Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Chầu là gì? Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Bởi chữ triều đọc trạnh. Đi hầu chực vua chúa: Các quan đi hầu vua. Nghĩa rộng: Cùng hướng về một phương nào: Long hổ chầu về huyệt”. Chầu cũng là hầu. Mà đứng hầu/ chầu vua thì nghi tiết, nghi lễ phải long trọng. Còn tế là cúng/ cúng tế/ lễ tế. Hễ những ai “Vái lạy lia lịa, miệng ca cẩm van xin, cầu khẩn, ví như động tác của người cầu khấn trời đất” thì được ví “Lạy như tế sao” (Từ điển thành ngữ Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin - 1994, tr. 373).
Có phải trong lúc “rồng chầu” ngoài Huế thì “ngựa tế” ở Đồng Nai được hiểu như trên? Không. Tự điển Viêt - Bồ - La (1651) giải thích “tế” có nghĩa là chạy. Ngựa tế là ngựa chạy/ chạy mau, chạy đều bốn chân; “tế riết” là chạy hoài, chạy mãi, chạy riết, không nghỉ chân. Trong Lục súc tranh công khi tỵ nạnh với dê, ngựa bảo: “Dê, người cho ăn nhảy chơi bời/ Ngựa, người bắt kỵ biều, luân tế” - tức bị người cưỡi, phải chạy luôn không nghỉ. Còn dê “Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc/ Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn”. Tế kiệu còn gọi nước kiệu/ chạy nước kiệu: “Ngựa hay chẳng quản đường dài/ Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng” - tức chạy chậm/ chậm rãi, trái ngược với chạy nhanh.
Vậy nên, ở câu ca dao “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai” có sự đối xứng rõ ràng về từ trái nghĩa: đứng/ chạy. Mà trái nghĩa với đứng, đôi khi còn là nằm. Chẳng hạn, một đứa trẻ sinh ra đời, tía má/ cha mẹ/ thầy u nào cũng mong muốn nó lúc đến tuổi trưởng thành “Có đôi có đũa” - thành ngữ này nhằm chỉ về việc dựng vợ gả chồng. Vì lẽ đó, khi nói đến đũa đứng/ đũa nằm, ta hiểu ám chỉ về sự tréo ngoe, ngăn cách giữa chàng/ nàng; trai/ gái. Hò Huế có câu:
Ơ… ơ… hơ… Cơm bữa mô bát ăn bát để
Đũa mô đũa đôi đứng đôi nằm
Ví dầu thầy với mẹ có đánh chín chục một trăm
Đánh rồi ngồi dậy, thiếp vẫn nhất tâm… hò ơ… thương chàng
Nghe câu hò này, có người bình: “Rõ ràng, cô gái này cứng đầu, lì lợm lắm đây”, người kia gật đầu hùa theo: “Cô ta bị mẹ tế cho một trận nữa là cái chắc”. Tế ở đây lại là chửi mắng ầm ĩ, tới tấp khiến người nghe vuốt mặt không kịp, chỉ còn có nước chui xuống đất cho đỡ thẹn. Trong tác phẩm Tắt đèn, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Thợ cày và tuần phu đều biết cái hách dịch của ông Lý, ai nấy chỉ đáp lại những câu chửi chùm chửi lợp bằng sự nín im”. Rõ ràng, lúc “chửi chùm chửi lợp” là ông Lý đang “tế”.
Ở câu hò Huế nêu trên, đứng/ nằm là từ trái nghĩa. Không có thế, còn có đứng/ ngồi. “Khi khoan chửa chán thời khi nhặt/ Đánh đứng không thôi lại đánh ngồi” (Hồ Xuân Hương); hoặc “Con lợn khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Có thể nói, trong tiếng Việt, các từ trái nghĩa cực kỳ phong phú chẳng hạn, một khi nói về giới tính nói chung, ta có những “cặp đôi hoàn hảo” như nam / nữ; trai/ gái; đàn ông / đàn bà; trống / mái; đực / nái; đực / sề; đực / cái… Một người bảo: “Dạo này tớ thất nghiệp, chỉ bữa đực bữa cái cho qua ngày”, thì đực/ cái lại chỉ về bữa ăn mà bữa có/ bữa không, bữa đỏ lửa/ bữa treo niêu, bữa cơm nhà/ bữa cơm bụi...
