trác, Ðái Xuân Ninh đã nghĩ và viết trong tác phẩm nghiên cứu "Về Tự lực văn đoàn", rằng : ".họ chỉ cho vẽ trên báo mình những bức hí họa, đăng xã luận ngắn hoặc sáng tác mỉa mai xiên xỏ đôi ba nhân vật thống trị Tây cỡ trung bình.". Nhưng thực tế khảo sát trên một số tư liệu báo chí còn lại cho thấy, đúng như lời Vu Gia với tập sách "Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học", rằng :"Báo Phong hoá đúng là một quả bom nổ chậm giữa làng báo. Họ công kích, phê phán tuốt tuột, không chừa một ai"
Cụ thể hơn là :"Toàn Quyền Brévie, Thống Sứ Châtel, Khâm Sứ Graffeuil, Ðốc lí Virgitti, Vua Bảo Ðại, Thượng Thư Phạm Quỳnh, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu."( Võ Hồng :"Gặp Tự lực văn đoàn", Văn, số 107 - 108, 1968, trang 38), tất cả đều bị đưa ra làm tiếng cừơi chung cho mọi giới.
Phó Toàn quyền Ðông Dương lúc bấy giờ là Châtel, một tên thực dân vừa ranh ma quỷ quyệt vừa hám danh hiếu sắc. Không bỏ qua đặc điểm đó, "Phong hóa" cho đăng một bức biếm hoạ có nội dung như sau:Lý Toét từ quê ra Hà Nội, tay ôm một con gà mái tơ đem biếu Phó Toàn quyền Ðông Dương. Gà mái, dịch sang tiếng Pháp là "la poule", còn có nghĩa thứ hai là "con điếm ", độc giả biết tiếng Pháp thế là được một phen cười ra trò.
Một lần khác, họa sỹ Tô Ngọc Vân vẽ cái chuông đồng hồ ở chùa Cổ Lễ đang nhăn nhó than thở rằng sắp bị người ta mang sang đấm nước người. Hàm ý bức tranh ám chỉ chính quyền thực dân ra sứ thu gom các loại chuông ở các chùa đưa sang Pháp, đúc đạn cung cấp cho chiến tranh. Thực dân Pháp bị "chạm nọc", đã sai mật thám đến tòa soạn báo Ngày nay hỏi nhất Linh ai là tác giả bức tranh. Lẽ dĩ nhiên ông không bao giờ phản bội lại chiến hữu của mình.
Hoạ sỹ Nguyễn Gia Trí cũng có một bức biếm họa về hội nghị Munich chế giễu thái độ hèn nhát và phản bội đồng minh của chính phủ Pháp. Bức tranh mô tả việc Pháp ( trong hội nghị Munich diễn ra ngày 29-09-1936 ) đã đồng ý cho Ðức chiếm toàn bộ Tiêp Khắc, một nước láng giềng mà Pháp đã hai lần kí hiệp ước đồng minh. Pháp bán đứng đồng minh cho kẻ thù. Nhân dân Secbi và Slovắc hẳn chưa quên điều đó ( dẫn theo Vu Gia)
Nhân nói về nội dung đả kích thực dân Pháp của hai tờ báo, không quên nhấn mạnh vai trò của Hoàng Ðạo, người được mệnh danh là "Linh hồn chống đối của nhóm Phong hóa, Ngày nay". Ðồng quan điểm với Vu Gia, người đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về các anh em nhà nguyễn Tường, ta thấy phong thái của ông phù hợp với những bài báo ông viết. Ông đánh thẳng, lời chỉ trích chân xác. Có chế giễu nhưng không hỗn xược. Không cần nói xa nói gần, không cần úp mở, không cần mượn gịong ởm ờ nửa bỡn nửa thiệt. Ngòi bút Tứ Ly là ngòi bút có trách nhiệm, ngòi bút vô úy là điều không có gì phải tranh cãi.


Ðả kích những nhân vật đương thời


- Những trí thức Tây học nửa vời, những tên tuổi nổi tiếng vì thói hám danh đã được đưa lên trang báo bằng một cách như thế này:"Phải, tôi biết rồi! Ông Lê Thăng với mấy chữ "Luật khoa Tiến sỹ" có rời nhau bao giờ mà tôi không biết. Trên báo "An Nam mới", trên báo "Ðông Dương tiến bộ" lắm lúc tôi cứ tưởng tên họ ông ấy là "Lê Thăng Luật khoa Tiến Sỹ " cũng như "Mạnh Ðức Tư Cưu " hay " Phổ Lỗ Sỹ " vậy ."( Phong hóa số 55, 14 Juillet 1933, trang 7)
Hay như :" Ông Vũ Ðình Hải khiêm tốn quá. Ðăng quảng cáo trong Phong hóa, ông tự giới thiệu mình một cách nhũn nhặn. Nguyên thông tin phóng sự báo Phổ thông, nguyên Tổng thư kí báo Ðông Phương, Nguyên đại biểu khắp cõi Ðông Pháp cho báo Ami du Peuple, Nguyên tổng lí kiêm chủ bút Tân báo, Nguyên chủ nhiệm xuất bả cục Hoa khôi, Nguyên quản lí nhà chớp bóng và khách sạn Central, Nguyên Tổng lí chuyên môn Văn minh hí viện.
Trời đất, toàn nguyên là nguyên. Ấy là ông còn quên đấy, xin nhắc :
Nguyên học sinh lớp năm trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp tư trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp ba trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp nhì trường sơ đẳng
Nguyên học sinh lớp nhất trường sơ đẳng"
(Phong hóa, số 62, 22 Sept 1933, trang 3)
Với các bậc mệnh phụ phu nhân , báo có lời khen tặng . "Hạng gái lãng mạn bên ta cũng nhiều như bên Mỹ. Có người lại bảo các bà Tham, bà Phán thường cũng vô nghề nghiệp cả. Những người ấy có mắt mà không biết trông. Các bà có nhiều công việc lắm chứ ! Bôi được cái môi cho đỏ, đánh cho má được trắng, vận cái áo cho xinh cũng là một việc nặng nhọc có khi đến nửa ngày mà chưa xong. Ðấy là không kể đến những công việc nặng nề khác như đánh bạc, đi chơi mát, nói chuyện gẫu"
Viết về Hoàng Tăng Bí thì chỉ nhạo văn ông" bí rì rì ", nói về Nguyễn Khắc Hiếu thì nhạo ông say và vẽ ông với một cái mũi to nẩy lửa, đề cập đến Nguyễn Công Tiễu thì vẽ ông quẹt diêm đốt đít con rùa và chế nhạo ông trồng thủy tiên , đến lúc mọc mầm lại thành ra củ hành tây.
Nhưng tờ báo thể yên tâm vì mình là những người lịch sự, không bới móc đời tư một ai, không phanh phui chỉ trích quá ác hiểm đến nỗi người đó bị tủi hổ mà đâm ra tuyệt vọng hay uất ức quá độ. Ðó là nhờ tòa soạn báo ấy biết giữ gìn ngòi bút , viết ra những âu châm biếm vui mà không tục tĩu, cười cợt người ta mà không thóa mạ ai. Âu cũng là một hình thức góp ý không nhẹ tay vậy.


