Vài thông tin về tờ NGÀY NAY của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - B. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ VĂN HỌC

Mục lục
Vài thông tin về tờ NGÀY NAY của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN
A. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI
B. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ VĂN HỌC
NỘi DUNG MỘT SỐ BÀI VIẾT TRÊN CÁC CHUYÊN MỤC CỦA NGÀY NAY
Thơ trào phúng
Văn trào phúng
Tất cả các trang


B. PHẤN ÐẤU CHO SỰ TIẾN BỘ VĂN HỌC

Phấn đấu cho một tờ báo tiến bộ .
Các người làm báo không quên gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng các từ Hán Việt tối nghĩa, khó hiểu. Ðiều này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ra đời và lớn mạnh của hạt mầm Thơ mới trên chính mảnh đất mà Phong hoá, Ngày nay đang cày xới, vun trồng.
Việc các anh em nhà Nguyễn Tường lấy "Ngày nay" làm tựa cho tờ báo thay cho tờ "Phong hóa" cũng không phải là không có lí do. Tất cả đều phải được đổi mới, tất cả đều phải tiến bộ cho kịp với nền văn minh thế giới mà họ đã được thấy đang vùn vụt tiến ngoài kia.
Cao hơn hết là một sự đòi hỏi về quyền tự do ngôn luận- một quyền lợi hết sức chính đáng của những người cầm bút dưới chế độ thực dân.
Ðể tỏ thái độ và cũng phản bác lại ý kiến cực đoan của một số tờ báo lúc bấy giờ cho rằng sỡ dĩ báo của Tự lực văn đoàn bán chạy nhất là vì họ đã không từ một thủ đoạn nào nhằm "dìm đồng nghiệp"của mình( chữ của Hà Nội báo, số 15, ngày 15.04.1936). Hoàng Ðạo cho đăng bài"Ngày nay khai chiến với hết thảy các báo ở Ðông pháp", có đoạn rằng:
"Báo Nam hay báo Tây, xin ngỏ cho chúng tôi biết :
1.      Chế độ báo chí hiện thời có phải là chế độ mĩ mãn, chế độ lí tưởng không ?
2.      Tự do ngôn luận có lợi thế nào ? Kể ra?
3.      Tại làm sao các ông không đá động gì đến vấn đề này ?
Các ông cho là vấn đề không quan trọng hay là các ông thích sống trong sự       tăm tối, trong tình cảnh bức bách eo hẹp ?
Hay là vì một lẽ khác ?
Mấy câu hỏi đó xin các ông mau mau trả lời cho biết, bằng không tức là các ông chịu thua, tức là các ông vui lòng nhận đã phạm vào tội dối độc giả và mong cho dân chúng không ra tới ánh sáng, tức là các ông đáng để cho báo của các ông bị đóng cửa kín mít như bưng"
( Ngày nay, số 31, ngày 25 Oct 1936, trang 3)
Hướng đi đã có, cái còn lại là phương pháp thực hiện mà thôi.
Về nhân sự, ngoài Tự lực văn đoàn là nòng cốt, còn có những người cộng tác tài năng.. Tính về năng lực từng thành viên thì chưa chắc đã bằng với Tân Dân thời bấy giờ. Nhưng về lề lối tổ chức thì chưa có tờ báo nào làm được một cách chặt chẽ như họ. Ở đây, nổi rõ lên biệt tài của Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam về phát hiện và sử dụng nhân tài. Tú Mỡ kể :" Thời kì trước Phong hoá, tôi mới học nghề, thời kì Phong hóa, tôi vào nghề, và thời kì Ngày nay, tôi đã tương đối lành nghề. Ðược học hỏi anh em trong thực hành, cầm cán bút vững chắc hơn, ngoài thơ trào phúng, tôi còn muốn làm cả món trữ tình nữa. Nhưng sau khi viết thử vài đoạn đầu một bài trường thiên nhan đề "Tháng ngày qua", thấy không được đăng, tôi hỏi thì anh Tam nói thực ngay không cần úp mơ :" Dở qúa ! Anh cứ nên chuyên về thơ trào phúng tốt hơn."
Cũng không quên Nhất Linh chính là người khuyến khích Trần Khánh Giư viết tiểu thuyết và là người đã phát hiện ra Thế Lữ, cũng như  tài năng vẽ Tô Ngọc Vân , Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường sau này.
Nhất Linh cũng rất quan tâm đến đời sống của anh em trong tòa soạn. " Ðể thực hiện khẩu hiệu tự lực, anh em quyết định góp cổ phần làm vốn hoạt động, mỗi cổ phần 500 đồng bạc Ðông Dương. Tôi cũng mua một bát họ góp phần cho mình và rất phấn khởi được chia lãi mỗi năm 100 đồng bạc" ( "Tiếng cười Tú Mỡ", Sđd, trang 30)
Thêm vào đó, vấn đề nhuận bút được giải quyết một cách rất nhanh chóng và công bằng càng làm cho tinh thần người viết phấn chấn hơn lên. Bùi Hiển, trong tạp chí "Cửa Việt" số 16 , 1992, trang 74, 75, có viết :" Ðến tháng 7. 1941 thì sách in xong. Nhà xuất bản gửi cho tôi 30 cuốn bản quyền tác giả, cộng thêm mấy cuộn giấy đẹp Impérial Annam, bằng bưu phẩm bảo đảm. Vài tháng sau, họ gửi nhuận bút cho tôi bằng ngân phiếu. Khá sòng phẳng, nhanh chóng và chu đáo".Ðó là điều mà không phải tờ báo nào cũng thực hiện được tốt như "Ngày nay" kể cả thời của chúng ta.
Về sự cải tiến trong hình thức thể hiện.
Ðầu tiên phải kể đến là thể loại phóng sự. Ngoài những giá trị về nội dung phản ánh, nổi bật với:Một tháng ở nhà thương, Bóng người Yên Thế, Thượng Hải dạ mỹ nhân , Ném đá, Hà Nội ban đêm.thì đã thấy một sự sáng tạo về cách thức thực hiện như : thâm nhập thực tế, phóng sự bằng ảnh hay sự hợp tác viết chung đề tài của các nhà báo." Ðại binh Nam Việt chinh phục quan ôn" của Thạch Lam là một ví dụ, nó mô tả về một " đội quân cảm tử", chuyên diệt những vi trùng thổ tả, và phóng sự này có lẽ phóng sự ảnh đầu tiên ở nước ta.
Về công tác in ấn . Hai tờ báo với Ðời nay là nhà in chính đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, có thể kể đến như tác phẩm củaVũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Vũ Hoàng Chương, của Tự lực văn đoàn. Tuy đã có trong tay những họa sĩ xuất sắc về lĩnh vực trình bày bìa sách, nhưng ta vẫn thấy có những cuộc thi chọn bìa sách đẹp nhất, có sự tham gia của những họa sỹ nghiệp dư, cho thấy tầm nhìn rộng và tiến bộ của tờ báo này. Song song với việc cho ra đời những ấn phẩm đẹp, bìa đóng gáy da, chữ mạ vàng dành cho những người có khả năng tài chính, Ðời nay còn xuất bản số những cuốn sách bìa lá mạ, mỏng với loại giấy thường để thõa mãn nhu cầu những bạn đọc thuộc tầng lớp bình dân.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, nhà xuất bản Ðời nay là cơ sở lớn nhất và có uy tín nhất vào thời bấy giờ. "Không khí và khí thế xuất bản hồi ấy phải là sách được in ở nhà Ðời Nay, thứ mới đến nhà Tân Dân, vì nhà Tân Dân cũng in sách kiếm hiệp, bạn đọc cũng còn coi thường" (Báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, số 51, ngày 21.12.1991)
Qua cái nhìn quy chiếu có thể thấy rằng "Phong hóa" và "Ngày nay" thực sự là một tờ báo tiến bộ, cả về nội dung và cách thức chuyển tải nội dung ấy đến với người đọc. Nhưng lịch sử báo chí Việt Nam không chỉ nhắc nhở về họ gói gọn trong bấy nhiêu đó vấn đề mà hơn thế nữa điều còn lại ấn tượng nhất và sâu đậm nhất chính là những bước đi dài vượt thời đại trong thơ.
Cái nôi của phong trào thơ mới.
Theo Dương Quảng Hàm thì " Mầm mống lối thơ mới là một bài dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine ( Con ve sầu và con kiến ) của Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở Ðông Dương tạp chí số 40,1931 vì bài ấy đã không theo thể cách của các lối thơ cũ rồi. Ðến năm 1932, ông Phan Khôi khởi xướng lên vấn đề Thơ mới và đăng trong "Phụ nữ tân văn" một bài thơ làm theo lối ấy nhan đề là "tình gia"ồi từ đấy các tạp chí , thứ nhất là tờ "Phong hóa tuần báo" thường đăng các bài thơ mới và cổ võ lối thơ ấy, thì thơ mới bắt đầu thành lập và thịnh hành" (Việt Nam văn học sử yếu)
Ðến tận bây giờ mọi người vẫn còn quen với nếp nghĩ, nhà thơ Thế Lữ ắt hẳn đã về cộng tác cùng Nguyễn Tường, sau khi đã là một cây bút có tên tuổi và công việc chính của ông là thẩm định thơ mới trong khi đang xảy ra một cuộc bút chiến. Nhưng sự thật không phải vậy. Trong hồi kí của mình, thế Lữ viết:".bài thơ đầu tiên" con người vơ vẩn" đăng trên Phong hóa số Tết ".
Sau Thế Lữ, người ta còn thấy xuất hiện thường xuyên những tên tuổi mà lúc bấy giờ vẫn còn lạ lẫm lắm như : Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan (nhà thơ nữ Hằng Phương sau này), Huyền Kiêu.Tập thơ " nghẹn ngào" của Tế Hanh được chính sự giới thiệu của Nhất Linh về sau cũng được giải thưởng của Tự lực văn đoàn.
Ðó vừa là một lời gián tiếp cho sự ủng hộ nhiệt thành của báo với phong trào thơ mới, vừa là sự khẳng định lại tôn chỉ luôn đi theo cái mới của mình. Báo Phong hóa số 54, ra ngày 7 Juillet 1933, trang 13 có đoạn :" Ta đã chán những bài thơ vịnh cái điếu, vịnh con cóc, mừng làm nhà mới, những bài thơ tự vịnh tự trào bao giờ cũng theo một khuôn sáo , trăm nghìn bài đều giống nhau, chán quá, chán lắm rồi. Vì thế ta khát khao muốn có một nhà chân thi sỹ, gẩy cho ta nghe những tiếng mới, những điều lạ.".
Xin mở ngoặc thêm một chút ở đây về sự đóng góp của "Phong hóa" và "Ngày nay" trong lĩnh vực âm nhạc, bởi thơ và nhạc bao giờ cũng sát cánh cùng nhau.
Báo " Ngày nay" số 124 ngày 29 Aout 1938, ta thấy có mấy lời" cùng nhạc sỹ" như sau:" Báo Ngày nay đã nhận lấy cái vinh hạnh đầu tiên công bố những tác phẩm  ban đầu của nền âm nhạc đổi mới.Ðọc bài của các ban gửi gần đây, chúng tôi nhận ra rằng phần nhiều không có tính cách Việt Nam. Ðó thường là những âm điệu đàn Tây, nhanh nhẹn, vui vẻ, nhưng không có dấu vết của tâm hồn Việt Nam phổ theo một cảm hứng mới." sau khi đã đăng " Bình minh"( Âm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát, lời Thế Lữ, Ngày nay số 121), "Một kiếp hoa" (Lời ca và âm nhạc của NguyễnVăn Cổn, Ngày nay số 122), "Tiếng đàn đêm khuya"( Nhạc và lời Lê thương, Ngày nay số 123).
Ðọc đến đây, ta thấy những công việc làm của Tự lực văn đoàn đúng như lời Tú Mỡ nhận xét một cách khách quan:"Nó không làm Cách Mạng nhưng nó làm công việc khai phá, dọn đất cho Cách mạng gieo hạt sau này" (" Tiếng cười Tú Mỡ", Sđd trang 22)
Bệ phóng của tiểu thuyết và truyện ngắn đương đại.  
Sẽ không phải là lời ngoa ngôn khi ta nghiên cứu về những tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn được đăng thành nhiều kì rải rác trên các báo, hoặc được xuất bản do nhà xuất bản Ðời Nay. Không thể thống kê tất cả những tác phẩm về thể loại này  nhưng có thể đơn cử một vài truyện tiêu biểu như :"Hồn bướm mơ tiên", "Gánh hàng hoa", " Nưả chừng xuân", "Ðời mưa gió", "Tiêu Sơn tráng sỹ", "Ðoạn tuyệt", "Anh phải sống", "Xóm cầu mới".
Ðã mất hẳn lối văn biền ngẫu dài lê thê, những điển cố điển tích mang màu sắc Trung Hoa mà một thời được dùng làm tiêu chuẩn đánh giá. Cái còn lại là những câu cú ngắn gọn, trong sáng, diễn tả một cách dễ hiểu dụng ý tác giả muốn gửi gắm, người đọc có thể lãnh hội được rõ ràng.
