BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vài suy nghĩ nhân đọc bộ tiểu thuyết của nhà văn Pearl S. Buck

LÊ MINH QUỐC: Vài suy nghĩ nhân đọc bộ tiểu thuyết của nhà văn Pearl S. Buck

448258898_8363521837010355_5275259801004134539_n

Thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học giá trị của nước ngoài đã được tái bản. Điều đó cũng gợi cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Chẳng hạn với bộ tiểu thuyết 3 tập Đất lành, Đời con, Ly tán (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2024) của nhà văn Pearl S. Buck, qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vân Hà, ta thấy gì?

Trước đây, khi viết Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh nhận định: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy ngàn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta”. Nói cách khác, đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Việt gắn liền với đồng ruộng, nông thôn, tức là chúng ta đủ chất liệu và cảm hứng để viết tác phẩm có tầm vóc về đề tài này. Thế nhưng, đến nay chúng ta vẫn chưa có được danh tác như bà Pearl S. Buck.

Bà Pearl S. Buck đã viết về cuộc đời thăng trầm của người nông dân Vương Long (Trung Quốc) yêu mảnh đất của mình, thể hiện qua từng chi tiết nhỏ. Chẳng hạn như lời nhắc nhở của người cha: “Từng này nước đủ để tưới cả vụ lúa đấy” - dạy con về ý thức tiết kiệm ngay cả lúc đổ nước vào cái chậu sâu lòng để lau rửa. Hay lúc nhân vật lên phố đi ngang qua cánh đồng lúa, “máu nông dân nổi lên và anh cúi xuống kiểm tra đầu ngọn lúa. Chúng vẫn chưa trổ bông và đang chờ mưa. Anh hít hà không khí và lo lắng nhìn trời. Mưa ở đằng ấy, trong những đám mây đen, nặng trĩu chờ gió. Anh sẽ mua thẻ hương và đến miếu Thổ Thần khấn vái”. Từng chi tiết nhỏ cho thấy nhà văn rất gần và rất hiểu tâm lý của người nông dân.

Trong bộ tiểu thuyết của mình, bà Pearl S. Buck xây dựng tình tiết kéo dài từ cuộc đời Vương Long cho đến thế hệ con mình. Cuối cùng, cuộc đời của một con người sống từ đất và trở về đất: “Thế là toàn bộ ruộng đất Vương Long tíchcóp cả đời đã được đem chia. Giờ đất đai thuộc về con cái chứ chẳng còn là của lão nữa, trừ mảnh đất nho nhỏ là nơi lão yên giấc ngàn thu. Từ chỗ nho nhỏ kín đáo ấy, thịt xương lão tan ra, thấm vào những tầng sâu của đất; con cái vui vầy trên dương thế, còn lão vùi mình vào lòng đất. Đất là phần mãi mãi thuộc về lão, chẳng ai có thể tước đoạt đươc”.

Thông qua câu chuyện của một dòng tộc yêu đất đai như máu thịt, bà Pearl S. Buck đã khám phá tâm hồn người nông dân Trung Quốc. Ý nghĩa lớn lao tạo nên tầm vóc của một nhà văn lớn chính là đây. Do đó, năm 1938, bà vinh dự nhận được giải thưởng Nobel văn chương - nhà văn Mỹ đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này - cùng lời biểu dương: “Những miêu tả chân thực và đặc sắc về cuộc sống nông dân Trung Quốc”.

Khi danh tác này được tái bản cũng là dịp chúng ta kỳ vọng “đặt hàng” cho nhà văn Việt Nam. Họ luôn đậm tình yêu đối với nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương làng mạc, một ngày nào đó trong tương lai gần, họ sẽ có thể viết một tác phẩm có tầm vóc như Pearl S. Buck?

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 12.6.2024)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com