Tranh đấu cho quyền lợi của tầng lớp bình dân và cho những tư tưởng cải cách mới


Giai đoạn 1930 - 1945 ghi nhận sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của cái gọi là chủ nghĩa bình dân. Phong trào này ảnh hưởng trực tiếp từ "Nước mẹ đại Pháp", khi đến Việt Nam đã phần nào thay đổi hình thức, thậm chí còn được "sáng tạo" thêm cho phù hợp với "tình hình thổ nhưỡng" nước nhà.
Không bị cái kệch cởm, tha hóa của một chủ nghĩa bình dân đã bị biến dạng tác động đến, họa chăng chỉ là có chung sự quan tâm về một đối tượng : ngừơi bình dân, hay nói khác hơn chính là tầng lớp nông dân, những nhà báo của "Phong hóa" và "Ngày nay"bám chặt và tình hình xã hội theo cách riêng của mình.
Trước hết và độc đáo nhất có lẽ là hoạt động của Hội Ánh sáng. Một tổ chức từ thiện được thành lập năm 1937 do Nguyễn Tường Tam làm chủ tịch. Ông đã tập hợp được xung quanh mình những nhà trí thức có tấm lòng với người nghèo như : Vũ Ðình Hòe, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Phạm Văn Bính, Tôn Thất Bình.Kể cả anh chị em thợ thuyền, dân quê, học sinh. Hội có phù hiệu riêng :"Nhiều tia yếu ớt hợp lại sẽ thành một nguồn ánh sáng lớn. Dấu ánh sáng mà các bạn cài trên ngực như một vinh dự. Vẽ ba tia sáng xuyên qua một vòng tròn tối đen tức là diễn các ý nghĩa đó một cách giản dị và mạnh mẽ". (Ngày nay, số 74, trang 6). Hội còn có bài hát riêng được soạn theo Quốc ca Hoa Kì với lời lẽ đầy mạnh mẽ
"Giờ đây anh em đứng lên mà chung tấm lòng và cùng hăng hái.
Quyết sao cho dân nghèo mau cùng ra thoát vòng cuộc đời lầm than.
Ðứng lên ta gây đoàn quân tìm gieo sáng tươi vào miền u tối.
Ðứng lên ta vui và tin rằng khi hết lòng là rồi thành công."
(Ngày nay, số 100, ngày 6 Mars 1938, trang 19)
Hội đã xây dựng được khu nhà Ánh sáng tại bãi Phúc Xá, là kiểu mẫu cho loại nhà bền chắc, rẻ tiền, văn minh, hợp vệ sinh, phục vụ nhân dân lao động nghèo. " Ta phải ao ước làm thế nào cho dân quê, dân tỉnh nghèo được có chỗ thảnh thơi mà an nghỉ sau khi làm việc. Ta phải hi vọng một ngày kia những căn nhà tối ẩm đó sẽ mở ra noun ánh sáng và khí trời trong sạch vào" ( Việt Sinh:" Nhà cửa An Nam", Ngày nay số 4 ngày 1 Mars 1935, trang 3). Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện( sau làm Thứ trưởng Bộ Kiến Trúc nước VNDCCH) và Hoàng Nhữ Tiếp là người vẽ kiểu chính. Kiểu nhà này đã được ứng dụng rộng rãi  trong điều kiện của chiến khu Việt Bắc sau này (Hồi kí Vũ Ðình Hòe )
Ngoài ra, Hội Ánh Sáng với đông đảo những thành viên là nhà báo của hai tờ "Phong hóa", " Ngày nay" còn làm những công việc mang ý nghĩa từ thiện khác như phát chẩn cho dân nghèo bị lụt, bị đói. Báo "Ngày nay", số 109, ra ngày 8 Mar 1938, có đoạn miêu tả rất cảm động cảnh tượng này :".Tất cả hơn 50 gia đình, cộng được 358 xuất. Ông Phó tổng mách chúng tôi một gia đình khổ ải nhất: bố vừa chết đói. Tôi nhìn một đứa trong ba đứa ; da nó đen kịt lại, chảy thõng trên một bộ xương vẹo vọ. Môi mắt nó lợt lạt như môi mắt người sốt rét rừng. Nhưng người nó không hôi lắm, vì trong bao nhiêu lâu rồi, nó đã xa thịt cá cơm, là những thứ phát sinh ra mùi hôi thối.".
Ta dễ có được sự đồng điệu với những gì họ đã cống hiến và cống hiến một cách nhiệt thành, không vụ lợi khi nghe chính Nguyễn Tường Tam nói lên những lời tâm huyết :"Muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì phải làm thế nào cho người ta khỏi nghèo khổ, mà một xã hội nghèo khổ thì bao giờ cũng dễ thành một xã hội xấu xa."
Vậy là đã rõ, trên hết vẫn là tấm lòng với một xã hội còn nhiều nhiễu nhương. Và đây có phải là " ảo tưởng và ngây thơ vì không thể nào cải cách được đời sống dân quê bằng cách dựa vào lòng tốt cá nhân của những địa chủ tân học " ?
Sau phải kể đến sự cố gắng trong việc cải hóa đầu óc ngừơi bình dân, hay nói cách khác là chiếu tia sáng của tri thức vào một vùng vốn đã tăm tối bấy lâu.
Họ không che giấu ý định "giáo hóa cho dân" ("Người quay tơ", Nxb đời nay, S, 1968, trang 38).
Tuy thời điểm này, chữ Quốc ngữ đang chiếm ưu thế nhưng không thể phủ nhận công lao của hai tờ báo trong việc truyền bá nó một cách rộng rãi. Bên cạnh những lời kêu gọi học "chữ mới" được nói lên trực tiếp, còn có những cuộc vận động ngầm gửi gắm trong hầu hết các tác phẩm báo chí lẫn văn học, thế nên mới có những dòng văn mang tính thời sự sau :"Em để anh dạy em học Quốc ngữ, em sẽ biết đọc, biết viết, em sẽ như mọi người khác, em cũng đọc sách.em cũng viết thư được."("Nắng thu", sđd, trang 30,31 )
Không chỉ có thế, họ còn có tham vọng muốn thay đổi quan niệm lâu nay của mọi người về thân phận người phụ nữ. "Phong hóa", "ngày nay" đòi cho họ quyền được sống với đúng nghĩa của từ này. Trong những truyện :"Dưới bóng hoa đào", "Ðoạn tuyệt", "Gánh hàng hoa".không thiếu những người phụ nữ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống: yêu chồng thương con, nhưng dám bộc lộ những ngóc ngách bạo liệt nhất của tâm hồn.
Hai tờ báo không ngần ngại lên án những cảnh trớ trêu của cuộc sống mẹ chồng, con dâu của quan niệm môn đăng hộ đối hay những cuộc ép duyên  theo kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" mà phần thiệt thòi luôn luôn thuộc về người phụ nữ thấp cổ bé miệng.
Ðả kích những tệ đoan của phong hóa An Nam cũng là một hình thức tích cực kéo người nông dân ra khỏi những hệ lụy mà xã hội Phong Kiến đã xô đẩy họ vào.
Ðầu tiên, những hội hè đình đám bị đưa lên bàn mổ. Thạch Lam đã từng bất đồng ý kiến với Nguyễn Văn Vĩnh về vấn đề này, bởi theo ông Vĩnh :" khen rằng phong tục hay ho, cách tổ chức rất khéo léo. Ông ước ao rằng dân quê; sống nguyên như thế thì nước ta mới có thể tiến bộ được". Nhưng với Phong hoá và Ngày nay, sự thật hoàn toàn trái hẳn với những gì nhà báo của Ðông Dương tạp chí ca tụng. "Người ta còn thấy trong hầu hết các làng những đường đi lầy lội, bẩn thỉu, những giếng ăn đầy rác đống ở trên bờ. Người ta còn thấy nhiều làng không có trường cho trẻ học, không có nhà hộ sinh cho đàn bà đẻ. Người ta còn thấy trong làng những người ăn mày đói rách, không có chỗ trú chân, nằm lăn trên đất cỏ kêu trời mà chẳng có ai thương." ( Việt Sinh; "Ngày nay với hội hè", Ngày nay số 9, Ðd, trang 6)
Thế mà :" Một bác nhiêu nghèo khó mua được con bò mười hai đồng đem về nuôi, định đợi cho nó béo rồi bán đi lấy lãi. Nhưng chẳng may ngày hội đến, anh ta lại được người ta cắt vào cái việc quan trọng là trông nom điế`u nước ở trong đình . Vào chân việc ấy mà quần áo không có Sẵn lòng hy sinh , kể ra anh ta cung chỉ mới hy sinh có con bò thôi. Anh ta dắt bò đi dạm bán khắp nơi, tình nguyện chỉ lấy tám đồng. Tám đồng ấy anh ta tha thiết nói, chỉ nguyện mua cái áo gấm để ngày hội vào đình pha nước hầu quan. Chỉ có thế thôi nhưng là hy vọng của cả cuộc đời" (Việt Sinh: "Ngày nay với hội hè", Ngày nay số 9, 1935, trang 6)
Hay như "có một anh chỉ còn có ba gian nhà. Ngày hội đến, anh ta thở dài bán nốt lấy mười tám đồng đóng tiêu pha, hết ngày hội lại lấy giời làm màn, đất làm chiếu, đem thân làm những nghề mà không ai muốn làm. "( "Ngày nay với hội hè", Ngày nay , số 9, 1935 trang 6)
Từ  những thực tế ấy ngòi bút của Thạch Lam đưa người đọc đi sâu vào nội tình ngày hội, như lưỡi dao của nhà phẫu thuật xén trực trưc diện vào khối ung nhọt, để rồi rút૦#7871;t ra một câu rằng :"Một ngày hội ở một làng quê, đem đến cho dân quê nhiều nỗi khổ hơn là nhiều sự vui mừng" ("Ngày nay", số 9, 1935, trang 6)
Không dừng lại ở đó, những người cầm bút còn băn khoăn về "Việc ăn tiêu Tết" của người Việt ta :" Trong mấy ngày Tế䬠người ta ăn uống chơi bời bằng ăn chơi trong mất tháng ngày thường. Thế mà người ta chơi chưa lấy làm chán, và ăn chưa lấy làm mãn nguyện, chưa lấy làm hả hê, đủ biết người mình đói bụng là thế nào. Mà có nhiều người họ đói thật"( "Ăn tiêu Tết ", Ngày nay số 2, ngày 10 Février, trang 3)
Sau đến,  "Phong hóa" cũng như "Ngày nay" lên tiếng về cái sự ăn ở thiếu tinh thần vệ sinh vốn đã là cố hữu ở những người nhà quê. "Ðã đành rằng người nghèo chì có thể dựng được một cái nhà bằng bùn với lá mà thôi. Ðã đành rằng cái nhà ấy không thể rộng rãi to tát được.nhưng ai bắt buộc người ta thu hẹp các cửa sổ lại bằng cái lỗ chuột để cho trong nhà lúc nào cũng tối tăm ? Ai bắt buộc trong căn nhà nhỏ hẹp như thế lại còn ngăn ra một căn buồng tối om như hũ đút , rồi trong cái buồng ẩm thấp đầy muỗi, chuột, gián và cóc ấy, chui rúc vào mà ngủ với nhau."
Ðã thế còn sinh ra tình trạng người chết và người sống cùng ở chung một nền nhà, thậm chí người chết còn giành những chổ thoáng mát , rộng rãi và sạch sẽ nhất của người còn sống. Ðiều này chưa từng nhận được sự quan tâm của bất kì một ai trước khi Tự lực văn đoàn lên tiếng xây dựng với một tư tưởng muốn cải cách.
Ở một khía cạnh khác hai tờ báo cho ý kiến của mình về sự ăn mặc của dân An Nam, rằng :" y phục mới bây giờ hơn y phục xưa là vì dịu dàng hơn và vui tươi hơn.Ngày trước, cốt che khuất thân thể, che khuất cái dáng tự nhiên của thân thể, thay vào một cái dáng của quần áo lụng thụng, bây giờ cốt làm cho dáng điệu thân thể tự nhiên, phô bày hay chữa cái dáng ấy cho được uyển chuyển thêm."( "Quần áo mới", Ngày nay, số 1, Janvier 1935 trang 3, 4). Viết như thế là nhằm gợi ý cho dân ta thay đổi cái quan niệm về ăn mặc, hướng cái suy nghĩ của họ vào một sự lụa chọn mới, cốt sao tìm được sự thoải mái và tiện lợi hơn. Âu cũng là một sự góp ý chân tình vậy.
Cũng cần nói thêm là qua báo "Phong hóa", "Ngày nay", đã giới thiệu cho phụ nữ cả ba miền Bắc, Trung, Nam những kiểu quần áo mới làm tôn vẻ đẹp của họ mà không đi ngược với truyền thống kín đáo, dịu dàng vốn có, đặc biệt, không quá túi tiền người phụ nữ bình dân. (Họa sỹ Nguyễn Cát Tường với những kiểu áo dài nổi tiếng gắn liền với tên tuổi ông- áo dài Lemur.) Báo "Ngày nay", số 1 ngày 30 Javier 1935, đăng ảnh cô Nguyễn Thị Hậu, "người thiếu nữ đầu tiên mặc áo lối mới kiểu Lemur". Sau đó kiểu áo này đã được phổ biến ở cả hai miền một cách nhanh chóng bởi tính mĩ thuật và tiện dụng của nó.
Nói tóm lại, "Phong hóa" và" Ngày nay" không hề có ý tưởng tuyên truyền suông. Họ dám nói dám làm để bỏ đi cái cũ bất cập, để đổi lấy cái mới tiến bộ hơn. Ngoài vai trò của một cơ quan ngôn luận họ còn cho thấy khả năng lớn lao của một nhà cải cách xã hội và hơn hết là một cái tâm với người đời. Và đây có phải là " ảo tưởng và ngây thơ vì chẳng thể nào cải cách được đời sống dân quê bằng cách dựa vào lòng tốt cá nhân của những địa chủ tân học " hay không ? Chính những điều họ cống hiến cho xã hội đã trả lời thay tất cả.



B. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ VĂN HỌC

Phấn đấu cho một tờ báo tiến bộ .
Các người làm báo không quên gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng các từ Hán Việt tối nghĩa, khó hiểu. Ðiều này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ra đời và lớn mạnh của hạt mầm Thơ mới trên chính mảnh đất mà Phong hoá, Ngày nay đang cày xới, vun trồng.
Việc các anh em nhà Nguyễn Tường lấy "Ngày nay" làm tựa cho tờ báo thay cho tờ "Phong hóa" cũng không phải là không có lí do. Tất cả đều phải được đổi mới, tất cả đều phải tiến bộ cho kịp với nền văn minh thế giới mà họ đã được thấy đang vùn vụt tiến ngoài kia.
Cao hơn hết là một sự đòi hỏi về quyền tự do ngôn luận- một quyền lợi hết sức chính đáng của những người cầm bút dưới chế độ thực dân.
Ðể tỏ thái độ và cũng phản bác lại ý kiến cực đoan của một số tờ báo lúc bấy giờ cho rằng sỡ dĩ báo của Tự lực văn đoàn bán chạy nhất là vì họ đã không từ một thủ đoạn nào nhằm "dìm đồng nghiệp"của mình( chữ của Hà Nội báo, số 15, ngày 15.04.1936). Hoàng Ðạo cho đăng bài"Ngày nay khai chiến với hết thảy các báo ở Ðông pháp", có đoạn rằng:
"Báo Nam hay báo Tây, xin ngỏ cho chúng tôi biết :
1.      Chế độ báo chí hiện thời có phải là chế độ mĩ mãn, chế độ lí tưởng không ?
2.      Tự do ngôn luận có lợi thế nào ? Kể ra?
3.      Tại làm sao các ông không đá động gì đến vấn đề này ?
Các ông cho là vấn đề không quan trọng hay là các ông thích sống trong sự       tăm tối, trong tình cảnh bức bách eo hẹp ?
Hay là vì một lẽ khác ?
Mấy câu hỏi đó xin các ông mau mau trả lời cho biết, bằng không tức là các ông chịu thua, tức là các ông vui lòng nhận đã phạm vào tội dối độc giả và mong cho dân chúng không ra tới ánh sáng, tức là các ông đáng để cho báo của các ông bị đóng cửa kín mít như bưng"
( Ngày nay, số 31, ngày 25 Oct 1936, trang 3)
Hướng đi đã có, cái còn lại là phương pháp thực hiện mà thôi.
Về nhân sự, ngoài Tự lực văn đoàn là nòng cốt, còn có những người cộng tác tài năng.. Tính về năng lực từng thành viên thì chưa chắc đã bằng với Tân Dân thời bấy giờ. Nhưng về lề lối tổ chức thì chưa có tờ báo nào làm được một cách chặt chẽ như họ. Ở đây, nổi rõ lên biệt tài của Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam về phát hiện và sử dụng nhân tài. Tú Mỡ kể :" Thời kì trước Phong hoá, tôi mới học nghề, thời kì Phong hóa, tôi vào nghề, và thời kì Ngày nay, tôi đã tương đối lành nghề. Ðược học hỏi anh em trong thực hành, cầm cán bút vững chắc hơn, ngoài thơ trào phúng, tôi còn muốn làm cả món trữ tình nữa. Nhưng sau khi viết thử vài đoạn đầu một bài trường thiên nhan đề "Tháng ngày qua", thấy không được đăng, tôi hỏi thì anh Tam nói thực ngay không cần úp mơ :" Dở qúa ! Anh cứ nên chuyên về thơ trào phúng tốt hơn."
Cũng không quên Nhất Linh chính là người khuyến khích Trần Khánh Giư viết tiểu thuyết và là người đã phát hiện ra Thế Lữ, cũng như  tài năng vẽ Tô Ngọc Vân , Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường sau này.
Nhất Linh cũng rất quan tâm đến đời sống của anh em trong tòa soạn. " Ðể thực hiện khẩu hiệu tự lực, anh em quyết định góp cổ phần làm vốn hoạt động, mỗi cổ phần 500 đồng bạc Ðông Dương. Tôi cũng mua một bát họ góp phần cho mình và rất phấn khởi được chia lãi mỗi năm 100 đồng bạc" ( "Tiếng cười Tú Mỡ", Sđd, trang 30)
Thêm vào đó, vấn đề nhuận bút được giải quyết một cách rất nhanh chóng và công bằng càng làm cho tinh thần người viết phấn chấn hơn lên. Bùi Hiển, trong tạp chí "Cửa Việt" số 16 , 1992, trang 74, 75, có viết :" Ðến tháng 7. 1941 thì sách in xong. Nhà xuất bản gửi cho tôi 30 cuốn bản quyền tác giả, cộng thêm mấy cuộn giấy đẹp Impérial Annam, bằng bưu phẩm bảo đảm. Vài tháng sau, họ gửi nhuận bút cho tôi bằng ngân phiếu. Khá sòng phẳng, nhanh chóng và chu đáo".Ðó là điều mà không phải tờ báo nào cũng thực hiện được tốt như "Ngày nay" kể cả thời của chúng ta.
Về sự cải tiến trong hình thức thể hiện.
Ðầu tiên phải kể đến là thể loại phóng sự. Ngoài những giá trị về nội dung phản ánh, nổi bật với:Một tháng ở nhà thương, Bóng người Yên Thế, Thượng Hải dạ mỹ nhân , Ném đá, Hà Nội ban đêm.thì đã thấy một sự sáng tạo về cách thức thực hiện như : thâm nhập thực tế, phóng sự bằng ảnh hay sự hợp tác viết chung đề tài của các nhà báo." Ðại binh Nam Việt chinh phục quan ôn" của Thạch Lam là một ví dụ, nó mô tả về một " đội quân cảm tử", chuyên diệt những vi trùng thổ tả, và phóng sự này có lẽ phóng sự ảnh đầu tiên ở nước ta.
Về công tác in ấn . Hai tờ báo với Ðời nay là nhà in chính đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, có thể kể đến như tác phẩm củaVũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Vũ Hoàng Chương, của Tự lực văn đoàn. Tuy đã có trong tay những họa sĩ xuất sắc về lĩnh vực trình bày bìa sách, nhưng ta vẫn thấy có những cuộc thi chọn bìa sách đẹp nhất, có sự tham gia của những họa sỹ nghiệp dư, cho thấy tầm nhìn rộng và tiến bộ của tờ báo này. Song song với việc cho ra đời những ấn phẩm đẹp, bìa đóng gáy da, chữ mạ vàng dành cho những người có khả năng tài chính, Ðời nay còn xuất bản số những cuốn sách bìa lá mạ, mỏng với loại giấy thường để thõa mãn nhu cầu những bạn đọc thuộc tầng lớp bình dân.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, nhà xuất bản Ðời nay là cơ sở lớn nhất và có uy tín nhất vào thời bấy giờ. "Không khí và khí thế xuất bản hồi ấy phải là sách được in ở nhà Ðời Nay, thứ mới đến nhà Tân Dân, vì nhà Tân Dân cũng in sách kiếm hiệp, bạn đọc cũng còn coi thường" (Báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, số 51, ngày 21.12.1991)
Qua cái nhìn quy chiếu có thể thấy rằng "Phong hóa" và "Ngày nay" thực sự là một tờ báo tiến bộ, cả về nội dung và cách thức chuyển tải nội dung ấy đến với người đọc. Nhưng lịch sử báo chí Việt Nam không chỉ nhắc nhở về họ gói gọn trong bấy nhiêu đó vấn đề mà hơn thế nữa điều còn lại ấn tượng nhất và sâu đậm nhất chính là những bước đi dài vượt thời đại trong thơ.
Cái nôi của phong trào thơ mới.
Theo Dương Quảng Hàm thì " Mầm mống lối thơ mới là một bài dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine ( Con ve sầu và con kiến ) của Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở Ðông Dương tạp chí số 40,1931 vì bài ấy đã không theo thể cách của các lối thơ cũ rồi. Ðến năm 1932, ông Phan Khôi khởi xướng lên vấn đề Thơ mới và đăng trong "Phụ nữ tân văn" một bài thơ làm theo lối ấy nhan đề là "tình gia"ồi từ đấy các tạp chí , thứ nhất là tờ "Phong hóa tuần báo" thường đăng các bài thơ mới và cổ võ lối thơ ấy, thì thơ mới bắt đầu thành lập và thịnh hành" (Việt Nam văn học sử yếu)
Ðến tận bây giờ mọi người vẫn còn quen với nếp nghĩ, nhà thơ Thế Lữ ắt hẳn đã về cộng tác cùng Nguyễn Tường, sau khi đã là một cây bút có tên tuổi và công việc chính của ông là thẩm định thơ mới trong khi đang xảy ra một cuộc bút chiến. Nhưng sự thật không phải vậy. Trong hồi kí của mình, thế Lữ viết:".bài thơ đầu tiên" con người vơ vẩn" đăng trên Phong hóa số Tết ".
Sau Thế Lữ, người ta còn thấy xuất hiện thường xuyên những tên tuổi mà lúc bấy giờ vẫn còn lạ lẫm lắm như : Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan (nhà thơ nữ Hằng Phương sau này), Huyền Kiêu.Tập thơ " nghẹn ngào" của Tế Hanh được chính sự giới thiệu của Nhất Linh về sau cũng được giải thưởng của Tự lực văn đoàn.
Ðó vừa là một lời gián tiếp cho sự ủng hộ nhiệt thành của báo với phong trào thơ mới, vừa là sự khẳng định lại tôn chỉ luôn đi theo cái mới của mình. Báo Phong hóa số 54, ra ngày 7 Juillet 1933, trang 13 có đoạn :" Ta đã chán những bài thơ vịnh cái điếu, vịnh con cóc, mừng làm nhà mới, những bài thơ tự vịnh tự trào bao giờ cũng theo một khuôn sáo , trăm nghìn bài đều giống nhau, chán quá, chán lắm rồi. Vì thế ta khát khao muốn có một nhà chân thi sỹ, gẩy cho ta nghe những tiếng mới, những điều lạ.".
Xin mở ngoặc thêm một chút ở đây về sự đóng góp của "Phong hóa" và "Ngày nay" trong lĩnh vực âm nhạc, bởi thơ và nhạc bao giờ cũng sát cánh cùng nhau.
Báo " Ngày nay" số 124 ngày 29 Aout 1938, ta thấy có mấy lời" cùng nhạc sỹ" như sau:" Báo Ngày nay đã nhận lấy cái vinh hạnh đầu tiên công bố những tác phẩm  ban đầu của nền âm nhạc đổi mới.Ðọc bài của các ban gửi gần đây, chúng tôi nhận ra rằng phần nhiều không có tính cách Việt Nam. Ðó thường là những âm điệu đàn Tây, nhanh nhẹn, vui vẻ, nhưng không có dấu vết của tâm hồn Việt Nam phổ theo một cảm hứng mới." sau khi đã đăng " Bình minh"( Âm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát, lời Thế Lữ, Ngày nay số 121), "Một kiếp hoa" (Lời ca và âm nhạc của NguyễnVăn Cổn, Ngày nay số 122), "Tiếng đàn đêm khuya"( Nhạc và lời Lê thương, Ngày nay số 123).
Ðọc đến đây, ta thấy những công việc làm của Tự lực văn đoàn đúng như lời Tú Mỡ nhận xét một cách khách quan:"Nó không làm Cách Mạng nhưng nó làm công việc khai phá, dọn đất cho Cách mạng gieo hạt sau này" (" Tiếng cười Tú Mỡ", Sđd trang 22)
Bệ phóng của tiểu thuyết và truyện ngắn đương đại.  
Sẽ không phải là lời ngoa ngôn khi ta nghiên cứu về những tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn được đăng thành nhiều kì rải rác trên các báo, hoặc được xuất bản do nhà xuất bản Ðời Nay. Không thể thống kê tất cả những tác phẩm về thể loại này  nhưng có thể đơn cử một vài truyện tiêu biểu như :"Hồn bướm mơ tiên", "Gánh hàng hoa", " Nưả chừng xuân", "Ðời mưa gió", "Tiêu Sơn tráng sỹ", "Ðoạn tuyệt", "Anh phải sống", "Xóm cầu mới".
Ðã mất hẳn lối văn biền ngẫu dài lê thê, những điển cố điển tích mang màu sắc Trung Hoa mà một thời được dùng làm tiêu chuẩn đánh giá. Cái còn lại là những câu cú ngắn gọn, trong sáng, diễn tả một cách dễ hiểu dụng ý tác giả muốn gửi gắm, người đọc có thể lãnh hội được rõ ràng.
"Phong hóa" và "Ngày nay" không thiếu những trang báo là đất sống cho truyện ngắn và tiểu thuyết, nếu không nói là có phần dư dả. Họ khuyến khích sự cách tân trong tuyến nhân vật, trong kết cấu cốt truyện cũng như cổ vũ một cách thành thực sự sự bộc lộ những ngóc ngách thầm kín nhất của tâm hồn con người. Hãy đọc một đoạn ngắn trong "Tiếng đàn" :"Và tự nhiên không biết lúc nào, Quỳnh Dao đặt đầu lên vai người yêu, say sưa nhìn lên đôi mắt huyền long lanh như ngôi sao trong đêm, máu rạo rực chạy mạnh, cổ như nghẹn ngào. Quỳnh Dao thấy mình chỉ còn là cảm giác, rung đọng như dây đàn căng thẳng dưới ngón tay của nhạc sỹ."
Cũng không quên hai tờ báo đã nhiều lần phát động những cuộc thi sáng tác văn học mà thời đó được xem như những biến cố văn chương. Trong gần mười năm, đã có ba cuộc thi như thế. Theo nghiên cứu của Trịnh Hồ Khoa :
" Lần thứ nhất vào năm 1935, không có tác phẩm nào trúng giải. Ban giám khảo chỉ chọn tặng ba giải khuyến khích.
Lần thứ hai vào năm 1937, có hơn 80 tác phẩm dự thi và cũng như lần trước không có giải nhất. Hai tác phẩm được giải nhì là : Kim Tiền", kịch của Vi Huyền Ðắc và " Bỉ Vỏ" tiểu thuyết của Nguyên Hồng.
Năm 1939 là lần cuối cùng trao ỉai. Lần này có bốn tác phẩm đoạt giải chính thức và hai gỉai khuyến khích cho hai tập thơ" Bức tranh quê" của Anh Thơ và " Ngẹn ngào " của Tế Hanh.
Trong bốn giải về tiểu thuyết có hai giải ngang phiếu bầu của hội đồng chấm giải. Ban giám khảo đã tặng giải nhất. Ðó là cuốn " Làm lẽ " của Mạnh Phú Tư và " Cái nhà gạch" của Kim Hà, một công nhân thuộc hãng bia Hommel ở Thụy Khuê Hà Nội. Hai cuốn còn lại là "Tan tác " và " Rạng đông" không thấy bản báo cáo về giải nêu tên tác giả hay bút danh gì cả. Sau này mới biết" Rạng đông" của Trần Mai Ninh còn "Tan tác" chỉ biết tác giả là một người thợ vùng Hậu Giang".
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học nứơc nhà có hai ngừơi thợ rất nghèo kiến thức sách vở nhưng lại giàu nhiệt tâm với văn chương. Việc họ nhận được giải thưởng cùng lúc nói lên hai điều: sự trân trọng nhân tài và khả năng phấn đấu không chùn bước trước hoàn cảnh của mình.
Ðấy là chưa kể đến sự góp công một cách rất tích cực trong việc cho xuất bản và lưu hành một lượng đáng kể các tác phẩm văn học ấy qua nhà xuất bản Ðời Nay.  
Những bài mục chính xuất hiện trong "Ngày nay":
Từ thấp đến cao nói về người;
Từ nhỏ đến nhớn nói về việc;
Bàn ngang nói ngược mà hiểu xuôi
(ba mục này do Nguyễn Tường Long phụ trách)
Mục "Hạt đậu dọn" dành để sửa văn, đúng hơn là vạch những lỗi về hành văn, về văn phạm, về từ ngữ. cuả những tờ báo khác.    
Mục "Bùn lầy nước đọng", săn sóc quyền lợi xa gần của giới bình dân.
"Tự vị nhân vật", khắc họa hình ảnh nhố nhăng, bù nhìn của những bậc phụ mẫu chi dân, tai to mặt lớn.
"Trước vành móng ngựa", cười cợt sự máy móc của tòa án khi thi hành pháp luật.
Những nhân vật bất hủ được thể hiện qua nét vẽ biếm họa như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh chỉ trích cái ngớ ngẩn, lạc hậu của dân quê.
"Mười điều tâm niệm", loạt bài khá chắc tay và có giá trị của Hoàng Ðạo cho người ta ước mơ một lí tưởng chân chính và thành thực.
Người ta muốn cười cợt bông đùa cho khuây khỏa thì đã có "Nụ cười trong nước", " Nụ cười nước ngoài".
Người yêu thơ thì đã có chuyên mục "Dòng nước ngược"
Người ta ưa giải trí thì báo cho đọc "Mai Hương và Lê Phong", cùng một lúc với "Tiêu Sơn tráng Sỹ".
( Nguyễn Trác, Ðái Xuân Ninh: "Về Tự lực văn đoàn" Nxb  TPHCM. 1989 )
Ngoài ra còn có các mục như: Ðiểm báo, Người và việc, Cuộc đời mới, Văn chương.



