BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Bài viết của LƯU ĐÌNH TRIỀU

Bài viết của LƯU ĐÌNH TRIỀU

Mục lục
Bài viết của LƯU ĐÌNH TRIỀU
Xin một vé đi làm người lớn
Trao Nhau Những Đóa Hồng
KTS NGUYỄN VĂN TẤT - Hơi thở nhiệt đới
TRUNG NGHĨA - Xanh mãi...xanh
CÙ MAI CÔNG - Sau đêm lại thấy bình minh
MAI SÔNG BÉ - Đường dài một nẻo
Tất cả các trang

309Nha-bao

Nhà báo Lưu Đình Triều


Hai lần … Mẹ

Hai mươi năm đầu của cuộc đời, tôi chưa được một lần gọi “Mẹ”. Rất nhiều, thật rất nhiều, thời niên thiếu tôi đã ném những ánh mắt ghen tị vào bạn bè, khi họ hạnh phúc trong vòng tay chăm sóc của mẹ. 10 tuổi, tôi đã đứng trước gương, dùng kéo cắt ngắn đi những sợi lông mi. Người ta nói lông mi dài dễ “mít ướt”. Mà hồi ấy, tôi hay khóc, khóc không thành lời, mỗi khi chạnh lòng, tủi thân vì sao mình không có mẹ (lẫn ba). May mà những lần ấy, tôi chóng được an ủi, vỗ về, bởi vòng tay của ngoại.

Sau này, lớn lên, tôi mới được biết rằng, trước ngày chia đôi đất nước, ngoại tôi đã lận lội xuống tận rừng U Minh, “tha” tôi, 10 tháng và chị tôi hơn 2 tuổi, về Biên Hòa nuôi. Còn ba mẹ tôi lên tàu tập kết với lời hẹn hai năm sẽ về. Cho đến giờ, tôi vẫn không hình dung ra nổi, những tháng ngày ấy, bà tôi chật vật, vất vả đến dường nào, khi tái nhập lần thứ hai vai trò làm mẹ với hai đứa cháu nhỏ. Sau này, thỉnh thoảng bà chỉ nhắc lại với ai đó một cách âu yếm về tôi: cái thằng này, hồi nhỏ quậy lắm. Tắm nó trong thau, nó không chịu yên. Có lần nó đạp lên lọi ngón tay của bà. Cái ngón tay trỏ ấy, hàng chục năm sau, còn mang nguyên đường dáng của một đoạn thẳng bị cong ở giữa. Lớn, lập gia đình rồi có con, đôi lúc tôi lại băn khoăn tự hỏi, ngoại làm sao tay xách, nách mang hai đứa bé, mỗi khi chúng khóc la, bệnh tật? Tôi chỉ có thể tự trả lời câu hỏi bằng một lời đáp chung chung: với tấm lòng của người mẹ, ngoại tôi đã vượt qua những vất vả, khó khăn của một người đàn bà đơn côi sống cùng hai đứa bé.

Ông tôi mất đã lâu. Vừa nuôi nấng chúng tôi, bà vừa phải sớm hôm “lặn lội thân cò”. Lúc thì xuống miền Tây, mua khô,  mua cá… về bán lại. Lúc thì lên chợ Gò Dầu, mua nhang, dầu Miên, xà bông … về bỏ mối, kiếm ít đồng tiền lời nuôi cháu. Những ngày bà chạy chợ, hai chúng tôi chỉ ăn uống qua ngày dựa vào sự đùm bọc của cậu, dì, bà con lối xóm. Người ta nói, trông chờ đến sốt ruột là con trông chờ mẹ đi chợ về. Còn tôi và chị tôi, có những đêm ngày trông bà, còn da diết hơn những đứa trẻ khác trông mẹ đi chợ về: có những đêm mưa, hai chị dem nằm cuộn tròn, lấy mền phủ kín đầu, trong ngôi nhà vắng lặng, vì sợ ma. Chị tôi chưa đủ lớn, nhưng cũng phải ra vẻ bảo mẫu, vỗ về thằng em, khi nó cứ thút thít, “Chị ơi, sao ngoại lâu về vậy?”.

