THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 5

Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 5

Mục lục
Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM
Số 1
Số 2
Số 3
Số 4
Số 5
Số 6
Số 7
Số 8
Số 9
Số 10
Lời Bạt
Tất cả các trang

 

5.

“Khi tôi nhìn thấy lá cờ của Hà Lan trên bờ biển xa, lòng tôi reo lên chiến thắng”.  Đây là câu hát xưa được đặt trên môi của lũ học trò tiểu học, nhưng nay đã bị chính người Hà Lan loại bỏ. Họ loại bỏ vì không những không khiêm tốn mà còn gợi lên tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng sự tự tin về trình độ đi biển và niềm tự hào ấy của người Hà Lan là điều chính đáng. Điều này tôi nhận thấy khi vào Viện bảo tàng Madame Tussaud. Dù mệt lã, nhưng vừa rời khỏi khu du lịch Zaanse Schans về đến Amsterdam, chúng tôi lại lao vào Madame Tussaud, gần khách sạn Krasnapolsky, chỉ băng qua một con đường là đến. Trên đường đi, con mắt của tôi luôn bị níu lại bởi cái cảnh đông đảo nam thanh nữ tú ngồi uống bia, cà phê ngoài hiên quán xá dưới nắng chói chang chứ không ngồi trong bóng râm; bị níu lại bởi những đôi tình nhân đang say đắm hôn nhau dưới thanh thiên bạch nhật một cách hồn nhiên, đem câu Kiều “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” ứng vào trường hợp này là hoàn toàn chính xác; bị níu lại bởi những trò “sơn đông mãi võ” ầm ĩ ồn ào trước quảng trường lớn. Có điều tôi phân vân và hỏi Thịnh:

-Tại sao lại mang tên Madame Tussaud?

Thịnh ngắc ngứ, không biết và tôi cũng chào thua. Sau này, tôi mới biết, họ lấy tên bà Tussaud để đặt cho Viện bảo tàng này như một “cầu chứng tại tòa” về chất lượng của nó. Bà Tussaud (1760-1850) là một nghệ nhân người Pháp nổi tiếng làm các các hình mẫu bằng sáp từ khuôn lấy từ khuôn mặt của hoàng gia và quý tộc bị đưa lên máy chém trong cuộc Cách mạng Pháp (1789-1802).

Vé vào tham quan là 27 Euro. Trước khi bước vào trong, một tay nhiếp ảnh da đen buộc chúng tôi đứng lại để... chụp một tấm ảnh lưu niệm. Tấm ảnh này lập tức được phóng lớn cỡ 13 x 19 cm, rửa ra nhiều tấm để tặng cho những ai có mặt trong ảnh, không tốn một xu. Ấy cũng là một cách “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” vậy.

Đi thang máy lên lầu tư, tôi bước vào trong phòng. Ấn tượng đầu tiên, trước mắt tôi, những tượng sáp to lớn được trang trí đẹp đẽ hiện lên nhằm minh họa cho lịch sử dựng nước và giữ nước của người Hà Lan; phía tay trái, những cảnh trí khác cũng hiện ra và cũng phục vụ cho cái ý tưởng đó. Những hình ảnh sinh động này được thay đổi liên tục để diễn tả từng cột mốc lịch sử. Chỉ tiếc, do không rõ lịch sử của xứ sở hoa tulip và tiếng Anh nên tôi cũng không hiểu gì nhiều. Tôi ngẩn tò te xem những hình ảnh lạ lùng hiện ra trước mắt bằng con mắt của một đứa trẻ xem hoạt cảnh mà thôi. Muốn hỏi thêm người hướng dẫn đôi điều, nhưng thằng “câm” là tôi đành chịu. Trong các hoạt cảnh này, cảnh đầu tiên xuất hiện đập vào mắt tôi là tượng một người đàn ông cao lớn gương mặt cương nghị, cao chừng 3 mét, mặc trang phục của thế kỷ trước, đầu đội mũ đen, râu tóc dài mà phía trước ngực là một chiếc thuyền buồm như đang lao ra trùng khơi và ngay đầu gối là chiếc cối xay gió. Hình ấy ấy trông hiên ngang lạ thường.

