Cập nhật ngày: 19/06/2010
Ước mong “Bật một que diêm” cho đời
Khi mới vào nghề, không hiểu sao tôi lại thích viết thể loại ký chân dung nhân vật. Nhiều người bảo rằng, chọn viết đề tài về "Người tốt - việc tốt" là "khôn" vì an toàn, vì "ở đời ai lại chẳng thích khen".
Thế nhưng, càng viết nhiều, tôi lại càng thấy đề tài này ngày càng "khó nuốt". Đối với người làm báo, khen hay chê đều phải đúng và có tác dụng cổ vũ, khuyến khích người khác làm theo.
Độc giả ngày nay rất tinh tường, theo dõi bài viết chặt chẽ và sâu sắc. Không ít tác giả bị phản đối vì "kê khống" thành tích của nhân vật, bài viết thiếu tính chân thật, ngay cả nhân vật được khen cũng phản ứng với bài viết do tô hồng quá mức… Thế nên, khi đọc “Bật một que diêm” tôi càng hiểu, càng có động lực hơn về mảng đề tài mình đang theo đuổi.
"Bật một que diêm" gồm 84 bài viết (tạm gọi là chân dung các nhân vật "Người tốt - việc tốt") được tập hợp hơn 30 năm làm báo của ông. Với các nhân vật trong quyển sách được nhiều người ví von là tổng kết này, Lưu Đình Triều cho rằng: "Muốn "tổng" cũng không "kết" được bởi trước đây chẳng có "net" để lưu… "Ánh lửa" thì cũng nhiều, le lói có, cháy bùng có. Có lửa do chính mình bật, có lửa do thiên hạ bật và mình tìm thấy nét gì đó hay hay nên tiếp cận và thổi cho cháy bùng lên. Khi đặt bút viết về nhân vật nào là khi ấy trong tim mình đã "cảm" và viết chỉ là truyền dẫn đến người đọc mong tìm sự đồng điệu. Những nhân vật, đa phần là người đời thường mà ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống quanh mình. Họ có thể sáng trong thời điểm ấy và sau đó có tắt cũng là chuyện bình thường. Còn những người sáng mãi thì quá tốt".
Chỉ điểm qua những cái tên bài viết, cũng đủ chúng ta hình dung về những người trẻ ấy qua là những người như thế nào: Chiếc xe lăn không đậu bên lề cuộc sống, Bùi Thị Huệ: đường dẫn đến tài năng, đường du học của một học sinh nghèo, Không vì tình cảm thân thuộc mà bao che cái xấu, Từ Trung sĩ đến phó tiến sĩ, Viện sĩ Trần Đức Ba: Ý chí học tập vẫn thắng được cảnh nghèo, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoè: Muốn có tiếng reo vui cần phải biết quên mình, Tay trắng làm nên… trăm cây vàng …
"Bật một que diêm" là cuốn sách đầu tay của Nhà báo Lưu Đình Triều. Các công việc đã trải qua: phóng viên, tổ trưởng, trưởng ban, trưởng phòng, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn, trợ lý tổng biên tập. Ông thủy chung cùng Báo Tuổi Trẻ từ khi tốt nghiệp lớp đại học báo chí khóa 3 Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Lưu Đình Triều là con của nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ. |
Bài viết "Chuyện về một nữ sinh viên Sài Gòn ở Bến Tre" là một ví dụ. "Dẫu sao, toàn bộ câu chuyện về Thu trong sáu năm qua làm một số bạn bè quen biết cũ bàn tán. Nhất là khi biết Thu còn hăm hở, dự định về Trường Thủ Đức làm trợ lý thanh niên, có bạn đã lắc đầu: "Thời buổi bây giờ cái lối sống lý tưởng đã bị đóng băng trước những hiện tượng tiêu cực". Thu tiếp tục sống một cách lý tưởng thì thật ngây thơ và lạc lõng! Thực tế chưa làm Thu "sáng mắt sao?". Ngược lại, trong trao đổi với tôi, Thu cho rằng tuổi trẻ bây giờ chưa phải là nguội lạnh tất cả. Từ Bến Tre, nghe đài tường thuật lại cuộc thi hùng biện "Giải pháp kinh tế 91" ở Nhà văn hóa Thanh Niên gần đây, Thu thấy nhiều bạn còn "lửa" lắm, mà lại có trình độ lập luận hay hơn bọn Thu hồi trước nhiều… Bạn Thu đúng hay Thu đúng? Riêng tôi, tôi vẫn lo rằng nếu xã hội và cụ thể là các cơ quan có trách nhiệm đối xử với những người tích cực như Thu một cách phũ phàng, thì đừng trách những "ngọn lửa thắp sau" sẽ sớm lụi tắt".
Nhà báo Lưu Đình Triều phát hiện ra những con người rất bình thường nhưng có những hành động đẹp, cống hiến cho cộng đồng, những con người giàu lý tưởng sống dù cuộc đời của họ trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, thậm chí là sự trù dập, cản trở sự cống hiến ấy. Bài viết "Những lon sữa còn lại" kể về 2 vợ chồng nghèo vừa dạy học vừa làm công tác Đoàn. "Ngồi trên giường bệnh, Hoa vẫn say sưa nói về lớp học, về những khó khăn trong công tác Đoàn. Dường như nhiệt tình anh vẫn vậy, dù có đôi lần loáng thoáng tôi nghe dư luận trong quận, phường nói anh lúc này bắt đầu giảm lửa… Trên giường bệnh của anh, tôi nhìn thấy hộp sữa khui dở. Biết trò còn nghèo hơn mình, thầy không nhận, trò khóc, cho là thầy khi dễ. Những hộp sữa ít ỏi là phần thưởng lớn nhất mà Hoa và vợ nhận được từ cuộc sống. Song nếu chỉ chừng ấy, liệu những con người sống đẹp như đôi vợ chồng cán bộ Đoàn này sẽ đứng vững được bao lâu".
Trong "Khơi dòng chảy "Lạc ổi", tác giả nhìn nhận: "Nhiều người vẫn cho rằng xã hội bây giờ cứ ra ngõ là gặp chuyện tiêu cực, còn chuyện tích cực sao hiếm hoi như lá mùa thu. Bình tâm nghĩ lại, thấy hình như đúng mà… chưa đúng. Hình như đúng, bởi vì một Bùi Tiến Dũng PMU 18, Vũ Đình Thuần PMU 112… vừa bị lôi ra ánh sáng và được cả xã hội quan tâm, thậm chí thuộc làu làu tên họ. Sự quan tâm ấy có yếu tố khách quan. Vì bức xúc trước tệ nhũng nhiễu, vì tò mò muốn xem những kẻ xấu ấy bị xét xử như thế nào… Còn chuyện tích cực dù không được nổi đình nổi đám, nhưng vẫn nhiều lắm trong xã hội ta. Những câu chuyện ấy thường vẫn như một dòng chảy ngầm - dù có mạnh mẽ chăng nữa - vẫn là lặng thầm dưới bề mặt của dòng đời". Dù là lặng thầm nhưng tác dụng của nó đối với xã hội thật lớn lao. Bởi lẽ "dòng chảy "Lạc ổi" sẽ hun đúc mạnh mẽ ý chí của bao học sinh nghèo khó và cả những em có hoàn cảnh may mắn hơn chăng nữa. Bởi nghị lực, ý chí luôn là hành trang cần thiết cho bất kỳ người trẻ nào trong bước đi lên"./.
http://www.baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=8901
< Lùi | Tiếp theo > |
---|