BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN ĐÌNH BA - NGƯỜI KHẢO SÁT BÁO CHÍ TRƯỚC NĂM 1945.

LÊ MINH QUỐC: NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN ĐÌNH BA - NGƯỜI KHẢO SÁT BÁO CHÍ TRƯỚC NĂM 1945.

448812440_8403842426311629_7889299473958519221_n

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.2024)

NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN ĐÌNH BA:

NGƯỜI KHẢO SÁT BÁO CHÍ TRƯỚC NĂM 1945.

LÊ MINH QUỐC

Năm 2008, với tư cách là phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi đã được  mời đi Mỹ. Thú thật, trong những ngày đó, ấn tượng nhất với tôi vẫn là được vào tham quan, tìm hiểu Bảo tàng truyền thông báo chí (NewSeum) tại Washington D.C trên đại lộ Pennsylvania - khai trương vào ngày 11.4.2008 với kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu USD. Tên của nó là sự kết hợp giữa News (tin tức) và Museum (bảo tàng) được đánh giá “Bảo tàng có tính tương tác nhất thế giới” với những kỹ thuật tân kỳ mới nhất của thời đại.

Sau đó, gần 10 năm sau, khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Vietnam Press Museum) khánh thành, tôi cũng được ra Hà Nội tham dự. Qua đó, tôi đã thấy sự khác nhau “một trời một vực” về công tác tư liệu và sự quy mô của hai bảo tàng này. Không phải là sự so sánh, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, lãnh vực báo chí nói chung, dù ở Mỹ hay Việt Nam thì nguồn tài liệu báo chí ở đâu cũng vẫn còn rất nhiều, đủ sức hấp dẫn, hữu ích cho bất kỳ ai muốn tái hiện lại bức tranh độc đáo ấy.

Công việc nhọc nhằn này, nào có mấy ai dành tâm huyết cả đời đeo đuổi, nay, chỉ mới có thể đếm trên đầu ngón tay những tập sách nghiên cứu về báo chí Việt Nam như của các ông Vũ Bằng, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Tòng, Tế Xuyên, Thiếu Sơn, Tô Huy Rứa, Nguyễn Công Khanh, Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa… Rất ít ỏi. Vì thế, diện mạo báo chí Việt Nam, kể từ thời Gia Định Báo (1865) đến nay thay đổi thế nào, không ai có thể hình dung ra nổi.

May quá, “tre già măng mọc” vì hiện nay đã  có nhà nghiên cứu Trần Đình Ba dã nhọc công, cẩn mẫn tìm về báo chí Việt Nam trước 1945. Rất đáng ghi nhận. Khi cầm trên tay tập sách Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945 (NXB TH TP.HCM - 2022) của Trần Đình Ba, không riêng gì tôi, bất kỳ những ai quan tâm đến lãnh vực báo chí nước nhà cũng lấy làm vui mừng.

Đến nay công trình nghiên cứu được xem bài bản, chu đáo nhất vẫn là Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945, trong đó, TS Huỳnh Văn Tòng đã liệt kê cả thẩy có 639 tờ báo, tạp chí. Ở đây, Trần Đình Ba đã kỳ công “Đi tìm manchette tờ báo qua ghi chép của người đương thời”, qua đó, anh giới thiệu cả thẩy 195 tờ báo, tạp chí; tất nhiên trong đó có cả những tờ báo mà trước đây chưa ai nói đến.

Qua đó, từ tài liệu sưu tập, từ hồi ký, ghi chép của nhiều nhà báo, anh đã chắt lọc, sắp xếp, hệ thống bước đầu nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn các tờ báo đó. Theo đánh giá của tôi, có thể ghi nhận so với các công trình nghiên cứu đã có thì tập sách này đã phần nảo bổ sung thêm, nói cách khác là giúp cho bạn đọc hình ra các tờ báo thuở xa xưa ấy một cách cụ thể hơn. Sự cụ thể này không đồng đều, vì có tùy thuộc vào tài liệu mà anh đã sưu tập được. Dù ít, dù nhiều cũng đáng quý. Ở phần 2, anh tập trung vào “Chuyện sau mặt báo qua ký ưc người đương thời”. Âu cũng là một cách tài hiện lại cung cách làm báo làm báo, viết báo thời ấy qua chuyện người thật việc thật. Nhìn chung là sinh động, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, anh còn tiếp tục công bố Những con chữ ngoài trang sách (NXB TH TP.HCM-2023). Có thể nói, cả hai tập sách này đã góp phần tích cực giúp bạn đọc có thể phần nào hình dung ra cách làm báo, làm xuất bản không chỉ của một thời. Trước đây, qua các hồi ký của những nhà báo, nhà văn lừng danh như Vũ Ngọc Phan, Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Bằng, Nhất Linh, Tô Hoài v.v… chúng ta có thể phần nào tìm thấy phương thức hoạt động của nền xuất bản sách báo thời ấy. Mà, với đăc thù chung thì chính báo chí đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành xuất bản sách.

Trên cơ sở thu thập lại nhiều nguồn tài liệu, kể cả tìm kiếm các ấn bản còn lưu giữ tại thư viện trong và ngoài nước, anh Trần Đình Ba cố gắng tái hiện lại một cách sinh động, hệ thống lại trong khả năng có thể. Tất cả những thông tin này được hệ thống, dần dà mở ra cho người đọc biết được nhiều sinh hoạt kỳ thú liên quan đến sách. Qua đó, Trần Đình Ba đã “thâm nhập” vào đời sống của ngành xuất bản, thông qua những nhà văn, nhà báo cụ thể, điều này rất quan trọng vì hầu hết các tác giả văn học Việt Nam cũng là nhà báo.

Khi khảo sát về nền báo chí Việt Nam trước 1945, nói một cách nghiêm túc, việc làm của nhà nghiên cứu Trần Đình Ba là một sự chứng minh hùng hồn về sự đa dạng, phong phú của báo chí nước nhà. Anh hoàn toàn có lý khi cho biết: “Những gì chúng tôi thể hiện được trong tác phẩm này với số lượng báo chí được viết ra, thật chỉ như dăm hạt muối trong biển cả mênh mông mà thôi. Do đó, khôi phục lại bức tranh vĩ đại ấy, với khả năng hạn chế của bản thân người viết, cùng sự khan hiếm của về tư liệu, thật sự là một công việc bất khả”.

Nói như thế để thấy công việc này đang cần, rất cần sự tiếp sức của nhiều người, nhiều giới, may ra, chúng ta mới có thể phần nào dựng lại diện mạo của báo chí nước nhà ngày càng rõ nét hơn.

Ngày hôm nay, việc làm có tâm và công phu của Trần Đình Ba đã là một đóng góp. Nói cách khác, nó cũng chính là viên gạch cần thiết, rất cần để chúng ta tham khảo khi góp phần xây dựng hoàn thiện hơn nữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Cần có nhiểu công trình nghiên cứu như thế này, và cũng cần thêm nhiều hiện vật do cá nhân đóng góp hoặc mua lại từ các nhà sưu tập tư nhân, hoặc phục chế lại tờ báo ấy còn lưu trữ rải rác tại thư viện trong vào ngoài nước v.v… thì may ra, phải chừng một trăm năm nữa chúng ta mới có thể sánh cùng Bảo tàng truyền thông báo chí của Mỹ hiện nay đã có.

L.M.Q

(nguồn: Ấn bản đặc biệt 21.6.2024 của Hội Nhà báo TP.HCM).


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com