BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU - Để làm ra ánh sáng

Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU - Để làm ra ánh sáng

Mục lục
Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU
Đọc một tình yêu
Ra sách sau 30 năm làm báo
Cùng nhà báo
Thắp niềm hy vọng
Để làm ra ánh sáng
Ước mong “Bật một que diêm” cho đời
30 năm, lửa vẫn cháy
Lưu Đình Triều - Tình bạn
LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG
ĐẾN ĐO ĐO
BẬT MỘT QUE DIÊM
30 năm: “Bật một que diêm”
Tất cả các trang
 

"Bật một que diêm" để làm ra ánh sáng
Thứ bảy, 20 Tháng 6 2009

bat_mot_que_diem

TT - Đọc những bài báo chọn lọc từ gần 30 năm hành nghề của Lưu Đình Triều, chúng ta dễ nhận ra thiên hướng chủ yếu của anh: đó là niềm say mê theo dõi hành trình của những ánh lửa chiếu sáng đời người.

Ở đây có thể là sự kết hợp giữa nhu cầu công việc của một tờ báo dành cho tuổi trẻ với ý thức tự nguyện của người viết báo đã dẫn đến sự chọn lựa và quan tâm bền bỉ của một ngòi bút. Từ những bài báo đầu tay cho đến gần đây, quả là Lưu Đình Triều chủ yếu hướng về tuổi trẻ ước mơ và khát khao cống hiến. Đó là những thủ khoa trong các kỳ thi đại học, là những công nhân góp cho đời đôi bàn tay vàng, là những thương binh không cam chịu sống cuộc đời tầm gửi, là những nhà khoa học và doanh nhân trẻ luôn xem lòng tự trọng của sự nghiệp cao hơn danh tiếng...

Có thể lý giải điều đó một phần từ con đường nhập cuộc vào xã hội mới của chính tác giả những bài báo này. Hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một “nhân vật” tiêu biểu của thế hệ đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975. “Không ai chọn cửa mà sinh ra” là câu ông Võ Văn Kiệt hay nói những năm tháng đó. Với Lưu Đình Triều và những người cùng thế hệ với anh, có thể nói thêm: không ai chọn thời mà sinh ra.

Đó là cái thời mà cha con, anh em, bạn bè... do run rủi của số phận có thể đứng hai bên bờ chiến tuyến. Cái thời đó đã khép lại và nỗ lực của những người thiện chí là mở ra một thời kỳ mới cho sự hòa giải và hòa hợp, bởi vì vẫn nói như ông Võ Văn Kiệt: “Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 31-5-2009).

Tôi hiểu những bài báo có tính chất biểu dương nhân tố mới của Lưu Đình Triều nằm trong một phối cảnh rộng hơn của hoạt động khẳng định chỗ đứng của thế hệ trẻ miền Nam sau chiến tranh, điều mà những tờ báo giàu lý tưởng như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã làm một cách xuất sắc. Thật không có gì lạ khi một người có hoàn cảnh “tréo ngoe” như Lưu Đình Triều đã được chọn để đi sâu phản ánh và thể hiện ý chí phấn đấu của một lớp trẻ đầy tâm tư giằng xé. Ở đây, điều quan trọng là sự thấu hiểu và đồng cảm của một ngòi bút tự đặt mình vào vị thế của người trong cuộc.

Khi tập hợp những bài báo này nhân dịp 21-6, có lẽ Lưu Đình Triều chỉ muốn giữ lại như một kỷ niệm gửi đến bạn đọc. Rõ ràng đây chưa phải là một “bản sơ kết” hành trình làm báo. Đây cũng không phải là một “bản tổng kết” những tấm gương điển hình cho sự vượt khó và vươn lên. Đường đời dài lắm, nhiều khúc quanh, ghềnh thác, người từng tự tin băng qua lối đi hẹp để tìm đến chân trời cũng có lúc chồn chân dừng lại giữa đường. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Điều mà chúng ta có thể tổng kết được chính là sự chọn lựa và thái độ dứt khoát không chịu làm người bàng quan và vô tâm trước những đổi thay, dù chỉ là khiêm tốn “bật một que diêm” để làm ra ánh sáng.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(Nguồn: http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=322206&ComponentID=172)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com