BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau

LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Nhà văn NGUYỄN DANH LAM: Sáng tác hay thay tã cho con đều quan trọng như nhau
Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên:
Tất cả các trang

Nhà văn Nguyễn Danh Lam sinh năm  1972. Tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật TP.HCM.

Tác phẩm đã xuất bản: Tìm (thơ - 1998), Bến vô thường (tiểu thuyết 2004), Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết 2005), Mưa tháng mười một (tập truyện ngắn 2008), Giữa dòng chảy lạc (tiểu thuyết 2010). Giải khuyến khích cuộc thi thơ Bút mới (Báo Tuổi Trẻ 1996); Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ Hội Nhà văn VN 2006 - 2007. Hội viên Hội Nhà văn VN. Hiện làm việc tại Báo Khăn Quàng Ðỏ TP.HCM.

1269827707_nguyendanhlam

Gia đình nhà văn Nguyễn Danh Lam


* Tại sao đang làm thơ, đã xuất bản một tập thơ được bạn đọc yêu thích, anh lại "quay ngoắt" sang văn xuôi?

- Khi còn làm thơ tôi đã rất thích đọc tiểu thuyết. Rồi tư duy văn xuôi dần chiếm chỗ tư duy thơ. Ðến một ngày, tôi thử viết văn theo kiểu... điếc không sợ súng. Viết một mạch 300 trang, in cuốn đầu, thế là viết văn luôn. Còn một yếu tố khác, nói ra có vẻ "xu thời", làm thơ càng về sau càng... buồn vì đủ mọi lẽ: khó công bố, khó in, khó... tặng(!). Trong khi đó, viết văn tình hình dù sao cũng đỡ hơn. Thôi thì đành... yêu thơ qua le lói và hẹn nhau khi nhân loại được trùng tu (ý nhạc Phạm Duy).

* Đã thế, trong tác phẩm của anh, có nhân vật chính còn không được anh đặt tên, hoặc chỉ đặt cho một ký hiệu nào đó...

- Đó là cái nhìn chủ quan của tôi về nhân sinh. Những nhân vật ấy đi lướt qua cuộc đời. Trong cuộc đời, chúng ta đi "lướt qua nhau". Ai có thể biết được tên tuổi, quá khứ, tương lai của một người thoáng thấy trên hè phố? Tất cả đều vô lai lịch trong mắt người khác...

* Có lẽ vì thế mà nhiều nhà phê bình cho rằng, anh viết không dành cho số đông, nghĩa là tác phẩm của anh không có những tình tiết "thời thượng" như sex, đồng tính đang rất dễ "câu khách"...

- Tôi từng nói về việc này, người viết ai chẳng muốn có đông độc giả, nhưng tôi thấy mình chưa viết được về "những món thời thượng ấy" cho hay, cho có văn, nên chưa dám viết. Thảng hoặc khi viết, bắt buộc phải đụng đến những đề tài đó, tôi thường tìm cách... né, hay nhìn dưới góc độ một biểu tượng. Hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể viết thật hay về nó, như Haruki Murakami (Rừng Na Uy; Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển...), như Michel Houellebecq (Hạt cơ bản), như Annie Proulx (Brokeback Mountain)...

* Hiện nay, nhà văn nào ảnh hưởng đến phong cách viết của anh nhiều nhất?

- Tôi đọc nhiều, cách này cách khác, mỗi nhà văn ảnh hưởng một tí. Tôi mê văn học Mỹ với E. Hemingway; F. S. Fitzgerald, R. Carver, C. McCarthy, P. Auster... thêm một nhà văn Nhật quen thuộc H. Murakami. Đó là những tác giả, tôi vừa đọc vừa sợ hết!

* Kỹ năng sống của nhân vật trẻ trong tác phẩm của anh hình như  chưa được chuẩn bị chu đáo, tại sao vậy?

- Tôi đã dùng hình ảnh thế này, không ít chúng ta đang sống trong tình thế chân phải bước lên "đoàn tàu mới", nhưng chân trái bị kẹt lại "sân ga cũ”, thành thử bị... xé làm đôi! Ðây là chủ đề chính trong tiểu thuyết mới nhất của tôi (Giữa dòng chảy lạc - NXB Văn Nghệ - Phương Nam Book 2010). Chẳng cứ gì các bạn trẻ, tôi đặt một vấn đề rất cụ thể vậy thôi, cách đây ít năm, chúng ta còn đang theo một ngoại ngữ khác, ngày nay hoàn cảnh xã hội lại phổ biến một ngoại ngữ khác, thế là không ít người rơi vào tình thế không có được một kỹ năng "tối thiểu" để "ra khỏi cửa". Lỗi không phải họ dốt, mà do lỡ làng... Còn nhiều vấn đề tương tự như thế, hơn phạm vi cuộc trò chuyện này...

* Có lần anh nói: "Ở Mỹ có câu: Không ai nổi tiếng quá 15 phút". Nếu nhìn về mình, anh cho rằng mình sẽ nổi tiếng trong bao lâu?

- So với tầm câu thành ngữ này, tôi thấy mình còn chưa bước được chân vào cái ngưỡng "nổi tiếng", nói gì đến bao lâu! Thôi thì trong thời buổi này cứ đo bằng cách: khi nào gõ tên mình trên google, thấy kết quả thật lèo tèo, khi ấy coi như mình đã... lui vào hậu trường!

* Được biết, anh có một lịch viết rất... lạ: viết từ nửa đêm trở về sáng. Như vậy có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?

- Tôi... chưa hỏi vợ! Nhưng tôi hy vọng, nếu hỏi, vợ tôi sẽ nói: Nếu anh không sống kiểu ấy, em... còn mệt hơn!

* Ai là người đọc bản thảo của anh đầu tiên? Vợ anh chăng?

- Hồi mới cưới, tôi có đưa vợ đọc. Về sau không nỡ... hành hạ cô ấy nữa! Ðơn giản, cô ấy cũng có công việc của mình, mà cô ấy có bắt tôi phải biết về nó đâu. Vậy tại sao tôi lại bắt cô ấy phải biết về công việc của tôi? Ðặc biệt, viết văn là cô đơn, hãy để nó quay về với cái lẽ tất yếu ấy.

* Theo anh, đời sống vợ chồng có ảnh hưởng tiêu cực đối với sáng tác của một nhà văn?

- Tôi không biết với những người viết khác thì thế nào, còn với tôi, vợ tôi rất tôn trọng công việc của chồng, nên tôi làm gì cứ làm. Phần tôi, cũng rất tách bạch, tỉnh táo. Sáng tác, kiếm tiền, đi chơi cùng vợ, hay... thay tã cho con đều quan trọng như nhau! Việc gì tôi cũng làm được hết và tự nhủ, mình phải làm được hết. Đến giờ, tôi vẫn thấy mình dồi dào cảm hứng viết. Tuy nhiên cũng cần nói thêm, có thể có những nhà văn khác không "đèo bòng" như tôi, họ sẽ có nhiều thời gian và cảm hứng hơn. Việc này tôi chưa trải nghiệm nên cũng khó phát biểu, vì tôi viết văn xuôi... sau khi lấy vợ, trước đó chỉ làm thơ!

* Thú vui của anh là gì?

- Tôi... mê đủ thứ: đọc sách, coi phim, xem bóng đá, nghe nhạc, du lịch cùng gia đình... Còn trong một ngày, khoảnh khắc ngồi một mình trên sân thượng lúc nửa đêm, sau khi tập thể dục là thời điểm rất thú vị.

 * Một số nhà văn thường tuyên bố vung vít để tạo sự chú ý của dư luận, anh lại  chỉ im lặng, nhẫn nại viết, chẳng lẽ anh không muốn dư luận chú ý?

- Tự nhìn lại, ít năm trước tôi cũng rất hay tuyên bố, tranh luận này khác. Về sau đọc lại, tôi thấy những tuyên bố ấy thật... trẻ con, ngốc nghếch! Bởi, tôi viết được ít nên phải... nói bù, sợ người ta không biết! Giờ, ngay cả trong trang viết, tôi cũng gắng lặn xuống sâu hơn, xa khỏi những "gào thét", dãy dụa bề mặt. Tuy nhiên, tôi biết, mình vẫn chưa làm được nhiều. Viết văn là nỗ lực của cả đời người.

* Viết, là một nhu cầu tự thân. Anh từng cho rằng, anh viết để khỏi vo tròn cái tôi. Vậy anh có thể cho biết "cái tôi" của anh như thế nào?

- Ðây cũng là một câu mà tôi "tuyên bố" hồi... lâu rồi - ý là viết để mình không bị nhòa nhạt, vo tròn. Bây giờ nếu cho nói lại, tôi sẽ... không quan trọng hóa cái tôi đến thế nữa. Cái tôi của tôi hôm nay, đơn giản là sống, viết sao cho bạn bè lâu lâu vẫn nhớ ra, gọi mình... đi nhậu; và ở nhà vợ con yêu thương, tôn trọng mình. Thế là mãn nguyện rồi!

* Nếu cho anh "tự họa", anh sẽ vẽ chân dung mình thế nào?

- Khi "tự họa", hoặc tự viết về mình, người ta có xu hướng... xấu che, tốt khoe. Vì thế, tôi nói ra đây liệu có đáng tin không nhỉ? Thôi thì cứ thống nhất thế này: "Chân dung" của tôi được phản ảnh qua sáng tác của tôi. Con người bên ngoài của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt. Có thể độc giả khi gặp sẽ rất... thất vọng so với những gì họ đã thấy trong tác phẩm của tôi!

Lê Minh Quốc (thực hiện)

(nguồn: Báo Phụ Nữ Chủ Nhật / phunuonline.com.vn)


 

Giao lưu trực tuyến cùng nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên:

Đã là phụ nữ thì ai cũng đẹp

PN - “Hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm văn học và đời sống” là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến do Phụ Nữ Online tổ chức chiều 6/3, với hai khách mời đều là nhà văn: Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên. Nguyễn Danh Lam vừa đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn VN với tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc; Phan Hồn Nhiên với các tác phẩm Công ty, Mắt bão, Cánh trái… đang được giới trẻ đón nhận.

 HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC VÀ ĐỜI SỐNG

Có bạn đọc nữ đã nhờ tôi chuyển câu hỏi đến Nguyễn Danh Lam, vì chị đang đi công tác: “Trong mắt anh thế nào là một phụ nữ đẹp?”. Câu hỏi có vẻ như một sự “nắn gân” xem bản lĩnh của nhà văn thế nào chăng? Anh cười khì khì: “Thú thật, tôi... tắc tị khi phải mô tả cụ thể thế nào là một phụ nữ (PN) đẹp! Phút lơ đãng trên phố, thấy một cặp chân dài óng ả vút qua, hẳn nhiên bụng tôi bảo, đẹp quá! Khi vẽ hình họa mẫu nữ, gặp một... chị mảng miếng, hình khối phân định sáng tối rõ ràng, tôi cũng thốt lên, đẹp thiệt! Một bà mẹ ôm con ngồi chờ trên băng ghế bệnh viện nhi đồng, mắt chị nhìn vào mắt con thảng thốt âu lo, tôi cũng thấy không có gì đẹp hơn. Hoặc, gương mặt vợ mình lúc mình... đưa đủ tiền lương về nhà, sao cũng đẹp một cách rạng ngời! Với chừng ấy dẫn chứng, tôi xin tạm tóm lại, hình như đã là PN thì ai cũng đẹp. Mỗi người đẹp một kiểu, một sắc thái, một khoảnh khắc khác nhau. Bởi thế, cánh đàn ông chẳng bao giờ ngừng mê PN”.

images

Nhà thơ Lê Minh Quốc tặng hoa nhà văn Phan Hồn Nhiên và Nguyễn Danh Lam (giữa) tại buổi giao lưu trực tuyến

Đã là PN thì rõ ràng, ai cũng muốn mình đẹp trong mắt người khác, nhưng “vẻ đẹp ngoại hình của PN trẻ đẹp có quyết định sự thành công trong công việc và hôn nhân của cô ấy không?” (hangathanh @yahoo.com). Với câu hỏi này, nhà văn Phan Hồn Nhiên thoáng ngập ngừng: “Vẻ đẹp ngoại hình là mong muốn của phần lớn PN, không riêng các bạn gái trẻ. Trong xã hội hiện đại, khi “phần nhìn” được đề cao ở nhiều lĩnh vực thì có nhan sắc lại càng là một thế mạnh. Tuy nhiên theo tôi, có lẽ nên xem sắc đẹp như một chìa khóa để mở ra một vài cánh cửa, giúp bạn đi nhanh hơn trên một số chặng đường của cuộc đời. Nhưng để đến được cái đích thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong gia đình thì cần một số yếu tố khác, quan trọng hơn nhan sắc rất nhiều”.

Trước câu hỏi của bạn thanhhien @gmail.com: “PN viết văn có trở ngại gì so với đàn ông?”, tác giả Cánh trái bày tỏ: “Có một thực tế, việc đảm đương nhiều việc cùng lúc sẽ buộc nhà văn nữ đôi khi phải lựa chọn. Hẳn bạn thường nghe câu: “Tôi phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình” từ người cầm bút nữ. Ở nhà văn nam, không bao giờ bạn phải nghe câu nói đó”.

Thế nhưng, họ cũng có một vài thuận lợi nào đấy chứ? Bạn nhiennguyen @gmail.com đặt câu hỏi: “Có phải nhà văn nữ viết về PN thì thuận lợi hơn đàn ông, vì cùng giới tính?”. Với Phan Hồn Nhiên, không hẳn là như thế: “Với một nhà văn chắc tay nghề, viết về giới nào không là vấn đề quan trọng. Nhưng nhìn từ góc độ giới tính, có lẽ do đặc trưng cũng như sức hút khác giới, các nhà văn nam khi khắc họa hình ảnh giới nữ thường hấp dẫn, sống động, đem lại ấn tượng mạnh cũng như những bất ngờ khó đoán. Tuy nhiên, khi phân tích tâm lý, đề cập đến những ngóc ngách sâu xa thì rõ ràng người cùng giới sẽ thể hiện chính xác và chi tiết hơn. Thêm nữa, do thế giới tinh thần PN rất phức tạp, nên miêu tả họ cũng đòi hỏi sự tinh tế - điều vốn là thế mạnh của các nhà văn nữ”.

Bạn lieuthai @yahoo.com đã bắt “đúng mạch” nhân vật của Phan Hồn Nhiên khi đặt câu hỏi: “Hình ảnh người PN công sở hiện nay xuất hiện nhiều trong tác phẩm của chị. Tại sao?”. Chị cho biết: “Đô thị và cuộc sống bên trong nó là đề tài lớn tôi khai thác từ trước đến nay. Trong đó, PN trẻ đô thị là đối tượng hết sức hấp dẫn. Ở họ luôn có rất nhiều tầng mức về tâm lý, khát vọng, tình cảm. Mặt khác, trong cuộc sống đương đại đầy biến chuyển, đầy những va đập quan điểm và lối sống thì PN trẻ đô thị cũng chính là nhân vật trung tâm. Tôi rất hứng thú khi quan sát các khát vọng nghề nghiệp, những quan niệm mới mẻ về tình yêu và gia đình của PN hiện đại. Những mối ràng buộc hay các bung phá của họ trong việc khám phá chính mình, khám phá cuộc sống, tìm cơ hội để vươn lên đồng thời vẫn duy trì thế giới tình cảm đặc trưng của phái nữ, là thách thức hấp dẫn đối với nhiều nhà văn, chứ không riêng gì tôi”.