Họ giới thiệu bản lĩnh và tính cách của dân tộc họ đấy chăng?

Rõ ràng, người Hà Lan giỏi đi biển như ta đã biết, từ thế kỷ XVI trên sóng nước lênh đênh đầy bắt trắc họ đã đi đến hầu hết các nước trên thế giới. Nhưng họ chỉ giỏi buôn bán đường thủy, chứ chưa hẳn đã giỏi... đánh nhau trên biển.

Thủy chiến thiện nghệ nhất, có lẽ là dân tộc Việt? Từ năm 938, Ngô Vương Quyền, người xã Đường Lâm, là nhà quân sự thiên tài đầu tiên đã dàn binh bố trận chôn vùi xác giặc phương Bắc trên sông Bạch Đằng, xác lập một truyền thống: truyền thống Bạch Đằng - truyền thống đánh giặc đường thủy và thắng giặc trên chiến trường sông nước - mà đời sau các nhà sử học gọi là “nghệ thuật thủy chiến Bạch Đằng”. Rồi một trận thủy chiến khác cũng diễn ra trên sông Bạch Đằng 1288, dưới tài chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Hưng Đạo Vương, quân dân nhà Trần đã đưa truyền thống đó lên đỉnh cao nhất, tới sự hoàn thiện nhất.

Ít ai biết rằng, thủy binh Hà Lan và Việt Nam cũng từng... đụng độ nhau trên biển!

Chuyện “cơm không lành canh không ngọt” ấy xẩy ra chỉ sau năm 1637 - như ta đã biết, đó là năm đậu Hà Lan bắt đầu trồng ở phố Hiến.

Năm 1641, chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài gửi thư cho Toàn quyền Hà Lan yêu cầu bán vũ khí để chống lại chúa Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong. Yêu cầu này xẩy ra vào lúc Hà Lan đã đóng cửa thương điếm ở Hội An - vì không cạnh tranh nổi với các thương nhân đến sớm hơn là Bồ, Nhật, Trung Hoa - nên họ nhận lời. Từ đó, chúaNguyễn nhìn họ bằng cái nhìn ác cảm.

Sự việc này chưa đến nỗi trầm trọng, thì một sự kiện bất ngờ đã xẩy ra: tháng 11 năm 1641, hai chiếc tàu Hà Lan bị bão đánh dạt vào gần Hội An. Lập tức chúa Nguyễn ra lệnh thu toàn bộ hàng hóa, 18 khẩu súng đại bác và bắt giam 82 thủy thủ. Trong khi đó, tàu Hà Lan của Jacob Van Liesvelt nghe tin này, khi từ Đài Loan ghé đến Đàng Ngoài để chở sứ thần của chúa Trịnh sang tiếp kiến toàn quyền của họ ở Batavia. Lập tức, y đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) bắt cóc gần một trăm dân lành ở đây với mục đích để gây sức ép trao đổi tù binh với chúa Nguyễn. Dù cuộc phán không thành, nhưng tháng 3.1643, chúa Nguyễn vẫn thả tự do cho họ. Chẳng may trên đường về nước, họ lại bị thuyền của người Bồ Đào Nha tấn công. Do không hiểu cớ sự như thế nên Công ty Liên hiệp Đông Ấn đem tàu đi đánh chúa Nguyễn.

Kết quả họ thua to.

Từ đó, họ chống chúa Nguyễn ra mặt.

Năm 1643, ba tàu chiến Hà Lan giúp chúa Trịnh đánh quân chúa Nguyễn ở sông Gianh (Quảng Bình), nhưng thất bại.

Thật ra, bản chất của những người đi buôn là mong kiếm lợi nhuận chứ không phải đánh nhau. Vì thế, năm 1648, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan mất, con là Nguyễn Phúc Tần kế vị, toàn quyền Hà Lan ở Batavia cử sứ giả Verstegen sang thương nghị. Mới lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Tần cũng muốn tạo mối quan hệ với người châu Âu nói chung nên đã ký với người Hà Lan một hòa ước. Trong đó có những điều khoản quan trọng như: Công ty Liên Hiệp Đông Ấn Hà Lan được tự do buôn bán, không bị khám thuyền, không phải đóng thuế (dù thuế vẫn tiến hành đối với người Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Nhật...). Thậm chí khi buôn bán ở Hội An thì họ được quyền chọn mảnh đất thích hợp để dựng nhà ở, mở thương điếm...

Nhưng hiệp ước này chưa bao giờ được thực thi bởi nhiều lý do, do sự thiếu thiện chí của đôi bên. Và mối quan hệ thoi thóp giữa Hà Lan với Đàng Trong và Đàng Ngoài dứt hẳn vào năm 1759. Thật ra, chuyện giao chiến giữa đôi bên đến nay chẳng có ý nghĩa gì đối với hậu thế. Thắng và thua trong chiến tranh không có gì  đáng để tự hào và tự ti cả, nhất là đối với thế hệ chúng ta, những người đã sống quá xa với dĩ vãng hàng mấy trăm năm. Vấn đề là trong hiện tại, đất nước đã từng tham chiến ấy đã phát triển như thế nào trong thời bình.

Tôi đang suy nghĩ miên man như thế, Thịnh lôi tuột qua các phòng khác, xuống tầng khác và ở đâu tôi đều thấy những tượng người cũng quần áo thời cổ xưa, cũng... giống hệt người thật. Bước tiếp vào một căn phòng âm u. Vẫn là những tượng ấy đấy thôi. Đang nghĩ như thế, bỗng ai nấy giật thót tim ra ngoài, bởi có một tượng đứng phắt dậy phùng mang trợn mắt như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ đối diện! Ai đó rú lên. Nhưng không, anh ta lại ngồi xuống như cũ và cứng đơ ra như một pho tượng! Từ đó, ta bước vào trong con đường dài và hẹp, ánh sáng loe loét để cảm nhận sự ghê rợn với những cảnh... dưới địa ngục. Những ai yếu tim chắc sẽ ù té chạy và khóc thét lên thôi. Bởi ngoài tượng thiên thần ác quỷ ở còn có âm thanh phù họa theo sống động đến lạ thường.

Nhưng với tôi, thích nhất vẫn là căn phòng trưng bày tượng của các nhân vật có thật và nổi tiếng cả thế giới trên nhiều lãnh vực. Các nghệ nhân làm khéo đến mức, ta cứ ngỡ đó người thật, chứ chẳng còn nghi ngờ gì nữa, có điều họ không cử động đấy thôi. Cứ nhìn vào hai con mắt của tượng, ta mới cảm nhận hết sự sống động gần như tuyệt hảo. Dưới mỗi bức tượng, họ có ghi đại khái đôi nét về tiểu sử của nhân vật đó. Cũng như nhiều du khách khác, tôi chụp hình chung với những con người tài hoa nổi tiếng như Piet Mondrian, Salvador Dali, Vincent Van Gogh, Pablo Picasso, John F Kennedy, Charlot, Anne Frank... Đặc biệt, tôi còn thấy cả tượng của Lénin nữa. Thì ra, được đứng gần, được làm quen thậm chí được chụp hình chung với những nhân vật nổi tiếng cũng là một trong những nhu cầu có thật của nhiều người.

Và tôi cũng chụp khá nhiều hình với danh họa Van Gogh (1853- 1890). Đó là tượng một người đàn ông có gương mặt nhân hậu, mắt nhìn xa xăm, tóc râu vàng hoe, mặc áo trắng, rồi áo ghi-lê vàng, khoác áo ngoài màu xanh, trên hai tay đang cầm cọ, bảng màu và sau lưng là bức tranh vẽ những đóa hoa hướng dương chói ngời sắc vàng. Tôi khép nép đứng bên cạnh. Tôi sực nhớ đến rằng, có lúc ông đã tự cắt tai mình vào năm 36 xuân xanh!

Năm 1888, Van Gogh đã đến Arles, một tỉnh nhỏ nhằm trên bờ sông Rhôn miền Nam nước Pháp và thuê căn phòng trong Hotel Restaurant Carrlel. Ở Arles, thời gian này Van Gogh vẽ rất nhiều, vẽ như đang lên đồng trong cơn mê điên của sự sáng tạo. Những bức tranh được vẽ trong sự say mê tột cùng đã đưa ông đến với cõi bất tử. Ông vẽ nhiều đến nỗi về sau phải thuê thêm một căn phòng trọ nữa ở phố Lamartine để chứa tranh, làm xưởng vẽ và sau do túng thiếu ông dọn hẳn về ở nơi này.

Thời gian này, nghệ sĩ Paul Gauguin đã đến và kết bạn với ông. Ngày 16.12.1888, cả hai rủ nhau đến lầu xanh “Maison de Tolérance, No.1”, nơi mà trước đây Van Gogh đã từng đến để vẽ, mọi người đều quý mến ông và gọi bằng cái tên thân mật “Fouroux”. Một điều oái oăm của số phận đang lừ đừ đến với ông. Như một định mệnh. Như trò trêu ngươi thách thức sự nhậy cảm của một nghệ sĩ đích thực sắp xẩy ra. Ấy là lúc cô gái điếm tóc vàng Rachel, nũng nịu xin ông 5 quan. Chỉ 5 quan thôi mà, nhưng đang rỗng túi, ông hứa sẽ vẽ tặng cô ta một bức chân dung. Câu chuyện đi qua trong những tiếng cười vui nhộn, nhất là do tài kể chuyện hóm hỉnh, có duyên của Gauguin. Và mọi người cùng hứa với nhau sẽ tổ chức mừng lễ Giáng sinh tại đây. Những tiếng cười thân mật lại reo lên ấm áp.

Trước lúc chia tay, Rachel lại nhắc đến chuyện cũ và nói đùa, nếu không, ít ra cũng cho cô ta... cái tai của ông để làm quà đêm Giáng sinh.

Nghe câu nói bông lơn, táo tợn thế, ai nấy cười rũ rượi. Chỉ riêng Van Gogh, trong khoảnh khắc ấy, ông đột ngột rú lên như thú hoang trúng đạn. Bần thần, run rẩy như một người động kinh, ôm lấy hai thái dương buốt đau đến cuồng dại ông ngã quỵ xuống đất.

Trở về nhà, ông thao thức mãi, không thể chợp mắt. Mắt mở thao láo nhìn bất động trên trần nhà xám xịt tơ nhện. Trong lúc đó, Gauguin vẫn hồn nhiên ngủ mê mệt.

Qua ngày hôm sau, Van Gogh không vẽ, không ăn uống và lưỡi như đeo đá, không hé răng nói với ai một câu nào. Buổi chiều, ngồi với Gauguin trong quán cà phê Ginoux, bất thần ông vung mạnh tay ném cái ly vào đầu bạn, nhưng Gauguin né tránh được. Tiếng vỡ chói gắt của thủy tinh như từng mảnh sắc nhọn đâm vào tim. Van Gogh ôm ngực loạng choạng đứng dậy bởi bị Gauguin nổi giận tống ra khỏi cửa.

Qua ngày hôm sau, ngày 18.12, Van Gogh xin lỗi Gauguin, nhưng tình bạn không thể như trước, tốt hơn hết hãy chia tay nhau.

Sáng ngày 19.12, ông lại đến cái lầu xanh ấy khi Gauguin thu xếp hành lý trở về Paris. Không ngờ Rachel lúc ấy lại thản nhiên, vô tư nhắc lại món quà kỳ lạ. Nghe thế, trái tim non nớt và đa cảm của ông như một ghềnh đá bị những đợt sóng đập mạnh. Tim đau buốt. Nét đau khổ đã hằn sâu trên gương mặt nhàu nát.

Buổi chiều hôm ấy, Van Gogh trở về nhà và cùng Gauguin đi đến quán Montpellier ăn nhẹ trong lúc nắng vàng sắp tắt. Ông van nài Gauguin hãy ở lại Arles. Gauguin đồng ý, nhưng những ngày kế tiếp sự bất hoà vẫn chưa giải tỏa được.

Đêm của ngày 23.12 trời tối đen như mực tàu, không một ngôi sao nào lãng du trên vòm đen thẳm kia, Gauguin đang ngồi trầm ngâm trong quán cà phê Ginoux ở phố Lamartine, bỗng nghe ai hoảng hốt gọi tên mình liền bật người dậy, bước ra ngoài. Không rõ là ai, chỉ thấy người ấy cầm trên tay một vật sáng loáng như lưỡi dao cạo.

Đó là Van Gogh.

Nửa khuya của đêm ấy, giữa lúc các cô gái điếm trong lầu xanh đang khiêu vũ lả lướt theo tiếng nhạc du dương, Rachel nghe có ai gọi mình. Và cô đã nhận được một món quà bọc trong nhiều lớp vải. Ở lớp vải ngoài cùng có viết nguệch ngoạc đầy những chữ “Monsieur Fouroux”. Rachel hồi hộp mở từng lớp vải ra, bỗng cô rú lên khi nhìn thấy một cái tai đầy máu. Một cái tai thật!

Rachel ngả ra bất tỉnh trên sàn nhảy.

Câu chuyện quay về trí nhớ. Tôi thở hắt ra. Buồn quá! Lần này đến Hà Lan, tôi chưa thấy nhân vật nào như Van Gogh được giới doanh nhân “khai thác” triệt để nhiều đến như thế. Cầm quyển sách du lịch Hà Lan, thế nào cũng có hình của ông ngoài bìa. Vào cửa hàng lưu niệm thế nào cũng có tượng ông đang cầm cọ đứng trước khung vẽ v.v... Tiếc là tôi chưa được vào thăm quan bảo tàng mang tên thiên tài này cũng ngay tại Amsterdam. Dù không am tường nhiều về hội họa, không mấy hiểu về đời sống bi thương và sáng tạo mãnh liệt của Van Gogh, nhưng tôi ngưỡng mộ và kính trọng ông ở thái độ dám ra khơi!

Sáng tạo của nghệ sĩ? Là chấp nhận ra khơi trong lúc tâm hồn đầy giông tố, đầy hoài nghi, đầy bắt trắc. Có người chết đắm ngoài trùng khơi. Có người quay về cùng con cá nhép. Có người quay về với bàn tay không. Sáng tạo là chấp nhận một cuộc chơi không bắt đầu và không kết thúc. Với Van Gogh, ông quan niệm: “Anh trách tôi cuồng tín ư? Có thể là như thế. Nhưng tôi có nguyên tắc của tôi. Tôi đi đâu? Tôi ra khơi. Trong sóng to gió lớn, tôi sẽ vật lộn gay go, nhưng mẻ lưới sẽ khác hẳn thu hoạch còm cõi của các vị hàn lâm đủng đỉnh ngồi câu trên bờ” (Thư Van Gogh gửi thầy dạy cũ dạy vẽ Van Rappard). “Dù cho vấp ngã chín mươi chín lần, thì dến lần thứ một trăm anh vẫn vùng dậy ngay lập tức” (Thư Van Gogh gửi em trai Théo Van Gogh). Một con người dám sống với sáng tạo đến tận cùng máu thịt, tận cùng mỗi phút giây trong đời sống nghiệt ngã đó là Van Gogh. Còn chúng ta? Trong cuộc đời này, đôi lúc không phải ta sống, mà ta chỉ hít thở để tồn tại đấy thôi. Ta thỏa hiệp để tồn tại đấy thôi.

Tôi tần ngần chia tay cùng Van Gogh. Tôi bước ra khỏi phòng, đi dọc theo hành lang và ngước mắt nhìn qua ô cửa tròn bằng kiếng trong suốt, để ngắm cảnh vật bên ngoài. Quảng trường dưới mắt tôi đang đầy nắng. Nắng tốt tươi như thế, bỗng lòng tôi chùng xuống như sợi tơ đàn chẳng rõ vì đâu. Bỗng có những tiếng cười của du khách vang lên. Tôi nhủ tôi hãy vui và tiếp tục chụp ảnh với các nhân vật khác.

Trong các nhân vật đứng chụp hình chung, tôi cũng rất chú ý đến một người... