BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: NGUYỄN ĐÔNG THỨC - Ngọc trong đá

LÊ MINH QUỐC: NGUYỄN ĐÔNG THỨC - Ngọc trong đá

LÊ MINH QUỐC

Nguyễn Đông Thức sinh ngày 18-10-1951 tại Quảng Ngãi. Tác phẩm đã xuất bản: Ngọc trong đá, Trăm sông về biển, Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn, Như núi như mây (tiểu thuyết), Mưa khuya, Tình yêu thường không dễ hiểu, Mối tình đầu tiên và cuối cùng, Chuyện tình tự kể, Tiên bay về trời, Đời (tập truyện ngắn)..., cùng vài kịch bản sân khấu, điện ảnh. Từng nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TP.HCM, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Sài Gòn Giải Phóng... Suy nghĩ về nghề: “Một nghề chỉ có thể theo với một niềm yêu thích không ngừng. Ngày nào cũng phải viết, ít hay nhiều. Hơn 30 năm theo nghề, tôi vẫn thấy thèm được viết...”.

 

NV-Dong-Thuc-upweb1

Nhà văn Nguyễn Đông Thức


Có ai khó tính như “lão” ấy không? Ai đời, ngay cả lúc nhậu dù với bạn bè “văn nghệ”, ai cũng có thể bốc phét một tấc đến trời, “nổ” bạt mạng như một cách xả “xì trét”, thì lão vẫn ngồi nốc tì tì, điềm nhiên như không. Đang ngồi nhậu, nếu tình cờ có người lạ đến ngồi “ké” góp vui, thì trăm lần như một, chỉ một loáng sau thấy khơng hợp là laỗ kiếm cớ chuồn mất! Đã thế, được mời đi nhậu, lão luôn hỏi sẽ ngồi chung với ai, bao nhiêu người, quán nào v.v... và v.v... Cự nự với lão về chuyện khó tính khó nết này, lão cười: “Đã nhậu là phải vui, xả cảng, khỏi cảnh giác. Khác rơ, không uống được”. Nghe đến phát mệt. Riết rồi anh em cũng quen. Đã quen rồi, đi nhậu với lão cũng có cái vui là laỗ không gây sự với ai, không nói xấu ai, tâm sự vui ra phết và thỉnh thoảng cũng... “bốc” lên ca hát ầm ĩ! Nghe tôi nói thế, nhà báo Nguyễn Thế Truật - phó Giám đốc NXB Trẻ - bảo: “Tay đó ít nói, nhưng nói như cóc cắn!”. Thành ngữ này, ta có thể hiểu như thế nào? Thôi thì tạm hiểu nôm na, trong dân gian kháo nhau, nếu bị cóc cắn, chỉ có đến lúc... trời gầm thì nó mới nhả ra thôi! Còn thì vô phương cứu chữa! Ghê chưa?

Đó là một vài nhận xét của tôi về cá tính của nhà văn Nguyễn Đông Thức, sau hơn hai mươi năm quen biết anh.

Có thể nói, thế hệ văn chương phía Nam trưởng thành sau năm 1975, có Nguyễn Đông Thức là “con nhà nòi”. Cha là nhà báo Nguyễn Đức Huy, từng làm chủ bút và cộng tác với các báo như Sài Thành, Sài Gòn Mới..., khi làm thơ ký bút danh Hồng Tiêu (em ruột của nhà thơ Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận). Mẹ là nhà văn nổi tiếng Bà Tùng Long, ngoài vài chục tập tiểu thuyết tâm lý xã hội được phụ nữ miền Nam một thời “gối đầu giường”, bà còn được ghi nhận là người tiên phong mở mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhiều tờ báo như Sài Gòn Mới, Tiếng Vang, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn (tương tự chị Thanh Tâm trên báo Phụ Nữ Việt Nam ở ngoài Bắc, chị Hạnh Dung trên báo Phụ Nữ TP.HCM).

Con đường vào văn chương của Nguyễn Đông Thức không vì thế mà thuận lợi hơn người khác, chỉ thuận lợi chăng là cái “năng khiếu” đã ngấm vào máu thịt từ thuở bé và nhất là ý thức về nghề. Anh nói: “Mẹ tôi quý trọng tất cả những người viết, nhưng thật ngược đời, lại hằng khuyên tất cả anh chị em chúng tôi là hãy chọn nghề khác, đừng theo nghiệp viết văn - làm báo. Trường văn trận bút là một nghề hư danh, bạc beỗ, lành ít dữ nhiều. Năm 1977, khi tôi từ TNXP chuyển về làm báo Tuổi Trẻ, mẹ tôi chỉ thở dài, rồi sau đó lại đổi buồn làm vui, khuyên tôi những điều cần làm và cần tránh trong nghề báo, trong đó quan trọng nhất là câu “làm báo là để giúp người”. Nghe lời mẹ, tôi làm báo đến nay hơn 30 năm, hầu như không phạm sai lầm nào đáng kể”. Trong thời gian làm báo Tuổi Trẻ, khi bùng lên cuộc chiến tranh Tây Nam, anh lại xung phong đi bộ đội. Nay, anh phụ trách Tủ sách Tuổi Trẻ, và cùng với anh Đoàn Thạch Biền “chủ xị” tập san Áo Trắng, tự nguyện làm “bà đỡ” cho các cây bút trẻ.

Với Nguyễn Đông Thức, đến nay trong trí nhớ của bạn đọc vẫn còn cuốn tiểu thuyết đầu tay Ngọc trong đá. Thời đó đã in vài chục ngàn bản và sau này còn tái bản nhiều lần. Có thể ghi nhận, những năm tháng “chinh chiến” trong TNXP đã tạo nên những chất liệu rất thật, rất đời để anh hoàn thành một “trường ca” về thế hệ mình. (Sau đó, tiểu thuyết này đã được đạo diễn Cảnh Đôn dựng thành phim, phát hiện một Việt Trinh từ đó tỏa sáng). Anh nói: “TNXP đã quyết định sự nghiệp viết văn của tôi. Nếu không đi TNXP, tôi không đủ cảm xúc để vào nghề viết”. Còn những ngày tháng trong bộ đội, tại Mặt trận 779, anh đã viết truyện ngắn Người chăn vịt, được tạp chí Văn Nghệ Quân Đội trao giải thưởng “Truyện ngắn hay năm 1980”. Trong đơn vị không ai hay biết tin vui này, mãi đến khi Tổng cục Chính trị gửi giấy mời anh đi dự trại viết văn quân đội thì đồng đội... bật ngửa! Họ mới biết rằng anh hạ sĩ Nguyễn Đức Thông lầm lì, ít nói ấy tức là nhà văn Nguyễn Đông Thức, người đã viết khá nhiều truyện ngắn về đời sống anh em trong quân ngũ (trong số đó tôi vẫn nhớ mãi Một bông hồng cho anh bộ đội Truyện rất khó viết)!

Kịch bản phim của anh khá “mát tay”, chính vì thế sau Ngọc trong đá, một loạt tiểu thuyết của anh như Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn, Hoa quỳnh nở muộn... đã được chuyển thể sang điện ảnh. Những tên tuổi diễn viên như Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Phương Thảo, Thu Hà... đều có mặt trong những bộ phim này. Không những thế, truyện ngắn của anh cũng được nhiều đạo diễn sân khấu hăm hở đưa lên sàn diễn, tất cả đều do anh tự viết kịch bản. Công chúng vẫn chưa quên những tình tiết bi hài trong Vàng ơi là vàng, Hoa hậu trăm năm, Cuộc phiêu lưu của những bức thư tình... đã diễn ở sân khấu Nhà hát Hoà Bình, Kịch Sài Gòn, Nhà hát kịch TP.HCM, Nụ cười mới…

Điều gì làm nên sức hấp dẫn của trang văn Nguyễn Đông Thức?

Đồng nghiệp cùng thế hệ với anh là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bảo: “Thế mạnh của Nguyễn Đông Thức là biết chắt lọc thời sự, chọn lấy chi tiết đắt giá để dựng nên hồn vía của cốt truyện”. Nói cách khác, tôi muốn gọi anh là “nhà văn thế sự”. Anh biết thu nhặt, ghi nhận những sự việc đã từng xảy ra trong đời thường, để “biến hóa” thành truyện ngắn. Tình tiết ấy, nhân vật ấy là của đời sống bụi bặm này, của thời đại này, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng viễn vông xa vời. Ngay cả lời ăn tiếng nói của giới trẻ thời @ cũng “du nhập” vào trang viết của anh ngọt xớt. Ấy là do vai trò của một nhà báo đã giúp anh có cơ hội nhặt nhạnh “lời ăn tiếng nói” và “xử lý” hợp lý trong văn chương.

Có thể đặt câu hỏi, bệnh luôn hỏi thông tin cụ thể của nhà báo có “giết chết” phong cách của nhà văn không? Với trường hợp Nguyễn Đông Thức, tôi khẳng định là không! Khi nhà văn đứng trước những sự kiện ngồn ngộn của đời sống hôm nay, nếu biết chắc lọc những chi tiết đắt giá nhất để đưa vào tác phẩm, thì đó cũng là bản lĩnh của một cây bút có nghề. Dù rằng, trong trăm truyện ngắn của anh, ta có thể thấy được những chi tiết đôi lúc tàn nhẫn quá, thì điều làm dịu lòng người đọc vẫn là cái nhìn nhân văn của anh với đời sống này. Những truyện ngắn Lọ lem chờ anh, Người đàn ông bí mật, Tiên bay về trời... bàng bạc một ở đó một tấm lòng nhân ái, khiến ta có cảm giác như trên đường đời mỏi mệt này ta vẫn còn gặp sự dịu dàng của tình người đến ấm lòng...

Có thể nói, khi viết văn, Nguyễn Đông Thức luôn ý thức đến chất liệu đời sống trong từng chi tiết. Đọc tiểu thuyết Như núi như mây, mới cảm nhận hết “kỳ công” của một nhà văn. Chỉ riêng chi tiết, khắc họa nhân vật vượt biên sau năm 1975, anh đã về tận cửa Tranh Đề để vẽ lại “hành trình” gian nan đó, nhờ vậy khi viết lại chuyện này anh đã “thuộc” vanh vách từng đường đi nước bước, cứ như “người trong cuộc”; thậm chí khi nhân vật này đã định cư ở Mỹ, anh cũng chờ có chuyến “đi thực tế” rồi mới quay về... viết tiếp! Gần đây nhất, trên tập san Áo Trắng ta thấy có một “Nhắn tin”: “Nhà văn Nguyễn Đông Thức cần tiếp xúc với các anh chị từng học Đại học Sư phạm Sài Gòn (khoa Anh văn) từ niên khóa 1973, để tham khảo thông tin viết tiểu thuyết. Anh chị nào vui lòng giúp đỡ xin điện thoại 0903811411 hoặc email dongthuc@tuoỉte.com.vn. Xin cám ơn”. Hỏi, đang viết gì? Anh chỉ cười cười... bí mật!

Viết nhiều như thế, nhà văn Nguyễn Đông Thức có... giàu không? Đôi lần mạo muội hỏi chơi chơi thế, anh trả lời khá nghiêm túc: “Trước năm 1975, mẹ tôi, Bà Tùng Long chỉ sống bằng nghề văn mà vẫn “nuôi đủ 9 con với một chồng”! Số lượng tác phẩm dù chỉ in chừng 5.000 đến 10.000 bản nhưng lại là một nguồn thu nhập cao, ổn định, nếu không muốn nói là dư dả. Để cải thiện tình hình nhuận bút sách văn học hiện nay, theo tôi, báo chí có vai trò hỗ trợ rất lớn. Đó là cho xuất hiện các feuilleton đăng nhiều kỳ trên mặt báo. Điều này có hai cái lợi, nhà văn nhận được nhuận bút rất đáng kể trước khi in thành sách. Mà nhuận bút này cao gấp nhiều lần trong tình hình xuất bản hiện nay. Hơn nữa, qua đó nhà văn sống với nghề ngày một chuyên nghiệp hơn, ý thức về nghề rõ nét hơn...”. Ý kiến này khiến chúng ta phải suy nghĩ, bởi trong cơ chế xuất bản hiện nay từ cách phát hành đến nhuận bút vẫn chưa phải nhà văn nào cũng có thể sống một cách “hoành tráng” với nghề.

