Tuyển tập văn NGUYỄN TRỌNG TÍN

 

truyen-tap-van-Nguyen-Trong-Tin

truyen-tap-van-Nguyen-Trong-Tin-1

Tuyển tập văn Nguyễn Trọng Tín

PN - Nguyễn Trọng Tín là một trong những nhà văn tiêu biểu trưởng thành sau năm 1975. Nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của anh đã được bạn đọc yêu thích. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là tiểu thuyết Bè trầm, từng được ghi nhận là một thành tựu của nền văn học thời hậu chiến. Câu chuyện của những người lính sau ngày thống nhất đất nước đã gợi lại âm vang của tháng ngày chiến tranh đồng thời họ phải tiếp tục sống với nhiều thăng trầm.

Tuyển tập văn Nguyễn Trọng Tín (NXB Hội Nhà văn) tuy không dày, chỉ hơn 300 trang, nhưng thể hiện khá rõ nét về một phong cách viết tài hoa. Với vốn sống của một người quê Bến Tre, nhưng từ nhỏ đã sống ở Cà Mau nên anh có điều kiện tìm hiểu nét đặc trưng, tính cách con người của vùng miền.

Trong truyện ngắn Đốt lửa, do số phận đẩy đưa, một phụ nữ từng tham gia TNXP, sau chiến tranh làm hộ lý cho bệnh viện tâm thần. Éo le thay, “một ngày kia, người ta phát giác chị mang thai. Ban lãnh đạo bệnh viện họp kiểm điểm chị. Chị thành thật: “Tôi muốn có một đứa con. Tôi cô độc quá”. “Vấn đề không phải là ở chỗ đó, chúng tôi muốn biết cha của đứa bé là ai?”. Chị vẫn một mực: “Con tôi, tôi nuôi”. Từ đó, cuộc đời chị rẽ sang một ngả khác. Những tình tiết này, đâu đó ta đã gặp, đã biết; nhưng qua ngòi bút của nhà văn, sự ấu trĩ, cạn hẹp của một thời vẫn còn nhói đau đến giờ.

Thêm một điều hấp dẫn nữa, trong tập sách này, ta còn có dịp đọc nhẩn nha những suy ngẫm về chuyện đời, chuyện nghề với lối viết phóng khoáng, đậm đặc tính cách của người Nam bộ. Thú thật, đọc xong Linh đinh bếp cà ràng, tôi nhớ như in chi tiết: Ngày nọ tác giả về chơi Bạc Liêu, bến sông ken đặc ghe buôn đang dừng chân nghỉ tạm, bỗng có tiếng gọi: “Chú em biết nhậu hôn, lên làm bậy vài ly chơi”. Chỉ có thế, chỉ một lời mời đã có thể là bạn, có thể ngồi bù khú với nhau rồi chia tay. Cuộc đời sông nước xem ra nhẹ nhàng mà cũng thân tình quá đỗi.

Thật ngạc nhiên với một vài chi tiết trong Hương vị mùa: “Ngày trước để bắt cá linh, chỉ cần đứng trên sàn nhà dùng cần chong (như cây vợt lớn) mà xúc”. Lại thêm cách chế biến món ốc ở quê anh cũng ngồ ngộ: “Đặt ngửa con ốc lên than cho nước ngọt trong con ốc sôi riu riu cạn dần, thêm một hạt tiêu và hạt muối nhỏ, chờ cho nước sắc vào ruột và vỏ bốc mùi thơm vì cháy sắp giòn, con của ai - người đó gắp”. Đọc mà phát thèm cho lối ẩm thực của người phương Nam giàu tình nghĩa.

Dạo gần đây, Nguyễn Trọng Tín không viết nhiều nữa. Anh dành thời gian viết các kịch bản phim tài liệu cũng về văn hóa Nam bộ. Nghĩ cho cùng, niềm vui, sự sáng tạo của nhà văn là vẫn có thể tung hoành ở nhiều lãnh vực khác nhau. Với anh, mọi việc đã trải qua anh đều xem nhẹ nhàng như chính nhân vật trong Bè trầm từng bộc bạch: “Tôi quyết định thử phiêu lưu một lần, nếu không có kết quả thì xem như một chuyến đi thực tế”. Vì lẽ đó, khi khép lại Tuyển tập văn Nguyễn Trọng Tín, bạn đọc lại có cảm tình với anh nhiều hơn.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/tuyen-tap-van-nguyen-trong-tin/a140968.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment