THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc GIÁNG VÂN: Tập thơ ĐƯỜNG GIÓ

GIÁNG VÂN: Tập thơ ĐƯỜNG GIÓ

Mục lục
GIÁNG VÂN: Tập thơ ĐƯỜNG GIÓ
* Nhà thơ Giáng Vân: Tự do trên “Đường gió”
Giáng Vân - trong suốt và tĩnh lặng (Mai Văn Phấn)
* Đường của người là đường của gió (Nguyễn Bình Phương)
PHẦN I ĐƯỜNG GIÓ: Chảy tuôn
* Một ngày
* Tự trôi
* Ngày cuối năm
* Dưới một tấm kính trong suốt
Viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ
* Ghi trong cuộc triển lãm
* Trước cơn giông
* Thơ tháng tám
* Biến hóa
* Tôi không là tôi
* Chiếc lá
* Một giọt nước mắt
* Thơ
* Lời của nguồn suối
* Viết ở Viêng chăn
* Mẹ thả từ trời
* Thơ ngắn
* Buồn và sáng
* Những ẩn dụ của giấc mơ
* Trong ngôi nhà rộng lớn
* Những cơn gió thổi
* Linh hồn
* Những cuộc bay của linh giác
* Không đề
* Nhịp chậm
* Nhìn từ trên cao
* Trò chuyện với thời gian
* Nhìn
* Viết ở Luangprabang
* Mê kông
* Thơ dâng mẹ
* Trong khu vườn tôi
* Ngộ
* Không sở hữu
* Những buổi chiều
* PHẦN II KHÔNG MÙA: Bắt đầu
* Ngẫu cảm
* Giấc mơ
* Những giấc mơ tôi
* Thơ viết cho con
* Trò chuyện với con
* Bản Hồ
* Trôi xuôi
* Nâu
* Bài hát
* Gió
* Bài hát 2
* Tháng ba
* Những câu hỏi câm lặng
* Chiều cuối năm
* Loa kèn
* Bài hát
* Không đề
* Không đề
* Những cái cây
* Nhật ký
* Gửi...
* Bài hát cho những con ngựa
* Những ý nghĩ
* Bài hát
* Khoảnh khắc
* Mẹ ơi
* Thơ ngắn
* Lượm lặt
* Mâu thuẫn
* Mâu thuẫn
* Gửi
* Ký ức mưa
* Nhật ký 2
Tất cả các trang

 

bia-tho-duong-gio_RRjpg

 

Giáng Vân vừa ra mắt tập thơ mới: Đường gió. Tôi vui như chính tập thơ mình. Tình bạn bao nhiêu năm rồi, dù ít gặp nhưng vẫn giữ cho nhau những tình cảm quý mến. Đó là từ thuở tôi và Đoàn Tuấn ra mắt tập thơ chung Đất bên ngoài Tổ quốc và trong nhóm bạn bè, Vân vẫn là người chia sẻ nồng nhiệt nhất. Nay tôi bày tỏ sự quý mến ấy như thế nào? Tôi post trọn vẹn tập thơ này đến bạn đọc.

Để hiểu Giáng Vân hơn, hãy đọc bài viết này:

duong-gioR


 

Nhà thơ Giáng Vân: Tự do trên “Đường gió”

Gần 20 năm không in thơ nhưng dường như vẫn chưa dứt mối duyên nợ với thơ, nhà thơ Giáng Vân vừa cho ra mắt tập thơ mới có cái tên phóng khoáng Đường gió (NXB Hội nhà văn) sẽ ra mắt chiều nay tại Thư viện - Cà phê Đông Tây (nhà N11A, Trần Quý Kiên, Hà Nội).

Tập thơ như được chiếu rọi bằng “một thứ ánh sáng khác”, khi người đàn bà làm thơ đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh” này vẫn đắm mình trong một không gian thơ biệt lập mà chị đã tạo dựng được, nhưng lại dẫn dắt người đọc vào một không gian “trong suốt và tĩnh lặng” “tựa chiếc lồng ánh sáng”.

Không gian ấy được nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng mang hơi hướng của “thiền” khi nó đưa ta lạc vào một “trạng thái định tuệ trong mọi hoạt dụng của nhân sinh, trong chuyển động của vạn hữu, nhưng luôn tỉnh giác, sáng suốt, thanh bình”.

“Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn” (viết tặng họa sĩ Trần Trọng Vũ). Câu thơ ấy có thể coi là tuyên ngôn thẩm mỹ, lý tuởng thi ca của Giáng Vân. Đọc Đường gió, để cùng “bay trong mơ”, và lạc bước vào những khoảnh khắc tĩnh lặng, tinh tế đầy tự do.

Nhà thơ Giáng Vân trò chuyện với TT&VH

* Gần 20 năm mới thấy chị in thơ, dường như chị đã “ẩn mình” quá lâu?

- Sau khi in xong tập thơ thứ hai Trên những ngày buồn vào năm 1995, tôi hầu như không làm thơ nữa vì cảm thấy mình không có gì mới, e rằng sẽ lặp lại những điều đã viết. Đột nhiên đến năm 2006, tôi lại viết trở lại, đều đặn trong ba tháng, ngày nào tôi cũng viết, liền một mạch được khoảng 100 bài.

Và phát hiện thấy mình trong một mạch suy nghĩ hoàn toàn mới, không còn những cảm xúc của ngày xưa nữa. Những bài thơ xưa được mọi người rất thích, giờ đây mình không còn cảm hứng. Tôi xếp chúng lại như một việc đã xong rồi, không còn liên quan đến mình. Sau rồi mình nghĩ, cuộc đời của mỗi con người là một hành trình. Mỗi người đều sẽ tự trải nghiệm, và tự mình ngộ ra được điều gì đó. Và những gì người ta gặp trong đời, đều là tùy duyên.

* Hẳn sự trở lại này cũng đánh dấu một mốc nào đó trong tâm thức của chị?

- Có những thứ ngày xưa mình phải sống chết với nó giờ không còn quan trọng nữa. Xưa, mình khăng khăng với những gì mình cho là đúng. Nhưng thực ra, điều đúng với người này lại có thể không đúng với người kia, đúng lúc này, nhưng lúc khác, nó không còn đúng. Cuộc đời trôi chảy, vĩnh hằng, bất biến. Chúng ta trôi trong sự vĩnh hằng đó, chúng ta là những chi tiết, điểm xuyết, những cơn gió…

Ngộ ra điều ấy, thấy mình tự do, gỡ bỏ hết những định kiến trong lòng, thấy  mình trở nên bao dung hơn

* Vậy độc giả có cần phải đạt đến một “độ” trải nghiệm nào đó trong đời mới có thể đồng cảm với chị?

- Đừng đòi hỏi người khác phải cảm thấy những gì mình cảm thấy. Người ta thường đọc những gì mình có. Hoặc, khi đọc, gọi lên những thứ có sẵn ở mỗi người. Người trẻ cũng có thể đồng cảm với tôi, ngược lại, người già chưa chắc đã có cảm xúc này. Điều đó còn tùy tạng mỗi người, tùy hành trình họ đã đi qua.

* Có thời gian, chị nói rằng, chị chẳng liên quan gì đến thơ nữa. Và bây giờ chị lại làm thơ, và in thơ. Có điều gì đã xảy ra vậy?

- Thơ là thứ trời cho. Trời không cho thì không có thơ. Nói cho vui vậy thôi. Tôi không viết lảm nhảm khi không có gì để nói, tôi cũng không thích nhai lại những gì đã cũ rích ngay cả chính mình. Nhưng quả thực, thơ là một cái “nghiệp”. Tưởng rằng đã hết, nhưng hóa ra vẫn còn.

Khi “nó” đến, mà không viết ra được, thì có gì đó không yên ổn, vậy nên phải viết. Viết ra thì lại phải in. Tôi đổi giấy phép lần này là lần thứ 3. In để khỏi phải băn khoăn.

* Từng làm chủ khảo hai cuộc thi thơ đình đám, chị nghĩ gì về việc đọc, cảm nhận thơ hôm nay?

- Tôi thường suy nghĩ và quan sát về việc đọc. Cách đây 30 năm, khi tôi còn rất trẻ, có một lần, với tất cả sự hào hứng tôi từ công trường xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình mang một tập thơ về Hà nội, ký thác cho một nhà thơ, trưởng ban biên tập thơ của một tạp chí văn nghệ quan trọng, một tuần sau quay lại để biết ý kiến của nhà thơ kia. Vị đó nói rằng: Thơ bạn không dùng được. Bởi vì thơ thì phải làm ra lúa ra khoai, thơ bạn chẳng làm ra cái gì cả.(!!!). Tôi hỏi lại: “Vậy thưa chú, thơ như thế nào thì làm ra lúa ra khoai?”, “Như thơ đăng ở tạp chí này đấy” - vị biên tập đó trả lời tôi như đinh đóng cột. Tôi rất choáng váng, và cũng rất thành thật nói rằng: “Thưa chú, cháu nghĩ, thơ như vậy chỉ làm ra nhuận bút thôi ạ(!)”.

Cách đây khoảng mươi năm, tôi chọn thơ cho một tờ báo điện tử, nên đọc rất nhiều, nguồn từ các nhà xuất bản. Nhưng việc chọn rất khó khăn, vì thơ dở tràn ngập. Tôi phàn nàn với một vị biên tập là một nhà văn hàng đầu, rằng tại sao các vị cho ra quá nhiều thơ dở như vậy, thì được trả lời: Bạn không nên thắc mắc như vậy. Những người đã làm thơ thì đều hiền lành, lương thiện. Chỉ riêng điều đó là họ đã có quyền in thơ rồi (!!!)

Vâng, tôi chỉ xin kể 2 ví dụ thôi.

* Đọc, và hành xử với thơ như vậy, bạn nghĩ thế nào? Thơ đích thực liệu có tồn tại được để đến với người yêu thơ không?

Còn để cảm nhận được thơ hôm nay, cũng như cảm nhận được thơ mọi thời, tôi nghĩ, mọi người cần sử dụng tối đa trực giác của mình. Mỗi nhà thơ đích thực, đều có một “trường” riêng, năng lượng, cảm xúc, màu sắc, cá tính… của họ đều tỏa ra trong cái “trường” đó. Dù họ viết bằng thi pháp nào. Nếu anh không thích, cũng chớ băn khoăn gì. Cái tạng anh không thích lối thơ đó. Đơn giản thế thôi.

* Có cách gì để làm cho độc giả lại yêu thơ như ngày xưa không, thưa chị?

- Không, tôi nghĩ rất khó. Tuy vậy, người nào cần thơ, thì họ sẽ đến với thơ.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

 

Diên Vỹ

(nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/nha-tho-giang-van-tu-do-tren-duong-gio-n20130127044733049.htm)


Giáng Vân - trong suốt và tĩnh lặng

Mai Văn Phấn

Không biết nhà thơ Giáng Vân có tu tập thiền hay không, nhưng khi đọc thơ chị, tôi đã lạc vào không gian trong suốt và tĩnh lặng. Khá nhiều bài thơ của chị đưa tôi đến trạng thái định tuệ trong mọi họat dụng của nhân sinh, trong chuyển động của vạn hữu, nhưng luôn tỉnh giác, sáng suốt, thanh bình. Có thể chị cũng không bận tâm với những nghi thức quán tưởng của giáo pháp nào đó, nhưng thơ chị tựa chiếc lồng ánh sáng vây quanh tôi. Ánh sáng thanh khiết và trinh bạch ấy cho tôi được thấu thị tâm và cảnh, thiện và ác, mê và ngộ trong cõi ta bà này.

Cầm tập bản thảo thơ Giáng Vân, tôi đi về phía vạt cỏ cuối vườn trong một sáng cuối thu. Ít gió, hơi se lạnh. Hình như tôi đã ngồi xuống một phiến đá phẳng... Mọi màu sắc và chuyển động trong đó đang hiển hiện, trôi đi như nó vốn có, không khởi phát, ít gây hấn. Thứ ánh sáng của từ bi, hỷ xả cứ tự nhiên dẫn dắt tôi đi từ bài thơ này đến bài thơ khác...

 

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-

Lê Minh Quốc - Giáng Vân tại Hà Nội

Không gian thơ Giáng Vân mở rộng, thoáng đãng, thường được tạo dựng bằng cảm xúc nhất quán, không ngăn cách, hay biến đổi đột ngột. Tràn ngập trong đó ánh sáng không màu, trong lành và thanh khiết. Đây là khoảnh khắc đất trời và con người đều tịnh định: Thỉnh chuông chùa ba tiếng/ Nghe lòng mình tịnh không (Khoảnh khắc).

Những khoảnh khắc thiền thường đến với Giáng Vân trong khá nhiều bài thơ, tôi gọi đó là trạng thái của thiền động. Chị ngắm nhìn sự trôi chảy, sinh diệt, hợp tan của thế giới bằng tâm thế tỉnh táo, trạm nhiên, an định: Ngày cuối năm/ Một người bán hoa đứng góc đường/ mời tôi mua/ Tôi chọn một bó tầm xuân lớn để cắm/ vào chiếc bình gốm cũ/ Tôi đã rất chăm chú làm việc này/ Thay vì/ Đi tìm những quên lãng. Phải chăng những "quên lãng" ấy của chị cũng đang hành trình đến một chân trời mới, hay khởi đầu một hiện thực "nhớ" khác. Trong bài thơ Biến hóa, chị đạt được nhiều mức độ tỉnh giác khác nhau, sản sinh những đổi thay vĩnh viễn: Trong biệt tăm/ Tôi thả mình rơi thong thả/ Không gì bực dọc/ Chỉ rặt những thứ vu vơ/ Tôi/ Hóa ra những vụn vỡ nhỏ/ Li ti/ Hạt giống của loài hoa cỏ/ Có thể nẩy mầm rất nhanh/ Một sáng thôi/ Làm tràn ngập sự thanh khiết... Nhà thơ tỉnh táo phân thân trong cuộc hòa nhập giữa đa chiều thời gian: Tôi đã bước ra khỏi tôi/ Là không trở lại (Trong ngôi nhà rộng lớn); Tôi thả tôi vào ánh sáng/ Ánh sáng tràn ngập tôi (Tôi không là tôi); hiện thân trong hành trình của cuộc luân hồi: Quá khứ tôi là tương lai kẻ khác/ Mùa đã chết trở mình trong những cơ thể khác... Chị nhất thể hóa cái tôi cá nhân - tiểu vũ trụ với đại vũ trụ, qua "cơn gió" xuyên thấu: Những cơn gió thổi/ Cuốn ta khỏi ngôi nhà.../ Những cơn gió thổi/ Từ đáy khát vọng (Những cơn gió thổi).

Bài thơ Tự trôi là trạng thái của dịch biến, trôi chảy, không bao giờ bị hạn cuộc... Nhà thơ bình thản, an nhiên, không còn những hệ lụy, ái dục, khổ đau của thế giới tập đế và khổ đế: Ta nhắm mắt/ Tự trôi/ Như nước trên sông/ Như trăng giữa thiên hà/ Như gió theo gió/ Như những số phận rì rầm trong đêm. Sự thể nghiệm nhuần nhuyễn của thiền tuệ trong khổ thơ này: Tự trôi,/ Tự trôi.../ Ta trôi đến khi nào/ Khi nào ta cập bến?/ Ngươi chỉ là cát nhỏ/ Một giấc mơ thoảng qua/ Một chút hương rồi hết/ Một ngày trong vạn năm. Bài thơ kết thúc trong trạng thái tuệ tri, như thật: Thân xác rã tan/ Trong đất sâu/ Trong những đời sống khác/ Có gì níu ta lại?/ Tự trôi/ Tự trôi/ Hiện hữu trong không.... Trạng thái "tự trôi", buông lỏng tự nhiên đôi khi xuất hiện trong những bài thơ khác, nhưng mang ý nghĩa khải thị, khởi nguồn. Đây là cánh cửa thiên nhiên vừa mở: Hãy chảy đi, chảy đi/ Ta chỉ đầy lên khi cho đi/ Sự tráng lệ của những dòng sông lớn/ Khởi từ sức mạnh của mạch nguồn/ Sự trầm tĩnh của những dòng sông lớn/ Khởi từ sự bền bỉ.../ Hãy chảy đi, chảy đi/ Và đừng hỏi... (Lời của nguồn suối); trạng thái lắng đọng một hồ nước, người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động: Im lặng đang tuôn chảy âm thanh/ Ah, những âm thanh thần thánh (Viết ở Luangprabang).

Giáng Vân trong một số bài thơ, như muốn vươn tới thế giới siêu hình, vượt qua màn vô minh bằng con mắt "thứ ba" xuyên thấu: Linh hồn chúng ta nặng bao nhiêu (Linh hồn); Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc/ Thoát đi nhẹ như một hơi thở.../ Và/ Trên cánh đồng phiền muộn/ Chúng ta bắt đầu nở hoa (Những cuộc bay của linh giác). Chị lý giải bản chất của sự vật, hiện tượng trong chốn u minh, trùng trùng duyên khởi: Đôi khi, tôi thử giải mã những thế giới câm kia bằng các kí tự trên các khuôn mặt, bộ điệu (Những buổi chiều). Chị nhìn thấy một con ruồi chuyển động Dưới một tấm kính trong suốt, để nhận ra tấm kính của mình mà chị không thể vượt qua, chính là ranh giới, cái hữu hạn của đời sống này, ngăn cách con người với mịt mùng, vô tận....

Đôi lúc Giáng Vân nhìn đời sống hiện hữu từ một hệ "quy chiếu" khác, bị tác động bởi những quy luật sống khác: Có một ánh sáng khác/ Soi vào nỗi hoài nhớ của tôi/ Như mặt trời nhiệt đới chiếu vào những đường/ gân của lá/ Nhưng đây là lá của những ngày xanh tươi/ Còn tôi/ Một chiếc lá đã mục (Chiếc lá). Trong bài thơ Tôi chỉ là một giọt nước mắt, chị đã chuyển hóa trạng thái trong thiền định, hóa thân thành Một giọt nước mắt của trời.../ Tôi có thể thấy được em yếu đuối và tủi hổ nhưng/ không thể làm gì.../ Tôi thả tôi vào nước hy vọng sẻ chia/ Tụ vào tôi/ Giọt nước ngày một lớn/ Hãy thử soi vào tôi đi...

Không gian thơ Giáng Vân khá ổn định, tĩnh lặng và thanh sạch. Người đọc hiếm khi gặp được những câu thơ nhói sáng, như: Bật tung những chồi xanh/ Trên khắp thân, cành./ Những cái cây/ Choáng váng vì hạnh phúc (Những cái cây); Ô bài ca mặt trời/ Người ạ/ Vẫn sáng rực cả đêm đen (Bài hát)... Nếu bạn đọc cố dõi tìm những câu thơ hay để "nằm lòng" chắc sẽ khó gặp, giống như người đi "mò trăng" dưới đáy sông thuở nào. Câu thơ Giáng Vân thường mang vẻ đẹp giản dị, bí ẩn khi đứng trong khổ thơ, chịu tác động tương hỗ giữa các câu thơ, làm nên hoàn chỉnh từ trường toàn bài.

Chuyển động các thi ảnh trong thơ Giáng Vân cũng thường chậm, giống như Đám mây chiều vàng rực đang trôi qua cửa sổ nhà chị, giống như gió, dòng sông, màu diệp lục... đang trôi qua cuộc đời chúng ta. Hạnh phúc cùng khổ đau/ như gió thổi/ tựa như ngày mai trôi tới/ đang trôi qua và đang bay đi (Bài hát 3). Nhưng những chuyển động ấy bất ngờ, khó đoán trước: Chảy tuôn/ Và biến tấu không ngừng/ Không thể lường được/ Đường đi của gió/ Không thể lường được/ Những cơn bất thường của sông/ Dù ngày mai sông cạn (Chảy tuôn).

Đôi lúc chị không thả mình, không hòa tan cùng những chuyển động của thiên nhiên, sự vật..., Giáng Vân như cố tình đứng cách xa nơi xảy ra sự kiện một khoảng cách: Những ngọn gió chết lặng trên cây/ Cơn giông không sao tới được (Trước cơn giông); Một sợi dây rất mảnh/ Nối từ ta đến người/ Làm sao để không thất lạc (Nhìn từ trên cao).

Thơ Giáng Vân đắm mê, nhưng tỉnh táo và tinh tế. Đó là sự tinh tế trong quy luật chuyển hóa, biến đổi: Người thấm vào tôi/ Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi/ Nước thấm vào tôi/ Làm mới lại một mùa gieo trồng/ Những thứ cây có hương vị vừa đủ mê hoặc (Một ngày).

Tâm trạng cô đơn, lẻ loi thường xuất hiện trong thơ chị, không buồn bã, day dứt, mà tự nhiên, tự tin như nó vốn có. Cầu đứng một mình với tôi một mình/ Gió thổi với mây trời/ Mặt trăng với sóng nước (Giấc mơ). Hình ảnh "cây cầu" với "tôi" đều một mình. Chữ "một mình" trong câu thơ đầu, như đã vô tình kéo giãn khoảng cách giữa các thi ảnh, mở ra nhiều góc nhìn đơn lẻ khác khác, từ gió, mây, mặt trăng, sóng... Cũng trong bài Giấc mơ có câu thơ cấu trúc lạ Tôi đứng giữa cầu, gió thổi gió lay tôi. Ít khi thấy trong thơ Giáng Vân có các điểm "giao tiếp" (ở bài thơ này: tôi... cầu... gió) hội tụ vào một "tôi" như câu thơ trên. Nhân vật "tôi" đã làm cả chiếc cầu chòng chành, chao đảo, nhưng không bị ngã vì chị đã đứng ở giữa cầu. Gió trong câu thơ đã lay chị hay chị làm ra gió không biết nữa!

Trong bài thơ Nợ, nỗi cô đơn rợn ngợp, vỡ ra, tựa những mảnh thủy tinh lung linh, sắc nhọn: Cô đơn ngợp lên đã thành rừng/ Sông chảy lên trời đã như thác lũ.../ Mang mang/ Những kí ức buồn/ Những mảnh vụn đã không thể chắp lại/ ĐẸP đã vỡ, đã khóc, đã bay hơi (Nợ). Nhiều lúc thơ chị ở trạng thái phân vân, lưỡng tự: Vương nỗi gì trong mắt/ Vương nỗi gì như thể trong tim/ Muốn bỏ đi/ Nửa muốn đi tìm (Tháng ba); cả thoáng những hoài nghi: Bài hát cuối cùng của em đã hát/ Cho anh cho anh cho anh.../ Xin lửa đừng khi nào tắt (Không đề); Dường như trong mơ tôi khóc.../ Vì trong suốt cuộc đời/ Tôi đã sống/ Dù không biết mình sống (Những giấc mơ tôi)... Những biến động trong tâm trạng chị cũng diễn ra chậm chạp, như đàn hồi: Một ngày thở than/ Cùng nhau anh nhé (Bài hát 2). Từ những đơn lẻ, rời rạc, chậm rãi và buồn, nhưng chúng kết nối, thường là những kết nối xa nhau, đã tạo nên một thế giới trong suốt, dịu dàng: Thầm thì và dịu dàng đến nỗi/ Tất cả thương đau sẽ lành/ Tất cả những môi thơm sẽ đợi/ Cả bình minh cùng những hoàng hôn (Gửi...). Chị đã nhìn thế giới ấy, như con gái chị nhắm nghiền mắt và mơ. Nó tựa hẳn vào tôi tin tưởng/ Như tựa vào cả một thế giới/ Để không ngừng mọc ra một thế giới khác (Thơ viết cho con). Chị lý giải những hệ lụy đời sống thật nhẹ nhàng và thanh thản: Có buồn gì đâu/ Tự nhiên như là hơi thở (Loa kèn).

Tôi thường nhìn thấy trong thơ chị người đàn bà lặng lẽ quan sát, lặng lẽ chiêm nghiệm: Chảy mãi về trời/ Những câu hỏi câm lặng (Những câu hỏi câm lặng); Bây giờ mới mùa xuân/ Mùa xuân cũng còn rất lâu nữa.../ Từ những cánh trắng/ Đến tận khi loa kèn chết (Loa kèn)... Hành vi sống, mục đích sống của nhà thơ vì một điều thiêng, như lý tưởng, như tôn giáo, vì Trên cao/ Những con đường rộng mở... (Một ngày). Điều thiêng đó đã cho chị gặp được may mắn, hạnh phúc, giao cảm với những người thân yêu của mình ở thế giới khác: Thỉnh thoảng, mẹ ơi/ Con mơ/ Những chiếc lá từ trời (Mẹ thả từ trời).

Trong trạng thái lẻ loi, trầm lặng, đôi lần chị đã cất lên tiếng hát. Lời ca nghe mơ hồ trong giai điệu quyến rũ, da diết: Ôi, những con ngựa/ Sớm mai/ Chết dịu dàng trên thảm cỏ/ Chết những mắt buồn/ Vô hạn (Bài hát cho những con ngựa); Người yêu dấu ơi/ Yêu và đừng muộn phiền/ Những cọn nước quay và quay/ Những cuộn chỉ quay và quay/ Vầng mặt trời quay và quay.../ Như em dệt tình yêu cho anh/ Những sớm mai/ Dìu dịu (Những ý nghĩ). Động từ "quay" lặp lại nhiều lần trong khổ thơ như một "con lắc đơn" đang giao động. Mỗi nhịp của nó đã sản sinh ra biết bao điều kỳ diệu và lý thú từ bàn tay dịu dàng, hơi thở ấm áp, nhân hậu của chị.

Không gian chị tạo dựng không biệt lập với thế giới bên ngoài, bài thơ Ghi trong cuộc triển lãm, Giáng Vân đã mượn "ánh sáng quá độ của căn phòng" để khắc họa chân dung đời sống rất dữ tợn, gai góc: Những khuôn mặt đập thẳng vào thị giác/ Cơn buồn nôn của thời đại/ Vũng bùn cho tất thảy chúng ta quá chật hẹp/ Để có thể múa may, gào thét, (Làm ra vẻ) điên loạn...

Mạch thơ Giáng Vân trôi chảy tự nhiên, có những mê đắm, nhưng tỉnh táo, minh bạch trong ánh sáng minh tuệ. Chị là họa sỹ vẽ tranh bằng ngôn ngữ, với những "nhát bay" dứt khoát, ít chồng lấn: Đồng đất mầu nâu ngái/ Còn tôi mầu xám tro (Ngẫu cảm). Bên cạnh, ta cũng gặp những câu thơ có cách luận đề khô cứng, gượng ép. Ngôn ngữ trong thơ chị tinh lọc, giản dị, giàu hàm nghĩa, nhưng có những câu thơ dễ dãi bằng nhịp điệu và tu từ cũ...

Thơ Giáng Vân xuất hiện cùng thời với thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh..., nhưng chị đã tạo đuợc không gian thơ biệt lập, trong suốt và tĩnh lặng, làm phong phú, đa giọng điệu dòng thơ cách tân sau 1975. Thơ Giáng Vân là thế giới của những giấc mơ, mở cửa giấc mơ. Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn (Viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ). Câu thơ ấy có thể coi là tuyên ngôn thẩm mỹ, lý tuởng thi ca của chị. Chị từng bay trong nhiều trạng thái, từng tạo ra nhiều khoảnh khắc in dấu trong tâm não người đọc, nhưng tự do nhất, đẹp nhất là chị được bay một mình trong những giấc mơ – giấc mơ của người tỉnh táo, tĩnh lặng và tinh tế, được quán tưởng sâu trong tâm không ở các trạng thái thiền. Thơ chị đã tạo những áp lực rất cuốn hút, kết hợp các thủ pháp hiện đại với cảm thức huyền bí tâm linh phương Đông, kết nối những liên tưởng lạ lẫm và phong phú, tạo ra không gian thanh sạch để tẩy rửa và thanh lọc tâm hồn. Phải chăng, đó là cái đẹp của nhân bản cũng như sự bình an và phúc lạc nội tâm của con người./.

Hải Phòng, 21/11/2012

M.V.P



 

Đường của người là đường của gió

(Đọc tập thơ Đường Gió của Giáng Vân - Nxb Hội Nhà văn-2013)

Bắt đầu từ thơ, con người không thống nhất nữa mà bị chia ra bởi hành trình của những dịch chuyển vô tận. Con người trở thành một loạt “phiên bản sống” mà những phiên bản ấy có khi chân thực hơn sự sống thực tại.

Vì thế, trong chừng mực nào đó, thơ là gương chiếu yêu, nó soi những chỗ khuất lấp, bí ẩn, soi cả chỗ quái đản nhất. Thơ có thể cho ta thấy rõ “cái mờ ảo người” mà triết gia Trần Đức Thảo đã từng có lần đề cập tới.

Băn khoăn về chính mình là sự băn khoăn lớn của hết thảy mọi người. Nhưng với nhà thơ thì nỗi băn khoăn đó rất đáng gườm vì nguy cơ lạc xa khỏi chính mình là có thực.

Khi cất tiếng hoài nghi về cái thực tại của mình: “-Này, phiền muộn người bạn trung thành của ta ơi/Con người kia có là ta không?/ Con người kia so với ta có gì hơn không?”.

Nhà thơ cũng có thể rơi ra khỏi chính mình để trở thành một “phiên bản sống” khác: “-Các chiều của thời gian// Đi ngược nhau/ Quá khứ tôi là tương lai kẻ khác”.

Trớ trêu ở chỗ nếu ta băn khoăn về mình ở chừng mực vừa phải, thì ta chạm tới vóc dáng lớn lao, nhưng nếu ta băn khoăn về mình quá lớn thì diện mạo ta lại nhỏ đi.

Giáng Vân đang chạm tới mức cần phải dừng và câu thơ của chị đứng ở thế chênh vênh mạo hiểm, chỉ cần quá thêm chút nữa nó sẽ trở thành vị kỷ. Cái thế đứng chênh vênh này tạo cho thơ của chị một vẻ đẹp cá tính.

Khi trực giác lên tiếng, dung mạo gần với bản lai diện mục của con người hiển lộ và chúng ta sẽ thấy mình khác xa những gì lâu nay tưởng như đó là đích thị là chúng ta. Chúng ta quyền lực hơn rất nhiều:

- Tôi vẫn trôi

không còn thân xác cản ngăn

Thời gian,

Mi phỏng còn có ích?

Này thôi,

Cát nhỏ, cơn mơ, hương hoa, khoảnh khắc...

Trong cơ thể ấm nóng của ngươi

Làm sao ngươi biết

Quyền lực vô hạn của ta

Trớ trêu ở chỗ kèm theo đó, ta còn có cả

sự bất lực:

-Một con mắt của tôi im lìm bất động

Con mắt kia rất buồn nhưng không thể nhỏ ra được một giọt nước mắt.

Một góc của sự phân rã mà thần kinh của con người không phải lúc nào cũng đủ sức chịu đựng được. Giáng Vân suy tư nhiều, nhưng không theo xu hướng đào bới, khám phá những điều mới mẻ của cuộc đời mà lại ngả theo hướng hòa giải trên tinh thần bao dung. Tôi nghĩ lòng bao dung là thứ rêu phong nhất của con người và đôi khi nó mang dấu hiệu của sự mệt mỏi, buông xuôi. Nhưng hãy nhớ, với nhà thơ, buông xuôi không phải là nhược điểm mà là một công cụ đặc biệt để khám phá sâu hơn.

-Em ngồi khóc

thấy cây từ bi

nở hoa.

Lòng bao dung cho ta những khoảnh khắc xúc động, cho ta thứ tình cảm trong suốt, dù chưa hẳn nó đã gieo cho ta nghị lực. Tôi thấy từng câu từng chữ trong thơ của Giáng Vân luôn lấp lánh sự lo lắng, luôn mờ mịt trong hoài nghi:

- Cánh chim xa bay vút cuối trời

Một chấm nhỏ rồi thôi không còn nữa

Mà linh hồn còn nặng thế này đây…

ở những tâm trạng như “thế này đây”, thơ phát huy tối đa vẻ quyến rũ, ma mị của nó. Con người băn khoăn tìm kiếm mình và trong chặng đường lênh đênh ấy nó phát hiện ra nó là kẻ luôn bất ngờ về sự đa dạng của chính mình:

- Một ngày

Tôi thấy mình sáng dịu

Như những tơ trời lắc thắc giăng giăng

Tôi thấy tôi không quá độ buồn.

Khi ấy, ta không chỉ là một ta mà gồm rất nhiều ta chồng lấn lên nhau để tiến tới chân dung rộng lớn vô biên với tên gọi chính xác: “cái mờ ảo người”.

-Ngươi chỉ là cát nhỏ

Một giấc mơ thoảng qua

Một chút hương rồi hết

Một ngày trong vạn năm.

Nhỏ bé thế nhưng lại rất lớn vì sự nhỏ bé ấy là một lợi thế để hòa nhập và thâu tóm vạn vật vào trong mình thành một tổng thể “cái mờ ảo người”. Tất nhiên nếu phải băn khoăn về mình dưới dạng khái quát to tát, lớn lao như những câu trên thì dễ làm cho thơ trượt ra khỏi vẻ đẹp của chính bản thân nó. Thường thì thơ nên dừng ở kích cỡ của chính nó thì sẽ huyền ảo hơn, sang trọng hơn. Câu thơ sau hình như dừng lại ở chính nó:

-Tôi có một chút mặn mòi

Để có khát vọng, để không nhạt nhẽo

Tôi thả tôi vào nước hy vọng sẻ chia

Tụ vào tôi

Giọt nước ngày một lớn

Hãy thử soi vào tôi đi

Dù tôi chỉ là một giọt nước mắt.

Tại những khoảnh khắc tuyệt vời khi con người hòa quyện với thế giới xung quanh, niềm kiêu hãnh kín đáo vẫn còn giữ được, chỉ có điều nó ẩn sâu hơn dưới cái vẻ khiêm nhường:

-Những bước chân của mùa vang động

Ta lắng nghe trong khẽ khàng hơi thu

Một sợi dây rất mảnh

Nối từ ta đến người

Làm sao để không thất lạc.

Con người đột nhiên ngập vào “cái mờ ảo người” khi nó thấy mình không còn là mình nữa mà còn là gì khác, có thể lớn lao hơn, cũng có thể bé nhỏ hơn. Dù thế nào, khi nhận thấy mình không còn là mình nữa thì đấy đã là một chiến thắng lớn.

-Tôi đã bước ra khỏi tôi

Là không trở lại

Một ngày tôi trò chuyện với tôi như với một người khách quen

Mà tôi thuộc như thuộc từng ngõ ngách của ngôi nhà mình

Từng cách buồn vui, âm thầm hay cao giọng.

Khi con người còn dịch chuyển giữa hai bờ oái oăm, tôi cho rằng sống và chết cũng oái oăm cả, như kiểu: “-Tôi nhìn thấy tôi chết/ Và từng sống lại”, hiển nhiên là không có lời giải đáp chính xác cho câu hỏi:

-Bao giờ thì hết mơ

Bao giờ hết tôi?

Thơ vừa tìm kiếm vừa soi sáng những cái tôi vô tận, hay nói theo cách của Giáng Vân, là tìm kiếm và soi sáng những “phiên bản sống”. Vì thế mà thơ và con người gắn chặt với nhau như một định mệnh không thể tách rời. Cả hai cùng hòa quyện đến mức nào đó thì tạo thành “Đường gió”.

Nguyễn Bình Phương

(nguồn: http://www.tienphong.vn/van-nghe/614975/Duong-cua-nguoi-la-duong-cua-gio-tpp.html)


 

Chảy tuôn

 

Chảy tuôn

Và biến tấu không ngừng

Không thể lường được

Đường đi của gió

Không thể lường được

Những cơn bất thường của sông

Dù ngày mai sông cạn

 

Chảy tuôn

Và hát

Giọng cao của gió

Giọng trầm của sông

Khi du ca khi trầm mặc

Đừng đổi chác điều gì

Kẻo điều thiêng đi mất

 

Chảy tuôn

Theo những ánh sáng đẹp

Theo mưa rây ngày xuân

Theo hoa hồng mới nở

Những hồn hoa trong ngần

Nếu một ngày ta chết

Hồn ta vương vấn ngàn hương

Với cả ngàn tia sáng

 

Chảy tuôn

Cho đến khi không thể...

GIÁNG VÂN


 

Một ngày

 

Một ngày

Tôi thấy mình sáng dịu

Như những tơ trời lắc thắc giăng giăng

Tôi thấy tôi không quá độ buồn

Người thấm vào tôi

Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi

Nước thấm vào tôi

Làm mới lại một mùa gieo trồng

Những thứ cây có hương vị vừa đủ mê hoặc

 

Ngạc nhiên

Tôi đứng ngắm nhìn

Từ trong trái tim sâu có nhiều phiền muộn

Này, phiền muộn người bạn trung thành của ta ơi

Con người kia có là ta không?

Con người kia so với ta có gì hơn không?

 

Trên cao

Những con đường rộng mở...

GIÁNG VÂN


Tự trôi

 

Ta nhắm mắt

Tự trôi

Như nước trên sông

Như trăng giữa thiên hà

Như gió theo gió

Như những số phận rì rầm trong đêm

Lao xao hay buồn nhớ

Nhẹ nhàng hay vật vã

 

Tự trôi,

Tự trôi...

Ta trôi đến khi nào

Khi nào ta cập bến?

 

Ngươi chỉ là cát nhỏ

Một giấc mơ thoảng qua

Một chút hương rồi hết

Một ngày trong vạn năm

 

Thân xác rã tan

Trong đất sâu

Trong những đời sống khác

Có gì níu ta lại? 

 

Tự trôi

Tự trôi

Hiện hữu trong không....

GIÁNG VÂN

 

 


 

Ngày cuối năm

 

Định bỏ đi

Nhưng có gì níu chân tôi lại

Nghĩ mãi,

Thì ra ngày cuối năm

Bừa bộn trên bàn

Những công việc chưa làm

Loại việc như thế nhiều không kể xiết

Ta như một cái thùng chứa

Cố phình lên

Việc càng nhiều ra

Ta đã để

Rụng rơi đâu đó

Rất nhiều

Những thứ có thể nhìn thấy

Và những thứ không thể nhìn thấy

Công việc lớn tiếng gọi

Còn thứ không thể nhìn thấy

lại lặng lẽ rời xa

Ngày cuối năm

Một người bán hoa đứng góc đường

mời tôi mua

Tôi chọn một bó tầm xuân lớn để cắm

vào chiếc bình gốm cũ

Tôi đã rất chăm chú làm việc này

Thay vì

Đi tìm những quên lãng

GIÁNG VÂN


 

Dưới một tấm kính trong suốt

 

Dưới một tấm kính trong suốt

Tôi nhìn thấy một con ruồi cố sức vượt qua

Những con ruồi khác cứ thế làm theo

Đến khi mặt kính đen đặc những ruồi

Những con ruồi ướt nhẹp, mệt lử

Không hiểu vì sao mình không thể bay qua

 

Nhờ những con ruồi

Tôi nhận ra tấm kính của mình

Vào một ngày cực kỳ vớ vẩn

GIÁNG VÂN


 

Viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ

 

Cơn mưa ấm và sáng

Của một thành phố xa vời

Ở bên ngoài những định kiến và thù hận

 

Cơn mưa ấm và sáng

Trong lòng anh, trong lòng chúng ta

Giọt này rơi nghiêng, giọt này rơi thẳng

 

Bàn tay gầy,cặp mắt trong và ấm

Ngay cả nỗi buồn cũng ấm và rất trong

Cả những bùn đen cùng rách nát

Ước muốn được tắm mặt trời

Để được sáng lên

 

Nhưng

Đấy chỉ là mơ

Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ

Để tuyệt giao với nhơ bẩn

Chúng ta chỉ có một nỗi buồn rất nặng

Để thanh lọc.

GIÁNG VÂN

 


 

Ghi trong cuộc triển lãm

(tặng họa sĩ Nguyễn Quân)

 

Trong ánh sáng quá độ của căn phòng

Những khuôn mặt đập thẳng vào thị giác

Cơn buồn nôn của thời đại

 

Vũng bùn cho tất thảy chúng ta quá chật hẹp

Để có thể múa may, gào thét,

(Làm ra vẻ) điên loạn

 

Hoạ sỹ

Hả hê chăng?

Nhìn kẻ khác đi lại, bắt tay chúc tụng

Hay anh trong thẳm sâu

Mang nỗi buồn chúng ta

Mang điệu ca đau thương đang ngân lên không dứt

Những điệu ca

Đã lùi vào tận góc thật sâu

Tựa hồ không còn chỗ nữa

 

Hoạ sỹ

Trong cơn mê sảng của anh

Một cơn mê sảng dài

Tỉnh dậy

Thấy chỉ còn lại mặt mình

Một u buồn vô cảm

GIÁNG VÂN


 

Trước cơn giông

 

Những con cá quẫy dưới đáy ao tù

Ngoi lên để đớp không khí

Những ngọn gió chết lặng trên cây

Cơn giông không sao tới được

Báo trước tai ương ư?

Vâng, đấy chỉ là chuyện nhỏ

Dù sao cũng không ai quen được trạng thái thiếu không khí

Mà chúng ta không thở được đã từ lâu

 

Một con mắt của tôi im lìm bất động

Con mắt kia rất buồn nhưng không thể nhỏ ra được một giọt nước mắt

Đông đặc và sền sệt

Nghệ thuật bốc mùi

Giữa đám đông lượn lờ tìm kiếm cơ hội

Chúng ta muốn nhặt nàng thơ ra khỏi, nhưng dường như nàng đã dính chặt vào, đã nhuốm mùi, đã hít

thở, đã no nê những bữa tiệc ô trọc

Còn tôi

Hằng đêm không ngủ được

Viết câu thơ nào cũng thấy nhạt hoét

GIÁNG VÂN



Thơ tháng tám

Tất cả chúng ta đã gắng gỏi biết bao

Trong đường đi của số phận mình

Mơ mộng như rừng

Một mai đã chết

 

Một mai em viết tên của người tình xưa

Nhưng tên anh giờ đã không thể hiện ra

Không thể, trời ơi

Giấc mơ ngày một lùi xa

Khuôn mặt đau thương

Con tim thoi thóp

 

Tất cả chúng ta đã gắng gỏi biết bao

Để đi đến cái chết này

Trước khi đến được sớm mai.

GIÁNG VÂN


 

Biến hóa

 

Mơ ngụp thật sâu

Dưới đáy

Để không bao giờ dậy nữa

 

Tôi hít thở

Một hơi rất dài

Một cái ống hun hút

Cuốn tôi vào biệt tăm

 

Trong biệt tăm

Tôi thả mình rơi thong thả

Không gì bực dọc

Chỉ rặt những thứ vu vơ

Tôi

Hóa ra những vụn vỡ nhỏ

Li ti

Hạt giống của loài hoa cỏ

Có thể nẩy mầm rất nhanh

Một sáng thôi

Làm tràn ngập sự thanh khiết

GIÁNG VÂN


 

Tôi không là tôi

 

Tôi thả tôi vào bóng tối

chìm sâu, chìm sâu

Tôi thở

 

Bóng tối len vào từng mao quản

Bóng tối ăn tôi

Chậm rãi

Như thưởng thức một món ngon

Tôi tan ra và biến mất trong cuộc chinh phục

 

Tôi thả tôi vào ánh sáng

Ánh sáng tràn ngập tôi

Tôi

Trở thành vật thể nghiệm được nhuộm ánh sáng

Tôi phát sáng từ những huyết quản

 

Tôi

Quên tôi đi

Như chưa từng có,

Lãng đãng, la đà, phiêu diêu

Tôi - Không trọng lượng

Đồng nghĩa với tôi tự do.

Tôi - Không gì cả

Đồng nghĩa với tôi tuyệt đối.

 

Những đối cực không loại trừ nhau

Những cú phanh gấp trở nên vô nghĩa

 

Các chiều của thời gian

Đi ngược nhau

Quá khứ tôi là tương lai kẻ khác

Mùa đã chết trở mình trong những cơ thể khác

Nước mắt thành hoa

Hoa có lẽ hóa giấc mơ rồi

Tôi không còn tôi

Thơ như gió ngang trời...

GIÁNG VÂN


 

Chiếc lá

 

Có một ánh sáng khác

Soi vào nỗi hoài nhớ của tôi

Như mặt trời nhiệt đới chiếu vào những đường

gân của lá

Nhưng đây là lá của những ngày xanh tươi

Còn tôi

Một chiếc lá đã mục

 

Người ta ưa một chiếc lá mục hơn

Những chiếc lá còn xanh

 

Những chiếc lá mục rất dễ được dịnh giá

Thậm chí có thể trả giá cao

Bởi việc đó định được giá của người trả giá cho nó

Dù chiếc lá mục tôi chẳng đáng giá một xu

 

Chiếc lá xanh tươi của tôi đã chết rồi

Và chiếc lá mục tôi cứ buồn mãi

Nó từ chối những cuộc định giá

Để trở về hư không

GIÁNG VÂN

 


 

Một giọt nước mắt

 

Đơn giản là một giọt nước mắt

Một giọt nước mắt của trời

Trong suốt

Bởi vì là nước mắt của trời nên nó không thể tan đi

Chiếc gương soi thấu thị

Tôi có thể thấy được em yếu đuối và tủi hổ nhưng

không thể làm gì

 

Tôi có một chút mặn mòi

Để có khát vọng, để không nhạt nhẽo

Tôi thả tôi vào nước hy vọng sẻ chia

Tụ vào tôi

Giọt nước ngày một lớn

 

Hãy thử soi vào tôi đi

Dù tôi chỉ là một giọt nước mắt...

GIÁNG VÂN


 

Thơ

 

Chín và rụng

Và phiêu dạt

Không phải trong gió

Mà trong cõi người

Nơi chúng ta sống

Mỗi một giây

Tôi đang mất dần

Những câu thơ đòi sống

 

Những câu thơ không hình hài

Đôi khi lướt qua bạn

Nhưng không đậu lại được

Tựa như những linh hồn

Không tìm được chốn hoài thai

 

Ngủ và mơ

Rồi thốt nhiên thức dậy

 

Trên cánh đồng trời

Những bông hoa

Nở ra

Từ những dòng nham thạch buồn.

GIÁNG VÂN

 


 

Lời của nguồn suối

 

Hãy chảy đi, chảy đi

 

Bởi vì ta cần mang cho

Bởi vì ta không khi nào cạn

Bởi vì ta không khi nào tính đếm

 

Hãy chảy đi, chảy đi

Ta chỉ đầy lên khi cho đi

Sự tráng lệ của những dòng sông lớn

Khởi từ sức mạnh của mạch nguồn

Sự trầm tĩnh của những dòng sông lớn

Khởi từ sự bền bỉ

 

Hãy chảy đi, hãy chảy đi

Đừng hỏi nước khởi nguồn từ đâu?

Đừng hỏi Tình Yêu khởi nguồn từ đâu

Nước là Tình Yêu ta

Tình Yêu là nước nên ta mãi mãi

Bởi vì ta yêu nên ta là cội nguồn.

 

Hãy chảy đi, chảy đi

Đừng bao giờ ngoảnh lại

Nước lên hương ban mai

Nước mát rượi ban trưa

Nước dịu dàng chiều hôm

Khi đêm về hư ảo

 

Hãy chảy đi, chảy đi

Và đừng hỏi...

GIÁNG VÂN

 


 

Viết ở Viêng chăn

 

Du khách du khách

Tôi đi dưới những vòm cây này

Dưới bầu trời này

Bầu trời này cổ xưa như mảnh đất này

Mảnh đất này nuôi những vòm cây tươi xanh

ánh sáng này chứa bao nhiêu triệu năm ánh sáng

Du khách du khách

Tôi ngồi dưới những tượng Phật này

Thấy mình nhỏ bé sao

Như hằng hà sa số những hạt bụi

Một hạt bụi rơi vào lòng bàn tay Phật

Lặng im hát

Bài hát giữ cho những vẻ đẹp được sống

đã được tạo tác như vậy

Du khách du khách

Có thể đi cũng có thể quay về

Có thể hôm nay cũng có thể mãi mãi

Có thể đây là quê hương tôi

Cội nguồn của tôi

Nơi tâm từ bi lan toả

Du khách du khách

Tôi đi dưới những vòm cây này

Và không ngừng mơ...

GIÁNG VÂN

 


 

Mẹ thả từ trời

 

Thỉnh thoảng

Mẹ thả từ trời

Một chiếc lá

 

Chiếc lá đơn giản

Hiển nhiên

Như tình mẹ

 

Chiếc lá bí ẩn

Vẻ đẹp

Những câu chuyện hoang đường

Chỉ tồn tại trong cổ tích

 

Đấy là ngôn ngữ

Nối

hai thế giới

 

Sự sống bất diệt sao

Sự chết nhẹ nhàng sao

 

Thỉnh thoảng, mẹ ơi

Con mơ

Những chiếc lá từ trời...

GIÁNG VÂN


 

Thơ ngắn

*

Câu thơ đã viết

Giống như hơi thở

Đã thở rồi.

Không thở sẽ chết

Nhưng không thể còn thở lại

*

Lại bắt đầu nỗi nhớ

Ngay từ khi anh dời chân đi

Ngay cả khi

Anh vẫn còn ở bên

Nhớ như cơn đói

Một cơn đói truyền kiếp

*

Thơ

Không có gì rõ rệt

đến bất thần như nước

nếu biết rõ

thơ sẽ không đến

*

em bắt đầu viết

như gió bắt đầu thổi

như ánh sáng bắt đầu toả rạng

như khởi lên trong không

một tiếng gọi

*

con đường

chạy trong im lặng

giống như một mối tình

không lượn sóng

không hát lên

không ai thấy nó tồn tại

*

vệt sóng loang xa

rồi mất

mặt trời lên

rồi tắt

những buồn nhớ

đã tuyệt mù

*

cuộc đời chúng ta

ngắn ngủi sao

mới đó thôi đã già lão

cuộc đời chúng ta dài sao

trả mãi

không hết nợ

*

rồi chúng ta

vì sao bên nhau

có phải

trên một con đường xa lắc

ai cũng thấy đơn độc

*

Quên

Như một vệt nước

bốc hơi.

Ngay cả một dòng sông

Cũng chết.

*

những bức hoạ

là kí ức của ngày hôm nay

ngày hôm sau

chúng ta đã trôi đi

không biết ở chốn nào

*

mến thương

như những mạch nước

an nhiên

lan đi trong đất

chữa lành những trái tim đau

*

tình yêu

ngay từ khi sinh ra

đã thiết lập một trật tự

một trật tự

luôn đổi thay và mong manh

*

đau khổ

bản ngã của ta tổn thương

hạnh phúc

bản ngã của ta được vuốt ve

không khổ đau

không hạnh phúc

bản ngã của ta ở đâu?

GIÁNG VÂN


 

Buồn và sáng

 

Đến hồi những cơn mơ thắp lửa

Củi nào cũng là củi

Sao lửa tôi sáng thanh

Còn lửa người sáng thầm

 

Đến hồi những con thuyền rời xứ sở

Bơi trong hồi ức xa mù

Những bức tường đã thành miên viễn

Những bông bất tử sáng xanh

 

Tôi huyễn hoặc chính tôi

Hay những cơn mơ có thực

Âm vang nỗi buồn nào

Dội vang vào miệng vực

 

Buồn và sáng

Cho đến tận hồi sau

GIÁNG VÂN


 

Những ẩn dụ của giấc mơ

 

Tôi trong những giấc mơ trùng điệp

Đã luôn đứng bên ngoài im lặng

Và luôn không biết khoảng im lặng kia chứa đựng điều gì

 

Một vài lần

Những cú đột phá nào đó từ cõi không

Đã mở

Một hay tất cả các luân xa của tôi,

Khiên trí não tôi tự nhiên sáng chói

 

Và tôi mơ

Trong ngôi nhà của mẹ, ngôi nhà lợp tranh tre,

Những cửa sổ con trổ lên vách đất nhìn ra khu vườn

Tôi ngủ nướng khi mặt trời đã lên rất cao

 

Ngay sau ô cửa sổ bé xíu

chân trời lam sáng

Và gương mặt thiếu nữ

 

Mỗi một chớp mắt

Nàng đã mang một vẻ đẹp khác

 

Tôi mang ẩn dụ của giấc mơ

Tựa như mang bí ẩn của số phận

Nhưng không bao giờ chạm tới được

GIÁNG VÂN


 

Trong ngôi nhà rộng lớn

 

Tôi đã bước ra khỏi tôi

Là không trở lại

Một ngày tôi trò chuyện với tôi như với một người khách quen

Mà tôi thuộc như thuộc từng ngõ ngách của ngôi nhà mình

Từng cách buồn vui, âm thầm hay cao giọng

 

Một ngày khác nữa

Không phải tôi không còn nhớ ngôi nhà cũ của mình

Nhưng thực lòng

Tôi không biết phải nhớ để làm gì

Cũng không gì làm tôi nuối tiếc

Lại một ngày khác nữa

Tôi biết

Ngôi nhà mà tôi ở đã rất rộng lớn

 

Trong ngôi nhà rộng lớn

Tôi nghĩ những điều rộng lớn.

GIÁNG VÂN

 


 

Những cơn gió thổi

 

Những cơn gió thổi

Bay tung những thói quen cũ

Những thói quen cũ

Như chiếc mũ đội trên đầu

Như chiếc kính đeo trên mắt

 

Lời nói dễ nghe

Con đường cũ quen chân

 

Nỗi buồn cũ trong tim

Những cơn gió thổi

Cuốn ta khỏi ngôi nhà

Trong mê dụ mạnh mẽ của cái chưa biết

Của ngây thơ

Những mặt trời tinh khiết

Trên thảo nguyên vô cùng

Những điệu ca của những nàng du mục

 

Những cơn gió thổi

Không cuồng điên

Không ma mị

 

Những cơn gió thổi

Từ đáy khát vọng

GIÁNG VÂN


 

Linh hồn

 

Linh hồn chúng ta nặng bao nhiêu

Ta làm sao biết được

Mà khi ta lê lết bước chân trên đường đời

Cũng đôi chân đó sao mà nặng trĩu

 

Đêm ta ngủ, trái tim rất nặng

Ưu phiền nào, thống khổ bởi đâu?

Ta chạm vào một khối buồn đau

Phải linh hồn ta đó chăng?

Sao lặng im, câm nín?

 

Linh hồn chúng ta nặng bao nhiêu

Những buổi chiều xưa, những đêm trăng đã mất

Những câu hát theo gió mưa phiêu dạt

Những mắt xanh thuở ấy bây giờ...

 

Anh đưa cho em một bàn tay

Và thương cảm một trời để lại

Một trời thương nhớ về đâu?

Cánh chim xa bay vút cuối trời

Một chấm nhỏ rồi thôi không còn nữa

Mà linh hồn còn nặng thế này đây...

GIÁNG VÂN

 


 

 

Những cuộc bay của linh giác

 

Trong cuộc chuyên trò không dứt của chúng ta và im lặng

Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc

Thoát đi nhẹ như một hơi thở

Nhẹ như linh hồn chúng ta

Những linh hồn gầy guộc và chết mòn bởi đời sống ồn ĩ

Đang tươi trở lại như cái cây được thở

Nó bắt đầu chạm vào nỗi phiền muộn của chúng ta

Bằng những cú hích rất nhẹ

 

Trên cánh đồng phiền muộn

Chúng ta bắt đầu nở hoa

GIÁNG VÂN


 

Không đề

 

những mùa thu đẹp

chỉ để đẹp

và không vì điều gì khác

 

trôi trên trời cao

mây về xa thẳm

rất xa

nhưng không về nơi nào

 

những bông loa kèn

nở

rồi chết, đúng mùa

 

mặt nước hồ

thời gian soi bóng

 

em nói với anh

về tình yêu

như hương hoa

như mây xa

như thời gian

như nước chảy

 

làm sao để thấy...

GIÁNG VÂN


 

Nhịp chậm

 

Nhịp chậm tôi

Bỏ lại thật xa ngoài kia

Ganh đua, tị hiềm, phiền não

Những stress, những cơn tim vỡ

Những xe phân khối lớn, những vòng quay tốc độ

 

Nhịp chậm tôi

Mang mang chiều thương mến

Đầy một con thuyền chở trăng lên

Nở một nụ cười cùng vô tận

Tôi của hôm nay

Hay tôi tự bao giờ

 

Nhịp chậm tôi

Một ngày trải thật dài

con tầu chở nặng

Bao nhiêu ưu sầu

 

Ưu sầu

Những vòng quay ngoài kia rớt lại

Im tiếng thở than

Im tiếng cuồng nộ

 

Vọng lên đâu đó

Dư âm của một giấc mơ

GIÁNG VÂN


 

Nhìn từ trên cao

 

Thành phố như một tổ kiến

Những cơn động đất và sóng thần

Khác chi trận mưa ào qua chiều nay.

Tổ kiến tan biến như những thành phố nước Nhật

 

Những bước chân của mùa vang động

Ta lắng nghe trong khẽ khàng hơi thu

Một sợi dây rất mảnh

Nối từ ta đến người

Làm sao để không thất lạc

Ta nhen một ngọn lửa nhỏ

Ngọn lửa đã cháy

Thao thức và mơ hồ

Thành phố này có rất nhiều giấc mơ

Rồi một sớm mai có thể tan biến.

 

Nhìn từ trên cao

Anh và em chỉ là hai hạt cát

Thật nhỏ bé dù ngủ hay thức

Dù giận hờn dù đau thương tang tóc

 

Dù hy vọng dù chia ly

Những bước chân của mùa vang động

Không nghe theo ai

Không vì bất cứ điều gì

Có thể là điềm mộng

Có thể ưu phiền và sự chết

Có thể một điều gì đó đang sinh ra...

27-10-2011

GIÁNG VÂN



 

Trò chuyện với thời gian

 

Ta nhắm mắt

Tự trôi

Như nước trên sông

Như trăng giữa thiên hà

Như gió theo gió

Như những số phận rì rầm trong đêm

Lao xao hay buồn nhớ

Nhẹ nhàng hay vật vã

 

Tự trôi,

Tự trôi...

Tôi trôi đến khi nào

Khi nào tôi cập bến?

Ngươi chỉ là cát nhỏ

 

Một giấc mơ thoảng qua

Một chút hương rồi hết

Một ngày trong vạn năm

Thân xác ta tan rã

Trong đất sâu

Trong những đời sống khác

Lũ côn trùng

Hoan ca

Nhảy múa

 

Tôi vẫn trôi

không còn thân xác cản ngăn

Thời gian,

Mi phỏng còn có ích ?

 

Này thôi,

Cát nhỏ, cơn mơ,hương hoa, khoảnh khắc...

Trong cơ thể ấm nóng của ngươi

Làm sao ngươi biết

Quyền lực vô hạn của ta

GIÁNG VÂN


 

Nhìn

 

Tôi nhìn thấy

Những cơn bão di chuyển

Và biến mất ra sao

Những dòng hải lưu, những cơn hồng thủy

Những trận động đất kinh hoàng

Sự biến mất của một tinh cầu

Tôi nhìn thấy tôi chết

Và từng sống lại

 

Không một dấu vết nào

 

Những câu thơ tôi viết

Những khoảnh khắc đã đến

Những phiền muộn

Những cú bay lộn ngược

Có thể chỉ là những ảnh hình kiếp trước

 

Có liên quan chút gì đó thôi chăng?

 

Đôi khi

Tôi ngạc nhiên

Không biết con mắt tôi ở đâu

Trái tim tôi ở đâu?

Có gì khác nhau ở cái nhìn

Giữa con mắt tôi

Và con tim tôi .

GIÁNG VÂN

 


 

Viết ở Luangprabang

 

Những cơn gió thổi từ đáy thời gian

Dâng lên và tràn qua mọi lục địa

Làn hương tinh khiết vừa qua đây

Làm bừng tỉnh mọi giác quan ta

 

Ah, một bông sen đã nở bung những cánh trắng

Hay tâm hồn ta đã nở một bông hoa?

 

Ta quỳ trước sự tinh khiết của hoa

Cảm thấy lệ đang kết thành ngọc trong tâm hồn

 

Thành kính trước Người

Tình yêu của ta ơi

Ta xin dâng tặng

 

Im lặng đang tuôn chảy âm thanh

Ah, những âm thanh thần thánh

Lộng lẫy và thầm kín

 

Cao hơn những gì ta đã nói

Xa hơn tháng năm này của chúng ta

Đẹp là không thể chạm tới

 

Ah, tình yêu ta

Khúc ca thần thánh của ta

Trước Người

Ta xin dâng tặng

 

Tháng 8-2010

GIÁNG VÂN


Mê kông

*

Người ơi

Hãy đến bên bờ sông này

Cúi mình trước sự lộng lẫy của nó

Dòng sông chảy về tận đâu

Và chảy từ khi nào...

Những khúc ca dâng trào tự do

Những khúc độc hành buồn bã

Làm sao trí tuệ bé nhỏ của ta có thể xét đoán

 

Khi Người còn là cậu bé con

Sông đã là mẹ của mẹ ta, của ông bà ta

Sông kiêu hãnh không hát cho ta lời sầu khổ

Sông mạnh mẽ và dịu dàng

Sông mộng mơ và mê đắm

 

Người ơi

Hãy đến đây và lắng nghe

Ngay cả khi buổi chiều đã tận

Ngay cả khi bóng tối đã bít bùng

Ngay cả khi Người đã ngần ngại hôn em

 

Tấm áo thời gian trải rộng

đủ bao bọc tất cả chúng ta

 

Chúng ta chỉ là những giọt nước của sông

Những giọt nước

Có thể hòa làm một.

 

Người ơi

Hãy đến bên bờ sông này...

*

Trầm hùng và cô tịch

Soi bóng tất cả những vương triều

Những thành quách đền đài còn mất

Lặng im

Ngàn ngàn tượng Phật

Mặc cho ta kinh ngạc.

 

Đau thương

Kéo lê những kiếp người trên mặt đất

Sông sáng soi

Sông rửa sạch

Một sáng mai, mỗi một phận người gửi vào gương mặt Phật.

Phật ở trên cao dõi nhìn.

 

Choáng ngợp trước Người

Ta ước mình là một chiếc lá nhỏ

Chiếc lá xanh tươi và reo vui

trong mưa và trong nắng

Giữa chiều Luangprabang trầm lặng.

GIÁNG VÂN


 

Thơ dâng mẹ

 

Bây giờ mẹ đã ở trên cao

Trên tất cả buồn đau đời mẹ

Trên thương cảm chảy trên dòng sông cuộc đời

Bây giờ con không sao nhìn thấy gương mặt mẹ

Mẹ đã hòa vào cao xanh kia

Cao sang và hư ảo

Bên ngoài những định giới hạn hẹp, tối tăm

Mẹ về bên con bằng thứ ánh sáng xanh biếc vô hình

Niềm vui sáng dịu dàng khôn tả

Đó là gương mặt thật của mẹ

Gương mặt của người mẹ vĩ đại đã sinh ra con

Đã chịu bao kiếp nạn.

 

Mẹ ơi

Con muốn dâng lên mẹ bài ca

Không có giới hạn

Không có điểm kết thúc

Không có đáy

Cũng không có đỉnh

Như ánh sáng

Như tình thương

Kết nối tâm linh bằng sợi dây huyền diệu

Kết nối sự đơn độc với vô biên

Bài ca của con

Về sự nhỏ bé

Nhưng bất tử

Bởi vì mẹ ơi mẹ con mình thật nhỏ bé

Chỉ như một cái bóng côi cút trong cuộc đời

Nhưng cái bóng côi cút đâu có chết

Như mẹ tỏa rạng bên trời kia

Không một nỗi đau nào nữa

Về cõi này phù du.

 

Mẹ ơi

Bài ca của con rất dài

Cao cao theo những cơn gió

Sâu , rất sâu theo những đêm dài

Nương theo lời Phật dạy

Bài ca của con như những bàn tay

Và ấm như ánh sáng

Ánh sáng chảy tuôn từ hư ảo

Và không thể nắm bắt

Nhưng có thể sưởi ấm và chở che.

Trong khu vườn tôi

GIÁNG VÂN


 

Trong khu vườn tôi

 

Rất nhiều hạt mầm gieo không mọc

Rất nhiều cây tôi trồng đã chết

Rất nhiều gió

Những cơn gió ngang tàng đã buồn

Đã đến, đã đi, và quay trở lại

Vì những cái cây, những hạt mầm đã chết

Hay vì khu vườn tôi?

 

Tôi không để ý

Bằng cách nào

Vườn tôi những tàng cây tươi xanh

Mỗi cái cây hát bài ca của chúng

Mỗi cái cây hát theo một giọng

Tất thảy chúng

Mê đắm gió

Những cơn gió vừa dịu dàng vừa cuồng điên

 

Một ngày

Tôi sửng sốt nhận ra

Tâm hồn tôi còn nguyên những mầm cây đã chết

Ngay cả khi

Bản nhạc cây đã ngập khu vườn.

GIÁNG VÂN


 

Ngộ

 

Hãy trang hoàng cho đời sông vô nghĩa của ngươi

Bằng thơ ca, bằng hội họa

Bằng những âm điệu ngươi có thể du dương hoặc gào rú

Bằng đi lại, nói năng, trình diễn

Những cú nhào lộn, hay những trò hiểm độc

 

Ta báo cho các ngươi biết trước sự vô nghĩa định mệnh này

Đã giết chết cả những khoảnh khắc đẹp nhất

Khi các ngươi chín rực trong im lặng

Các ngươi xanh thắm trong im lặng

Các ngươi tuyệt vọng trong im lặng

 

Các ngươi chết trong im lặng

Các ngươi tái sinh trong im lặng

Đã chìm đi rất sâu

Đã tuyệt mù tăm tích

Những cố gắng của các ngươi

Chỉ như những giọt nước của biển cả

 

Hãy trang hoàng

Tận lực cả cuộc đời

Nhưng các ngươi hãy chớ đợi một điều gì

GIÁNG VÂN


 

Không sở hữu

 

Không sở hữu điều gì

Tất cả những cảm xúc từng có thì đã đi qua, đã không còn nũa, đã lạ xa như không hề in dấu gì.

Trong mơ tôi hỏi người vì sao còn trở lại?

Không sở hữu điều gì

Nhẹ thênh như mây bay

Con gái ơi con có đời sống riêng của con

Có tình yêu con dành cho mẹ

Nhưng mẹ chỉ xem con như niềm hạnh phúc trời ban chứ mẹ không trói chặt con như cái cách nhiều bà

mẹ khác vẫn làm.

Tình yêu cũng giống như đôi cánh của con tim, của tâm hồn, của cuộc đời ta

Mẹ cũng không dại gì nhốt hạnh phúc trong lồng để hoài công canh giữ.

 

Không sở hữu điều gì

Buổi sớm mai, buổi chiều hôm, một cơn mưa bất ngờ, một nụ cười bè bạn

Tôi hào phóng tôi và thấy mình ngày một đầy lên.

Tôi đầy như nước sông, nhẹ như mây bay, tôi rộng lòng như đất mẹ.

 

Một ngày nào đó

Bạn nhìn dòng sông cũ

Dòng sông cũ đã trôi rất xa rồi

Rất xa...

GIÁNG VÂN


Những buổi chiều

Nếu bạn đeo những cặp kính đổi mầu của thời gian mà ngắm nhìn những buổi chiều đã lăn qua cuộc đời, rồi để toàn bộ giác quan của mình hoạt động, bạn sẽ cảm nhận lại những hương vị tưởng chừng đã mất từ lâu.

Thoạt đầu, bao giờ cũng có một cái cớ vu vơ nào đó.Với tôi, đôi khi chỉ là một cơn gió lạnh.Một cơn gió đột ngột xuyên thấu vào tâm hồn.Có gì se sắt khiến ta khựng lại. Phút giây ấy, nếu ta đứng lại, mặc cho mọi thứ thường nhật cứ trôi đi,một cuốn phim quay chậm của quá khứ sẽ hiện lên. Ta có cảm tưởng như mình đã đọc thấy nó ở đâu đó,đã ngửi thấy mùi vị này một khi nào. Dường như ta đang sống lại cái đời sống đó một lần nữa. Thực ra, giống như dòng nước trôi qua dưới chân cầu, mọi thứ đâu có giống nhau, những buổi chiều của tôi, của bạn. Vì sao chúng đến, và vì sao không? Vì sao những buổi chiều có thể rất nhẹ nhàng, xao xuyến một chút , nhưng cũng có thể thật chậm, thật nặng, thật âu sầu.

Phần lớn đời người, chúng ta sống theo những quán tính.Những quán tính này chi phối đường đi lối lại, chi phối cách ăn uống, cách suy nghĩ, hành xử, cách tính toán cho tương lai...Những quán tính che mờ mọi giác quan của ta, khiến ta không sao nhìn thấy thế giới bên ngoài mình,cái vượt lên khỏi đời sống hạn hẹp của mình. Trong khi nó thực chẳng hơn gì một cái ao tù đọng nuôi béo những con cung quăng vô tích sự. Giả sử, một buổi chiều nào đó, bạn trở thành một cơn gió, một cơn gió không mang một hành trang nào, một cơn gió hoàn toàn tự do, bạn sẽ rong ruổi đến bất cứ một xứ sở xa lạ nào, những quán tính từng là bạn, từng làm nên hình ảnh bạn, những quán tính làm bạn tưởng rằng, đó là những kinh nghiệm sống, những bảo bối, bỗng dưng biến mất. Đồng thời, bạn cũng mất luôn cả những rào chắn vô hình, những tấm kính vô hình đã lâu ngăn bạn hòa vào thế giới rộng lớn.Cơn gió bạn sẽ khoáng đạt xiết bao, không hệ lụy, không muộn phiền.Cơn gió bạn sẽ tràn đầy tình thân ái.

Những buổi chiều, tôi rất thích được ngồi trên một chiếc ghế đã cũ, trên vỉa hè của một quán cóc ven đường.Đầu óc thư thái, không nghĩ ngợi gì.Dòng người trên phố lướt qua, lướt qua, tựa như những cuốn phim câm.Thảng hoặc,dòng người dừng sững.Kẹt xe.Những con phố tĩnh lặng của bao nhiêu năm về trước,nay ngày một đông hơn.Cái khối người cứ dần đặc sịt, nhả khói mịt mù,còi xe lộng óc.Tuy vậy, điều lạ lùng là, tôi,đã thoát ly khỏi mọi sự tác động của ngoại cảnh.Tôi thực sự thích trạng thái này.Trong trạng thái này, đột nhiên tôi nhận ra rằng, trước mặt tôi kia,đằng sau mỗi khuôn mặt, kẻ đăm chiêu, người hằm hằm,kẻ phởn phơ, người khắc khổ...là những thế giới khép kín ,biệt lập.Nhưng tất thảy họ lại nằm trọn trong cái guồng quay cật lực, điên cùông của đời sống.Cái thế giới mong manh của họ thảng hoặc biến mất, thảng hoặc hiện ra.Thảng hoặc dày vò họ.Những thế giới vô hình đó, những kỳ công kiến tạo của đấng tối cao,đã được sinh ra và một ngày nào đó tự biến mất một cách vô tăm tích.

Đôi khi, tôi thử giải mã những thế giới câm kia bằng các kí tự trên các khuôn mặt, bộ điệu.Nhưng thực sự vô ích.Không gì có thể cứu vãn một sự sụp đổ, một sự biến mất, cũng như sự sinh thành những thế giới mới.Đường đi của chúng luôn luôn bí mật, khôn lường.

GIÁNG VÂN


 

PHẦN II

KHÔNG MÙA

 

Bắt đầu

 

Bắt đầu bằng một tia sáng

Sẽ bừng dậy một mặt trời

 

Bắt đầu bằng một cọng cỏ

Màu xanh trải dài thảo nguyên

 

Bắt đầu bằng một giọt đêm

Tràn lên mênh mông đêm thẳm

 

Bắt đầu bằng một chút gió

Mùa giông bão sẽ ngút ngàn

 

Bắt đầu bằng một niềm thương

Con tim dịu dàng, thắm lại

 

Bắt đầu bằng một chút nhớ

Sẽ cả một ngày miên man

 

Chỉ bắt đầu bằng một chữ

Đã những câu thơ tuôn tràn

 

Bắt đầu bằng tiếng gõ cửa

Mở ra biết mấy con đường...

GIÁNG VÂN


 

Ngẫu cảm

 

Bầu trời

mầu xám bạc

Những đám rơm xám vàng

Đồng đất mầu nâu ngái

Còn tôi mầu xám tro

 

Dưới bầu trời mầu mơ

Một trăm cây rơm yên ngủ

Một trăm hơi thở khẽ

Rung động tâm hồn này

 

Hai mươi năm có lẻ

Tưởng gì mà quay về

GIÁNG VÂN


 

Giấc mơ

 

Tôi bắc một cây cầu

Giữa biển mênh mông

Cây cầu chỉ có một chân

Chạy đi đâu một mình ngơ ngác

 

Cầu đứng một mình với tôi một mình

Gió thổi với mây trời

Mặt trăng với sóng nước

Tôi đứng giữa cầu,gió thổi gió lay tôi

Tôi tỉnh giấc nhưng tôi không thể khóc

Và tôi quay trở lại

 

Không hiểu vì sao

Những giấc mơ

Cứ đi qua

Rồi trở lại

GIÁNG VÂN


 

Những giấc mơ tôi

 

Những giấc mơ tôi

Cứ đầy lên

Mỗi ngày mang một mầu sắc khác

Chớp măt thời gian

Trôi qua và mang đi

những cảm giác sống

Lâu rồi tôi chỉ có thể nhớ lại.

Những phiên bản

Gợi nhớ thanh xuân

Gợi nhớ những đêm trăng xanh tái

Gợi nhớ dòng nước đen hun hút

Gió sườn đồi vi vút tận đâu

Dường như trong mơ tôi khóc

 

Chớp mắt thời gian

Vun vút trong thinh không

Khuôn mặt tôi liên tiếp hiện ra

Một ngày mưa có cây cầu vồng bảy sắc

Tôi chọn một vẻ ủ dột

Một vẻ vui tươi,

Vẻ này cho tôi, vẻ này cho bạn

Rồi tất thảy biến mất

 

Những phiên bản sống

Quan trọng hơn sự sống

Quan trọng hơn mọi điều tôi đã nói

Vì trong phút giây này

Tôi vừa được sống lại

Vì trong suốt cuộc đời

Tôi đã sống

Dù không biết mình sống

GIÁNG VÂN


 

Thơ viết cho con

*

Tôi ôm con gái tôi

Khi nó nhắm nghiền mắt và mơ

Trong cái thân hình ấm nóng và sống động

Nó tựa hẳn vào tôi tin tưởng

Như tựa vào cả một thế giới

Để không ngừng mọc ra một thế giới khác

Trang điểm cho cái thế giới cũ của mẹ

Ngày một huy hoàng.

*

Những mặt trời không chịu ngủ

Chui vào cả giấc mơ con,

Len lén vào cả những trang sổ của mẹ

Những mặt trời be bé dễ thương,

Hễ con cầm bút vẽ là chúng nhảy ra

Lúc nhắm tịt mắt, lúc nhăn nhó mặt

Lúc lại cười toe toét

Đôi khi có chú tư lự như người lớn

Thích đi ngủ để mơ thật nhiều

Trời lạnh quá thì chui vào chăn ấm,

Đắp kín lên tận vai, hở ra hai con mắt

Hai con mắt nhìn con nhấp nháy cười

Mẹ ơi con yêu nhất mặt trời

Vì sao thế hở mẹ?

*

Mẹ ơi con vẽ cây được không?

Con cứ vẽ những gì con thích

Nhưng mẹ ơi,những cái cây của con có mắt, biết cười

Chúng còn dắt nhau đi chơi mẹ ạ.

Những cái cây của con rất ngộ

Trong đêm trông giống như đèn đường

Ban ngày giống như hai chị em đứng ngóng mẹ

Cây của con có khi áo vàng, có khi áo đỏ.

Nhưng cũng có lúc nó thích mặc áo xanh

Con ơi, sao cái cái cây kia lại buồn như thế?

à, mẹ ơi đấy là vì nó hư không ai chơi với

(Này, mẹ ạ, con xuống giọng thì thầm,

Tuy nó hư nhưng mẹ vẫn thương lắm,

Bởi mai nó lại ngoan thôi mà)

Mẹ nheo mắt cười,

Sao mà cây thật giống con

Chả biết là cây có thích ngồi lòng mẹ?

*

Con gái tôi thì thầm

Mẹ ơi, lúc nào con cũng nhớ mẹ

Cả khi ăn, khi học, cả lúc con chơi

Mẹ ơi, không hiểu vì sao mẹ con ta hợp nhau

đến thế

Mẹ nhìn vào mắt con tự dưng thấy lo âu

Con gái yêu ơi thế giới rộng dài

Lòng mẹ dù có mênh mông, làm sao theo hết chân con bước

Con hãy học yêu cả cuộc đời,

Yêu cả những tình yêu không có mẹ

Con có thấy những cái cây con đang tỏa những cái rễ non

trong đất

Chúng đang tự kiếm tìm thức ăn để tự nuôi lớn mình, và

Trong cuộc kiếm tìm đó chúng học hòa thuận với tất cả

Trong tình yêu đôi khi cũng nặng nhọc xiết bao

Nặng nhọc xiết bao, nhưng đôi khi chính vì thế mà ta cần sồng

Ta nhớ đời sống và ta làm ra những nghĩa lí

Giống như những bức vẽ của con, nó đẹp bởi ánh sáng được tạo ra nhờ bóng tối

Nó giống những điệu nhảy của con

Không ngừng biến đổi

Con gái yêu của mẹ ơi, con hãy nhìn, hãy nghe, và hãy lắng

Xuyên qua những tạp âm là nắng trong lành,

Xuyên qua bóng tối là suối chảy và sông hát

Mẹ cũng là cây, là nắng với mặt trời

Và con nhé, hãy học yêu tất cả.

GIÁNG VÂN


 

Trò chuyện với con

 

Con ơi

Mẹ đẹp như thế này à?

Vâng, đúng là mẹ đẹp như thế thật đấy.

Con lại vẽ thêm cho mẹ một bông hoa trên ngực áo

Mẹ trẻ mãi để sống cùng con

 

Con ơi

Có nhiều lúc mẹ rất nhăn nhó con không nhớ sao?

Đấy là những lúc con hư làm mẹ bực mình

Nhưng đấy cũng là vì mẹ lo cho con mẹ nhỉ

 

Con ơi

Con lấy được ở đâu thứ ngôn ngữ ngọt ngào

Của tình yêu thơm như hương hoa vậy

 

Nhưng điều này mẹ chẳng nói đâu

Mẹ cứ để

Mỗi một ngày

Tình yêu con lớn mãi

Và suối ngọt ngào tuôn chảy

Trong tâm hồn tươi non.

GIÁNG VÂN


 

Bản Hồ

 

Thác đổ điên cuồng

Dưới kia

Vẳng đến chỗ tôi ngồi như một bản nhạc vui

 

Trên cao

Núi uy nghi sừng sững

Về phía mặt trời chiếu sáng

Tôi nhìn thấy những dòng nước lấp lánh vạch thẳng xuống

Những dòng nước li ti

Làm nên thác lớn

 

Ơ bản Hồ

Một buổi chiều tĩnh lặng

Chúng tôi múc nước

Pha một ấm trà thật ngon.

GIÁNG VÂN


 

Trôi xuôi

 

Trôi xuôi

Trong mù sương

Miên man

Không làm sao tới được

Khi ta chạm vào dịu dàng hơi thở

Hơi thở sẽ thành gió

Khi ta chạm vào cái nhìn

Cái nhìn làm ta đau như một vết thương

 

Trôi xuôi

Trôi xuôi

Những ảo ảnh bất tận

GIÁNG VÂN

 


 

 

Nâu

 

Những mái ngói nâu trầm

Nàng thì nâu tươi

 

Hoa gạo hôm qua đỏ trời

Hôm nay mưa như nước mắt

 

Nàng chạy chân trần

Nỗi buồn giăng tơ nhện

 

Mong manh mà không biết vì đâu

Tôi như phố

                Rong rêu còn se sắt...

GIÁNG VÂN


 

Bài hát

 

Trôi qua cửa sổ nhà tôi

Đám mây chiều vàng rực

Người đã nói những gì cùng nỗi buồn tôi

Lời lời trôi đi bầu trời lạ

Cửa sổ nhà tôi con mắt nhớ thương

Lúc nào cũng mở

 

Trôi qua cuộc đời chúng ta

Hạnh phúc cùng khổ đau

như gió thổi

tựa như ngày mai trôi tới

đang trôi qua và đang bay đi

 

Buổi chiều hôm nay trầm lặng

Trong và không

Và dìu dịu người ơi

Đang trôi tới

Xin cùng tôi ở lại.

GIÁNG VÂN


 

Gió

Chạm vào cơn gió

Dường như gió từ phía người

Quanh tôi

Gió lúc nào cũng thổi

Những ý nghĩ của tôi nhuốm màu gió

Nhưng gió màu gì

Mà tôi khi xanh mướt

Khi lại âu sầu

Đưa tay không nắm được

Mà tôi ngủ

Gió len vào hồn tôi thật sâu

Thật sâu

Trong mơ

Tôi hỏi gió đến từ đâu

Không có câu trả lời

Nhưng ở đâu

Tôi cũng chạm vào gió.

GIÁNG VÂN

 



Bài hát 2

 

Cho anh, cho anh

Một nốt nhạc vui

Một vòng tay mở

Một chân trời ngỏ

Miên man im lời

 

Cho anh, cho anh

Ngọn gió dịu dàng

Con đường xuân sang

Cơn mưa đột ngột

Như em như em

 

Thêm một giọt buồn

Âu sầu một xứ

Ẩn sâu trong hồn

Một ngày thở than

Cùng nhau anh nhé

 

Bây giờ tháng ba

Mai là tháng mấy?

Dòng sông kia chảy

Cho đến khi nào?

Ai nghe sẽ thấy.

 

Ai nghe sẽ thấy

 

Ai nghe sẽ thấy...

GIÁNG VÂN

 


 

Tháng ba

 

Tháng ba

Những nguồn suối bắt đầu đổ về sông

Những trận sấm rền vang

Hoa gạo bắt đầu rực đỏ

 

Tháng ba

Tần ngần

Tôi như người dở

Vừa muốn mở lòng mình

Vừa muốn quay về ngõ cũ

Ngõ cũ bây giờ trăng sáng buồn suông

 

Tháng ba

Tình giăng mắc như sương

Đi không vấp

Vương nỗi gì trong mắt

Vương nỗi gì như thể trong tim

 

Muốn bỏ đi

           Nửa muốn đi tìm...

GIÁNG VÂN


 

Những câu hỏi câm lặng

 

Gió vun vút ngoài kia

Như roi quất

Tan nát những con đường tình yêu

 

Vì sao?

Những người đàn bà đã chết

Và đã mang theo tình yêu xuống mồ

Còn nức nở

 

Vì sao?

Những lời tình dịu dàng

Còn ở đâu miền sầu thảm

ở đâu dâu bể phận người?

 

Chảy mãi về trời

Những câu hỏi câm lặng.

GIÁNG VÂN


 

Chiều cuối năm

 

Tất thảy chúng ta đều thật buồn

Buổi chiều cuối năm này

Giá rét làm đông lại hơi thở

Đông cứng lại mọi ý nghĩ

Những nỗi buồn của chúng ta cũng đông cứng lại

Khiến em không thể khóc.

Tất thảy chúng ta đều quên lãng và mòn mỏi

Đều khoác tấm áo mùa đông

Của sương mù câm lặng.

Chuyến tàu này sẽ về đâu?

Em sẽ nói một điều gì chăng?

một trận hồng thủy sẽ có ích gì chăng?

Một cơn hỏa hoạn sẽ có ích gì chăng?

Một nghìn câu hỏi của em

Chuyến tàu biến mất trên mặt đất

Trở về nguyên dạng

Nỗi buồn mù khơi...

GIÁNG VÂN

 


 

Loa kèn

 

Dịu dàng mở

Loa kèn âm thầm đã tự mùa dông

Có buồn gì đâu

Tự nhiên như là hơi thở

Như là sống

Như là đất phù sa trên bờ bãi

Nhưng mà buốt xanh

 

Dù sao thì hoa cũng không nói gì

Bây giờ mới mùa xuân

Mùa xuân cũng còn rất lâu nữa

Những dư âm dịu dàng

Lan đi...

Từ những cánh trắng

 

Đến tận khi loa kèn chết

GIÁNG VÂN


 

Bài hát

Người yêu ơi

Ta muốn gọi tên anh thật trang trọng

Trên những hoài bão cuộc đời ta,

Nơi ta từng thất bại, đơn độc, muộn phiền

Nơi ta đã rơi trong cuộc bay thẳng đứng.

 

Người yêu ơi

Con tim ta dịu dàng xuyên thấu

Đặt một bàn tay tin cậy trong tay anh

Đặt một nụ hôn mê đắm lên môi anh

Và hạnh phúc trở nên vô cùng giản dị.

Như mỗi sáng ta thức dậy cùng mặt trời.

 

Người yêu ơi

Con sông kia trải dài tới đâu

Vì anh tình yêu ta rộng lòng tới đấy

Và xanh tươi hết thảy bãi bờ

Và ánh sáng lan tràn mọi chốn.

Người yêu ơi

Nếu khi nào nước mắt ta rơi

Hãy hôn thật dịu dàng

Anh hỡi....

GIÁNG VÂN


 

Không đề

 

Sông Hồng nước lớn

Trăng đêm và mưa

Đổ dài dưới kia

Tầm tã

 

Sướng vui và đau khổ

Hai mặt bàn tay

Tay này úp

Tay kia mở

Không ai biết được điều gì.

 

Anh ở trong tim em

Mà sao gió

Thổi suốt đêm

Không ngủ.

Suốt đời em vẫn không hiểu

Tình yêu là gì?

 

Sông Hồng nước lớn

Trăng đêm và mưa

Đổ dài dưới kia...

GIÁNG VÂN


 

Không đề

 

Ôi anh của em

Xin đừng muộn phiền

Thuyền xưa xin dừng bến cũ

Trăng xưa đã vỡ

Xin chìm vào lãng quên.

 

Ôi anh của em

Trời đã chiều rồi

Cây lá bên đường đã nhuộm màu thu

Sao lòng còn như lửa hạ

Bài hát cuối cùng của em đã hát

Cho anh cho anh cho anh...

Xin lửa đừng khi nào tắt.

 

Ôi anh của em

Chiều hôm và sớm mai

Có vòng tay ôm hiền dịu

Nụ hôn môi mềm

Ôi làm sao làm sao

Hờn ghen cũng như lửa

thiêu đốt lời tình.

 

Ôi anh của em

Còn mù sương xa thẳm

Còn khúc ca phiêu lãng

Còn con đường đợi bàn chân

Còn có anh ân cần

Còn những khi sầu ngất...

GIÁNG VÂN


 

Những cái cây

 

Những cái cây

Đêm qua trút lá và run rẩy

Đêm qua đã kết thúc một hành trình

Với gió mây, trăng, sao, mưa và nắng

Những chiếc chồi xinh đã trở thành lá vàng,

Và rụng

Cuộc giã từ huy hoàng

Với âm nhạc chói sáng

 

Những cái cây

Âm thầm diệp lục

Âm thầm nhựa từ rễ dâng lên

Một cuộc sinh thành mới

Một ngày

Bật tung những chồi xanh

Trên khắp thân, cành.

Những cái cây

Choáng váng vì hạnh phúc

GIÁNG VÂN


Nhật ký

*

những bông hoa chết

hương hoa đi đâu?