Nếu một ngày nào đó, ở chỗ đông đảo các nhà văn, bạn thấy một người đàn ông khoảng gần 60 xuân xanh có gương mặt cương nghị, mái tóc nhiều muối ít tiêu, nói chuyện với ai thì nhìn thẳng vào mắt người đối diện, chân đi hơi “cà niễng”, thì dứt khoát đó là... Nguyễn Đông Thức. Ít ai biết, do bị bệnh khớp rất nặng, trong vòng 13 năm qua anh đã có... bốn cuộc phẫu thuật mà thoạt nghe qua ta đã “choáng”, vì mỗi cuộc không dưới hai tiếng rưỡi đồng hồ! Riêng năm 2008 đã có hai cuộc, cách nhau chỉ sáu tháng. Đau đến tận xương, buốt tận óc! Nhắc lại chuyện này, anh trầm ngâm: “Khi đã ở tuổi “tri thiên mệnh” mà lại mấy lần nằm ở phòng hồi sức các bệnh viện, trong vài ngày đêm chứng kiến vài chục cảnh bệnh tật đau đớn và khoảng chục trường hợp chết trên giường bệnh, khiến tôi thay đổi tính nết.  Khó tính với ai để làm gì? Thay đổi tính tình ít nhiều cũng thay đổi văn chương. Tôi thích viết những truyện nhỏ hơn, bình thường hơn về đời sống chung quanh, hơn là nhìn cuộc đời một cách phức tạp hoá hoặc “đao to búa lớn” đầy triết lý mệt mỏi”.

Mà trong cái rủi luôn có cái may. Nhờ “tịnh dưỡng” trong bệnh viện lúc nằm chờ phẫu thuật, không ai... réo đi nhậu, anh đã hoàn thành tập truyện ngắn Đời. Với tập truyện này, nhà văn Đoàn Thạch Biền nhận xét: “Đã có nhà văn định nghĩa truyện ngắn hay là truyện không thể kéo dài thêm và cũng không thể cắt bớt đi. Nguyễn Đông Thức đã viết được những truyện như vậy và truyện của ông luôn bất ngờ ở đoạn kết...”.

Đời xuất bản năm 2008, tái bản năm 2009, gây động lực cho Nguyễn Đông Thức viết tiếp Đời 2 & Chuyện không quên (vừa được NXB Trẻ ấn hành tháng 8-2010), gồm 12 truyện ngắn cũng với tựa là một từ như trong tập trước, và phần 2 là những chuyện không quên trong đời anh. Là những hoài ức, những cuộc gặp gỡ với dăm văn nghệ sĩ sau hơn 30 năm trong nghề phóng viên văn hóa nghệ thuật,  nhưng đọc rất thú vị. Đặc biệt hai bài viết sau cùng về thầy mẹ, rất xúc động, cho thấy ảnh hưởng lớn của cha mẹ trên cuộc sống của anh. 

Xem ra sức viết của nhà văn Nguyễn Đông Thức khá dồi dào, năng lượng xem ra còn “vượng” lắm. Bằng chứng là trong vòng mươi năm trở lại đây, anh vẫn tiếp tục viết kịch bản phim Cổ tích Việt Nam - mà số lượng đã lên đến gần 30 tập! Đó là chưa kể hiện nay anh đã bắt tay vào viết một tiểu thuyết mới, dự định sẽ cho ra mắt vào 2011...


                                LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM / Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com