NỘi DUNG MỘT SỐ BÀI VIẾT TRÊN CÁC CHUYÊN MỤC CỦA NGÀY NAY

Xã luận
NHÂN DỊP ÔNG BRÉVÍE SANG ĐÔNG DƯƠNG CÙNG UỶ BAN BÁO GIỚI
Đợi ngày quang đãng ... cách đây không lâu, toàn thể báo giới miền Bắc, trong một buổi họp đông đủ, nhiệt thành bàn về đơn thỉnh cầu đệ lên ủy ban điều tra lúc ủy ban tới đông dương. Buổi ấy, ai cũng hô hào nên yêu cầu Đông Dương được sống dưới chế độ ngôn luận tự do. Buổi ấy, ai ai cũng hăng hái, quả quyết, Hy vọng chứa chan sống một đời văn minh hơn, tự chủ hơn. Rồi một ủy ban thành lập, một ủy ban ai cũng mong đợi công cuộc mạnh bạo, rành rẽ, tốt đẹp.
Nhưng, từ đấy, thời gian lặng lẽ trôi như nước chảy dưới cầu, mà công việc uỳ ban cũng lặng lẽ như thời gian.
Trong khi ấy, chế độ báo chí chật hẹp hiện hành vẫn theo đuổi công việc phá hoại của nó, tờ dân quên của ông Phan Trần Chúc ra đời chưa đưộc năm số, bỗng có tin bị thu hồi giấy phép. Một tin lại hơn nữa, là tin tờ Việt Nam bị đóng cửa, tờ Việt nam của một nhà chính trị cò tiếng và có quyền ở trong nam, ông Nguyễn Phan Long. Cũng như mọi lần, nhựng tờ báo bị đóng cửa không được rõ vì cớ gì số phận mình lại mong manh như thế. Cũng như mọi lần, những tờ báo ấy không có quyền tự bênh vực lấy mình. Cũng như mọi lần, hội đồng chính phủ là một hội đồng hầu hết là người Pháp, định đoạt số mệnh một tờ báo mà họ chưa từng đọc tới, có khi chưa từng biết tên. Cũng như mọi lần, một số đông người làm công trong tờ báo bỗng tự nhiên xô đầy vào bnạn thất nghiệp, với những nạn đói, rét...Tấn bi kịch thường xẩy ra lại đem ra diễn lại, không biết bao giờ mới thôi.
Tuy nhiên, sự hy vọng một ngày đăng quang- ngày thi hành chế độ ngôn luận tự do vẫn khiến trái tim mọi người đập mạnh. Đã có ngày đại thắng của chiến tuyến bình dân, đã có ngày đại thắng của công lý và tự do, thì thế nào cũng có ngày dân Việt Nam trông thấy ánh sáng của chế độ mới.
Vẫn biết vậy, xong công việc của Ủy ban báo giới là dịch ngày ấy lại gần ta chừng nào hay chừng ấy, Ủy ban báo giới đã có, tưởng cũng nên tỏ cho ai nấy biết rằng Ủy ban báo giới sống, sống trong sự hoạt động, sống trong sự nhiệt thành. Đời thủa nhà ai, lòng nhiệt thành, sự hoạt động lại u uẩn ở trong sự yên lặng bao giờ. Yên lặng đối với bạn “người trần mắt thịt” như chúng tôi, là biểu hiện của giấc ngủ ngon, hay là của sự chết. Ủy ban báo giới yên lặng bấy lâu, không có lẽ vì một cớ thô thiển như vậy. Thế vì cớ gì ? Chắc là ủy ban đang ở trong thời kỳ dự định, dưỡng sức để lấy đà, hoặc mưu hết phương pháp hay có thể mau đưa báo giới Đông Dương đến ngày đăng quang mong mỏi đã mòn con mắt.
Nếu như vậy, chúng tôi mong ủy ban chóng công bố kết quả của mấy tháng làm việc đã qua, tuy phái bộ điề tra chưa tới Đông Dương ủy ban đã có thể bắt đầu hành động được rồi. Ông Brévíe ra Toàn quyền mới, sắp tới nơi, chúng tôi tưởng đó cũng là một dịp để làng báo phân bày ý nguyện của mình. Ủy ban nhân dịp ấy định đoạt phương châm, để chúng tôi biết đường mà cùng một lúc cổ động, hô hào cho nguyện vọng của báo giới có giá trị đối với nhà chức trách.
Nhân dịp chúng tôi xin nhắc ủy ban rằng đã có lần chúng tôi mong báo giới Đông Dương phái một đại biểu sang Pháp bày tỏ ý nguyện với chính phủ bình dân và chúng tôi mong được biết sự định đoạt của ủy ban trong một thời hạn mà chúng tôi hy vọng sẽ không lâu dài mấy.
Chúng tôi vui lòng đợi, mà sẽ vui lòng hơn nữa khi được nghe lời cao minh của ủy ban chỉ bảo những phương pháp có hiệu quả để đạt được mục đích chung của báo giới, là sự tự do ngôn luận.
Ngày Nay
Số 42, ngày 10-1-1937   
Xã luận
TỰ DO NGÔN LUẬN CHƯA NÊN THẤT VỌNG
“Tôi không thể cho báo chí quốc ngữ được tự do”.
Đó là lời ông Toàn quyền Brévíe tuyên với ông Nguyễn Văn Sâm, hội trưởng hội báo giới liên hiệp ở trong Nam.
Lần này không có thể lầm được nữa.
Ông Toàn quyền của chính phủ bình dân, ông Toàn quyền mà chúng tôi vẫn tin là dè dặt, thận trọng, đã rõ ràng cho chúng tôi biết cao kiến về vấn đề quan hệ ấy.
Báo chí quốc ngữ sẽ không được tự do.
Báo chí sẽ không thể tiến bộ được, đành chịu cái số phận buồn tẻ hiện thời, một số phận mong manh bất trắc. Chính phủ sẽ tuỳ theo sở thích từng lúc tuỳ theo cao hứng từng ngày, mà thi thố cái quyền sinh sát của mình. Báo chí sẽ luôn luôn sống trong sự lo sợ cho cái tính mệnh ong, kiến; và vì thế, sẽ không đủ tài lực, không đủ can đảm để truyền bá tư tưởng mới, để soi đuốc văn minh, như người ta thường nói, vào những nơi tối tăm.
Báo chí sẽ không có thể gây nên dư luận, hay là đại diện cho dư luận được, báo chí sẽ không dám bầy tỏ những nguyện vọng chân thành của dân, sẽ không dám chỉ trích hay đả động tới những điều lỗi, những sự sai lầm của nhà đương cuộc.
Báo chí sẽ không có thể làm đủ nhiệm vụ, không có thể chọn được thiên chức của mình.
Ông Toàn quyền Brévíe đã muốn thế, ông Toàn quyền của chính phủ bình dân, ông Toàn quyền thứ nhất đã đem công lý và tự do của nước Pháp tự do đến cho ta.
Vì lẽ gì vậy ? Theo ông, một lẽ rất giản dị: chính phủ chỉ có phương pháp ấy là màu nhiệm để kiểm soát báo chí, để dẫn báo chí vào con đường quang minh.
Chúng tôi hiểu ông lắm, ông sợ những điều lạm dụng, ông sợ báo chí là nơi trú chân của sự vu khống, của sự doạ nạt để ăn tiền.
Nhưng đối với những điều đáng khinh bỉ ấy - những điều ta thấy trong hết thảy báo giới hoàn cầu, kể cả báo giới các nước văn minh – không phải chỉ có phương pháp kia là mầu nhiệm. Không phải chỉ có để cho chính phủ quyền cho phép và đóng cửa báo mới có thể ngăn cản được sự doạ nạt ăn tiền và vu khống. Là vì còn có pháp luật, chúng tôi thành thực mong chính phủ tuyên hành một đạo luật phạt rất nặng những sự bỉ ổi có thể xẩy ra trong làng báo. Hiện giờ bên Pháp, hai nghị viện cũng đương lo tìm phương trừ sự lạm dụng mà vẫn giữ được sự tư do báo chí. Chúng tôi tưởng thi hành đạo luật sắp ra ấy cũng đủ ngăn phòng những điều ông lo sợ.
Thảng hoặc cho là chưa đủ nữa, chúng tôi cũng không hề phàn nàn, nếu chính phủ muốn lập một đạo luật chặt chẽ hơn. Miễn là báo chí chúng tôi được chút ít bảo đảm cho sinh mệnh của mình. Thí dụ: như đem chế độ báo giới bên xứ Tunisie áp dụng ở đây. Theo chế độ ấy, một tờ báo cũng có thể bị đóng cửa, nhưng quyền đóng cửa ấy, không phải ở chính phủ mà ở tòa án.
Chúng tôi chỉ muốn có nơi để tự bênh vực lấy quyền lợi, để khỏi ân hận không biết tại sao bị thu giấy phép, không biết vì cớ gì còn sống sót. Báo chúng tôi biết chữ quốc ngữ, mà hội đồng chính phủ hầu hết không biết tiếng An Nam, nên đành phải dựa vào những bài dịch, mà dịch tức là làm lạc nghĩa đi. Hơn nữa, hội đồng chính phủ chỉ biết tới những mẩu văn, không có ý kiến gì về toàn thể một tờ báo khác nên không thể nào định đoạt một cách công minh được.
Chúng tôi chỉ muốn dời bỏ cái chế độ khắt khe như vậy, chế độ ấy khiến chúng tôi không dám thành thực. Dân gian và chính phủ nhân đó đều bị thiệt thòi. Thí dụ như về đạo luật lao động mới ra tháng trước. Báo chí quốc ngữ không dám đem bàn một cách công nhiên, không dám tỏ lòng nhiệt thành, cũng chỉ vì cái chế độ chúng tôi đang chịu đựng.
Vậy kết luận, dầu có lời tuyên bố đáng ngán kia của ông Toàn quyền, chúng tôi vẫn còn mong, mong sẽ có ngày, nếu không được hẳn quyền tự do, báo chí cũng sẽ sống một đời quang đãng hơn. Chúng tôi mong ông Toàn quyền sẽ nghĩ lại, và sẽ đồng ý với ông Justin Godard, đồng ý với Tiểu ban thuộc địa ở Hạ nghị viện Pháp, và sẽ đồng ý với chúng tôi.
Hoàng Đạo
Số 47, ngày 21-2-1937

Xã luận
LẤY THUỘC ĐẠI CÓ CHÍNH ĐÁNG KHÔNG ?
Những dân tộc có thuộc địa thường tự đặt vào địa vị ân nhân của những nước quá yếu đã được họ chiếm lấy đất để khai thác, luôn khoe khoang tán thưởng những công cuộc của mình ở thuộc địa, và rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy dân thuộc địa có kẻ không lấy làm ân, lại còn oán thán nữa. Ít người, thật ít người biết vắt tay lên trán nghĩ đến nguyên nhân của sự “làm ân nên oán” ấy, và dám tự hỏi một cách thiết tha rằng công cuộc khi thác thuộc địa của mình đây có phải là một công cuộc nên làm, vì chính đáng hay không.
Mấy thế kỷ về trước không có ai bàn luận đến vấn đề ấy cả. Hồi đó, chỉ có võ lực là hơn; không cần nghĩ xem có chính đáng hay không chính đáng, các cường quốc châu âu cứ tự nhiên đem binh đi đánh các nước yếu hơn để lấy làm thuộc địa. Mãi đến thế kỷ vừa qua, nhiều nhà tư tưởng mới đứng lên tố cáo một cách quyết liệt nguyên tắc của sự khai thác thuộc địa, và phái ưa thuộc địa mới phải tìm lẽ, tìm thuyết để bênh vực cho công cuộc của mình.
Họ không có thể che đậy được cái nhược điểm quan trọng nhất của họ, là buổi ban đầu, việc lấy thuộc địa chỉ là một việc ức hiếp của sức mạnh, một công cuộc ích kỷ, làm lợi riêng cho một bên, bên có cường quyền. Nhưng họ bảo rằng có thế chăng nữa, cũng là theo luật tự nhiên của trời đất. Cái công lệ đào thải, là khỏe thì sống, mà yếu thì chết. Côn trùng, cầm thú đều chịu theo cái công lệ ấy, người ta cũng vậy.
Song cái lý thuyết ấy không đứng vững được. Vì nó làm cho người ta chỉ phục có một điều: võ lực. Vì nó hạ người ta xuống cái địa vị thấp hèn của loài vật vô tri.
Người ta có hơn cầm thú, không phải là vì khỏe hơn, biết tìm cách giết loài khác một cách nhanh chóng hơn, mà chỉ vì có lương tâm, biết trọng công lý. Sự cường quyền dẫu thắng, nhưng không bao giờ khuất phục được ai.
Phái ưa thuộc địa cũng hiểu vậy. Họ cũng nhận ra rằng vin vào luật đào thải tự nhiên không khác gì người sắp chết đuối với được đám bèo, ngọn cỏ, không có gì là chắc chắn cả. Họ vội đi tìm lẽ khác để làm nền tảng cho công cuộc khai thác của họ.
Họ bèn chia loài người ra từng hạng, tuỳ theo màu da hay tuỳ theo sức mạnh. Những dân tộc thuộc địa, theo họ, đối với dân tộc khác, là những dân tộc bán khai, kém hèn, dẫu có được hưởng giáo dục học vấn đến mực nào chăng nữa, cũng vẫn kém hèn, bán khai mà thôi. Đối với những dân tộc ấy, sự tự do độc lập là một sự đáng sợ, dùng tới cũng như trẻ con chơi dao, thế nào cũng đến đứt tay chảy máu. Đối với những dân tộc ấy, cần có một dân tộc khác có trí thức hơn chỉ dẫn bắt ne bắt nét, thì may họ còn sung sướng được. Những dân mọi ở Phi châu chẳng hạn, trước khi được các nước Âu châu chia tay cai trị, vẫn là có độc lập đấy, nhưng họ sống một cách khổ sở, ức bách dưới quyền thế ghê gớm của các tù trưởng, của các vua nhỏ. Bây giờ, được làm thuộc địa cho các nước văn minh, họ được yên ổn làm ăn, sung sướng hơn thời buổi trước nhiều.
Nhưng đó là phái ưua thuộc địa nghĩ ngợi bàn tán như vậy thôi, chứ thực ra, hạnh phúc của con người ta có phải đủ ăn là được rồi đâu ? Con chim hoàng oanh, bị nhốt ở trong lồng, dẫu no nê suốt buổi đấy, vẫn thèm thuồng quãng không, và vạn nhất được thả ra, nó bay vút lên cao, ca một bài trong trẻo và vui mừng biết bao nhiêu. hạnh phúc của con người ta, lấy cớ gì mà bảo rằng là sống một đời vội vã, hấp tấp như cái máy của người Âu châu, chứ không phải là sống một đời êm tĩnh, giản dị của dân bán khai ? Vả lại, cứ sự thực mà xét, thì dân thuộc địa đã được những hạnh phúc gì đâu ? Một phần bị lưỡi gươm, hòn đạn mà chết, một phần bị đàn áp, xô đuổi về miền rừng xanh núi đỏ, dân tộc da đỏ ở châu Mỹ hay dân tộc da đen ở châu Úc đến nay hầu như không còn nữa.
Họ lại còn bảo: Ừ thì hạnh phúc là một sự khó phân biệt, tuỳ theo từng người mà thay đổi, nhưng còn những việc hiển nhiên trước mắt: dân tộc Âu Mỹ đã đem đến cho dân thuộc địa nào trật tự, hoà bình, nào học thức, nào sức khỏe... bao nhiêu điều cần cho cuộc sinh hoạt của người đời. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu trả lời của một ông thượng nước Ai Cập, thuộc địa Anh vừa mới được tự trị: “Nhưng nếu chúng tôi jưa sự hỗn độn riêng của chúng tôi hơn là sự trật tự của nước ngoài đem tới, thì các ông còn nói gì nữa ?” Sức khỏe, học thức của dân ộtc khai thác đem đến cho thuộc địa cũng vậy, là do sự bắt ép mà thôi, mà đã có điều ép uổng, thì không có hiệu quả gì đáng kể được.
Còn như bảo rằng chủng tộc có nhiều đẳng hạng hơn kém nhau, thì việc đó nên để dành riêng cho đồ đệ Hitler. Không có cớ gì chính đáng khiến cho ta phải khâm phục riêng một chủng tộc, như dân tộc Đức chẳng hạn và coi rẻ những dân tộc khác. Chủng tộc nào cũng có thể tự xưng là đệ nhất chủng tộc trên hoàn cầu và có thể lấy cường quyền mà bắt chủng tộc khác công nhận như vậy. Nhưng, tôi xin nhắc lại lần nữa, cường quyền không bao giờ bắt được lòng người khâm phục.
Gần đây, phái ưa thuộc địa lại tìm ra một ý tưởng khác để thuyết minh cho công cuộc khai thác. Một dân tộc không có thể sống riêng một mình được; dẫu của một nước không xuất sản cho đủ mọi vật liệu cần dùng cho dân nước ấy được, cần phải hết thảy các dân tộc, hết thảy các nước trong thế giới, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi lẫn nhau những vật liệu riêng của mỗi nước, mỗi dân tộc. Mặt trời ở Ấn Độ không phải riêng soi cho người Ấn ; than đá ở nước Anh không phải của riêng của người Anh, mà là của chung cả nhân loại một ngày một đông, cần phải nỗ lực khai thác hết nguyên liệu trong hoàn cầu để dùng vào sự nhu cầu của mọi người. Như vậy một dân tộc không thể coi nước mình như của riêng, có thể để vậy, không khai khẩn được. Nếu không khai khẩn tức là đắc tội với nhân loại, dân tộc khác tài giỏi hơn có quyền đến mà khai khẩn.
Song, đem ngay lý thuyết ấy mà luận cho đến cùng, ta cũng đã nhận rõ ra rằng dân tộc khác có đến khai khẩn những vật liệu bỏ liều, cũng chỉ có quyền khai khẩn cho tất cả nhân loại, nghĩa là cho cả thổ dân, cho thổ dân trước nhất nữa. Mà khai khẩn nguyên liệu ấy, cần gì phải dùng đến võ lực, đến sự lấy đất của người, những dân tộc có cái ý tốt ấy chỉ cần giúp đỡ thổ dân trở nên một nước đủ tài sức như họ mà thôi.
Xem như vậy thì không có lẽ gì chính đáng có thể khiến một nước như nước Ý hay nước Nhật đem quân đội sang tàn phá một nước khác, như nước Á hay nước Tàu, để lấy đất nước họ làm thuộc địa.
Có một điều rằng thuộc địa đã có rồi, thì cần phải thực lòng làm lợi cho thổ dân. Có khi phải chịu thiệt thòi riêng nữa. Có như vậy mới có thể xoá bỏ cái vết võ lực buổi trước và mới có đủ lẽ để lưu lạc ở đất nước người được.
Hoàng Đạo
Số 77, ngày 19-7-1937   
Xã luận
CÁC ÔNG NGHỊ XÔI THỊT
Mấy hôm vừa qua, trong khi mọi nơi náo nức về cuộc tổng tuyển cử dân biểu sắp tới, ông Phạm Huy Lục đem tin lên hiến ở Phú Thọ, ông Vũ Văn An về ẩn ở Bắc Ninh, ông Phạm Lê Bổng vào Hà Đông đốt pháo, tôi, tôi không cảm thấy sự thiêng liêng của một nhiệm vụ nào xui giục tôi ra tranh cử như các vị danh nhân ấy, tôi nhân dịp nghỉ về thăm quê.
Quê tôi, như mọi nơi miền hạ Du sông Cái, là một cánh đồng bùn lầy, phẳng lì và buồn. Xa xa đến tận chân trời là cánh đồng lúa non.Trên cái nền xanh mát ấy, chốc chốc lại nổi bật lên cái nền xanh thẫm của các luỹ tre. Tôi theo con đường cỏ, khúc khuỷu, dừng chân lại một cái quán con, đứng siêu vẹo cạnh một cây đa cổ thụ, gọi một bát nước chè tươi. Bà lão bán hàng, mái tóc bạc quấn trong chiếc khăn bạc thếch, nét mặt dăn deo như quả bồ quân chín, đương săn sóc đến một bọn bốn năm người vén đùi ngồi ngả nghiêng trên chiếc phản kê áp tường. Người nào mặt cũng đã đỏ ửng vì rượu, khề khà chung quanh chiếc mâm gỗ, trên còn trơ những đĩa bát thô sơ, với vài miếng tiết đen, năm ba lá rau còn rớt lại. Mấy vị ấy đã đến lúc đem tâm sự ra nói với nhau, không e dè gì nữa.
Một vị phàn nàn:
-    Làm lý trưởng phen này đến khổ. Quan thì cứ bắt nộp thuế cho đủ số, còn dân thì cứ đòi đóng theo lệ, nghĩa là không sao mà đủ được. Sau tôi cứ đặt bừa vài mươi người lên hạng trên, họ có phàn nàn thật, nhưng tôi đổ cho là lệnh quan, ai có kêu gì thì cứ tìm nơi mà kêu. Các cụ tính, bọn ấy thì còn đào đâu ra người bênh vực cho nữa mà sợ.
Tôi nghĩ thầm:
-    Ông lý này thật không còn coi vị dân biểu bản hạt ra gì cả.
-    Rồi tôi phì cười một mình, vì tôi cố tìm ra tên ông biểu bản hạt mà không nhớ là ai, và đã làm được những việc gì.
Một vị khác, lên giọng rượu, kể lể:
-   Phải. Làm việc quan phải thế mới được. lão huyện này khiếp lắm. không bừa đi thì không lấy đâu cho vừa lòng lão ấy được. Tôi thì tôi cứ chọn nhà nào kha khá, lương thiện, hiền lành là tôi bổ cho đủ và thêm ít tiền để tiêu chơi.
Ông ta nói đến đây, lấy làm thích chí cười ha hả, và nốc một hơi hết bát rượu để trước mặt:
-   Ha ha ! dân có ngu thì quan với ta mới hưởng thái bình được.
Nghe giọng cười của ông ta, người ngu như tôi cũng có thể đoán ra rằng tôi đương được cái hân hạnh ngồi đối diện với một tay mọt dân lão luyện.
Chán ngán, tôi đứng dậy, thong thả đi, thở mạnh để đón lấy ngọn gío mát từ ngoài đồng rông lại, và để quên mấy vị kỳ mục khả ố với những sự ăn quẩn của họ.
Thì tôi lại gặp ngay chuyện buồn nản khác. Dân đi chợ về lũ lượt đi qua trước mặt tôi. Quần áo lam lũ, rách rưới. Nét mặt bơ phờ hốc hác. Hai con mắt hết cả tinh thần. Họ đi, lờ đờ, không linh hồn, như một lũ ma đói đi về một bãi tha ma nào. Những gánh hàng rỗng không, nhẹ bồng: tôi chợt ghĩ ra rằng, vụ thuế, vừa xong. Tôi bèn gọi một ngưiời lại, cao lênh khênh, ngạc nhiên nhìn tôi, có vẻ lo sợ. Ý chừng anh chàng nghĩ:
-  Có việc gì dính đến mình đây.
Mà kinh nghiệm đã dạy hắn biết rằng hễ động có việc gì, là có hại đến túi tiền lép kẹp của hắn.
Thấ hắn sợ hãi, tôi vội nói chặng ngay:
Không, không có việc gì đâu. Tôi chỉ muốn hỏi chuyện bác cho biết mà thôi.
Anh chàng nông phu bèn nhoẻn một nụ cười sung sướng, như trút được một gánh nặng, và vui vẻ cùng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Nghe anh chàng nói mới hay cực khổ nhất là đời nông phu: một vài sào ruộng công, làm vất vả cũng không đủ nộp thuế, vối ngoại vụ, với tiền rượu của ông lý. Đi làm công, làm mướn để sống tạm bợ, cầu khỏi chết đói. Có việc , là phải vay mượn, mà đã bắt đầu đi vay, al2 hết đời cũng lhông sao thoát được nợ: năm này sang năm khác, lãi đẻ lãi không cùng. Lãi năm, sáu phân một tháng là nhẹ rồi, thì làm thế nào mà trả cho hết được ! Thật là đời một con trâu: cực nhọc, khổ sở, ăn muối mắm, khoai cám, để làm gì ? Để cho người khác hưởng. Phần đông dân quê như vậy cả. Những nhà có một vài mẫu ruộng dần dà cũng đến cơ như thế. Vậy mà ai biết đến cho ? ai bênh vực ?
Tôi lại sực nhớ đến ông nghị, người đại biểu tự nhiên của đám dân cày xấu số ấy, người tự nhận lấy cái chức vụ thiêng liêng bênh vực cho dân, cho những người khốn khổ như bác nông phu này.
Với cái ý tưởng lạc quan ấy, tôi đến nhà một người quen, một nhà cử tri sắp sửa được cái diễm phúc bầu lấy một ông nghị viên như vậy. Đến sân, tôi thấy trong nhà rộn rịp, một vài ông áo thâm, khăn lượt xúng xính, một ông lại vận âu phục nữa, đương ngồi khoa tay nói chuyện. Thấy tôi đến họ niềm nở đứng dậy chào. Tôi giật mình, cho là một sự linh ứng, khi nghe giới thiệu:
-Đây là ông chánh - hội làng... ra ứng cử nghị viên hạt ta khoá này.
Tôi tò mò nhìn người sắp đảm nhận cái trọng trách thay mặt và bênh vực dân. Một người nhàng nhàng nhỡ nhỡ, ngồi khép nép sợ sệt trong bộ áo the. Con mắt lơ đờ như ngái ngủ. Vẻ thông minh đi đâu mất cả. Y ngồi yên, không nói không cười, trong khi bộ tham mưu của hắn - một vài người dẻo miệng – bô bô nói chuyện và tán tụng việc thóc của y.
Tôi tìm dịp hỏi nhỏ:
Ngài có thể cho biết chương trình của ngài ra ứng cử hay không ?
Chương trình gì cơ ạ ?
Câu hỏi sửng sốt, bối rối. Làm thân một nhà ứng cử dân biểu mà không biết chương trình là gì, dễ thường có ông này là một. Tuy nhiên, kiên nhẫn, tôi giảng giải:
Nghãi là ngài ra viện ngài sẽ định làm gì ?
Nhà ứng cử ngây người không trả lời, trố mắt nhìn tôi như nhìn một quái vật, như muốn bảo:
Ông này điên hay sao mà hỏi tôi nhiều câu ngớ ngẩn làm vậy. Làm ông nghị chứ còn làm gì nữa.
Hỏi ra mới biết ông chánh hội trẻ tuổi này là con một nhà trọc phú, cho vay lãi, thừa của nhưng thiếu chút danh. Dốt nát, y chỉ còn một cách sĩ diện với đời : ra làm nghị viên.
Ấy đó, chỉ có thế thôi. Chức dân biểu thiêng liêng, họ coi như một phần xôi thịt. Họ bỏ tiền ra, để chạy lấy chức ấy, như họ bỏ tiền để chạy cái cửu phẩm văn giai, hay lấy một chỗ đứng để thế thần ngoài đình làng. Làm nghị viên đối với họ, là một cái thẻ bài ngà con. Ngoài ra, họ không biết gì hết, chẳng bênh vực ai mà cũng chẳng đại diện được cho ai. Mê muội như họ thì còn làm gì mà cứu được bọn nông phu, tôi đương nghĩ đến, thoát khỏi những nạn bàn bạc xung quanh họ: nạn quan tham nhũng, nạn kỳ hào ức hiếp, nạn chịu lãi nặng. Mai mỉa thay, chính ông nghị là người gây ra một vài cái nạn ấy. Vào viện, họ sẽ ngồi, lặng lẽ, buồn thảm, như cỗ xe đám ma, ngờ ngệch như mán rừng, ngáp vặt cho hết thì giờ. Họ sẽ bị chế riễu, và họ sẽ coi những ngày họp viện là một cái tội cho họ. Nhưng họ không hiểu rằng, chính họ, là cái tội cho cả quốc dân.
Vì tham cái danh hão, họ sẽ làm hại họ, và làm hại người khác. Vì họ ù ù cạc cạc, u u minh minh, làm quẩn chân chính phủ và ngang trở sự tiến bộ của viện. cần cho họ phải biết thế, cử tri cũng cần phải biết thế: thượng sách của họ: là về thả diều ở nhà quê.
Đả đảo bọn nghị viện dốt nát, háo danh, và vô lý như bọn họ, là một việc cần phải làm. Trong nghị viện, khoá này, bọn ấy vẫn sẽ còn len lỏi vào được: phải làm cho họ hiểu rằng họ là người thừa, nên từ rầy đừng ra tái cử nữa là hơn. Không có nghị viên còn hơn là có những nghị viên xôi thịt như thế !
Hoàng Đạo
Số 118, ngày 10-7-1938