Dù xây dựng nhân vật nữ từ góc độ nào, nhà văn cũng không thể đứng ngoài sự thay đổi của người PN hôm nay. Chẳng hạn, hiện tượng ngày càng có nhiều PN chọn giải pháp trở thành “bà mẹ đơn thân”. Theo Phan Hồn Nhiên: “Tự do lựa chọn lối sống riêng là một điều mà PN hiện đại được thụ hưởng. Bà mẹ đơn thân hiện đang là một trào lưu được nhiều bạn gái trẻ quan tâm. Xã hội cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn, nhân văn hơn. Nếu một người bạn của tôi muốn sinh con một mình, tôi hết sức tôn trọng. Dù vậy, về cá nhân, tôi vẫn cảm thấy chút lo âu cho người bạn của mình. Đường đời có nhiều bất trắc mà sức lực một người PN đôi khi khó kham nổi. Tuy nhiên, một khi đã chọn thì tôi tin rằng, người PN trẻ hiện đại sẽ vượt qua được khó khăn để thực hiện thiên chức làm mẹ”.

Bạn đọc Huy-milan @yahoo.com nghiêm túc đặt vấn đề: “Qua những tác phẩm “người thật, việc thật” của các cuộc thi nói về người PN do các tờ báo tổ chức, chúng ta đã thấy được sự hy sinh cao cả, thầm lặng và vai trò quan trọng của người PN đối với gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, họ vẫn phải chịu nhiều sự bất bình đẳng. Nhà văn có chia sẻ gì về sự “thiệt thòi” đó không?”. Nhà văn Nguyễn Danh Lam nhìn nhận: “Quả tình cái “di sản” trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ Âu sang Á suốt hàng ngàn năm. Ở các nước Âu Mỹ, xã hội đã có sự thay đổi khá triệt để nhưng không phải không còn những rơi rớt. Ở châu Á, đó là một “bệnh” trầm kha nên khó có thể ngày một ngày hai mà mọi thứ có thể thay đổi được. Nhưng không phải vì vậy mà cứ để “tà tà”, mỗi người cần góp vào một chút nỗ lực để tiến trình thay đổi nhanh chóng hơn. Với cá nhân mình, tôi luôn cố gắng cả trong sáng tác và đời sống, để... tiến bộ với người ta. Khi đang viết mà vợ réo, con... cần đóng bỉm, tôi sẽ rời ngay bàn phím một cách vui vẻ, hạnh phúc! Trong trang viết của tôi, nếu bạn đọc nào đã đọc qua đều thấy, tất cả nhân vật nữ đều đầy thân phận và tôi chia sẻ cùng phái nữ theo cách đó”.

 

Câu hỏi ngoài bàn phím

NGUYỄN DANH LAM

* Có bao giờ anh tơ tưởng đến người phụ nữ nào ngoài vợ mình?

- Nếu tôi nói thật, sẽ có nhiều người nói tôi không dám nói thật! Nên tôi nói vậy để mọi người tin là tôi... dám nói thật: Tôi cũng mong lắm có một ai đó ngoài vợ mình để “nghĩ về họ”, nhưng từ khi quen vợ tôi rồi, tôi vẫn chưa gặp ai cả! Còn cái kiểu nghĩ, cô này đẹp quá, cô kia dễ thương ghê, thì... bao la, nhưng cũng chỉ thoáng qua trong đầu, cho đến lúc thấy một cô khác lại quên ngay! Chốt lại, lần này... nói thật nhất, tôi là kiểu người thuộc về gia đình và công việc. Trong tuần làm việc, cuối tuần được đi chơi hay du lịch cùng vợ và các con là vui và... an toàn nhất. Mọi phút giây suy nghĩ ngoài gia đình đều tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

* Anh thử nói thật xem, khi viết xong một tác phẩm ai là người anh chia sẻ đầu tiên? Vợ hay... người yêu của anh?

- Sau khi viết xong những tiểu thuyết Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc, tôi thấy cũng... đã lắm, nên in ra một bản đưa bà xã đọc. Nhưng, tôi luôn dặn, rảnh thì em đọc, không rảnh thì thôi, tốt nhất là... đừng đọc làm gì cho nhức đầu! Tuy nhiên, bà xã tôi luôn đọc. Đọc xong, chẳng nói gì cả! Viết văn, cho đến giờ này tôi vẫn nghĩ là một công việc cá nhân. Con người nhà văn là vậy rồi, đành lủi thủi một mình thôi!