Mà, trong cái sự ăn hàng ngày, đối với người Việt vẫn chọn “Cơm tẻ mẹ ruột”. Vậy, ta hãy quan sát trường hợp, khi chở người vợ mới cưới dạo phố, nhìn thấy câu khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”, người chồng hớn hở: “Này mình, có nếp có tẻ thì nhà mình hạnh phúc lắm đây”. Thì nếp / tẻ lại hàm nghĩa chỉ con trai / con gái, thằng cu/ cái đĩ... “Có nếp mừng nếp, có tẻ mừng tẻ” là vậy. Nếu chỉ sinh con gái, lại có cách nói: “Chỉ rặt một lũ vịt giời / vịt trời”. Ở Huế, người ta còn dùng từ “tằm” (chỉ con trai) “bẹp” (chỉ con gái). Nhân đây, nhắc lại câu đối khuyết danh được nhiều người khen hay:
Cũ hay, mới cũng hay, tâm niệm kiến thành dâng Tổ khảo;
Nếp có, tẻ cũng có, cám ơn dày phận khởi long vân.
Này, cô Hai khi chứng kiến cảnh hạnh phúc này, biết đâu có ai kia thở dài não ruột:
Em đang vút nếp xôi xôi
Nghe anh có vợ thúng trôi nếp chìm
Tội nghiệp quá. Nhưng về ngữ nghĩa, à, câu này có gì khiến ta ngờ ngợ, phải nấu xôi thì mới chính xác chử? Không. Cùng là hạt thóc “Có thóc mới bóc ra gạo” - dùng làm lương thực chính, muốn thế, phải trải qua những công đoạn như “Giã ơn cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có tao”, “Ăn quả nhớ kẻ trẻ trồng cây/ Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng”.
Ông bà ta bảo: “Muốn ăn thì lăn vào bếp. Với “gạo tẻ”, ta dùng từ “nấu” - một động tác hết sức quen thuộc diễn ra thường xuyên trong ngày: “Giàu một ngày ba bữa, khó đỏ lửa ba lần”. Lại còn có cả kinh nghiệm: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”; kể cả “Cơm ráo cháo nát” thì mới ngon - câu này còn ngụ ý đã làm việc gì phải làm đến nơi đến chốn. Còn “gạo nếp” thì phải “xôi/ xôi xôi” - nhằm chỉ động tác nấu cách thủy, dùng hơi nước xông lên cho chín hạt gạo nếp. Dù cũng “nấu cách thủy” nhưng tùy sự vật, ta còn có từ “chưng”, thí dụ, cá chưng, mắm chưng…
Tuy nhiên, ta vẫn còn nghe câu nói quen thuộc như thổi cơm/ thổi xôi. Sở dĩ như thế vì ngày xưa do nấu bằng củi, than, thông thường người ta đặt ống tre vào miệng bếp lò để thổi hơi vào đó cho lửa phừng lên, bởi thế có câu: “Đũa trui đũa bếp có đôi/ Cái ống thổi lửa mồ côi một mình”. “Thổi” nhằm chỉ động tác: “Chụm miệng mà phì hơi cho lửa cháy lên để làm chín các đồ ăn” - theo Việt Nam tự điển (1931). Nay, dẫu nấu bếp dầu lửa, bếp gas không cần dùng ống thổi nhưng ta vẫn dùng từ thổi cho thổi cơm/ thổi xôi. Rõ ràng, từ động tác “thổi”, còn hiểu là “nấu”, Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã ghi nhận.