"Phong hóa" và "Ngày nay" không thiếu những trang báo là đất sống cho truyện ngắn và tiểu thuyết, nếu không nói là có phần dư dả. Họ khuyến khích sự cách tân trong tuyến nhân vật, trong kết cấu cốt truyện cũng như cổ vũ một cách thành thực sự sự bộc lộ những ngóc ngách thầm kín nhất của tâm hồn con người. Hãy đọc một đoạn ngắn trong "Tiếng đàn" :"Và tự nhiên không biết lúc nào, Quỳnh Dao đặt đầu lên vai người yêu, say sưa nhìn lên đôi mắt huyền long lanh như ngôi sao trong đêm, máu rạo rực chạy mạnh, cổ như nghẹn ngào. Quỳnh Dao thấy mình chỉ còn là cảm giác, rung đọng như dây đàn căng thẳng dưới ngón tay của nhạc sỹ."
Cũng không quên hai tờ báo đã nhiều lần phát động những cuộc thi sáng tác văn học mà thời đó được xem như những biến cố văn chương. Trong gần mười năm, đã có ba cuộc thi như thế. Theo nghiên cứu của Trịnh Hồ Khoa :
" Lần thứ nhất vào năm 1935, không có tác phẩm nào trúng giải. Ban giám khảo chỉ chọn tặng ba giải khuyến khích.
Lần thứ hai vào năm 1937, có hơn 80 tác phẩm dự thi và cũng như lần trước không có giải nhất. Hai tác phẩm được giải nhì là : Kim Tiền", kịch của Vi Huyền Ðắc và " Bỉ Vỏ" tiểu thuyết của Nguyên Hồng.
Năm 1939 là lần cuối cùng trao ỉai. Lần này có bốn tác phẩm đoạt giải chính thức và hai gỉai khuyến khích cho hai tập thơ" Bức tranh quê" của Anh Thơ và " Ngẹn ngào " của Tế Hanh.
Trong bốn giải về tiểu thuyết có hai giải ngang phiếu bầu của hội đồng chấm giải. Ban giám khảo đã tặng giải nhất. Ðó là cuốn " Làm lẽ " của Mạnh Phú Tư và " Cái nhà gạch" của Kim Hà, một công nhân thuộc hãng bia Hommel ở Thụy Khuê Hà Nội. Hai cuốn còn lại là "Tan tác " và " Rạng đông" không thấy bản báo cáo về giải nêu tên tác giả hay bút danh gì cả. Sau này mới biết" Rạng đông" của Trần Mai Ninh còn "Tan tác" chỉ biết tác giả là một người thợ vùng Hậu Giang".
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học nứơc nhà có hai ngừơi thợ rất nghèo kiến thức sách vở nhưng lại giàu nhiệt tâm với văn chương. Việc họ nhận được giải thưởng cùng lúc nói lên hai điều: sự trân trọng nhân tài và khả năng phấn đấu không chùn bước trước hoàn cảnh của mình.
Ðấy là chưa kể đến sự góp công một cách rất tích cực trong việc cho xuất bản và lưu hành một lượng đáng kể các tác phẩm văn học ấy qua nhà xuất bản Ðời Nay.  
Những bài mục chính xuất hiện trong "Ngày nay":
Từ thấp đến cao nói về người;
Từ nhỏ đến nhớn nói về việc;
Bàn ngang nói ngược mà hiểu xuôi
(ba mục này do Nguyễn Tường Long phụ trách)
Mục "Hạt đậu dọn" dành để sửa văn, đúng hơn là vạch những lỗi về hành văn, về văn phạm, về từ ngữ. cuả những tờ báo khác.    
Mục "Bùn lầy nước đọng", săn sóc quyền lợi xa gần của giới bình dân.
"Tự vị nhân vật", khắc họa hình ảnh nhố nhăng, bù nhìn của những bậc phụ mẫu chi dân, tai to mặt lớn.
"Trước vành móng ngựa", cười cợt sự máy móc của tòa án khi thi hành pháp luật.
Những nhân vật bất hủ được thể hiện qua nét vẽ biếm họa như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh chỉ trích cái ngớ ngẩn, lạc hậu của dân quê.
"Mười điều tâm niệm", loạt bài khá chắc tay và có giá trị của Hoàng Ðạo cho người ta ước mơ một lí tưởng chân chính và thành thực.
Người ta muốn cười cợt bông đùa cho khuây khỏa thì đã có "Nụ cười trong nước", " Nụ cười nước ngoài".
Người yêu thơ thì đã có chuyên mục "Dòng nước ngược"
Người ta ưa giải trí thì báo cho đọc "Mai Hương và Lê Phong", cùng một lúc với "Tiêu Sơn tráng Sỹ".
( Nguyễn Trác, Ðái Xuân Ninh: "Về Tự lực văn đoàn" Nxb  TPHCM. 1989 )
Ngoài ra còn có các mục như: Ðiểm báo, Người và việc, Cuộc đời mới, Văn chương.



Add comment