Thơ trào phúng

NHỮNG CON MA CỦA BÁO ĐÔNG PHÁP
Giở tờ Đông Pháp xem qua.
Eo ôi ! thấy rặt những ma cùng thần !
Toàn cầu buôn bán khó khăn,
Ấy ma “kinh tế” nó vần nó xoay,
Những người bí tỉ rượu say
Ma “men” ám ảnh đêm ngày bắt...tu
Anh nào túi rỗng, không xu.
Ma “nghèo”, ma “kiết” nó trù, đáng lo.
Những người cơm chẳng được no,
Chính con ma “đói” rầy vò, lầm than.
Những người ốm yếu miên man,
Bị loài “ma lách” nó toan hại đời.
Những người óc đặc cán mai,
Ấy con ma “dốt” theo đuôi nó hành.
Những đôi gái lịch, trai thanh,
Mê nhau là bởi ma “tình” rủ rê.
Những phường đen đỏ máu mê,
Bị ma “cờ bạc” ê chề, lắm phen.
Các bà thường bị ma “ghen”
Nó trêu, nó ghẹo, như diên như cuồng
Những phường vụ lợi, bất lương.
Ma nào run rủi ? dễ thường ma “tham”.
Những người biếng việc không làm
Ma “lười” nó hãm, đành cam ươn hèn.
Sông to ngập lụt đồng điền,
Ấy ông thần “nước” hại miền dương gian.
Cửa nhà đốt cháy ra than,
Ấy ông thần “lửa” dã man tung hoành.
Còn như Huy, Phú hai anh
Phải chăng một cặp “ma lanh”, “ma bùn”
Tú mỡ
Số 26, ngày 20-9-1936
(Huy, Phú là Ngô Văn Phú, Hoàng Hữu Huy, Ban biên tập báo Đông Pháp)

HỘI NGHỊ BÁO GIỚI
Anh em ba xứ Bắc Nam Trung,
Làng báo Annam họp hội đồng
Đòi lấy tự do mà lập nghiệp,
Ấy là theo luật công bình chung.

Tưởng khắp cả làng tâm địa khá
Mưu toan việc lớn đồng lòng cả.
Ngờ đâu lâm sự mới lòi ra.
lắm kẻ lòng chim, người dạ cá !

Làng văn đâu có thịt cùng xôi,
Trên dưới tôn ti mảnh chiếu ngồi.
Làng báo phải đâu phường Lý Toét,
Mà hòng tranh thứ với tranh ngôi !

Quắt quay có kẻ buôn dư luận.
Bán rẻ linh hồn mong sống bẫm.
Ngôn luận tự do há thiết gì !
Mấy lần hội nghị mặt đều lẩn...

May mà bạn trẻ cò nhiều anh,
Bền chí, kiên gan, dạ nhiệt thành.
Dù được, dù thua, cùng phấn đấu,
Cho người ta chẳng dám xem khinh.
Tú Mỡ
Số 70, ngày 1-8-1937

THẬP NHỊ ...  QUỈ SỨ QUÂN
Bức số 10: ÔNG TRÙM LỤC
Ngẫm ông nghị Lục thế mà oai !
Luôn bôna năm nay nghị trưởng hoài !
Mới biết cạn ao, bèo đến đất.
Dễ thường đất Bắc chẳng còn ai...?

Bức số 11: ÔNG NGUYÊN PHÓ TRÙM AN
Trời sinh ra Lục, lại sinh An,
Cho đủ vai trò với thế gian.
Lục sẵn có lòng, An có rượu.
Mỗi năm dân biểu chén say tràn.

Bức số 12: ÔNG NGHỊ NGÀ
Dân biểu hàng năm họp hội đồng,
Ông Ngà công việc rất ung dung.
Bấm be đọc mấy câu văn sáo,
Rồi vớ chuông đồng, lắc cổ rung.

Bức số 13: ÔNG NGHỊ THĂNG
Nghị Thăng tiến sĩ thế mà ngông,
Nhảy múa như con đĩ đánh bồng,
Khéo nhập váo môn thầy nghị Vĩnh.
Bát vàng ngồi mát chén ngon không ?

Bức số 14: ÔNG NGHỊ TIỄU
Ba phải ai bằng sự khuyến nông,
Khu khư ôm lấy lọ trung dung.
Tầm phơ, ai phải mà ai trái ?
Quan tám cũng ừ, tư cũng xong.

Bức số 15: ÔNG NGHỊ LỄ
Nhiệt thành ông nghị hãng Phông ten
Chỉ muốn cầu cho rượu độc quyền.
Động hé môi ra thì...phải biết !
Trong vùng mười dặm sặc hơi men.

Bức số 16: CỤ NGHỊ TÁ (Bùi Đình)
Cụ Tá già câng vẫn điếm đời
Năm nào đi họp cũng dương oai.
Huy chương các thứ trương đầy ngực
Kim khánh, mề đay với thẻ bài.

Bức số 17: CU CẬU NGHỊ TIỆP
Cu cậu trông ra vẻ lão thành,
Mà lòng khăng khít với xuân xanh.
Mới hay nhân lão tâm không lão,
Còn nước, còn non chan chứa tình.

Bức số 18: ÔNG NGHỊ KHÂM THIÊN
Viện cử ông đi, ông cứ đi...
Ông ra hội nghị để làm chi ?
Hay bà xui bẩy ông nên tiếng
Bênh vực con em khỏi ... lục xì !
Bức số 19: ÔNG NGHỊ CUNG
Nghị Cung tuy đã nhập làng Tây,
Mà vẫn dân ta ô mới hay !
Cố đấm ăn xôi phần phó trưởng,
Cũng mang tiếng phó được mươi ngày.

Bức số 10: ÔNG NGHỊ NINH
Chắc chắn ai bằng ông Ninh Ninh
Người nung núc thịt, béo rung rinh.
Dù khi ngủ gật, không lo ngã,
Vững chãi y như cái cột đình.

Bức số 21: ÔNG NGHỊ LINH
Ngày nào mới lĩnh chức trưởng phiên,
Bất đắc dĩ mà hoá nghị viên.
Mỗi mỗi năm đi bàn việc nước,
Về duy chỉ nhớ tiệc liên miên.
Tú Mỡ
Số 85, ngày 14-11-1937




Văn trào phúng
MỘT ÔNG TỔNG ĐỐC, MỘT BÀI VĂN
Có tin ông Hoàng Trọng Phu xin về hưu, ông đã già lắm rồi, nên muốn lùi chân nhường chỗ cho người khác, trẻ hơn.
Nhưng báo Xứ Sở An Nam của ông Phạm Lê Bổng cho là sự hại lớn cho dân Việt. Trong luôn hai kỳ, báo Xứ Sở van lấy ông Hoàng Trọng Phu nên nghĩ lại cho dân nhờ. Báo ấy lại đăng  một bài tán dài dằng dặc nói là của một người trẻ tuối viết, xin trích đăng mấy đoạn thống thiết như dưới.
“Như một làn chớp nhoáng bỗng xẻ trời quang, tin quan đại thần Hoàng Trọng Phu bỏ quan trường đã dìm cả nước vào trong sự khủng khiếp vô cùng và đã tan ra nhanh như đường thuốc súng.
...Một thứ cảm giác truyền nhiễm đại đồng, làm náo động hết thảy các trái tim. Một sự buồn bã khó chịu bỗng đè lên tinh thần của quan trường, mà một cái rỗng mông mênh đau đớn, không có gì lấp được, đã bắt đầu làm cho dân chúng cần cù tỉnh Đơ cảm thấy... Thật vậy, nếu muốn tả sự tưởng của dân gain và của những người đã đến gần quan đại thần H.T.Phu thì phải tặng ngài chức “phụ mẫu chi dân”... chỉ nên một cách giản dị rằng: đại thần là một tinh thần mới trong một linh hồn cổ, và đối với mắt trẻ hay mắt già, đại thần cũng là đại biểu của những di phong mạnh mẽ và vinh hoa của nước Nam thủa xưa. Đối với mọi người Ngài hiện ra như người gác và trau dồi ngọn lử An Nam”
Thật là một bài văn mạnh khỏe và văn hóa, tiếc rằng bài ấy chỉ ký tên: “một người An Nam trẻ tuổi” thành ra không biết tác giả là ai, khiến người đọc nghi nghi, hoặc hoặc, không rõ ông Bổng hay là ông Bình.

