BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà báo MINH HIỀN - Một người cầm bút chân chính

LÊ MINH QUỐC: Nhà báo MINH HIỀN - Một người cầm bút chân chính

10

 

Nghề báo thật lạ lùng. Có người đến với nghề, giỏi nghề nhờ qua trường lớp đào tạo bài bản; có người “nghề dạy nghề” từ thực tiễn công việc; nhưng độc đáo nhất là có cô bé đến với nghề lúc chỉ mới 13 xuân xanh, thoát ly đi kháng chiến còn vì “trong lòng ấp ủ một chí hướng riêng bắt nguồn từ mấy chữ Báo Giải Phóng”.

1. Khi vào đến chiến khu tại vùng giải phóng ở Tây Ninh - sát căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nhiệm vụ đầu tiên cô được giao là nghe radio rồi chép lại tin đọc chậm trên Đài Phát thanh Giải phóng. Đây là nguồn chính thống nên trong các buổi họp giao ban, cô được gặp gỡ, báo cáo, bàn luận với chú bác mà sau này đều là những nhà báo tiếng tăm như Kỳ Phương, Trần Tâm Trí, Trần Đình Vân, Tô Quyên, Lê Phan… Đặc biệt còn có cả luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - người đứng tên Chủ nhiệm tờ báo.

Cô bé ngày xa xưa ấy chính là nhà báo Minh Hiền.

2. Câu chuyện về nhân vật đặc biệt này được kể trong tập sách Quyết liệt sống (Nhà xuất bản Trẻ, 2024) của Nguyễn Hồ - Minh Hiền và nhiều tác giả. Tập sách còn cho người đọc những cảm nhận thiêng liêng của tình chồng nghĩa vợ. Nếu không là người chồng của nhà báo Minh Hiền - nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ - chắc chắn tập sách này khó có thể thực hiện một cách chu toàn và đầy đủ.

 

Đơn cử như ở phần 1 - Kể chuyện những năm tháng đã qua, cuộc đời của nhà báo Minh Hiền đã được Nguyễn Hồ tái hiện qua các tài liệu có liên quan, từ đó còn kể lại đời sống báo chí, gia đình, như “tự truyện” của 2 người. Muốn được thế, anh phải nhọc công tìm tòi, xử lý cả kho tài liệu trải dài theo năm tháng. Nếu không vì tình yêu, đồng hành việc làm của vợ thì khó có thể.
Thật thú vị khi ta biết về ngày Doanh nhân Việt Nam, chính nhà báo Minh Hiền là người có công đầu đề xuất, tác động bằng báo chí để từ ý tưởng trở thành hiện thực.

Một phần đời riêng khi chị nằm trên giường bệnh để vượt qua cuộc chiến sinh tử cũng được thể hiện trong phần 2 - Hãy nắm tay em đi. Từ tháng ngày đó, anh Nguyễn Hồ đã ghi nhật ký với tất cả lòng yêu thương chan chứa. Mở đầu từ ngày 1/12/2013, “Trang Thế Hy: “Nếu không biến nỗi buồn thành người bạn đường thì cũng đừng để nó nhận chìm mình trong trầm cảm”. Thật chí lý thay. Hiền coi đây là châm ngôn sống và viết. Hiền đã và sẽ không bao giờ để mình bị chìm trong
nỗi buồn”…

Nhật ký kết thúc vào ngày 23/4/2016, anh viết: “Khi tỉnh lại mấy giây, Hiền lại thều thào: Về-nhà-đi. Cố gắng cuối cùng chỉ còn một tiếng: N-H-À”. Nếu không sống cạnh nhau trong từng khoảnh khắc, người chồng khó có thể ghi được chi tiết hết sức cảm động này.

3. Một khi nói đến nhà báo thì phải nói đến tác phẩm báo chí của họ, dù vẫn biết công việc trong tòa soạn “mỗi người mỗi việc” chứ không phải ai cũng viết. Trường hợp Minh Hiền lại khác. Từ thuở ngồi chép lại những bản tin đọc chậm của Đài Phát thanh Giải phóng, làm thợ sửa morasse của nhà in, đến lúc giữ cương vị Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, Tổng biên tập bản tin Công Thương và Báo Doanh nhân Sài Gòn… chị vẫn viết đều đặn, cũng là một cách để trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề thời cuộc liên quan đến chính trị, xã hội, văn hóa…

Các bài báo tiêu biểu của nhà báo Minh Hiền được chọn giới thiệu trong phần 3 - Trời kêu nhưng tôi không dạ & 20 câu chuyện khác. Đó là các bài phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng như Thủ tướng Phan Văn Khải, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung... hoặc viết về nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, nhà báo Kỳ Phương - Tổng biên tập đầu tiên của Báo Giải Phóng, nhà báo Thái Duy - tác giả tác phẩm Sống như anh, nhà báo Ngô Công Đức - Chủ nhiệm Báo Tia Sáng trước năm 1975 tại Sài Gòn, nhà văn Trang Thế Hy…

Ấn tượng còn nằm ở những trang viết của chị trong tháng ngày nằm bệnh. Tôi dừng lại với chi tiết: “Lúc đó, tôi cố giấu giọt nước mắt sợ hãi. Nhưng mình phải làm gì? Buông xuôi cho số phận bệnh tật hay cố gắng tối đa giành lại sự sống? Câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi. Có một lần anh Chấn Hùng (bác sĩ - NV) hỏi tôi có yêu cầu gì không? Tôi nói, anh ráng giúp tôi điều trị tốt nhất để tôi có thể sống được 5 năm, nhìn con trai tôi đủ tuổi trưởng thành. Động lực gần như là duy nhất đó giúp tôi thêm sức chịu đựng”. Tôi nghe cay cay ở khóe mắt. Tấm lòng của một người mẹ, trong sâu thẳm của những trang viết quyết liệt, làm báo quyết liệt, tình thương chị dành cho con vẫn bao la, đong đầy như tất cả người phụ nữ bình thường khác.

Những đánh giá về vai trò của nhà báo Minh Hiền, đồng nghiệp dành cho chị, tập trung ở phần 4 - Nhớ một người thương nghề. Đó là “một phụ nữ kỳ lạ” (Nguyên Ngọc), “quyết liệt sống” (Thủy Cúc) “một phụ nữ kiên cường” (Nguyễn Thế Thanh), “sống chết với nghề” (Trần Trọng Thức), “một đời làm báo” Trần Thanh Phương… Thời gian chị làm việc tại Báo Phụ nữ TPHCM, phóng viên Hữu Bảo kể lại: “Với chị, “tử tế” (khi ấy chưa là từ thời thượng) mới là cái quý nhất ở một nhà báo chứ không phải là khả năng sử dụng chữ nghĩa. Một bài báo hay không nhất thiết phải là một bài báo tốt, nhưng không được phép có mùi tiền hay phủ bóng quan hệ khuất tất. Có lần chị nói với tôi rằng, không gì bảo vệ một nhà báo hữu hiệu hơn sự tử tế, trong sáng của chính ngòi bút nhà báo ấy”. Quan điểm này vẫn chưa bao giờ lỗi thời.

Tập sách Quyết liệt sống, viết về nhà báo Minh Hiền nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, không chỉ giúp bạn đọc thêm hiểu nghề báo mà còn là lúc nhà báo nhìn lại vai trò của mình qua một con người cả một đời theo nghề, đã hoàn thành sứ mệnh “phụng sự bạn đọc” đúng nghĩa của một người cầm bút chân chính: nhà báo Minh Hiền.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 21.6.2024)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com