BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau - Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên:

LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau - Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên:

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau
Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên:
Tất cả các trang

 

Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên:

Đã là phụ nữ thì ai cũng đẹp

PN - “Hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm văn học và đời sống” là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến do Phụ Nữ Online tổ chức chiều 6/3, với hai khách mời đều là nhà văn: Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên. Nguyễn Danh Lam vừa đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn VN với tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc; Phan Hồn Nhiên với các tác phẩm Công ty, Mắt bão, Cánh trái… đang được giới trẻ đón nhận.

 HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC VÀ ĐỜI SỐNG

Có bạn đọc nữ đã nhờ tôi chuyển câu hỏi đến Nguyễn Danh Lam, vì chị đang đi công tác: “Trong mắt anh thế nào là một phụ nữ đẹp?”. Câu hỏi có vẻ như một sự “nắn gân” xem bản lĩnh của nhà văn thế nào chăng? Anh cười khì khì: “Thú thật, tôi... tắc tị khi phải mô tả cụ thể thế nào là một phụ nữ (PN) đẹp! Phút lơ đãng trên phố, thấy một cặp chân dài óng ả vút qua, hẳn nhiên bụng tôi bảo, đẹp quá! Khi vẽ hình họa mẫu nữ, gặp một... chị mảng miếng, hình khối phân định sáng tối rõ ràng, tôi cũng thốt lên, đẹp thiệt! Một bà mẹ ôm con ngồi chờ trên băng ghế bệnh viện nhi đồng, mắt chị nhìn vào mắt con thảng thốt âu lo, tôi cũng thấy không có gì đẹp hơn. Hoặc, gương mặt vợ mình lúc mình... đưa đủ tiền lương về nhà, sao cũng đẹp một cách rạng ngời! Với chừng ấy dẫn chứng, tôi xin tạm tóm lại, hình như đã là PN thì ai cũng đẹp. Mỗi người đẹp một kiểu, một sắc thái, một khoảnh khắc khác nhau. Bởi thế, cánh đàn ông chẳng bao giờ ngừng mê PN”.

images

Nhà thơ Lê Minh Quốc tặng hoa nhà văn Phan Hồn Nhiên và Nguyễn Danh Lam (giữa) tại buổi giao lưu trực tuyến

Đã là PN thì rõ ràng, ai cũng muốn mình đẹp trong mắt người khác, nhưng “vẻ đẹp ngoại hình của PN trẻ đẹp có quyết định sự thành công trong công việc và hôn nhân của cô ấy không?” (hangathanh @yahoo.com). Với câu hỏi này, nhà văn Phan Hồn Nhiên thoáng ngập ngừng: “Vẻ đẹp ngoại hình là mong muốn của phần lớn PN, không riêng các bạn gái trẻ. Trong xã hội hiện đại, khi “phần nhìn” được đề cao ở nhiều lĩnh vực thì có nhan sắc lại càng là một thế mạnh. Tuy nhiên theo tôi, có lẽ nên xem sắc đẹp như một chìa khóa để mở ra một vài cánh cửa, giúp bạn đi nhanh hơn trên một số chặng đường của cuộc đời. Nhưng để đến được cái đích thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong gia đình thì cần một số yếu tố khác, quan trọng hơn nhan sắc rất nhiều”.

Trước câu hỏi của bạn thanhhien @gmail.com: “PN viết văn có trở ngại gì so với đàn ông?”, tác giả Cánh trái bày tỏ: “Có một thực tế, việc đảm đương nhiều việc cùng lúc sẽ buộc nhà văn nữ đôi khi phải lựa chọn. Hẳn bạn thường nghe câu: “Tôi phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình” từ người cầm bút nữ. Ở nhà văn nam, không bao giờ bạn phải nghe câu nói đó”.

Thế nhưng, họ cũng có một vài thuận lợi nào đấy chứ? Bạn nhiennguyen @gmail.com đặt câu hỏi: “Có phải nhà văn nữ viết về PN thì thuận lợi hơn đàn ông, vì cùng giới tính?”. Với Phan Hồn Nhiên, không hẳn là như thế: “Với một nhà văn chắc tay nghề, viết về giới nào không là vấn đề quan trọng. Nhưng nhìn từ góc độ giới tính, có lẽ do đặc trưng cũng như sức hút khác giới, các nhà văn nam khi khắc họa hình ảnh giới nữ thường hấp dẫn, sống động, đem lại ấn tượng mạnh cũng như những bất ngờ khó đoán. Tuy nhiên, khi phân tích tâm lý, đề cập đến những ngóc ngách sâu xa thì rõ ràng người cùng giới sẽ thể hiện chính xác và chi tiết hơn. Thêm nữa, do thế giới tinh thần PN rất phức tạp, nên miêu tả họ cũng đòi hỏi sự tinh tế - điều vốn là thế mạnh của các nhà văn nữ”.

Bạn lieuthai @yahoo.com đã bắt “đúng mạch” nhân vật của Phan Hồn Nhiên khi đặt câu hỏi: “Hình ảnh người PN công sở hiện nay xuất hiện nhiều trong tác phẩm của chị. Tại sao?”. Chị cho biết: “Đô thị và cuộc sống bên trong nó là đề tài lớn tôi khai thác từ trước đến nay. Trong đó, PN trẻ đô thị là đối tượng hết sức hấp dẫn. Ở họ luôn có rất nhiều tầng mức về tâm lý, khát vọng, tình cảm. Mặt khác, trong cuộc sống đương đại đầy biến chuyển, đầy những va đập quan điểm và lối sống thì PN trẻ đô thị cũng chính là nhân vật trung tâm. Tôi rất hứng thú khi quan sát các khát vọng nghề nghiệp, những quan niệm mới mẻ về tình yêu và gia đình của PN hiện đại. Những mối ràng buộc hay các bung phá của họ trong việc khám phá chính mình, khám phá cuộc sống, tìm cơ hội để vươn lên đồng thời vẫn duy trì thế giới tình cảm đặc trưng của phái nữ, là thách thức hấp dẫn đối với nhiều nhà văn, chứ không riêng gì tôi”.

Dù xây dựng nhân vật nữ từ góc độ nào, nhà văn cũng không thể đứng ngoài sự thay đổi của người PN hôm nay. Chẳng hạn, hiện tượng ngày càng có nhiều PN chọn giải pháp trở thành “bà mẹ đơn thân”. Theo Phan Hồn Nhiên: “Tự do lựa chọn lối sống riêng là một điều mà PN hiện đại được thụ hưởng. Bà mẹ đơn thân hiện đang là một trào lưu được nhiều bạn gái trẻ quan tâm. Xã hội cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn, nhân văn hơn. Nếu một người bạn của tôi muốn sinh con một mình, tôi hết sức tôn trọng. Dù vậy, về cá nhân, tôi vẫn cảm thấy chút lo âu cho người bạn của mình. Đường đời có nhiều bất trắc mà sức lực một người PN đôi khi khó kham nổi. Tuy nhiên, một khi đã chọn thì tôi tin rằng, người PN trẻ hiện đại sẽ vượt qua được khó khăn để thực hiện thiên chức làm mẹ”.

Bạn đọc Huy-milan @yahoo.com nghiêm túc đặt vấn đề: “Qua những tác phẩm “người thật, việc thật” của các cuộc thi nói về người PN do các tờ báo tổ chức, chúng ta đã thấy được sự hy sinh cao cả, thầm lặng và vai trò quan trọng của người PN đối với gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, họ vẫn phải chịu nhiều sự bất bình đẳng. Nhà văn có chia sẻ gì về sự “thiệt thòi” đó không?”. Nhà văn Nguyễn Danh Lam nhìn nhận: “Quả tình cái “di sản” trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ Âu sang Á suốt hàng ngàn năm. Ở các nước Âu Mỹ, xã hội đã có sự thay đổi khá triệt để nhưng không phải không còn những rơi rớt. Ở châu Á, đó là một “bệnh” trầm kha nên khó có thể ngày một ngày hai mà mọi thứ có thể thay đổi được. Nhưng không phải vì vậy mà cứ để “tà tà”, mỗi người cần góp vào một chút nỗ lực để tiến trình thay đổi nhanh chóng hơn. Với cá nhân mình, tôi luôn cố gắng cả trong sáng tác và đời sống, để... tiến bộ với người ta. Khi đang viết mà vợ réo, con... cần đóng bỉm, tôi sẽ rời ngay bàn phím một cách vui vẻ, hạnh phúc! Trong trang viết của tôi, nếu bạn đọc nào đã đọc qua đều thấy, tất cả nhân vật nữ đều đầy thân phận và tôi chia sẻ cùng phái nữ theo cách đó”.

 

Câu hỏi ngoài bàn phím

NGUYỄN DANH LAM

* Có bao giờ anh tơ tưởng đến người phụ nữ nào ngoài vợ mình?

- Nếu tôi nói thật, sẽ có nhiều người nói tôi không dám nói thật! Nên tôi nói vậy để mọi người tin là tôi... dám nói thật: Tôi cũng mong lắm có một ai đó ngoài vợ mình để “nghĩ về họ”, nhưng từ khi quen vợ tôi rồi, tôi vẫn chưa gặp ai cả! Còn cái kiểu nghĩ, cô này đẹp quá, cô kia dễ thương ghê, thì... bao la, nhưng cũng chỉ thoáng qua trong đầu, cho đến lúc thấy một cô khác lại quên ngay! Chốt lại, lần này... nói thật nhất, tôi là kiểu người thuộc về gia đình và công việc. Trong tuần làm việc, cuối tuần được đi chơi hay du lịch cùng vợ và các con là vui và... an toàn nhất. Mọi phút giây suy nghĩ ngoài gia đình đều tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

* Anh thử nói thật xem, khi viết xong một tác phẩm ai là người anh chia sẻ đầu tiên? Vợ hay... người yêu của anh?

