BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Chí chóe dậy mẩy

LÊ MINH QUỐC: Chí chóe dậy mẩy

 

IMG20240713055633



Tay không lẫm liệt oai hùng

Thế mà thiên hạ nức lòng hoan nghênh

Môn giễu cợt tài tình có một

Khiến đời cười nôn ruột nôn gan

Thơ của ai đấy? Viết về nhân vật nào? Xin thưa thơ của đệ tử chân truyền” Tú Xương là Tú Mỡ viết về nghệ sĩ lừng danh Charlie Chaplin (1898 - 1977)/ Ông vua cười này, còn gọi Charlot, ta quen gọi một cách nôm na, thân mật “Sạc - lô” hoặc “Cha-lốt”. Nhiều thế hệ vẫn còn như in dung ngộ nghĩnh của ông. Nhớ lại và cười tủm tỉm. Sở dĩ Tú Mỡ viết về Chalot là do: Năm 1936, sau khi quay xong phim Thời đại mới, ông Sạc-lô cùng với cô Paulette Goddard làm một chuyến viễn du. Từ Los Angeles, họ đáp tàu thủy sang San Francisco.

Tại đây, ban đầu họ định đi Trung Quốc, nhưng sau đó đổi ý, đi Honolulu. Sau đó, họ đến Nhật, Singapore, Hong Kong và Việt Nam. Trong chuyến đi này, Charlot và Paulette Goddard “đã làm lễ cuới bí mật trên một chiếc tàu chạy giữa sông Thái Bình Dương và tận hưởng tuần trăng mật” (Sạc-li Sa-plin của Phạm Văn Khoa - NXB Văn hóa - 1984). Khi đến Hà Nội,  hai người đã ở tại khách sạn Métropole.

Sự xuất hiện của họ lập tức trở thành “sự kiện báo chí” thời ấy. Hầu hết các báo đều đồng loạt đưa tin với tất cả những gì ưu ái nhất. Trên báo Phong Hóa (số 186 ra ngày 8.5.1936), nhà thơ Tú Mỡ đã kịp thời có bài thơ khắc hoạ “chân dung nhân vật” và trở thành nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết về Chalot:

Chẳng mấy khi Vua hề Sạc-lố

Đất Lạc Hồng quá bộ sang chơi

Tú tôi vui vẻ dâng lời

Tung hô vạn tuế vui cười thế gian

Khi sang nước Nam ta, có những điều gì khiến Vua hề Sạc-lố ngạc nhiên đến mức… kinh ngạc? Nhiều. Rất nhiều. Chỉ xin trích lấy mẩu đối thoại giữa ông với nhà văn Thạch Lam in trên Phong hóa (số 185 ra ngày 1.5.1936). Khi trò chuyện với tác giả Gió đầu mùa, ông hỏi:

- Tôi xin lỗi, tôi hỏi ông một câu. Từ khi sang đây, tôi hằng thấy ở các vệ hè thành phố, những ngày nắng từng túm tụm đàn bà, con gái ngồi. Một người xõa tóc, còn một người bới tóc và thỉnh thoảng họ đưa tay lên mồm. Họ làm gì thế thưa ông?

- Họ... họ... ngồi phơi nắng!

- Phải, cái đó tôi biết rồi. Ở bên Mỹ chúng tôi cũng ngồi phơi nắng luôn. Nhưng còn cái việc khác kia?

- À... ấy là họ bắt chấy cho nhau.

- Bắt chấy! Trời ơi họ lại ăn chấy nữa à?

- Ăn rồi nó cũng quen đi”.

Hiểu ra làm sao về câu giải thích của nhà văn Thạch Lam? Chỉ là cách nói giả lả cho “qua truông” đó thôi. Có điều khi người miền Bắc nói “chấy”, trong Nam lại dùng từ “chí” như câu cửa miệng “Đầu ai chí nấy”. Ủa, hóa ra khi nói: “Có chí thì nên”, vậy trên đầu cần có chí? Đùa dai nhỉ? Chí là từ Hán-Việt đồng âm nhằm chỉ ý hướng, ý muốn to lớn mạnh mẽ, lòng dạ quyết tâm phải làm nỗ lực hết sức để đạt đến điều nào đó, thí dụ “Có chí làm quan, có gan làm giàu”… Cái chí ấy thật tức cười trong câu “Độ này chí quyết buôn to/ Buôn trấu rấm bếp, buôn tro trồng hành” (Ca dao) là cách nói tự trào hoặc mỉa mai ai đó đã quyết chí vào những việc ất ơ, chẳng đâu vào đâu… Ông Tú Xương có câu thơ phê phán những kẻ “trưởng giả học làm sang”:

Chí cha chí chát khua giầy dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là

“Chí cha chí chát” lại là mức độ cao hơn của “chí chát” nhằm chỉ âm thanh đanh của vật cứng liên tiếp va dập vào nhau phát ra tiếng nhỏ tiếng to, nghe chói cả tai. Làng văn làng báo nước ta có Nguyễn Hải Chí, khi vẽ tranh châm biếm ông ký bút danh Chóe. Sở dĩ vậy, bởi ta có từ “chí chóe” - là âm thanh lộn xộn, nhỏ to đan xen như ai đó bảo: “Mấy đứa trẻ cãi nhau chí chóe”. Thật thú vị, ai cũng biết con chí nhỏ xíu nhưng về kích cỡ của nó, người Việt mình phân biệt rất hay: con chí to gọi chí đực, chí mới nở gọi chí mén. “Mén” có nghĩa là nhỏ lắm hoặc mới sinh mới nở.

Một khi nói đến chí/ chấy ắt ta lại nhớ đến… rận. Nhớ là phải thôi. Ai lại không nhớ đến câu “Đầu chấy mẩy rận”. Đầu tóc bù xù như ổ quạ, không tắm gội sạch sẽ biết đâu có chấy đấy chứ? Thế “mẩy” là gì mà lại có rận? Để giải thích, cách tốt nhất là ta lại nhớ đến câu “Đau mình đau mẩy”. Mình là một bộ phận trong thể con người như ta thường nói đầu, mình và tay chân. Mình còn gọi “mình mẩy”, đây là từ đôi mà cả hai từ củng có nghĩa là “mình”. “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng có câu thơ ngẫm ra thị vị lắm đây:

Tấm quần em rách đường tơ

Cỏ trong mình mẩy bâng quơ mọc nhiều

Ủa, sao cỏ lại mọc trong mình mẩy? Hỏi xong ắt… cười. Do chỉ mới đoán/ phỏng đoán có thể là vậy nhưng chắc gì, vậy, Bùi Giáng bèn hỏi lại cho chắc ăn:

Bây giờ em đứng nơi đâu 

Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?

Nói theo giọng Quảng Nam: “Hủa chi lọa rứa trời?”. Thế thì, xin hỏi nghiêm túc, nếu Sạc-lô nhìn thấy người ta bắt chấy trên tóc rồi đưa vào miệng cắn rôm rốp thì có ai… cắn rận không? Có đấy. Đấy là nhân vật ông lang rận trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, lúc cởi áo: “Thỉnh thoảng gặp những lúc không có việc gì làm, anh ta ra ngồi đầu hè cởi ra, nhặt rận đưa lên miệng nhấm kêu lép bép. Còn gì tởm cho bằng cái cảnh một ông lang trần trùng trục ngồi bắt rận trong một nhà sạch sẽ như nhà bà cựu…”. Qua miêu tả của cha đẻ Chí Phèo, ông lang Rận đích thị Đầu chấy mẩy rận”.

Mẩy còn hiều theo nghĩa khác nữa, thí dụ, Sau khi thu hoạch mùa màng, vốc trên tay nhúm thóc, một người bảo; “Năm nay mưa thuận gió hòa, hạt thóc mẩy quá”. Mẩy là to đầy, to chắc, nở nang. Trái ngược với “mẩy/ hat mẩy” là “lép/ hạt lép”. Nếu dùng chỉ con cua béo mập, chắc thịt, người ta cũng gọi cua mẩy. Loại cua chắc thịt này, kinh nghiệm cho biết chỉ có thể là cua gạch, vì thế mới có câu “Chắc như cua gạch”; tuy nhiên từ trái nghĩa không phải “lép” mà phải là “óp/ cua óp”. Từ điển Việt-Bồ-La (1651) cho biết cua óp còn gọi “Cua rỗng và cũng nói như vật với những vật khác, bị giảm bớt theo tuần trăng”. Mức độ cao hơn óp là óp xọp.