Với tẻ/ gạo tẻ còn có đồng âm, thí dụ, “Tẻ vui cũng một kiếp người” (Truyện Kiều) thì tẻ trái ngược với vui là buồn tẻ/ tẻ nhạt/ tẻ ngắt/ nhạt nhẽo… “Ngồi tém tẻ” là cách nói của người miền Nam, ông Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích: “Ngồi có ý tứ, không để quần áo hở hang”. Nói cách khác, tém tẻ là thu vén, vén khéo lại, gom vào một cách gọn gàng. Nhưng tém cũng được hiểu là ăn (tiếng lóng), ăn sạch sành sanh, gọn bâng, không chừa loại gì.
Một khi tẽ (dấu ngã) thì nó lại được hiểu theo nghĩa làm cho rời ra, tách ra theo kẽ hở. Tẽ trong ngữ cảnh nào đó, lại na ná như rẽ, chẳng hạn, một người: “Khi chúng bạn về đến đầu làng, mỗi người tẽ/ rẽ mỗi ngả”. “Trách ai đem khóa rẽ chìa/ Vu oan gíá họa mình lìa tôi ra”, là giữa “mình” và tôi” bị ai đó tẽ ra làm hai, bị “chia uyên rẽ thúy”, đang có đôi có cặp lại bị tách ra. Tẽ/ rẽ cũng là tách. Mà tách trong hoàn cảnh nào có cũng là bóc - lột đi lớp vỏ bên ngoài hoặc phần bọc, dán bên ngoài. “Bóc ngắn cắn dài” là làm thì ít mà tiêu xài thì nhiều.
Không chỉ “tẽ/ rẽ/ tách/ bóc…”, tương tự, ta còn có “lỏng/ loãng/ bộng/ rỗng…” - nhưng sử dụng thế nào còn tùy vào trường hợp cụ thể. Với người Việt khi ăn, còn lựa chọn: “Khôn ăn cái, dại ăn nước” thì “cái” lại là vật đặc, ngon nhất trong thức ăn nước. Nước thì bao giờ cũng loãng/ lỏng, ngoại trừ lúc đông cứng do làm lạnh. “Dốt đặc hơn chữ lỏng” là ngụ ý chẳng thà (ai đó) “Dốt đặc cán mai” còn hơn chỉ mới i tờ, lõm bõm nhưng cứ lên mặt ta đây “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” nhưng chẳng ra đâu vào đâu. Dù lỏng/ loãng đồng nghĩa tùy phương vùng miền nhưng “Lạt mềm buộc chặt” thì chặt trái nghĩa với lỏng, chứ không thể dùng loãng.
Loãng thường cặp kè với đặc. Một người vừa thưởng thức chén trà, nhận xét: “Trà móc cau à? Đặc quá”. Chén trà đặc ấy, với nước pha lần đầu đậm đặc, còn gọi nước cốt. Đậm có nhiều sắc thái như đặc sệt/ đặc lển, đặc quẹo, đặc quệt, đặc quánh, đăc xít… Cũng nhúm trà ấy, càng về sau, nếu cứ châm thêm nước sôi vào, trà càng nhạt gọi nước dão - “thường nói về nước chè đã lợt rồi, hết mùi chè” - theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895).
Từ dão vốn “đặc sản” của người miền Nam chăng?
Có điều lạ, từ điển ngoài Bắc như Việt Nam tự điển (1931), Từ điển tiếng Việt (1977) không ghi nhận từ dão. Thậm chí Đại từ điển tiếng Việt (1999) dão xếp chung với dạo - theo nghĩa dạo/ dạo mát/ đi dạo. Mà dạo cũng là rảo, chẳng hạn một cậu học trò kể: “Cơm nước xong, trời mát, tía tôi dẫn tôi rảo một vòng quanh xóm”. Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Huỳnh Công Tín có nêu thí dụ về nghĩa thứ 2 của dão: “Nói mà không chịu dão tai ra mà nghe, rồi có khi làm lại làm bậy”. Thế thì, trong ngữ cảnh này, từ dão lại hàm nghĩa dỏng / dóng, chẳng hạn, người bực bội: “Tớ nói lần chót nè, cậu dóng tai mà nghe cho rõ”. Nghe xong, người kia vẫn phùng mang trợn mắt, gân cổ cãi lại cho bằng được; người này càng bực bèn nửa đùa nửa thật: “Cậu chỉ cãi dóng là giỏi”. Ấy củng là cách nói lái tếu táo của người Quảng Nam.
Không chỉ đặc trái nghĩa với loãng mà tùy ngữ cảnh còn có thể là rỗng. Sau khi trò chuyện, gặp gỡ, một người nhận xét: “Ối dào, tay đó dốt đặc cán mai”, tức rất dốt. Cán mai thường được bằng loại cây đặc ruột, hoàn toàn không gì có thể chen / chêm / nêm vào trong được nữa. Trái ngược với sự đặc ruột đó lại là rỗng. “Kìa ai lào lạo ngoài da/ Mà trong rỗng tuếch như hoa muống rừng”. Rỗng, rỗng tuếch rỗng toác, rỗng không, rỗng hoác là không có phần lõi, không có gì bên trong. Dù thế, có kẻ lại “Thùng rỗng kêu to”, nói nhiều nhưng chẳng có thực lực, khoác lác chẳng khác gì “Ba voi không được bát nước xáo”.
Mà rỗng cũng đồng nghĩa với bộng. “Chà, hắn ta nói nhiều nhưng bộng ruột”, câu này, ngụ ý dù nói huyên thuyên nhưng trong bụng chẳng có chữ nghĩa gì; nhưng cũng hàm nghĩa bụng đói, chẳng có gì bỏ vào bụng. Thành ngữ xưa ở miền Nam có câu “Tinh ở bộng” nhằm chỉ con ma dữ nhưng nghĩa bóng lại ám chỉ con gái, đàn bà hỗn hào. Bộng ở đây nghĩa là “cây trống ruột”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích.
Này cô Hai, trở lại với câu ca dao: “Nghe anh có vợ thúng trôi nếp chìm”, nói tắt một lời đã “xong phim”. Tục ngữ có câu: “Gạo nấu thành cơm”, ngụ ý mọi việc đã xong, đã đâu vào đó, không còn có cợ hội thay đổi gì sất, chẳng khác gì “Ván đã đóng thuyền”, “Con đã mọc răng nói năng gì nữa”. Đã thế, ta lại nhớ câu “Hết xôi rồi việc”, ý muốn nói mọi việc đã xong, không còn vướng víu bận bịu gì nữa.
Sở dĩ xôi xuất hiện trong ngữ cảnh này bới lúc đãi đằng, đình dám theo thói tục vẫn thường có xôi. Muốn có xôi, gạo nếp phải xôi / xôi xôi; còn có từ tương đương là đồ / đồ xôi, hông / hông xôi. Hông trong khoảng bao lâu? Ngày xưa khi ước lượng về thời gian, ở ngoài Bắc, nhà thơ Nguyễn Bính viết: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu?/ Chờ em ăn dập miếng trầu, em sang”; trong Nam, lại nói “Chín hông xôi” là chỉ khoảng thời gian không lâu - theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895).
Cái hông xôi, sở dĩ gọi hông vì hình dạng giống cái chõ nhưng to hơn - tục ngữ có câu “Bắt chõ nghe hơi”, “Nghe hơi nồi chõ”. Khi xôi xôi, về nguyên tắc là phải bịt kín để giữ hơi nóng làm cho chín hạt nếp, vì thế, ta chỉ có thể nghe tiếng nước sôi và hơi tỏa ra mà đoán định, chứ chưa thể biết rõ ràng cụ thể mức độ sống, chín. Vậy mà khi tiếp nhận thông tin chỉ mới dừng ở mức độ đó, có kẻ đã phao tin bô lô ba la như thể “biết tuốt”, biết rõ ràng ràng thì đúng là “Nghe hơi nồi chõ” - hoàn toàn khác với “Mắt thấy tai nghe”.
Xôi là từ đồng âm giữa động từ và danh từ, vì thế ta phân vân chút tẹo khi nghe câu “Em đang vút nếp xôi xôi” cũng phải thôi. Không những thế, ta hãy quan sát từ xôi trong một vài ngữ cảnh: “Mật xôi xuân sắc hoa ngàn đóa" (Hồng Đức quốc âm thi tập), “Sinh xôi nảy nở” (tục ngữ) - xôi lại có nghĩa là “dô ra, nở ra”- Việt Nam tự điển (1931) giải thích. Do từ “xôi” theo nghĩa này đã phai nghĩa, về sau lại là “Sinh sôi nảy nở” như Đại từ điển tiếng Việt (1999) ghi nhân, hiểu theo nghĩa “Phát triển tăng trưởng ngày càng nhiều”. Tuy nhiên với câu “Bờ xôi ruộng mật” lại không phải “dô ra, nở ra” mà chính là “xôi”, bởi có như thế mới xứng với “mật” trong phép đối xứng của cấu trúc câu tục ngữ. Xôi và mật là chỉ ruộng đất phì nhiêu, màu mỡ dễ cày cấy thu hoạch mùa vàng, năng suất cao.
Hẳn ai cũng biết, trước lúc thổi cơm/ thổi xôi thì dùng động tác “vo”, chẳng hạn, ca dao có câu: “Cảm ơn cái cọc cầu ao/ Đêm khuya vo gạo có tao có mày” là đổ gạo/ nếp vào rổ/ rá rồi dùng nước xát kỹ cho sạch. Vậy, tại sao ở đây lại là vút/ vút nếp? Về từ vút, ta nhớ đến câu câu thành ngữ “Mài nanh trổ vút”. Vút là móng của loài thú, thế nhưng từ điển hiện này đã ghi là vuốt.
Sự thay đổi này diễn ra từ lúc nào? Trong Nam, từ Đại Nam quốc âm tự vị (1895) đến Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức còn ghi nhận “vút”; ngoài Bắc, Việt Nam tự điển (1931) có từ vút: “xem vuốt” nhưng đến Việt Nam từ điển (1977) chỉ ghi nhận “vuốt”. Câu thành ngữ “Mài nanh trổ vút” - hiểu theo nghĩa là quyết định ra tay làm dứt điểm một vụ việc nào đó, không chần chừ gì nữa.
Trở lại với câu “Em đang vút nếp xôi xôi”, thì vút/ vút nếp có nghĩa là vo / vo nếp là chà sát, đãi cho sạch, chứ làm cẩu thả ất ơ, không khéo: “Vì đâu nên nỗi chồng chê/ Cơm vo một nước, gạo dê một lần". “Dê”, có từ tương đương là ‘rê”, là đổ từng vốc gạo từ cao xuống thấp cho gió thổi trấu cám, chứ không vo cẩn thận. Nếu bạn về xứ Nghệ cũng nghe từ vút, thí dụ trong lúc lợp nhà, có người bảo: “Vút tranh lên mái nhà”. Vút này được hiểu là vất, vứt, ném, liệng…
Không chỉ có thế, thí dụ, cái áo đang mặc có chỗ bẩn, người ta dùng nước vò sạch chỗ ấy, chứ không phải giặt cả cái áo, ngày xưa dùng từ vút/ vút áo, Tuy nhiên, ngoài Bắc còn dùng từ “gột”, ở miền Trung và trong Nam gọi là “gụt”. Nói chi tiết thế này để thấy rằng, để hiểu tiếng Việt chắc chắn không thể không quan tâm đến phương ngữ vùng miền.
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng 25.7.2024)
ghi chú: bản in sách
< Lùi | Tiếp theo > |
---|