Đi qua những đêm mưa trống trải, đi qua những ngày nắng luông tuồng vì vắng bà, rồi chúng tôi cũng lớn lên và cũng được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ đồng trang lứa khac. Bây giờ, nhiều bậc cha mẹ hay thở than về gánh nặng học phí của con mình. Bà tôi ngày ấy thì sao nhỉ? Tôi cố nhớ và tự hỏi. Dường như bà chẳng hề thở than về chuyện tiền sách, tiền vở … Lắm khi, đầu niên học, bà chỉ lặng lẽ ngồi vuốt từng tờ bạc cho phẳng phiu, đưa chúng tôi chạy mua đỡ vài quyền tập, với lời an ủi: “Từ từ, ngoại đi bán hàng có tiền sẽ mua đủ tập cho cho hai đứa”. Ngoại tôi là người ít học. Có lẽ vì thế mà bà cảm nhận sâu sắc sự thua thiệt của người kém chữ. Không chỉ dạy được cho cháu, bà động viên: "Tụi con ráng học, để sau này còn làm thầy giáo. Tụi con lười học, sau lại phải đi làm cu li, chạy chợ như ngoại khổ lắm". Một lần tình cờ giở tập tôi ra, thấy con số ba và lời phê cô giáo “lười, không chịu làm bài cẩn thận”, bà nổi giận, quất tôi mấy chổi lông gà, rồi sau đó bà ôm cháu mà khóc … Cái ngày chị tôi bước chân vào sư phạm, tôi vào đại học, bà không nén được nổi mừng vui, gặp ai bà cũng nói ngay: "Con H. nó sắp thành cô giáo, còn thằng Tr. đã là sinh viên, đời tôi thế là mãn nguyện rồi".

Bà đã còn mãn nguyện hơn, khi sau ngày giải phóng, ba mẹ tôi từ Bắc trở về. Lúc ấy bà chỉ nói gọn lỏn như không: “Giờ xong phần tao rồi, tao giao hai đứa nhỏ (chúng tôi đã lớn mà bà vẫn coi là hai đứa nhỏ) cho tụi bây đó!”. Giọng bà nhẹ tênh, tựa lời câu hát “Như là nghìn gian khổ, chưa hề đi qua…”. Ngày gặp lại mẹ, tôi ngỡ mình sẽ khóc như những ngày xưa đã khóc vì nỗi khát khao về mẹ. Nhưng lạ thay, tôi chỉ biết ôm chầm lấy mẹ và .. cười. Những giọt nước mắt lăn trên má, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, dường như tích tụ lại và chỉ òa vỡ vào cái buổi chiều tối ở Hà Nội, tôi nghe tin ngoại đã qua đời.

Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ mà thôi... Với riêng tôi, đời có những hai mẹ. Tôi không muốn cân phân so sánh, nhưng trong tận dáy sâu lòng mình, ngoại vẫn là người mẹ mà tôi trao gởi nhiều yêu thương tha thiết nhất. Đôi khi giữa dòng đời cuồng động tuôn chảy, bất chợt nhìn thấy trên đường một người đàn bà nào đó, da mặt nhăn nheo, áo quần lam lũ, dáng đi tất tả đến khổ sở, là tôi lại chạnh lòng nhớ về ngoại. Nhớ với nỗi day dứt tiếc nuối, mình chưa kịp một lần mua được một bữa cá thác lác về nấu tô canh cải bẹ xanh để ngoại ăn cho đã miệng !

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: Bật một que diêm của Lưu Đình Triều)

ldt

(Từ  trái qua phải: Nhạc sĩ  Vũ Hoàng, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc, nhà báo Lưu Đình Triều, Nguyễn Minh Nhựt



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com