Từ óp nảy, Việt Nam tự điển (1931) lại ghi “ốp”, Đại từ điển tiếng Việt (1999) ghi nhận “óp” lẫn “ốp” dù cũng hiểu như nghĩa vửa nêu trên. Mà, khi nói đến “ốp” lại còn có nghĩa tương tự như “áp”, thí dụ, một người bảo: “Khi xây tường, tôi còn ốp thêm gạch tráng men”, là phụ vào, áp vào; hoặc ai kia cho biết: “Lúc bão lụt, vừa nghe tiếng trống báo động, lý trưởng liển ốp phu phen đi đắp đê”, là đốc thúc, thúc giục; hoặc ai kia có lời bình: “Thời buổi này đã bia bọt tè le mà còn chạy xe, công an ốp ngay đấy” là bắt, giữ lại.

Trong nghi lễ hầu đồng của Đạo Mẫu Việt Nam có cụm từ quen thuộc “Thánh ốp đồng”. Ta hiểu thế nào với từ “ốp” trong ngữ cảnh này? Thiết tưởng khi khảo sát “hồn vía” của các từ trong tiếng Việt, qua đó, cũng là lúc chúng ta cần tìm hiểu nét văn hóa đã thể hiện trong các từ đó, có như thế, mới thấy sức sống của nó đã vận động, sử dụng ngay trong đời sống với tất cả biểu cảm, tình cảm, ý nghĩa… chứ nào phải chỉ là cái vỏ của âm thanh.

Có thể hiểu nôm na, “thánh” là thần linh. Về từ “đồng”, nhà nghiên Ngô Đức Thịnh cho biết: “Đồng là từ gốc Hán chỉ người con trai dưới mười lăm tuổi với tư chất trong trắng, ngây thơ, ngây thơ để thần linh có thể nhập vào. Dần dần về sau người ta dùng để chỉ cô gái thay thế các thiếu niên”. Trong tập sách Đạo Mẫu Việt Nam (NXB Tôn Giáo-2009), ở đoạn này, dù nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh không sử dụng từ “ốp” nhưng lại giải thích cho câu “Thánh ốp đồng”.

Rằng, trong nghi lễ lên đồng: “Sau khi làm lễ và xin phép mọi người được làm lễ nhập đồng, ông Đồng hay bà Đồng trùm khăn đỏ lên đầu để thực hiện nghi thức Thánh giáng, một nghi thức quan trọng bậc nhất trong hầu đồng. Bà Đồng hay ông Đồng trùm khăn phủ diện, hai tay chắp dâng ba nén hương, đầu và thân lắc lư cho tới khi nào Thánh giáng (nhập) thì buông các nén hương, rùng mình, tay báo hiệu Thánh thuộc hàng thứ bậc nào. Lúc đó cung văn vừa tấu nhạc và xướng văn chầu phù hợp với vị Thánh vửa giáng” (tr.86).

Rõ ràng, “ốp” trong ngữ cảnh “Thánh ốp đồng” còn có nghĩa là “nhập vào”. Bây giờ, hầu như không mấy ai nhớ đến nghĩa của cách nói như “làm ốp chát” - là làm oan uổng, làm lấy lệ cho có, không bài bản;  “nói ốp chát” là nói như phang vào mặt người ta, không kiêng dè, không “uốn lưỡi bảy lần trước trước nói”, nói bằng thái độ của kẻ ngang ngược “chặt tre không dè đầu mắt”, nói tưới xượi khiến người nghe vuốt mặt không kịp…

Trở lại với tới từ “mẩy”, ngày xưa trong Nam có từ “dậy mẩy” - dấu vết này, trong di cảo Dở Mắm (NXB Trẻ- 2015), học giả Vương Hồng Sển vẫn còn sử dụng. Cụ kể về thời học trường Chasseloup (nay trường Lê Quý Đôn) những năm 1919 đến 1923: “Chúng tôi, học xóm bản xứ (quartier indigène), có một cắc, đưa cho anh Hai Huế cu-li, đến tối anh đem lên lầu sẵn cho mình một bầu (broc) nước trà nóng và một giề cơm cháy to bằng chiếc nón bài thơ, trường nấu cơm bằng chảo đun, cơm khê cơm khét dán sát đáy chảo ấy, dư nhiều bán cho heo ăn, ấy cơm cháy ấy, đối với chúng tôi, tuổi mười bảy mười tám đang thời dậy mẩy ấy, nó ngon kỳ ngon cục” (tr.44).