PHAN HỒN NHIÊN

* Khi có người đàn ông tỏ tình với chị một cách khả ố, chị xử lý ra sao?

- Chắc chắn tôi sẽ im lặng, tìm cách rút lui êm thắm. Kiềm chế và ứng xử nhẹ nhàng là một lợi thế của nữ giới, sao mình không sử dụng? Bất kỳ phản ứng nào quá mức đều có thể gây tổn thương cho chính mình cũng như cho người khác về sau.

* Nhân vật của chị có người tỏ tình trước, trong đời thường của chị thì sao?

- Một trong các ưu thế của phụ nữ trong mối quan hệ với người khác giới là được quan tâm, chăm sóc và là đối tượng để phái mạnh phải khát khao. Chính vì thế, tôi tin rằng, nếu vững tin với ưu thế của mình, các bạn nữ nên để cho bạn trai là người mở lời trước sẽ thú vị hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chẳng hạn anh chàng quá nhút nhát hoặc trong một bối cảnh thích hợp và đúng lúc thật rồi, thì chẳng có lý do gì để bạn gái im lặng.

Thú thật là tôi cũng từng thể hiện một vài nhân vật nữ bộc lộ tình cảm của mình với người mà cô ta yêu quý. Tất nhiên, không phải bằng lời trực tiếp, mà bằng hành động kín đáo nhẹ nhàng hoặc ngộ nghĩnh chân thành.

HUYỀN SƯƠNG (ghi)

Chuyện bên lề

* Có một điều khá thú vị là cả Phan Hồn Nhiên lẫn Nguyễn Danh Lam đều học mỹ thuật (Phan Hồn Nhiên tốt nghiệp thiết kế sân khấu, Nguyễn Danh Lam học đồ họa) - đây cũng là điều được nhiều bạn đọc quan tâm. Hai nhà văn lý giải: “Văn chương và mỹ thuật có mối liên hệ khá gần gũi với nhau: tư duy hình ảnh, sự liên tưởng, óc khái quát, sự tưởng tượng... Có lẽ vì thế nên khi đã học mỹ thuật, các bạn chuyển sang viết văn không quá khó khăn. Có thể tìm thấy nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng xuất thân từ ngành mỹ thuật hay thiết kế như Vũ Đình Giang, Ly Hoàng Ly, Châu Giang...”.

Tặng “nóng” sách cho độc giả: Theo thông báo của Ban tổ chức, đúng 14g, chương trình giao lưu trực tuyến với hai nhà văn Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên mới diễn ra, nhưng ngay từ rất sớm, một độc giả nữ ngoài 30 tuổi đã đến tòa soạn Báo Phụ Nữ ngồi đợi nhà văn Nguyễn Danh Lam. Xúc động trước sự hâm mộ “đặc biệt” này, nhà văn Những dòng chảy lạc đã quyết định ký tặng ngay quyển sách, dù theo thông báo, sau khi hết chương trình, chỉ năm độc giả có câu hỏi hay nhất mới được hai nhà văn gửi tặng sách kèm theo chữ ký của mình.

Ngại chụp hình: Không ngần ngại trả lời tất cả các câu hỏi, từ chuyện đời - chuyện nghề đến những việc “nhạy cảm” như đời tư, gia đình, chuyện tình yêu… nhưng Nguyễn Danh Lam lại rất “ngại” khi phải “diễn” trước ống kính của phóng viên, nhất là khi được đề nghị đứng gần Phan Hồn Nhiên. Anh liên tục cựa quậy, nhíu mặt chau mày mỗi khi PV ảnh tìm góc độ để chụp vì... sợ sẽ không được đẹp trai, mất hình tượng với các bạn đọc nữ!

THẢO VÂN - CAO HOÀI AN

LÊ VĂN NGHỆ (tường thuật)

(nguồn: báo Phụ Nữ/ phunuonline)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com