BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: KÉN CHỌN VẼ NHỌ BÔI HỀ

LÊ MINH QUỐC: KÉN CHỌN VẼ NHỌ BÔI HỀ

 

IMG_20240625_080926

Nhìn về văn học miền Nam đầu thế kỷ XX,  ngay lập tức chúng ta nhớ một ngôi sao sáng, nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng “càng nhìn càng thấy sáng”: cụ Đồ Chiểu. Với các tác phẩm yêu nước thương dân của cụ, ta nhớ đến truyện thơ Dương Từ - Hà Mậu, trong đó có câu:

Từ rằng, khó biết phương theo

Sĩ rằng, lựa phải xuống đèo lên non 

Bàn về chuyện chữ nghĩa, ta hiểu sao về từ “lựa” trong ngữ cảnh này?        Thật hết sức dễ dàng bởi ai cũng thừa biết lựa là chọn/ chọn lựa sự vật/ sự việc theo ý mình, đúng với yêu cầu đặt ra, Chẳng hạn nhân vật của nhà văn Vũ Bằng lần đầu từ miền Bắc vào Nam biết “món lạ miền Nam” là chuột đồng, rồi tự nhủ: “Ừ thì ăn, đã làm sao chưa? Anh ta ghé bên này, ngó bên kia, làm ra cái bộ ngạc nhiên hết sức, nhưng rút lại cũng cứ bám cô Năm đi hết các dẫy hàng ở chợ để xem cô lựa chuột - là trong mớ xô bồ ấy, phải tìm chọn, tìm ra thứ mà mình ưng ý nhất.

Phải công nhận sau khi đọc Món lạ miền Nam, kể cả Miếng ngon Hà Nội, ta thấy Vũ Bằng rất sành ăn, thích ăn ngon, độc đáo nữa còn là khi thưởng thức món ăn qua văn chương của ông hoặc Nguyễn Tuân, Thạch Lam,... khiến ta cảm thấy rất ngon, có khi còn ngon hơn ăn thiệt đó chứ. Nghĩ cũng lạ, các nhà văn chắc gì đã thông thạo chế biến như các tay đầu bếp thứ thiệt nhưng có biệt tài chỉ băng các con chữ đã có thể đánh thức mọi giác quan của người đọc.

Trở lại với từ lựa, ta nhớ đến trường hợp ngay lúc bắt đầu đi hội, mẹ con Cám buộc Tấm ở nhà bằng cách trộn đấu thóc vào đấu gạo rồi bắt Tấm ngồi lựa ra, khi nào làm xong mới được đi. Chiêu này “ác liệt” quá đi thôi, làm sao trong khoảng thời gian ngắn có thể lựa đâu ra đó? Lựa ở đây là tách bạch, chọn lựa để riêng ra từng loại giống nhau, loại này không lẫn lộn với loại khác.

“Lựa”, còn có thể nhìn thấy ở nghĩa khác như “Lựa gió phất cờ”. “Lựa chiều theo gió”, “Lựa gió bẻ buồm”, “Lựa chiều bẻ lái, theo nước lượn thuyền”… là khôn khéo ửng xử, xử lý thuận theo hoàn cảnh, tình thế cụ thể.

Trong chừng mưc nào đó, “lựa” cũng hiểu như “liệu/ liệu chừng” là tính toán, sắp xếp, sắp đặt trước để việc đó diễn ra theo ý mình. Tỷ như lúc về đến Lâm Truy, biết mình bị lừa bán vào nhà thổ, Thúy Kiều uất ức tự vẫn khiến mụ Tú Bả hoảng sợ đến xanh máu mặt. Không những “Cắt người coi sóc, chạy thầy thuốc thang”, mụ còn: “Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần”. Ấy là lúc Tú Bà làm theo lời dạy từ câu ca dao:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Trong Nam có câu “Lựa mặt nói chơi”, lựa ở đây cũng được hiểu như xem mặt/ coi mặt/ chọn mặt. Dù chỉ nói chơi, nói đùa, bông phèng vô thưởng vô phạt thì cũng chọn người, chứ không phải hễ gặp ai cũng mồm mép tép nhảy… Thế nhưng khi phải chọn đúng một người đó, không dùng từ “lựa”, lại dùng từ “kén/ kén mặt” là trong ngữ cảnh “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”.

Tỷ như cô gái kia xuân xanh mơn mởn, bao nhiêu chàng trai “thả thính” nhưng vẫn ngúng ngoẫy, ứ chịu - nói như nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Rằng em còn bé lắm/ (Ý đợi người tài trai)”, tức cô nàng đang “kén mặt”/ chọn mặt của người xứng đáng, nói văn vẻ là đang “kén chồng”. Không những thế, để giữ bo-đì cho đẹp cô còn “kén ăn” là lựa món ăn, nếu không hợp gu thì không cầm đũa, khác với “khảnh ăn”. Năm tháng trôi qua, nếu cô nàng cứ “Kén cá chọn canh” chẳng bề nào dứt khoát, cứ “lửng lơ con cá vàng” không khéo “Xôi hỏng bỏng không” thì nhọ đời xuân sắc.

Rõ ràng kén chọn/ lựa chọn là những cặp từ đôi nhưng cách sử dụng mỗi từ lại khác nhau, tùy trường hợp cụ thể. Đây là một trong những đặc điểm “vi diệu” của tiếng Việt. Ngày xưa trong Nam, chọn trai tráng khỏe mạnh đi lính gọi là “kén lính/ chấm lính”; khi đến tuổi quy định không còn phải đóng sưu dịch cho làng xã nữa, gọi là “đứng kén”; sổ sách ghi tên những người  này gọi là “sổ kén”. Trong nghề trồng dâu nuôi tằm có câu: “Một nong tằm làm năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ”, kén ở đây là từ đồng âm chỉ tổ con tằm.

Trở lại với câu thơ:

Từ rằng, khó biết phương theo

Sĩ rằng, lựa phải xuống đèo lên non 

Phải chăng cụ Đồ Chiểu ngụ ý nói về sự chọn lựa/ kén chọn lúc “xuống đèo lên non”? Tôi dám quả quyết là… sai đứt đuôi con nòng nọc. Nói đùa hay giỡn vậy? Tại sao? Trước khi giải thích, ta hãy quay về với cuộc bút chiến vang dội nhất tại miền Nam, hồi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước Nam ta, vẫn là xướng họa giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, rồi kéo theo hàng loạt sĩ phu khác cùng vào cuộc. Qua đó, hậu thế không chỉ được thưởng thức những áng thơ hay mà còn biết được khí phách, bản lĩnh của sĩ phu chân chính ở miền Nam. Khi văn nhân Tôn Thọ Tường bào chữa:

Khó lòng mình biết lòng mình khó,

Lòn lỏi công trình kể mấy mươi.

Cụ Phan Văn Trị mắng ngay:

Đứa dại trót đời già vẫn dại,

Lựa là tuổi mới một đôi mươi.

Lưu ý câu thơ cuối, có từ “lựa”, ta thử so sánh với từ “lựa” trong Dương Từ - Hà Mậu vừa trích dẫn, kể cả trong Lục Vân Tiên: “Đó mà biết nghĩa thủy chung/ Lựa là đây phải theo cùng làm chi” v.v… “Lựa” trong các ngữ cảnh này không liên quan gì đến nghĩa ta vừa bàn mà hàm nghĩa huống chi, nữa là, đâu cứ phải, đâu nhất thiết phải… Có điều hết sức lý thú là “lựa” hiểu theo nghĩa này, ngoài Bắc lại dùng từ “lọ”, thí dụ:

Chín trùng nằm miễn yên giấc

Nước đã yên, lọ hỏi nhà

(Hống Đức quốc âm thi tập)

Rường cao rút ngược dây oan

Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người

(Truyện Kiều)

Tuy nhiên, khi đọc những câu ca dao này, nếu hiểu “huống chi, nữa là”, ta sẽ thấy cực kỳ tréo ngoe, vô nghĩa, thí dụ:

Số giàu đem tới dửng dưng

Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu

Khôn ngoan tâm tính tại lòng

Lọ là uống nước giữa dòng mới  khôn

Lọ ở dây lại là từ đồng âm hàm nghĩa “cần gì, cần gì phải”. Ở nghĩa nảy, người miền Nam cũng sử dụng nhưng vẫn dùng từ lựa. Trở lại với nhân vật cô Năm của nhà văn Vũ Bằng, lúc lựa thịt chuột ở chợ An Giang: “Cô nói với vợ tôi, nhưng lại lúng liếng con mắt về phía tôi: - Chị Tư đã biết quá rồi, lựa là phải nói, nhưng anh Tư đây có lẽ chưa biết rõ nên cứ nói nghe chơi”. Câu văn này chứng tỏ tác giả Món lạ miền Nam ghi rất đúng cách dùng từ của người miền Nam.