Từ “dậy mẩy” này, theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “Nở da, nở thịt, dậy vú, nói về con gái 16, 17 tuổi mới lớn lên”; tất nhiên cũng dùng cho cả con trai. Nay, cỏn có cách nói khác là “nhổ giò”, “bể tiếng” “dậy thì”... Ở lứa tuổi “dậy mẩy” ấy, người ta  bảo “Tuổi mười bảy bẽ gẫy sửng trâu”.

Nếu “mẩy” không có dấu “ớ” (^) để trở thành “mảy” thì sao nhỉ? Chẳng sao cả. Vẫn có nghĩa, tức nhìn rộng ra, vốn từ của người Việt giàu đẹp, trong sáng và phong phú, đa dạng thừa sức diễn đạt chu toàn mọi sự vật/ sự việc đâu ra đó. Thí dụ, nhiều người đã đọc tác phẩm Chinh phụ ngâm, có lẽ còn nhớ đến tâm sự của người đàn bà lúc vò võ năm canh ngóng đợi, trông ngóng người chồng nơi vùng chiến địa. Rồi nghĩ thân phận mình còn thua cả loài vật, cỏ cây bởi chim én lứa đôi, chim chích liền cánh, liễu liền cành, sen nở nhụy đôi hoa, tất cả “Sánh đua trọn kiếp, mảy rời phút giây”.  

Vậy, mảy nghĩa là sao?

Từ điển Việt-Bồ-La (1651) giải thích: “Mảy, một mảy, một chút, Một ít, một chút, ‘chẳng có một mảy’: Chẳng có một chút gì, một cái cũng chẳng có”. Truyện thơ Lâm tuyền kỳ ngộ có câu:Mảy chút trần ai chi khấng lụy/ Thanh nhàn còn đợi thú lâm tuyền” là hiểu theo nghĩa này. Khấng/ chi khấng trong câu trên là không ưng, không chịu; còn có cách nói tương tự là “khứng”, trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã sử dụng: “Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ/ Trời ban tối ước về đâu”… “Mảy” còn xuất hiện trong tư thế ngồi/ ngồi tréo mảy là ngồi gác đùi nọ qua đùi kia, còn gọi ngồi vắt mảy.

Ngoài từ “mảy”, ta còn có “mảy may” cùng nghĩa. Một khi nhắc đến từ “mảy may” riêng tôi lại dội về cảm xúc mãnh liệt, khi nhớ đến bài thơ “Hữu không” của thiền sư Đạo Hạnh (?-1117). Bài thơ này nguyên tác chữ Hán: “Tác hữu sa trần hữu/ Vi không nhất thiết không/ Hữu không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không”. Thơ văn Lý Trần (NXB Khoa học Xã hội - 1977) của Viện Văn Học dịch nghĩa như sau: “Bảo là ‘có’ thì từ hạt cát, mảy bụi đều có/ Cho là ‘không’ thì hết thảy đều không/  ‘Có’ với ‘không’ như ánh trăng dưới nước/ Đừng có bám vào cái ‘có’, và cũng đừng cho cái ‘không’ là không”. Tương truyền nhà sư Huyền Quang (1254-1334) đã dịch:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Vừng trăng văng vặt in sông

Chắc chi có có, không không mơ màng

Với từ “mảy may/ Có thì có tự mảy may”, không một ai có thể thay thế bằng từ khác hay hơn, chính xác hơn và khái quát hơn. Vì rằng, do am tường tiếng Việt, giỏi tiếng Việt nên người dịch dùng từ “mảy may” dành chỉ sự vật nhỏ xíu, rất nhỏ là rõ ràng đã đạt đến cái hay “bá cháy”, cực đỉnh vì thế nó đã tồn tại như một bài thơ độc lập và hoàn chỉnh. 

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG đầu tháng 5.7.2024)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com