BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Không tề không tiện không so cũng bằng

LÊ MINH QUỐC: Không tề không tiện không so cũng bằng

 

IMG_20240527_122258

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến câu dân ca: “Tình bằng có cái trống cơm/ Khen ai khéo vỗ ớ mấy bồng mà nên bông…”. Nhưng liệu có ai cắc cớ hỏi, “tinh bằng” là tình gì nhỉ? Đã từng nghe đến tình sầu, tình nghĩa, tình nhân, tình phụ, tình trường… chứ nào nghe đến “tình bằng”, phải không nào? Nếu “bằng” là từ dùng để so sánh, thí dụ:

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày

Thì tại sao ở câu dân ca này ngay sau đó, lại xuất hiện động từ “có/ có cái trống cơm”? Rõ ràng, muốn hiểu rõ nghĩa câu này, ta phải tách riêng từ bằng phân tích xem sao. Trước hết xin thưa, trong tiếng Việt từ bằng được sử dụng linh hoạt và cực kỳ thú vị, có nhiều nghĩa, tùy ngữ cảnh, thí dụ ta thử khảo sát từ câu thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập:

Song mai nguyệt tỏ thanh bằng nước,

Cửa trúc sương xâm lạnh nữa đồng.

Câu thơ viết từ đầu thế kỷ XV, đọc lại, có gì đó khiến ta ngờ ngợ, chắc gì đã rõ nghĩa mà người xưa đã ngụ ý. Thử hỏi, tại sao lại là bằng? Với từ bằng ta hiểu nghĩa ngang nhau, không hơn không kém, thí dụ, có như câu thành ngữ “Bằng chị bằng em”, “Bằng vai phải lứa” - là ngang bằng nhau, không thua kém người cùng tuổi, họ có cái này, mình cũng có cái kia tương xứng, chứ nào phải kẻ “lên voi”, người “xuống chó”…

Còn so sánh về sức vóc, vóc dáng có từ “bằng chạn”. Từ chạn này, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích “vóc giạc” tức vóc dáng, hình trạng; Việt Nam tự điển (1931) cho biết cụ thể “Chạn: Nói về thân thể sức vóc của con gà chọi: Hai con gà này xứng chạn”. Do đó, còn các từ liên quan như cân chạn, vừa chạn, một chạn một vóc... Mà, chạn cũng là cái tủ nhỏ đặt trong bếp chứa thức ăn, còn gọi cái cụi mà tục ngữ nhắc đến như “Chó chui gầm chạn” v.v…

Câu thơ “Song mai nguyệt tỏ thanh bằng nước”, ta có thể hiểu nôm na là cửa sổ có ánh trăng thanh sáng tỏ “bằng” (?) nước. Vô lý. Làm sao có thể hiểu như thế, vậy, ta tạm thời dừng lại để xem câu thứ hai, may ra có hé mở điều gì không? Câu “Cửa trúc sương xâm lạnh nữa đồng”, nghĩa là cửa trúc có hơi sương lạnh lấn vào nhưng không lẽ lạnh ở đây là lạnh “nữa (?)” đồng. Cũng khó hiểu nốt. 

Từ đó, ta thấy gì?

Xưa nay, với người Việt đã có câu thành ngữ “Lạnh như đồng”, “Đêm đông trời lạnh như đồng/ Mượn chi thì cho mượn, mượn chồng thì không” - nhưng trong trường hợp này, hơi lạnh lấn vào cửa trúc không phải “như” mà chính là “hơn”. Hiểu theo nghĩa này là đã cách đây vài trăm năm trước, Từ điển Việt-Bồ-La (1651) giải thích: “Nữa: Hơn nữa. Ít nữa: Hơn chút nữa. Đến nữa: Sau một chút. Ít nữa, một gêy nữa: Cùng một nghĩa. Chẳng làm nữa: Tôi không làm hơn nữa”. Lưu ý, gêy theo cách viết của tiếng Việt hiện đại là giây.

Nhờ rõ nghĩa của từ “nữa”, ta có thể hiểu dễ dàng những câu như “Thì nghèo, sự biến nhiều bằng tóc/ Nhà ngặt, quan thanh lạnh nữa đèn” (Nguyễn Trãi), “Báu nữa ngọc vàng” (thành ngữ), “Đạo lý nẻo xa đen nữa mực/ Văn chương nghề cũ xác như vờ (Nguyễn Bỉnh Khiêm)… Câu thơ của Trạng Trình ngẫm ra cực ký thú vị, bởi từ hơn 500 trước văn chương đã thế, chứ nào phải đợi đến thế kỷ XX mới nghe Tản Đà than thở: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”! Nói thì nói thế, thật ra các cụ nhà ta nói nhún đó thôi.

