BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU - 30 năm, lửa vẫn cháy

Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU - 30 năm, lửa vẫn cháy

Mục lục
Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU
Đọc một tình yêu
Ra sách sau 30 năm làm báo
Cùng nhà báo
Thắp niềm hy vọng
Để làm ra ánh sáng
Ước mong “Bật một que diêm” cho đời
30 năm, lửa vẫn cháy
Lưu Đình Triều - Tình bạn
LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG
ĐẾN ĐO ĐO
BẬT MỘT QUE DIÊM
30 năm: “Bật một que diêm”
Tất cả các trang

Nhà báo Lưu Đình Triều với "Bật một que diêm":

30 năm, lửa vẫn cháy

 

BAT-MOT-QUE-DIEMxp

"Bật một que diêm" (NXB Trẻ và Báo Tuổi Trẻ xuất bản) là tuyển tập các bài viết của nhà báo Lưu Đình Triều, vừa ra mắt bạn đọc nhân  kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng VN năm nay. Đó là chân dung đời thường của 84 nhân vật, qua ngòi bút và cách nhìn của một nhà báo trong khoảng thời gian khá dài: 30 năm. Thoạt tưởng sẽ bị mòn đi theo năm tháng, nhưng những trang viết đầy tình người, sự chia sẻ của người trong cuộc, đã khiến người đọc thấy gần gũi với đời sống hiện tại. Bởi ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, con người vẫn rất cần một niềm tin để vượt qua những thời khắc khó khăn. Đó cũng chính là ý tưởng mà tác giả đã chọn lọc trong hàng trăm bài báo đã viết để làm nên tập sách.

Hiện lên rõ ràng từng chân dung: một anh sinh viên nghèo sống dưới gầm cầu thang, một cậu bé quét rác, một đôi vợ chồng trẻ vươn lên làm giàu từ vùng núi rừng Tây Nguyên, cô đội trưởng sản xuất trên đường biên giới, vị giáo già tàn tật, tấm gương hy sinh của một cán bộ văn hóa phường... Tất cả được thể hiện bằng lối viết cảm xúc, giàu hình ảnh. Tập sách như một cuốn phim, đưa người đọc đi từ năm 1983 - 2007, với những thay đổi của đất nước. Trong đó, hình ảnh của những nhân vật vốn rất bình dị trong cách ăn, nết ở, nhưng hành động của họ lại hiện lên lấp lánh, góp phần quyết định cho sự hình thành nhân tố mới.

Khác với cách viết chân dung "người tốt việc tốt" thường thấy ở một số trang báo, Lưu Đình Triều tiếp cận nhân vật từ nhiều góc độ. Trong mỗi gương mặt, đâu đó người ta thấy họ vẫn mắc phải những khiếm khuyết rất đời, rất người: Cậu bé mót rác hay cãi cọ, gắt gỏng với đồng nghiệp; anh "cấp dưỡng" vốn là một chiến sĩ công an... nhưng ham nhậu, bị kỷ luật ra khỏi ngành; anh sinh viên nghèo nhưng vào lớp cứ hay ham tán chuyện... Tuy nhiên, điều quan trọng là họ đã nhận biết những nhược điểm, lỗi lầm của mình để phấn đấu trở thành một người biết sống vì mình và vì mọi người.

Không vào nghề suôn sẻ như nhiều đồng nghiệp, để vượt qua mặc cảm của những định kiến, hoàn cảnh "tréo ngoe", hơn ai hết Lưu Đình Triều hiểu rằng những nhân vật của anh cần phải biết "bật một que diêm", nhen nhóm cho mình một ngọn lửa từ niềm tin, để đi tiếp hành trình đã chọn. Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương cũng đã gọi cách tiếp cận nhân vật, sự thể hiện của Lưu Đình Triều "là niềm say mê theo dõi hành trình của những ánh lửa chiếu sáng đời người... Từ những bài báo đầu tay cho đến gần đây, Lưu Đình Triều đã hướng về tuổi trẻ ước mơ và khát khao cống hiến". Ông cũng đã gọi tác giả là  nhân vật tiêu biểu của thế hệ tuổi đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử 1975, đã không đứng ngoài cuộc những khó khăn, nên sự thấu hiểu và thông cảm đã đặt ngòi bút của anh vào vị trí của người trong cuộc.

Lưu Đình Triều chia sẻ, số phận run rủi cho anh có dịp phụ trách chuyên trang Lối sống trên báo Tuổi Trẻ một thời gian khá dài. Từ công việc này, anh đã có dịp gặp gỡ những con người mà càng tìm hiểu, anh lại càng thấy yêu mến, quý trọng họ. Chính tình cảm dành cho nhân vật đã giúp anh không bỏ cuộc trước những đề tài khó. Cho đến bây giờ, anh vẫn không thể nào quên cảm giác bất lực khi tìm đến nhà người cán bộ văn hóa vừa mới hy sinh trong bài viết "Người như anh sao chết ở tuổi 20?"  (trang 71). Khơi gợi lại nỗi đau của người vợ trẻ bên bàn thờ khói hương nghi ngút là một việc không dễ với một nhà báo trẻ. Hai lần định dừng lại, nhưng cuối cùng, anh chọn cách tiếp cận "từ trái tim đến trái tim", để vẽ lại chân dung người đã khuất. Anh tin rằng, dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng rung động từ bài viết mà anh thích nhất này, vẫn nhận được sự đồng cảm của các độc giả trẻ .

Làm tập sách để kỷ niệm nên Lưu Đình Triều muốn cùng bạn bè và một số nhân vật của mình có dịp ngồi lại bên nhau để nhớ về một thời khó khăn chưa xa. Chẳng hạn, những nhân vật của anh như Ngô Đình Đức (trong bài viết Ngô  Đình Đức - không thể sống mà không có niềm tin) đã chia sẻ với một ân tình sâu sắc: "Bài báo đã mấy chục năm, khi tôi còn là một học sinh lớp 10 sống ở gầm cầu thang. Nếu không có bài viết với sự chia sẻ động viên của nhiều người, thì tôi chưa chắc đã vượt qua khó khăn để có được ngày hôm nay".

Cẩm Lệ

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/giai-tri//nha-bao-luu-dinh-trieu-voi-quot-bat-mot-que-diem-quot-30-nam-lua-van-chay-nbsp-/a3093.html



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com