- Sau khi viết xong những tiểu thuyết Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc, tôi thấy cũng... đã lắm, nên in ra một bản đưa bà xã đọc. Nhưng, tôi luôn dặn, rảnh thì em đọc, không rảnh thì thôi, tốt nhất là... đừng đọc làm gì cho nhức đầu! Tuy nhiên, bà xã tôi luôn đọc. Đọc xong, chẳng nói gì cả! Viết văn, cho đến giờ này tôi vẫn nghĩ là một công việc cá nhân. Con người nhà văn là vậy rồi, đành lủi thủi một mình thôi!

PHAN HỒN NHIÊN

* Khi có người đàn ông tỏ tình với chị một cách khả ố, chị xử lý ra sao?

- Chắc chắn tôi sẽ im lặng, tìm cách rút lui êm thắm. Kiềm chế và ứng xử nhẹ nhàng là một lợi thế của nữ giới, sao mình không sử dụng? Bất kỳ phản ứng nào quá mức đều có thể gây tổn thương cho chính mình cũng như cho người khác về sau.

* Nhân vật của chị có người tỏ tình trước, trong đời thường của chị thì sao?

- Một trong các ưu thế của phụ nữ trong mối quan hệ với người khác giới là được quan tâm, chăm sóc và là đối tượng để phái mạnh phải khát khao. Chính vì thế, tôi tin rằng, nếu vững tin với ưu thế của mình, các bạn nữ nên để cho bạn trai là người mở lời trước sẽ thú vị hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chẳng hạn anh chàng quá nhút nhát hoặc trong một bối cảnh thích hợp và đúng lúc thật rồi, thì chẳng có lý do gì để bạn gái im lặng.

Thú thật là tôi cũng từng thể hiện một vài nhân vật nữ bộc lộ tình cảm của mình với người mà cô ta yêu quý. Tất nhiên, không phải bằng lời trực tiếp, mà bằng hành động kín đáo nhẹ nhàng hoặc ngộ nghĩnh chân thành.

HUYỀN SƯƠNG (ghi)

Chuyện bên lề

* Có một điều khá thú vị là cả Phan Hồn Nhiên lẫn Nguyễn Danh Lam đều học mỹ thuật (Phan Hồn Nhiên tốt nghiệp thiết kế sân khấu, Nguyễn Danh Lam học đồ họa) - đây cũng là điều được nhiều bạn đọc quan tâm. Hai nhà văn lý giải: “Văn chương và mỹ thuật có mối liên hệ khá gần gũi với nhau: tư duy hình ảnh, sự liên tưởng, óc khái quát, sự tưởng tượng... Có lẽ vì thế nên khi đã học mỹ thuật, các bạn chuyển sang viết văn không quá khó khăn. Có thể tìm thấy nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng xuất thân từ ngành mỹ thuật hay thiết kế như Vũ Đình Giang, Ly Hoàng Ly, Châu Giang...”.

Tặng “nóng” sách cho độc giả: Theo thông báo của Ban tổ chức, đúng 14g, chương trình giao lưu trực tuyến với hai nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên mới diễn ra, nhưng ngay từ rất sớm, một độc giả nữ ngoài 30 tuổi đã đến tòa soạn Báo Phụ Nữ ngồi đợi nhà văn Nguyễn Danh Lam. Xúc động trước sự hâm mộ “đặc biệt” này, nhà văn Những dòng chảy lạc đã quyết định ký tặng ngay quyển sách, dù theo thông báo, sau khi hết chương trình, chỉ năm độc giả có câu hỏi hay nhất mới được hai nhà văn gửi tặng sách kèm theo chữ ký của mình.

Ngại chụp hình: Không ngần ngại trả lời tất cả các câu hỏi, từ chuyện đời - chuyện nghề đến những việc “nhạy cảm” như đời tư, gia đình, chuyện tình yêu… nhưng Nguyễn Danh Lam lại rất “ngại” khi phải “diễn” trước ống kính của phóng viên, nhất là khi được đề nghị đứng gần Phan Hồn Nhiên. Anh liên tục cựa quậy, nhíu mặt chau mày mỗi khi PV ảnh tìm góc độ để chụp vì... sợ sẽ không được đẹp trai, mất hình tượng với các bạn đọc nữ!

THẢO VÂN - CAO HOÀI AN

LÊ VĂN NGHỆ (tường thuật)

(nguồn: báo Phụ Nữ/ phunuonline)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com