Với từ “lọ” ngoài nghĩ “huống chỉ, nữa là “cần gì, cần gì phải” thì lọ cũng lá… cái lọ, là cái bình nhỏ bằng sành, bằng sứ. Tôi đồ rằng, quý cô quý bà khi chọn người “nâng khăn sửa túi” bao giờ cũng tự nhủ: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen”. Không những thế, còn là: 

Bõ khi xắn váy quai còng

Cơm niêu nước lọ cho chồng đi thi  

Xưa cũng như nay:

Dù em lấy được chồng khôn

Như lọ vàng cám chôn ngay đầu giường

Các từ lọ này, cho thấy lọ củng là bầu, ve dùng đựng chất lỏng như lọ nước, lọ rượu hoặc loại hạt nhỏ như lọ vàng, lọ mè v,v.. tùy mục đích. Tục ngữ có câu “Chê anh một chai phải anh hai lọ”, rõ ràng chai và lọ cũng y chang nhau. Éo le thiệt, không khác gì “Tránh võ dưa, gặp võ dừa”, tránh Lưu Linh lại gặp… Chí Phèo cũng một phường bợm nhậu thì “xong phim”, chịu trời không thấu.

Khi “lựa” hoán đổi qua “lọ”, lại cùng nghĩa với “nhọ”. Có cách nói tương tự như lọ nồi/ nhọ nồi, tức lọ nghẹ là khói ám giàn bếp, bám dưới đít nồi, xoong, trã… khi nấu bằng củi than; lọ lem/ nhọ nhem v.v… Thật ngộ nghĩnh khi ta đọc câu văn miêu tả về lọ nồi ở miền Nam: “Muốn bắt lọ nồi thay vì thợ rừng thường bắt chó đi săn, hễ nghe tiếng sủa, lọ nồi sợ lắm rút trốn vào mấy lùm lá rậm, chứ không dám chuyền từ nhánh cây này qua nhánh cây khác, sợ e lọt xuống đất bị chó vật chết. Thợ săn cứ trèo lên cây dùng dây mà vòng vào cổ, rồi trói lại quăng xuống đất” (Nghê Văn Lương, Cà Mau xưa và An Xuyên nay - Trung tâm học liệu XB năm 1972, tr.97).

Lọ nồi là con gì? Có tra từ điển cũng… bù trất. Xin thưa, đó là cách nói của người miền Nam nhằm chỉ… loại khỉ đen đầu. Đã thế lại còn có cách nói “làm quẹt lọ” - nói như người Bắc là “làm như mèo mửa”, làm vấy vá, qua loa đại khái, làm cho có, làm như giỡn chơi...

Do người Bắc dùng từ “nhọ”, nhà văn Vũ Trọng Phụng mới đặt tên tập phóng sự của mình là Vẽ nhọ bôi hề - nhưng đây lại là cụm từ dùng để chỉ đời sống, sinh hoạt của đào kép hát. Còn nếu ai đó phê bình ai đó: “Con cái gì hư hỏng thế, chỉ nhọ mặt bố mẹ”, ta hiểu bố mẹ “xấu mặt” mắc cỡ, xấu hổ với thiên hạ vì đứa con làm việc trái khoáy nào đó. Nghe thế, có người tặc lưỡi: “Con với cái, bố mẹ đi làm đến nhọ mặt người mới về đến nhà, thế mà nó chẳng biết thương”. “Nhọ măt người”, không phải chỉ vết nhọ, vết đen lem luốc/ nhem nhuốc trên gương mặt cụ thể nào mà cho biết lúc ấy, trời nhá nhem chập choạng tối, không nhìn rõ mặt người…

Về đứa trẻ hư hỏng đó, nếu không sửa đổi tính nết, không khéo về sau “nhọ đời”, nói hoạch toẹt ra là đời đen thui không mấy sáng sủa, người ta không chỉ ví von “đen như nhọ nồi” mà có cách nói phê phán, mỉa mai… “đen như mõm chó”.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - 25.6.2024)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com