Văn trào phúng
MỘT TỜ BÁO MỘT BỨC THƯ
Báo Tràng An từ ngày xoay chí hướng, có những cái cử chỉ mới lạ, đáng mặt một tờ báo Huế.
Kỳ vừa rồi không biết nghĩ thế nào, ông chủ bút Lê Thành Cảnh tờ báo ấy đăng một thư riêng của ông Ưng Trình thượng thư, gửi cho một người trong hoàng phái đỗ bằng y khoa bác sĩ. Ý chừng vì câu văn tuyệt tác của bức thư, ai nghĩ khác thì tội cho ông Cảnh nhà tôi, thư rằng:
“Quan tiến sĩ.
Hỏi thăm, biết quan cháu đã vinh quy, bản chức thay mặt cả hoàng gia gửi lời thăm và chúc mừng...
...Thành được cái chí của cha, uỷ được tấm lòng của mẹ thế là hiểu, chuyên môn về y lý, học thuật sẽ bổ ích cho nhân dân, thế là trung, trung hiếu lưỡng toàn, thế là kết quả...
Tôn nhân phủ đại thần.
Ưng Trinh
Thật là một bài lý luận sáng suốt phiền một nỗi như vậy thì trung hiếu lưỡng toàn dễ dàng quá. Cứ đỗ bằng bất cứ bằng gì cũng được, thí dụ như bằng Thành chung. “Thành được ý cha, uỷ được lòng mẹ thế là hiếu. Ra làm giáo học, làm thông phán, học thuật sẽ bổ ích cho nhân dân, thế là trung”.
Mà không đỗ bằng gì cũng được, thí dụ như làm ông lang An Nam, thí dụ như làm ông thầy tướng. Miễn là học thuật tạm gọi có bổ ích cho dân, thế là trung rồi. Vậy ai có nghề gì trong tay đều là trung tuốt.
Dầu sao lúc thư của “quan chú”gửi cho “quan cháu” lúc “quan cháu” vinh quy bái tổ chắc cũng hởi lòng “quan cháu gái” và nức dạ lũ “quan chắt”, “quan chít”
Hoàng Đạo
Số 43, ngày 17-1-1937

Văn trào phúng
MỘT NHÀ ĐẠO ĐỨC
Ông Trương Tửu phê bình Lạnh lùng trong báo Thời Thế, một tờ báo mới ra đời.
Nhưng lần này phê bình, ông không phải là nhà phê bình. Đố ai đoán được ? Ông là một nhà ... đạo đức.
Ông cả quyết bảo Lạnh lùng là một cái hoạ lớn cho bạn gái và nó định phá hoại sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Làm sao vậy ? Vì ông cho rằng: Người đàn bà goá, đã là mẹ, phải lấy việc nuôi dạy con làm nghĩa vụ và hạnh phúc của đời mình.
Theo ông lý tưởng tuyệt đối của một người đàn bà là làm một người mẹ hoàn toàn. Sự hi sinh ở đây là một điều kiện cần thiết.
Nghĩa là ông bắt người đàn bà phải bỏ mình đi, ra công nuôi con, dầu trong lòng còn muốn đi lấy chồng cũng mặc, dầu trong lòng còn mong mỏi, theo đuổi nghĩa vụ khác cũng mặc. Nghĩa là ông Trương Tửu là một tín đồ của nền luân lý Tống Nho, cái luân lý chật hẹp coi “người” như một phần tử nhỏ mạn không đáng kể của “đoàn thể”.
Ông không thể nghĩ rằng bổn phận làm mẹ không bắt một người đàn bà goá còn trẻ hi sinh hết cả đời xuân xanh để làm mẹ, chỉ làm mẹ, ông không nghĩ đến chữ nhân đạo.
Ông bảo đàn bà bao giờ cũng vị tah, người đàn bà chỉ sung sướng bằng cái sung sướng của người khác. Nghĩa là ông cho đàn bà không phải là một người, một người hoàn toàn như đàn ông, ông quên mất chữ công lý và quên mất cả tâm lý.
Ông quên nhiều quá, khó lòng mà thành được nhà phê bình không thiên vị, chỉ có thành được một ông đồ nho.
Hoàng Đạo
Số 53, ngày 4-4-1937

Văn trào phúng
NGƯỜI VÀ VIỆC
BỘ GIÁO DỤC QUỐC DÂN
Ông Phạm Quỳnh thượng thư Bộ giáo dục, kể cũng như các ông thượng khác, nếu mỗi năm ông không đọc một bài diễn văn.
Nhưng ông Phạm Quỳnh là ông Phạm Quỳnh, một hòn ngọc báu của Nam triều, vì thế cho nên ông ta đã diễn thuyết.
Ông họp các ông Kiểm các ông Đốc lại, để lập thành một hội nghị, giữa hội nghị ấy, năm nay ông tán dương công việc của Bộ quốc gia giáo dục.
Theo ông ta, công việc của bộ ấy rất có ích. Từ năm 1932 đến năm 1936, số học trò Sơ đẳng và Sơ học từ 68.354 người tăng lên đến 92.562 người. Bắt đầu từ năm nay, bằng sơ học yếu lược không bắt buộc phải có khi lên lớp nhì và kể từ năm 1940 trở đi thì không có bằng ấy cũng có thể thi lấy bằng sơ đẳng, ông ta còn định bắt học trò tập thêm việc làm bằng tay chân, và tập làm vườn nữa. Bộ của ông ta còn mong bành trướng hơn, nhưng tiền công quỹ định về việc học chỉ có hạn. Cách tổ chức của bộ ấy ông bảo đã “khuôn vào những cái khung bất diệt của xã hội Việt Nam: làng, tỉnh, và các ông học quan. Là những người thay ra một cơ quan giáo dục bình dân, dạy cho học trò biết chút đỉnh để đủ dùng trong cuộc sinh hoạt hàng ngày, và đừng để cho họ có cái óc thoát ly ra ngoài hoàn cảnh của họ.
Ông ta lại bảo cái lý tưởng ấy tầm thường, ông ta nói thế mà đúng đấy. Nếu bộ của ông ta chỉ dùng để dạy học lên tám lên mười biết viết, biết đọc chữ quốc ngữ, thì nó có thể lấy tến là “Sở coi về việc học các lớp sơ đẳng” và ông ta chỉ là một người giám đốc sở ấy. Nhưng nó lấy tên là Bộ giáo dục quốc dân, nên tôi lấy làm ngượng lắm.
Giáo dục quốc dân ! Cái tên đẹp đẽ thay. Nghĩ thấy là ta hình dung ra một cơ quan nỗ lực giáo dục dân chúng; cưỡng bách sự học ở lớp sơ đẳng, đặt thư viện bình dân, dùng sách vở, báo chí, các cuộc diễn thuyết, bộ máy vô tuyến điện...đủ hết các phương pháp hành động, để đạt được mục đích: là làm mọi người trở nên người hiểu biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, dẫu không làm nhiều việc thế, bộ của ông Phạm Quỳnh cũng có cái tên đẹp đẽ như vậy. Bộ giáo dục quốc dân, chứ nào có kém cạnh gì đâu !
Có cái tên đẹp âu cũng là đẹp rồi.

Văn trào phúng
HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ
Từ ngày đồng Franc phá giá, các đồ vật cứ tuần tự mà tăng, tăng một cách mau chóng, như muốn vét tận đáy túi nhân dân.
Thế rồi người ta thấy sản xuất ra một hội đồng định giá các thực phẩm, đáy túi của nhân dân đã lấy làm mừng.
Hội đồng làm việc, xem giá mọi nơi rồi đăng lên báo chí rồi bảo giá ấy không ai bán cao lên được. Phiền một nỗi lúc đó không có hàng hoá nào giá cao hơn cả. Chỉ nhận thấy một điều rằng thực phẩm nào còn rẻ bỗng tăng lên bằng giá đã định. Đáy túi của nhân dân lại không lấy làm mừng nữa.
Từ độ ấy đến bây giờ giá hàng hoá vẫn cứ thấy tăng lên dần. Sự hoạt động của hội đồng định giá, trái lại, cứ thấy bớt dần. Hội đồng định giá có lẽ rồi biến ra hội đồng không  định giá.
Còn đáy túi của nhân dân, thì chắc hẳn là biến ra trống rỗng.

Văn trào phúng
VÍ DA CỦA ÔNG HONEL
Ông nghị cộng sản Honel đã phát chẩn ở Bắc Ninh bị kẻ ăn cắp lần mất ví da với 200 đồng.
Câu chuyện ấy thật là giản dị.
Nhưng với ông Honel, thì việc giản dị gì cũng hoá rắc rối hết.
Tờ Populaire Indochinoise đăng lại rằng ông Honel muốn lám quảng cáo cho mình nên đi ô tô đến phát chẩn vừa mới tới nơi, thì một bọn người Nam tóm lấy cả gạo, lẫn áo, lẫn tiền.
Tờ Tribune Indochinoise thì cho ông là bị một bọn cướp thực hành câu châm ngôn của đảng cộng sản: “cái gì của anh là của tôi” lột trần ông như nhộng, chỉ để cho ông một chiếc quần.
Nhưng tờ báo này đã khéo tưởng tượng cho có chuyện. Thật là đúng với câu phương ngôn mới:
Báo ở xa, tha hồ nói láo.

Văn trào phúng
HÀNH KHÁCH
Sở hoả xa vẫn có tiếng là yêu hành khách.
Nói cho đúng hơn, thì sở ấy yêu túi của hành khách, yêu một cách thiết tha !
Còn thân thể của hành khách thì họ cũng yêu, nhưng yêu một cách khác. Có đáp xe lửa vào Sài Gòn mới rõ.
Mũi của hành khách, họ nghĩ rằng dùng để ngửi, và nếu không cho ngửi thì thật là phí. Vì vậy cho nên những chuồng hôi ở hãng tư họ dùng một lối khoá không ăn; cứ để mùi xông ra tự do.
Những chỗ lên xuống, họ để một ngọn đèn dầu lờ mờ, nhưng không phải để cho đỡ tốn, nhưng vì họ muốn luyện mắt hành khách cho sáng, có thể nom trong bóng tối được như những tay phi hành gia.
Có một lần, một tay hành khách kia đáp xe lửa vào Tourane, ông ta ngủ vùi. Đến Truồi, cách Tourane còn khá xa, sở hoả xa cho cắt một ít toa để lại, còn thì đi vào Tourane. Trong số toa để lại, ông hành khách kia vẫn ngủ, mãi dậy thì đã muộn rồi. Nhưng lỗi là lỗi ở ông ta, ai bảo ông mệt, ông ngủ thiếp đi, ông cứ thức có được không; còn lúc cắt toa, người ta không bào ông, chẳng qua là vì muốn ông nghỉ ngơi cho khỏe, đánh thức sợ mất giấc của ông mà thôi. Họ nghĩ thật đã chu đáo lắm thay.
Nhưng họ đem lối chu đáo ấy dùng vào lúc thu tiền vé thì vẫn là hay hơn.
Hoàng Đạo
Số 78, ngày 26-9-1937

