BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Đời của NGUYỄN ĐÔNG THỨC

LÊ MINH QUỐC: Đời của NGUYỄN ĐÔNG THỨC

Trong mắt tôi, thế hệ viết sau năm 1975 tại miền Nam có hai người sừng sững là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Đông Thức. Nhìn khối lượng sáng tác của họ mà sợ. Tác phẩm của họ nhiều hơn tuổi đời của họ và nhân vật của họ cũng đông hơn số bạn bè mà họ đã quen. Viết. Và viết. Không mệt mỏi. Trong lúc nằm chờ mổ tại bệnh viện cũng viết. Đó là trường hợp ra đời của tập truyện ngắn Đời (NXB Trẻ- 2008) của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Từ tên sách đến các nhan đề trong tập sách cũng chỉ vỏn vẹn một chữ như Tình, Mưa, Buồn, Mỡ, Tưng, Điên...

Mỗi truyện ở đây được dồn nén tình tiết, kiệm lời, tiết chế câu chữ để cuối cùng bật ra một kết thúc bất ngờ. Kết thúc đó có thể khiến ta phì cười, nhưng cũng có thể thấy nhoi nhói trong lòng. Truyện Mỡ chẳng hạn, vì muốn chấm dứt khoảng đời còn lại của mình với ông chồng già nua, ốm yếu, người vợ đã ân cần đem về một osin trẻ tươi mơn mởn và cuối cùng thì ông chồng... “sập bẩy”! Trong truyện Bẫy, để cắt dứt mối quan hệ của cậu con trai cưng với cô gái gọi, sau nhiều lần thương lượng không xong, bà mẹ đã nghĩ ra độc chiêu thuê cháu trai đóng vai Việt kiều xài tiền như nước. Cậu này rủ cô gái gọi sang Hawaii du hý. Rồi chuyện gì sẽ xẩy ra? Kết thúc bất ngờ khiến ta cũng... bất ngờ một cách thú vị.

Thế mạnh của Nguyễn Đông Thức là ông biết thu nhặt những sự việc đã từng xẩy ra trong đời thường, để “biến hóa” thành truyện ngắn. Chính vì thế, các truyện ngắn này mang hơi thở của cuộc sống này, của thời đại @ này chứ không phải của trí tưởng tượng viễn vông xa vời. Ngay cả lời ăn tiếng nói của giới trẻ cũng “du nhập” vào trang viết ngọt xớt. Ấy là do vai trò của một nhà báo đã giúp ông có cơ hội nhặt nhạnh và “xử lý” hợp lý. Có thể đặt câu hỏi, tính cách nhà báo có “giết chết” tính cách của nhà văn không? Không. Trong trường hợp của Nguyễn Đông Thức là một sự hỗ trợ tích cực. Có nhà báo, như nhà báo Lưu Đình Triều đọc xong tác phẩm Đời, bảo: “Ủa! Thế này thì mình cũng có thể viết được”. Nhiều nguời cũng nói thế, nhưng rồi họ không thể viết bởi thiếu một tư duy của nhà văn. Thật vậy, phần chìm của một tảng băng mới là điều mà độc giả cần biết, đặng chiêm nghiệm trước phần bề nổi của tình tiết đã diễn ra. Trong tập truyện này có những tình tiết khiến ta bật cười, nhưng nghiệm lại vẫn là một nỗi bùi ngùi quá đỗi. Chẳng hạn, trong truyện Ghế có bốn nhân vật bước vào phòng họp là ca sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và phó giám đốc Sở để bàn đề tài ca sĩ nên ăn mặc như thế nào khi lên sân khấu? Chuyện gì đã xẩy ra? Họ đã... ngồi lộn ghế của nhau! Cái tính chất humour ở đây thâm trầm mà kín đáo.

 Cứ như thế, các truyện ngắn trong Đời đủ sức lôi cuốn ta đọc một mạch hết tập sách.

 

LÊ VĂN NGHỆ

(Nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com