BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU - LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG

Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU - LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG

Mục lục
Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU
Đọc một tình yêu
Ra sách sau 30 năm làm báo
Cùng nhà báo
Thắp niềm hy vọng
Để làm ra ánh sáng
Ước mong “Bật một que diêm” cho đời
30 năm, lửa vẫn cháy
Lưu Đình Triều - Tình bạn
LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG
ĐẾN ĐO ĐO
BẬT MỘT QUE DIÊM
30 năm: “Bật một que diêm”
Tất cả các trang

 

LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG

 

1.

TO-QUOC

Có những con người ngay từ khi sinh ra, nghề đã chọn lấy họ. Nếu là nghề báo - ở một đứa trẻ sơ sinh, tôi ngờ rằng xem xét kỹ dưới lòng bàn chân, trong lòng bàn tay ắt sẽ thấy nhiều dấu vết chằn chịt. Như màn nhện. Như bàn cờ. Nó báo hiệu đường đi những chuyến viễn du của tương lai.

Lưu Đình Triều là một nhà báo.

Nhà báo? Nếu không đi, chỉ khép kín trong bốn bức tường điều hòa máy lạnh, không phóng một tầm mắt nhìn đặng quan sát từ chân mây đến cuối trời, liệu trang viết ấy có là chất liệu sống hay chỉ những xác chữ vật vờ? Không đi, không sống thử hỏi lấy gì mà viết? Nếu viết chăng, còn chữ ấy cũng hóa thành xác ướp?

Gió sương như búa: tài thêm chuốt

Hồ hải làm nghiên: bút mới thần.

Sở dĩ nhắc lại câu thơ của Tam Nguyên Vị Xuyên, để thấy rằng, chính từ những chuyến đi mà Lưu Đình Triều đã viết được nhiều bài báo lọt vào “mắt xanh” của người mộ điệu. Tập “Tổ quốc không có nơi xa”, lật từ trang đầu tưởng như còn nghe tiếng sóng vỗ bi tráng mãi tận Trường Sa nhưng gần lắm với lòng người; vẫn còn nghe tiếng súng từ Hà Giang của thập niên 1988 vọng đến… Khép lại trang cuối cùng, lại nghe vọng lên một hồi chuông khẩn thiết và ray rứt trình bày tâm thế của anh với cuộc đời này.

2.

Với tập sách đầu tay “Bật một que diêm” (NXB Trẻ- 2009), nhà báo Lưu Đình Triều đã khiến mọi người giật mình, nhìn lại. Nhìn sự việc và con người bình thường, do bình thường quá đỗi nên ít người ghé mắt đến. Nhưng trong mắt nhìn một nhà báo lại khác. Thì ra, chúng quanh ta vẫn còn, còn rất nhiều thân phận tuổi trẻ không đầu hàng số phận. Không đánh đu theo số phận.

Nhà báo ấy, ngay từ dòng chữ đầu tiên đến dấu chấm của trang viết cuối cùng một đời người vẫn là viết về tuổi trẻ.

Nói cách khác, có một thế hệ tuổi trẻ đã là chất liệu sống trong hàng ngàn bài báo của anh. Hơi thở, nhịp sống của một thế hệ đã được anh phản ánh lại trong từng khoảnh khắc ngắn và dài của nhiều chuyến đi. Đi và viết. Anh không đứng ngoài cuộc. Anh đồng hành và dấn thân.

Và bây giờ, ở tập sách “Tổ quốc không có nơi xa”, một lần nữa cũng máu thịt, hồn vía một thế hệ tuổi trẻ lại lừng lững đi vào trang viết của nhà báo Lưu Đình Triều. Với tựa tập sách như thế, hẳn bạn đọc nghĩ rằng, hồn nước luôn hiện hữu từ chân tơ đến kẽ tóc trong tâm hồn mỗi người. Và Đất của Tổ quốc, nơi nào lại không thấm đẫm máu và mồ hôi nhọc nhằn của nhiều thế hệ đi giữ Nước. Vâng, khái niệm xa và gần không là một khoảng cách cả địa lý. Vượt qua mọi khoảng cách, Tổ quốc luôn gần lắm, gần lắm trong ý thức công dân. Với suy nghĩ đó, nhà báo Lưu Đình Triều đi ra Trường Sa, Vũng Tàu, Côn Đảo ngược lên biên giới Hà Giang, Điện Biên, hành hương về Tân Trào, sống với mùa lũ sông Đà rồi lang thang cùng phố phường Hà Nội… Cứ thế, chất liệu sống ngồn ngộn đã đánh thức con chữ đặng cựa quậy trong tâm thức người đọc. Hãy nghe anh kể chuyện đến với Trường Sa, đang là mối quan tâm hàng đầu của con dân nước Việt khi biển Đông đang từng ngày dậy sóng.

“Đang sóng lớn, tàu không thể vào sát đảo được mà cũng chẳng thể thả canô đưa hàng tiếp tế vào. Đành neo tàu chờ bên ngoài. Vào giữa đêm, một cơn gió khủng khiếp tràn đến. Con tàu như một đứa bé đỏng đảnh, lúc nhảy dựng lên, lúc lăn kềnh ra giãy nảy, buộc chúng tôi mắt vẫn nhắm, tay lo bám chặt thành giường để giảm bớt độ tung hứng. Có lúc hốt hoảng mở choàng mắt vì sóng ụp vào tận buồng. Từ chỗ nằm, nhìn ra ô cửa kính tròn, đến đầu ngọn sóng đang chồm lên thành một đường thẳng gần như dựng đứng mà chỗ thấp thuộc về phía con tàu. Thú thật đường thẳng ấy có làm tôi rợn người, với ý nghĩ tàu sắp chìm. May sau đó chỉ là cơn hốt hoảng, lo sợ của người chưa hiểu hết cơn giận dữ của biển cả”.

Văn chương hay báo chí? Cả hai đấy chứ. Trong tập sách này, ngoài thế mạnh của một nhà báo chuyên nghiệp ghi nhận nhiều chi tiết chính xác, thời sự anh còn gửi gắm vào đó nhiều cảm xúc tươi ngon như cá quẫy trên sông, như cánh chim soãi cánh… Nhờ vậy, khi tính thời sự đã đi qua thì các bài viết này vẫn còn đủ sức níu giữ lấy tầm nhìn của người đọc.

3.

Dù không vào đời suông sẻ như nhiều nhà báo khác, nhưng nhà báo Lưu Đình Triều đã ý thức defragmenter lại cái ổ cứng của số phận. Dẫu anh tự nhủ, tự ý thức: “Dòng chảy cũ đời mình ngược bơi đâu phải dễ”. Số phận của anh, những người có hoàn cảnh như anh nghĩ cho cùng cũng là một sự trớ trêu Ba của anh là nhà báo Lưu Quý Kỳ- từng giữ cương vị Tổng thư ký Hội Nhà báo VN, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nhưng anh lại đứng về phía bên kia. Chà, lịch sử cũng oái ăm đấy chứ, cứ tưởng như bỡn như đùa, đã đặt con người ta vào thế đứng trái khoáy, đối nghịch nhau.

Vì thế tôi ngờ rằng khi viết báo, với Lưu Đình Triều là lúc anh rung lên những hồi chuông. Hồi chuông ấy ca ngợi tuổi trẻ và cũng tự nhắc nhở về mình.

4.

Đọc những trang viết đã được biên tập, chắt lọc, chọn lọc trong hành trình ba mươi năm sống với nghề của nhà báo Lưu Đình Triều, tôi tin rằng sau khi khép lại trang sách chắc hẳn trong lòng người đọc lại mở ra một chữ “tình”. Chữ “tình” ấy được dựng lên, được hình thành từ con chữ nhọc nhằn của nhiều chuyến đi vất vã tìm chất liệu viết, hơn cả thế còn là một cách để tự anh “hoàn thiện” lấy mình.

Chính vì lẽ đó, “Tổ quốc không có nơi xa” dù viết về một chủ đề đã có nhiều người viết, nhưng bản thân của nó cũng có một sức hấp dẫn đặc biệt. Không đơn thuần chỉ là con chữ, tôi đã thấy ở đó vọng lên những hồi chuông tha thiết, da diết đến lạ thường…

“Nặng lắm ai ơi, một gánh tình” (Tản Đà)

LÊ MINH QUỐC

9.VII.2001

(nguồn: Tập sách Tổ quốc không có nơi xa  của Lưu Đình Triều)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com