Truyện
HỘI CHỢ HUẾ
Truyện ngắn
Về nhịp hội chợ Huế năm vừa qua, gian hàng của Tuyên lại dọn khít bên gian hàng một người Bắc. Bên tay trái là gian hàng tơ lụa của Nam kỳ. Tuyên làm thư ký cho hội bán muối ở sông Cầu, người mạnh bạo và nước da hơi thâm. Năm ấy, Tuyên bàn với chủ về chưng một gian hàng ở hội chợ Huế để tiên việc quảng cáo thì được chủ nhận lời ngay. Tuyên được cử ra Huế để dọn gian hàng ấy.
Một hôm Tuyên đang xem người ta dọn ghế tủ trong gian hàng mình thì bỗng nghe bên kia nhà có tiếng người Bắc nói chuyện. Tuyên mỉm cười lẩm bẩm:
Đây mới thật Trung Nam Bắc một nhà.
Lúc thấy mấy người nhà sắp xong bàn ghế, Tuyên tò mà chạy qua bên gian hàng người bắc đứng xem. Một bà người Bắc và cậu con trai đang loay hoay sắp những đồ bằng đồng lên trên ngăn tủ. Thấy hai mẹ con làm lụng ra chiều khó nhọc nên Tuyên cũng muốn vào làm dùm. Tuyên tiến vào trong gian hàng thêm vài bước rồi đứng thẳng người nói:
Đồ đồng nặng mà cụ thì yếu, cụ để cháu sắp dùm cho.
Hai mẹ connghe tiếng nói thì quay đầu lại. Bà Tuý đưa trái cánh tay lau mồ hôi trên trán nhìn Tuyên nói sẽ ra dáng cảm động lắm:
Chúng tôi không dám vì chắc làm phiền ông lắm...
Tuyên vội vã ngắt lời:
Phiền thì chắc không phiền lắm, vì chỉ đứng trông cụ làm tôi đã thấy phiền rồi.
Nói xong Tuyên đi thẳng vào nhà, sắp cái này, chữa cái kia ra vẻ sốt sắng lắm. Bà Tuý thấy có Tuyên đến giúp thì vui vẻ hơn trước. Thấy bà ta rinh vật gì hơi nặng thì Tuyên đã đến cướp trên tay và giành rinh cho kỳ được. Tuyên vừa làm vừa huýt còi miệng vang cả nhà. Nhờ tay Tuyên bao nhiêu đồ bằng đồng đều sắp đặt ngay thẳng và trông đẹp mắt hơn trước. Cậu con bà Tuý thì lẳng lặng làm việc, gương mặt điềm tĩnh và ngơ ngơ trông đến buồn cười. Tuyên thá6y sự yên lặng tràn ra lâu quá cũng khó chịu nên quay lại hỏi bà Tuý:
Đồ đạc nhiều thế này mà chỉ hai người thì sắp đặt thế nào kịp.
Bà cụ đặt xong chiếc lư đồng trên cái đôn rồi quay lại nhìn Tuyên đáp:
Còn nhiều người nữa chứ. Nhưng người nhà thì sáng mai nầy mới đến Huế.
Tuyên vừa bước lên chiếc ghế cao vừa nói:
Thế mấy người ấy đi tầu suốt à ?
Cậu con trai bà Tuý buông thả hai tay xuống, trố mắt ngạc nhiên nhìn Tuyên:
Vậng, nhưng sao ông biết ?
Tuyên đưa mắt nhìn bà Tuý mỉm cười:
Thì tầu suốt ở Bắc đến Huế vào khoảng sáu giờ. Có khó gì đâu mà không biết.
Bà Tuý tươi cười nói tiếp
Ông đừng để ý đến những câu hỏi của thằng điên ấy. Lắm lúc nó như gi điên thật ông ạ. Nó tên là Dủ, nhưng ở nhà chị nó thường gọi nó là thằng ngốc. Nó ít ăn ít nói lắm. Ít ăn thì không chắc nhưng sự thật thì ít nói. Chuyện gì dễ dàng đến đâu nó cũng tưởng là bí mật. Rồi hễ ai nói được câu gì hơi khó – khó đoán chứ không phải khó nghe- thì nó đã hỏi: nhưng sao ông biết?
Nói xong bà ta lại ười lớn hơn nữa. Tuyên nhìn Dủ cười theo. Nhưng Dủ thì cặm cụi làm lụng như trước, nét mặt vẫn không thay đổi, điềm tĩnh một cách lạ.
Qua hôm sau vào khoảng mười giờ mai, sắp đặt gianhàng mình xong xuôi, Tuyên liền qua thăm bà Tuý. Lúc bước chân vào nhà thì không thấy ai hết. Tuyên gnỡ bà ta còn ở trong phòng nên cứ tự nhiên sắp lại mấy cái lư để chưa được thẳng. Lúc tấhy cái tượng bán thân một thiếu nữ để giữa bàn, Tuyên liền vòng tay lẩm bẩm:
Ồ tượng này đẹp quá. Nhất là cặp mắt !
Rồi quay mặt vào phòng, Tuyên nói lớn:
Bà cụ ơi ! Ra cho tôi hỏi thăm cô này một chút !
Ngay lúc ấy hai bức màn che trước phòng từ từ vén lên. Một thiếu nữ ăn vận kiểu Bắc chậm rải bước ra. Trông thấy Tuyên thì thiếu nữa cúi đầu đỏ cả mặt. Tuyên ngượng nghịu quá vì tượng bằng đồng để trên bàn lại một khuôn mặt với thiếu nữ. Thiếu nữ thong thả buông tay thả bức màn bên trái xuống. Tuyên lắp đi lắp lại trong miệng ba bốn lấn mới nói được một câu thật sẽ:
Cô làm ơn cho tôi biết bà cụ có ở nhà không ?
Thiếu nữ e lệ cúi đầu đáp:
Dạ có.
Ngay lúc ấy bà Tuý và Dủ tự bên ngoài đi vào. Trông thấy Tuyên thì bà ta mừng lắm, tươi cười nói lớn:
Ông qua chơi đấy à. Sáng mai nầy tôi đợi mãi.
Tuyên cúi đầu nói sẽ như để trách thầm:
Bà cứ gọi tôi bằng ông mãi. Tôi chì đáng đầu con bà thôi. Bà gị vậy tội Trời...
Dủ đăm đăm nhìn Tuyên nói tiếp:
Ông đáng đầu con mợ tôi, nhưng sao ông biết ?
Bà Tuý phá lên cười.
Mày ngốc lắm Dủ ơi ! Vào trong phòng lấy vài chiếc ghế ra đây !
Nói xong bà ta quay lại bảo thiếu nữ:
Con lấy bình chè tầu mới pha để ông xơi nước.
Dủ vừa đi vào phòng vừa mói:
Để con xơi nước chứ. Vì ông ấy đáng đầu con mợ kia mà...
Thiếu nữ và Tuyên đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng cúi đầu một lần, mặt đỏ như gấc.
Bắt đầu từ hôm ấy, Tuyên cứ qua gain hàng nhà bà Tuý thăm luôn. Lúc thì lấy cớ đem muối kiểu mẫu qua biếu, lúc thì qua xin nước đem về uống. Trước Thìn – cô gái bà Tuý - thấy Tuyên qua thì lẩn mặt. Sau lâu thành quen, Thìn không e thẹn nữa.
Hôm ấy hội chợ đông ngày thứ hai. Tuyên đang ngồi trước bàn giấy thì Thìn rón rén đi vào. Người ra vào tấp nập quá nên Thìn đã đứng trước mặt mà Tuyên không để ý. Thìn nghiêng đầu về phía trước nói sẽ:
Thầy Tuyên viết thư cho ai mà vội thế ?
Tuyên ngẩng đầu lênthấy Thìn thì trong lòng hồi hộp, vui mừng mộtvcách lạ. Tuyên đứng dậy chỉ ghế mời Thìn ngồi rồi nói sẽ giọng hơi run:
Cộng lại số tiền bán được hôm qua chứ có viết thư cho ai đâu.
Thìn biết mình nói hớ nên mỉm cười im lặng. Một lát sau Thìn đứng dậy nói sẽ:
Ban nãy có người Pháp hứa sẽ đến mua vài cái lư đồng đen. Mợ em nói qua nhờ thầy nói bán giúp cho. Vì để em nói thì họ không tin và sợ họ mặc cả lôi thôi lắm.
Tuyên đưa tay xếp lại giấy tờ để trên bàn rồi tươi cười đáp:
Nhờ với chẳng nhờ. Cô thì giỏi dùng những chữ khách sáo lắm.
Thìn liếc mắt nhìn. Tuyên mỉm cười không đáp.
Lúc hai người bước vào gian hàng thì người Pháp cũng vừa đến. Sau năm phút mạc cả, người Pháp mới nhận mua hai chiếc lư đồng sáu chục bạc. Thấy cái tượng bằng đồng của Thìn để trên bàn, người Pháp cũng đòi mua, nhưng Tuyên đã vội vã quay lại hỏi Thìn:
Cô đã bằng lòng bán tượng này cho tôi rồi phải không ?
Thìn hiểu ý cúi đầu đáp:
Dạ phải
Người Pháp liếc Thìn rối với một giọng hóm hỉnh cười nói:
Nhưng còn một tượng nữa chắc chưa có người làm chủ ?
Tuyên đaư mắt đắm đưối nhìn Thìn nói sẽ:
Cả hai.
Thìn cúi đầu nhìn xuống đất hai mà ửng đỏ. Vài sợi tóc tơ lả lơi xoã xuống trán. Bà Tuý đứng một bên không hiểu mấy người nói gì, thật thà nói lớn:
Tôi chỉ bán lư đèn và các vật bằng đồng thôi. Còn cái tượng thì để chưng chứ không bán.
Người Pháp giả vờ chặt lưỡi tiếc thầm rồi cười nói:
Tôi tiếc quá.
Tuyên đưa mắt nhìn Thìn rồi làm ra vẻ băn khoăn nói tiếp:
Và tôi cũng tiếc quá.
Tối hôm ấy đến quá nửa đêm Hội chợ mới đóng cửa. Tuyên định qua thăm Thìn thì gặp ngay Thìn đi với Dủ vào gian hàng mình. Hôm ấy thìn mặc áo màu lục điểm bông trắng, neên trông người tươi tắn và dong dảy lắm. Thìn mới để chân lên bậc thềm đã tươi cười nói lớn:
Thầy Tuyên chưa cho người đóng cửa hàng à ? Chúng tôi định qua mời thầy qua nhà tôi ăn chè đây.
Tuyên hớn hở đáp:
Tôi cũng biết trước, nên cứ để đèn trong nhà sáng. Chẳng không cô sẽ bảo tôi đi ngủ và không qua mời nữa.
Thìn nghe nói ôm bụng cười như nắc nẻ. Còn Dủ thì ngơ ngác nhìn Tuyên rồi nói lớn:
Bên tôi có nấu chè thật, nhưng sao ông biết ?
Thìn, Tuyên nghe nói đua nhau cười tức cả bụng. Qua bên gian hàng Thìn, Tuyên không thấy bà Tuý đâu hết. Thấy Tuyên đưa mắt nhìn quanh. Thìn hiểu ý nên nói trước:
Mẽ em có người bà con mới qua phố ở lại rồi.
Lúc ngồi vào bàn ăn tự nhiên Tuyên có cảm giác được Thìn xem như người nhà. Thìn ân cần hỏi Tuyên những chuyện vặt ở Sông Cầu làm Tuyên suyng sướng và cảm động lắm. Nghe Tuyên tả cảnh đẹp ở tình nhà, Thìn bất giác vỗ hai tay xuống bàn tươi cười nói lớn:
Theo anh kể thì phong cảnh tỉnh Sông Cầu em ưa lắm và em cũng muốn ở đấy lắm.
Tuyên tươi cười nói tiếp:
Cô Thìn muốn ở Sông Cầu thật à ?
Thìn sợ Dủ hiểu câu nói bóng gió của mình nên vội nói chữa:
Vâng, nếu được thì em bàn với mẹ em dọn một cửa hàng trong ấy cho vui.
Tuyên nhìn Thìn thậtthà nói sẽ:
Nếu chỉ dọn hàng thôi thì xa xôi lắm câ ạ.
Thìn cúi đầu nhìn xuống bàn rồi thì thầm nói sẽ như để một mình nghe:
Nhưng miễn không xa...là được.
Tuyên nghe nói sung sướng lắm nhưng không dám nhìn Thìn, vì ợ gặp cặp mắt của Thìn thì không giữ được vẻ tự nhiên nữa. Thấy Dủ đăm đăm nhìn mình như cố gắng hiểu lời của mình, Thìn liền đứng phắt dậy cười nói:
Tối hôm nay không hiểu sao em nói chuyện nhạt lắm. Nhưng chắc không can gì, vì em được ở bên gian hàng...muối.
Tuyên được dịp ngẩng đầu lên nhìn Thìn, nhưng hai cặp mắt vừa gặp nhau, hai người đã cúi đầu nhìn một lần xuống đất. Dủ đứng dậy nhìn Thìn rồi tươi cười nói:
Chị thường bảo em ngốc, nhưng em cũng ngốc theo chuyện thôi chứ !
Nói xong Dủ đi thẳng vào phòng cười chúm chím. Tuyên, Thìn đưa mắt nhìn Dủ rồi quay lại nhìn nhau mỉm cười yên lặng.
Người đến xem Hội chợ càng ngày càng htưa dần. Chỉ còn nửa giờ nữa là Hội chợ đóng cửa lần cuối cùng. Tuyên cảm thấy sự phân ly sắp đến nên buồn không đi đâu hết. Trưa hôm ấy Tuyên thẫn thờ qua gian hàng Thìn thì thấy bà Tuý đang sắp đặt đồ đạc vào thùng với Dủ. Thấy gian hàng trống trải dần, Tuyên tự nhiên muốn bưng mặt khóc. Thìn thì đang ngồi viết chữ thật lớn trên mặt thùng. Thấy Tuyên qua, Thìn ngẩng đầu nhìn lên nhưng ngẹn ngào không nói được câu gì. Mỗi cái thùng để trước mặt, mỗi thúng rơm khô đều nói cho hai người cảnh chia tay sắp đến. Thìn vẫn cắm cúi ngồi viết, nhưng nét chữ run run không được tự nhiên như trước. Thấy Tuyên đứng nhìn, Thìn liền viết nhanh trên thùng một hàng chữ thật lớn và thật rõ:
Mademoiselle Thìn 23 phố Hàng Đồng Hanoi.
Tuyên hiểu ý Thìn cho mình biết địa chỉ nên cảm động lắm. Nhân thấy mẹ chạy vào phòng lấy giây, Thìn liền e dè lên tiếng nói:
Tối nay em ra Bắc rồi anh ạ.
Hai chữ “ra Bắc” làm cho Tuyên giật mình, nghe đau đớn và tha thiết vô cùng. Tuyên cúi đầu nhìn lên mái tóc Thìn rồi nói tiếp:
Cô Thìn ạ, lòng tôi đau khổ lắm.
Dủ ngừng tay nhìn xuống đất, nét mặt rầu rầu nói sẽ:
Lần này em hiểu tại sao lòng anh đau khổ rồi.
Thìn và Tuyên ngẩng đầu nhìn nhau, hai cặp mắt thấm đầy cả lệ.
Thanh Tịnh
Số 114, ngày 12-6-1938


Chia sẻ liên kết này...

Add comment