BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: NGUYỂN AN NINH – một nhà báo thần tượng

LÊ MINH QUỐC: NGUYỂN AN NINH – một nhà báo thần tượng

SGTT - Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người trước nhất đã dịch quyển Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau. Bản dịch của ông có tựa Dân ước — dân quyền — dân đạo (in năm 1923) nhằm bổ sung cho ý thức tuyên truyền những nguyên tắc tư tưởng theo ý tưởng của Cách mạng Pháp (1789). Nếu sự tuyên truyền này xét ở ý nghĩa có ý thức, triệt để và có hệ thống thì ở Việt Nam, Nguyễn An Ninh xứng đáng nhận vai trò người đi tiên phong công khai gieo mầm mống tích cực của cách mạng Pháp
Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và nhân sự kiện NXB Văn Học và trung tâm Nghiên cứu quốc học chuẩn bị xuất bản bộ sách Nguyễn An Ninh - tác phẩm dày 1.300 trang (ảnh), SGTT xin giới thiệu bài viết của nhà biên khảo Lê Minh Quốc về thần tượng một thời của thanh niên Việt Nam này.

Cũng không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người đầu tiên cho in Tuyên ngôn Cộng sản trên tờ La Cloche Fêleé (Cái chuông rè — in năm 1925). Và cũng chính Nguyễn An Ninh là linh hồn của Đông Dương Đại hội (1936) — sau khi ông tán thành và ủng hộ quan điểm đấu tranh công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kỳ này. Có thể ghi nhận đây cũng là thời kỳ mà phương pháp đấu tranh của ông đã có những chuyển biến. Trên tờ La Lutte (số 77 ra ngày 1.4.1936) ông cho biết: “Từ trong mười năm qua, tôi đã sống trong tất cả niềm khổ đau tạo ra bởi chính phủ, tất cả những gì mà chính phủ không hài lòng. Tôi đã mất đi cái thói quen rên rỉ than van. Tôi đã vứt bỏ cái chủ nghĩa phiêu lưu lãng mạn. Tôi chấp nhận không do dự đưa ra những điều kiện của tôi trong cuộc chiến đấu tàn khốc giữa con người với cái chế độ mà nó đè bẹp con người”.

Sinh thời, Nguyễn An Ninh thật sự là thần tượng của cả một thế hệ thanh niên.

Xin kể lại một chi tiết nhỏ: ngày 10.12.1923 tại Sài Gòn, tờ báo La Cloche Fêleé phát hành số báo đầu tiên, Nguyễn An Ninh phải ôm từng chồng báo chạy rao bán trên đường Catinat, Bonard, d’Espagne...Khi chạy mỏi chân, ông thường đứng nghỉ trước nhà hàng Yeng Yeng. Lúc đó, có một thanh niên ăn chơi khét tiếng, ngồi trong nhà hàng thưởng thức món bít tết Chateaubriand với giá 8 cắc một dĩa. Thấy Nguyễn An Ninh, người thanh niên này vội vàng đứng dậy ra khỏi quán mua tờ báo La Cloche Fêleé, để được... cầm lấy tay anh! Người thanh niên này về sau là nhà cổ ngoạn nổi tiếng Vương Hồng Sển. Có người chỉ vì ở tù chung với ông, ảnh hưởng từ nhân cách của ông mà sau khi ra tù đã viết được cuốn sách gây chấn động một thời, bị tịch thu ngay sau khi phát hành. Đó là Ngồi tù khám lớn (in năm 1929) của Phan Văn Hùm.

Đáng nhớ ở Nguyễn An Ninh, còn là lời khẳng định của ông trong buổi diễn thuyết “Lý tưởng của thanh niên An Nam” tại Hội khuyến học Nam kỳ (15.10.1923): “Dân tộc nào để một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập, tự do thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”. Sau buổi diễn thuyết này, ký giả thần tượng được ái mộ đến nỗi nhà “chụp hình” Khánh Ký trên đại lộ Bonard cho rửa hàng ngàn tấm hình Nguyễn An Ninh để đáp ứng công chúng!

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: đã in Sài Gòn Tiếp thị)

http://www.baomoi.com/Nguyen-An-Ninh--mot-nha-bao-than-tuong/122/2860471.epi

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com