Nếu câu thơ Cửa trúc sương xâm lạnh nữa đồng là chỉ sự so sánh, ắt câu thơ “Song mai nguyệt tỏ thanh bằng nước” cũng vậy, xét theo phép đối xứng trong một khổ thơ. “Bằng/ bằng nước” chính là “như/ như nước”, trường hợp này thời ấy đã là cách nói có tính phổ biến, chẳng hạn, “Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi/ Ngày tháng bằng thoi một phút cười” (Nguyễn Trãi), “Chín vạc đặt yên bằng núi/ Ai rằng ơn chẳng đến muôn dân” (Hồng Đức quốc âm thi tập)…

Chưa dừng lại ở đây, bằng còn có thêm nhiểu nghĩa khác nữa. Rắc rối nhỉ? Ừ, cứ cho là thế. Thí dụ, trong Truyện Kiều nhiều câu thơ có xuất hiện từ bằng, chẳng hạn lúc Thúy Kiều dỗ ngon dỗ ngọt Từ Hải ra hàng, phân tích trước sau: “Ngẫm từ dấy việc binh đao/ Đống xương vô định đã cao bằng đầu”; hoặc kết thúc “Lời quê chắp nhặt dông dài”, cụ Nguyễn Du kết luận: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” v.v… Bằng trong ngữ cành này, chính là “ngang với”.

Ở thế kỷ XX, khi cụ Phan Bội Châu viết “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?. Từ “ví phỏng” ấy, ý cụ muốn nói giả định “Nếu như”. Thế nhưng trước đó nữa, trước thời của cụ Phan ắt người ta sẽ dùng từ… “bằng”. Từ “bằng” này thời A de Rhodes lại viết: “Bang, ꞗí bàng: Thí dụ, ví như”.

Dấu vết của từ bằng theo nghĩa này, có thể tìm thấy trong truyện thơ Nôm khuyết danh Nhị độ mai: “Bằng ra lòng cá dạ chim/ Tôi đương nạn ấy, người tìm nẻo xa”; Có thương thì thương cho chắc/ Bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn” (ca dao). Vậy, suy ra “bằng không” là “nếu không” nhưng “bằng dường” lại hiểu như “dường bằng” là cũng như, tương đương như, tựa như…

Với từ bằng, trong nhiều trường hợp có thể sử dụng đứng đầu câu, thí dụ, một người nổ cỡ “bán trời không mời Thiên lôi”: “Bằng chiếc xe đạp tôi đây đã chở mèo du lịch từ Nam chí Bắc” - bằng: với. Ngạc nhiên quá, ta bèn phá lên cười: “Bằng lời nói này, dám quả quyết bạn dóc tổ” - bằng: căn cứ, dựa vào.

Thế thì ta hiểu làm sao với những bài vè xuất hiện ở Nam Bộ như: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè nghề bối/ Bằng ngày bằng tối/ Khoét vách đào hang”? Xin giải thích, bối là từ trong Nam dùng để chỉ bọn trộm cắp hàng hóa trên ghe thuyền ở dọc sông; trong khi đó người Bắc hiểu bối như búi, thí dụ: “Bối tóc củ hành đàn anh thiên hạ” v.v…

Với những câu vè trên, liệu chừng có phải sai moras không? Phải là “hằng ngày hằng tối”/ “Thường ngày thường tối” - nhằm miêu tả sự việc diễn ra đều đặn ngày, mỗi ngày có tính lặp đi lặp lại thì mới đúng? Chưa vội kết luận, ta hãy đọc lại câu thơ trong Truyện Kiều kể lúc Từ Hải “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”, Kiều đòi đi theo thì nghe câu trả lời: “Bằng nay bốn bể không nhà/ Theo càng thêm bận biết là đi đâu?”. Khi sử dụng từ “bằng nay”, Từ Hải muốn nói “như ngày nay”, “trong lúc này” - là chỉ về thời gian hiện tại, chỉ sự việc đang diễn ra nhằm khẳng định một điều rất cụ thể, rõ ràng.

Vậy, “Bằng ngày bằng tối/ Khoét vách đào hang” là khẳng định việc làm của bối đã xẩy trong thời điểm cũng như ngày hôm nay, như đêm hôm nay - nói như thế để người nghe dễ dàng hình dung ra không gian lẫn thời gian. Cách hiểu này, ta có thể nhìn thấy ở bài vè khác: “Có chùa kế chợ Nhà Bàn/ Kêu chùa Huỳnh Sự rõ ràng bằng nay”, thì chùa ấy trong câu chuyện cũ đang kể cũng giống như cái chùa hiện nay. 

Mà, bằng còn đồng âm với nhiều nghĩa khác, tùy ngữ cảnh, ta có thể dùng các từ bằng/ bình/ bường mà Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã ghi nhận: “1. Bằng: Bường tuổi nhau; 2. Bình: Bường yên, thái bường”. Hiểu là hiểu thế, nhưng cắc cớ cho tiếng Việt còn ở chỗ, nếu thay thế chỉ một từ cùng nghĩa thì câu văn lại trở nên châm biếm nhằm “đá giò lái” qua cách hiểu khác, chứ không phải ca tụng, khen ngợi, hoan hô hoan hiếc gì đâu. Hồ Gươm phú của Tú Mỡ là một thí dụ:

Chỉ thấy tượng đồng cao chót vót,

Đứng trông làn nước vẫn xanh ngầu

Tòa nhà Khai trí bên đền, trống bài điếm chát tom, thái bường quá nhỉ!

Tại sao không là “thái bình”? Đơn giản vế trên cho biết ngước mắt lên thấy cái tượng đồng đặt trên cao, lại “cao chót vót”, cao hút tầm mắt, rất cao thì ai nào thấy rõ ngang dọc tròn méo thế nào? Có tượng cũng như không. Cúi xuống nhìn làn nước, thấy xanh nhưng lại xanh ngầu (?) - ngầu là lẫn nhiểu tạp chất, vẩn đục như người ta thường nói đục ngầu, thế thì, nào có phải là xanh, chỉ là cách nói mỉa.

Vậy, từ “thái bường” xuất hiện hợp lý nhất bởi nó mới đủ sức phụ theo những cái nhố nhăng vừa nêu ra. Vì rằng, bường dù cũng là bình/ thái bình nhưng lại kéo thêm cái cái âm ường như chán chường, nằm ườn, mán mường, ương ưởng, lươn ươn, lườn khươn… nhằm tạo ra liên tưởng của sự bông phèn, giỡn chơi, không nghiêm túc.

Đôi khi không xuất hiện từ bằng/ bình/ bường nhưng ta vẫn biết nó cùng nghĩa. Thí dụ, “Học thày không tày học bạn”. Một loạt câu tục ngữ cho phép ta nhìn ra một cách một rõ ràng như “To tày đình”, “Ăn cưới chẳng tày lại mặt”… Trong tâm thức người Việt to nhất vẫn là “tày trời/ bằng trời”. Vì thế, khi nói: Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang thì không gì có thể sánh nỗi với ơn nghĩa ấy.  

Nhân đây, xin lưu ý với câu “Khéo thì bẻ bánh tày, vụng thì vầy bánh ếch”, thì tày ở đây lại là tên loại bánh như bánh tét, có thế mới “đối xứng” với bánh ếch (bánh ít) ở vế kế tiếp. Còn vầy là vọc, quấy mà ta từng gặp trong câu “Hoài hồng cho chuột vọc/ Hoài hòn ngọc cho ngâu vầy” nhưng vầy trong câu thơ Kiều: “Phận đành đành vậy cũng vầy” thì vầy lại có nghĩa là vậy/ như vậy/ thế vậy/ chịu vậy… Thử hỏi, chuột thì vọc, còn ngâu thì vầy, vậy ngâu là con gì?

“Tày” là tiếng Việt chuyển gốc Hán Việt từ tề, do đó, cả hai đồng nghĩa bằng, đều, ngang nhau nhưng “tề” trong câu ca dao: “Đôi ta như đũa trong kho/ Không tề, không tiện, không so cũng bằng” lại có nghĩa cắt, chặt… Với từ tày, ngày xưa ở miền Nam có câu thành ngữ “Nói tày miệng” nghĩa là “Nói miệng không, không có chứng cớ chi làm bằng, nghĩa là chứng lời mình nói”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. Ở câu này, ta hãy lưu ý tới cụm từ “làm bằng” - bằng có nghĩa là “Nương tựa vào, chắc vào đấy để làm chứng: Việc này, tôi bằng ở ông, Khẩu thuyết vô bằng, Lấy một tờ giấy làm bằng”  - theo Việt Nam tự điển (1931).

Trở lại với câu dân ca: ““Tình bằng có cái trống cơm/ Khen ai khéo vỗ ớ mấy bồng mà nên bông…”. Bằng/ tình bằng trong ngữ cảnh chính là hiểu theo nghĩa của từ “làm bằng” vừa mới nêu trên. Có cái trống cơm đó làm chứng/ làm bằng “Khen ai khéo vỗ”, từ đó, dẫn tới các tình tiết mà chúng ta đã biết như con sít lội sông, con nhện giăng tơ v.v… Ấy là ý nghĩa của từ bằng trong ngữ cảnh “tình bằng”.

Câu chuyện lý thú quá, vậy, ta tạm thời dừng lại nhé? Chưa đâu. Bởi câu hỏi ngâu trong câu “Hoài hòn ngọc cho ngâu vầy” là con gì vẫn chưa trả lời kia mà? Ừ nhỉ, xin thưa chính là con trâu, bởi nói trại từ “ngưu” ra “ngâu” đó thôi, Việt Nam tự điển (1931) cho biết.  

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - ra ngày 20.5.2024)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com