Tình yêu chết

Hương tình yêu đi đâu?

*

Vì sao hờn ghen

chàng yêu ta

Mà còn yêu những thứ khác

Vì sao bài hát của ta

Có một kẻ khác cũng hát?

*

buổi sáng

ăn mặc đẹp

để nói với chàng lời từ biệt

*

chính những cơn đau này

dậy sóng

để ta biết

bản ngã của ta còn nguyên

*

những cái cây điên

những ngọn đèn đường điên

cơn gió điên

và những ý nghĩ ta nhảy múa

nhảy múa

không sao ngừng lại

cả đêm.

*

Ghen

Như thuốc độc

Sáng nay cây tình yêu

Đã chết

Em ngồi khóc

thấy cây từ bi

nở hoa.

*

Cả một vườn hoa sầu muộn

Em sẽ hái tặng anh

Bông đẹp nhất

đấy là bông

nở từ nước mắt em

*

người tình hư hỏng của em

trái tim phiền muộn của em

bây giờ tháng chạp

em cất lời hát ru

ru anh cho hết mùa đông

cho qua hoa đào hoa mận

cho qua tháng ngày lận đận

xót thương biết mấy cho vừa

mai rồi mây bay

mai rồi hoa thắm

mai rồi mai rồi

em ngồi em đợi

hỡi người tình nhân.

GIÁNG VÂN


 

Gửi...

 

Tôi gửi niềm mến thương theo gió

Gió ơi

Hãy quấn quít bên Người

Gió ơi

Hãy hát ở bên trái tim Người

Lời mến thương thật du dương

Những lời không ai có thể mách bảo

Những lời đã đến với tôi tự trời cao

 

Thầm thì và dịu dàng đến nỗi

Tất cả thương đau sẽ lành

Tất cả những môi thơm sẽ đợi

Cả bình minh cùng những hoàng hôn

 

Và gió ơi

Hãy nói cho tôi

Khi nào gió mến thương từ Người

Trở lại?

GIÁNG VÂN


 

Bài hát cho những con ngựa

 

Bay đi bay đi

Hoặc là chết.

Bay đi bay đi

Sao còn ở đó ngước mắt dịu dàng?

Sao còn ở đó

Đợi chờ một tiếng gọi bí ẩn

Đêm thiêng

Vòm trời sẽ vỡ tung.

 

Ôi những con ngựa

Sao không nỡ bay đi

Sao còn quẩn quanh giấc mơ của chàng

Gió và gió

Luồn trong từng thớ thịt

Gió và gió

Dâng lên từ gót chân

Gió và gió

Dâng lên những bài ca tự do

 

Ôi, những con ngựa

Sớm mai

Chết dịu dàng trên thảm cỏ

Chết những mắt buồn

Vô hạn.

GIÁNG VÂN


 

Những ý nghĩ

 

Người yêu dấu ơi

một ý nghĩ khởi lên về anh

Trái tim thốt nhiên dịu dàng

Những ý nghĩ bay đi

như tơ mỏng manh bay khắp bầu trời

Buổi sớm mai dìu dịu

 

Người yêu dấu ơi

Yêu và đừng muộn phiền

Những cọn nước quay và quay

Những cuộn chỉ quay và quay

Vầng mặt trời quay và quay...

Như em dệt tình yêu cho anh

Những sớm mai

Dìu dịu

 

Người yêu dấu ơi

Yêu và lòng tươi thắm hơn

Như nguồn nước trong xanh

Như giấc mơ đã quên

Vì anh, xin trở lại

 

Và dìu dịu

Những sớm mai

Như thế...

GIÁNG VÂN


 

Bài hát

 

Trời đã về chiều sao người ơi

Có phải cánh chim trời đã mỏi?

Đã khép cánh bên bờ đại dương này

Lắng nghe những bước chân mùa tiếp tục lướt đi

Với niềm yêu thương trìu mến

 

Trời đã về chiều sao Người ơi

Bên bờ đại dương này

Ta nghe bài ca mặt trời rực cháy

Trước khi những con đường chìm nghỉm

Ô bài ca mặt trời

Người ạ

Vẫn sáng rực cả đêm đen

 

Trời đã về chiều sao người ơi?

Thời gian vô thủy vô chung

Niềm mến thương trải dài vô lượng

Trải dài cho đến tận tình em

 

Trời đã về chiều sao Người ơi?

Người có nghe

Đấy là khi những bài ca khác bắt đầu cất lên...

 

8-2010

GIÁNG VÂN


 

Khoảnh khắc

 

Những tia chớp vụt lên

Rồi tắt

 

Những nỗi buồn thoáng hiện

Bay qua

 

Ảnh hình trong mơ kiếp trước

Đôi khi về lại

 

Những câu thơ tuôn chảy

Đứt đoạn

 

Những thác đổ trong lòng

Rồi không

 

Có những miền nhớ mong

Đã mất

 

Hoang đường bao đổ nát

Đâu rồi ?

 

Thỉnh chuông chùa ba tiếng

Nghe lòng mình tịnh không

GIÁNG VÂN


 

Mẹ ơi


Ở bên trời mẹ sống ra sao

Con vẫn thường mơ về mẹ

Con sung sướng thấy mẹ cười vang, mạnh khoẻ

Nhưng sao nhiều hôm con thấy mẹ ủ rũ, mẹ buồn mẹ lạnh

Làm con thảng thốt không yên

 

Mẹ ơi,

Đường đi nào dẫn dắt mẹ con ta

Đức Phật từ bi có quá nhiều sinh linh phải cứu vớt

Mẹ con ta có đủ sức tự đi về phía người?

GIÁNG VÂN


 

Thơ ngắn

*

Tôi nhặt nỗi buồn của tôi

Nhét vào ngăn kéo

Cất kỹ

Một hôm mở ra

Chỉ còn một chiếc chìa khóa

*

Chiếc chìa khóa vạn năng

Tôi dùng được vào khối việc

Một hôm

Tôi tặng cho người bạn

Và rất ngạc nhiên

Nó vô tích sự

GIÁNG VÂN


 

Lượm lặt

*

Ban ngày tôi sống

Ban đêm tôi mơ

Tôi của những giấc mơ

Hay những giấc mơ làm ra tôi

Bao giờ thì hết mơ

Bao giờ hết tôi?

*

Thân thể

Cần ăn, cần uống,cần hít thở

Nó cần cả linh hồn để sống động

Đi lại ,nói năng

Linh hồn chỉ thích bay ra ngoài

Nó không cần gì

Nếu không bị thân thể giam cầm

Nó bay khắp ba thế giới

Nhưng ba thế giới lặng câm

Những ngôn ngữ lạnh lẽo

Nó nhớ thân thể làm sao

*

Những người đã già

Chỉ mơ về ngày thơ bé

Khóc vì những chuyện rất xưa

Lòng thơ dại như con trẻ

Tôi nói với mẹ phải dỗ dành

Như mẹ dỗ dành tôi thuở

*

Mỗi ngày đặt lên bàn một ý nghĩ

Tôi xếp như xếp gạch

Để xây một bức tường

Tôi cứ cắm cúi mà không biết

Những ý nghĩ cứ bò đi,lan rộng ra mãi

Chúng trượt vào những kẽ hở, những ngóc ngách

nào đó

Mất hút vào những chiếc bình không đáy

Thời gian

*

Mòn mỏi, cũ già

Những thứ đã có,đang có và sắp có,

Những thứ chưa viết đã biết sẽ ném đi

Bởi vậy chi bằng im lặng

Tôi đã im lặng rất lâu

Im lặng mọc rễ

Và rễ lan tỏa

Rễ có con mắt sáng

Có thể nhìn xuyên thấu lòng đất sâu

Tâm hồn tôi

Thấy những mạch sống li ti trở về

Mới mẻ

Một ngày

Trên mặt đất

Bạn có thấy xòe ra hai lá mầm?

GIÁNG VÂN


 

Mâu thuẫn

 

Tôi đi trong hàng rất trật tự

Và mơ bay một mình trên không trung

 

Tôi ném một câu nói vô vị vào yên lặng

Và mơ một ngày thành hiền triết

 

Tôi e sợ phải nói lên sự thật

Suốt đời mơ sự công bằng

 

Điều tôi mơ nhiều không kể xiết

Nếu tôi không mơ thì sẽ ra sao?

GIÁNG VÂN


 

Mâu thuẫn

Đầy ứ

Tràn ngập

Nhựa từ cây đến cành

Và bùng lên một trận hoa

Rừng rực

Rồi đường cây mùa trút lá

Ta chết đã muôn thu

Lịm đi trong cơn đau ngọt sắc

Những câu thơ chín rụng, lìa cành

Xao xác

đầy phố vắng

Mõ chùa từ bi

Trải lòng trên những phố không mùa.

GIÁNG VÂN


 

Gửi

 

Vì lẽ gì mà em cứ khắc khoải mãi

Vì lẽ gì mà con đường hun hút kia cứ mãi song hành cùng em

Vì lẽ gì đêm đêm

Ảo ảnh anh đau thương

Cứ trở về trong tim em trú ngụ

 

Em đã giã từ chính em

Đã nở hoa trên những cả những nỗi buồn

Nhưng nỗi buồn anh chưa bao giờ dứt

Nó đọng sâu trong đáy tim em

Đêm đêm gọi em thì thầm

Nó kể những câu chuyện mà trí óc bình thường em

không thể nào biết được

 

Hãy trả lời cho em biết

Vì đâu và tự khi nào

Những bài hát lúc nào cũng cất lên cùng buồn thương?

GIÁNG VÂN


 

Ký ức mưa

 

Bao bọc ngôi nhà mẹ

Những cơn mưa dài hằng đêm

Vách đất nhà mình ẩm lạnh

Ếch kêu vang đồng ngoài

 

Chúng con ngủ

Mơ thấy những dòng sông mưa

Cùng cá tôm đi bơi lội

Đồng làng mênh mông

 

Bao bọc giấc mơ con

Gương mặt mẹ muộn phiền

Bàn tay có những ngón dài xanh

Không ngừng đan, nối

Những sợi len hay những sợi mưa

Xuyên vào nhau thành áo ấm

Mà mẹ không có áo ấm bao giờ

Con còn nhỏ

 

Không biết mẹ ước gì

Chỉ thấy

Đêm mưa mẹ hay khóc

 

Bao bọc đời chúng con

Mà sao mẹ nhỏ nhoi, yếu đuối

Những mùa mưa không tạnh

Đến giờ..

 

13-12-Bính Tuất

Ngày giỗ mẹ

 

GIÁNG VÂN


 

Nhật ký 2

*

Tuôn chảy vào một cái chảo lớn

Tinh thần - một mớ nhão nhoét

Sôi sục và bốc mùi

Như con sông tanh tưởi trong thành phố

Không còn biết làm sao

*

Không còn biết làm sao

Anh đã lặn rất sâu

Bùn đen đã ngấm vào não tuỷ

Đã biến màu từng huyết mạch

Bây giờ anh buồn, anh chết

Cái chết được báo trước.

*

Cái chết đè nặng tinh thần chúng ta

từ những cơn mưa dầm tháng tháng hai

đến những căn phòng các bệnh nhân ung thư

những đứa trẻ chưa kịp ra đời

đã mang mầm sự chết.

*

Ta đã muốn trút bỏ

Nhưng điều gì cuốn ta trở lại

Đau thương chăng?

Đau thương có là hư huyễn

Làm sao ta có thể bay?

*

Nhà thơ

Vì sao mặt anh buồn

Vì sao mặt anh biến dạng thành nỗi buồn

những giấc mơ vật vã

những giấc mơ trôi nổi

những buổi chiều như tất thảy mọi buổi chiều

thơ – bài kinh cầu run rẩy

xanh thơ ngây

và xám u sầu

từ từ trôi về nước mắt

dừng ở đâu trong cuộc đời chúng ta?

*

Tình yêu này không dịu dàng

Tình yêu này cay đắng

Tình yêu này hấp hối

Tình yêu này cần được cấp cứu

Tình yêu này cần được lọc máu

Sao cây tình yêu không chết?

*

Cắm rễ vào đất đai này

những cái cây thuốc độc

hoà vào bầu trời này

những cơn mưa thuốc độc

tuôn xuống dòng sông này

những xác chết hoại tử

chúng ta uống, chúng ta ăn, chúng ta thở

và tự mình biến thành thuốc độc.

*

Từ biệt hay ở lại cùng anh có ích gì không?

Cãi cọ hay nhẫn nhịn

Yêu hay là không yêu

Không làm sao còn phân biệt được

Những nhành lá tươi non gẫy

Và đau

Cái cây không chết chỉ biến dạng.

 

GIÁNG VÂN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com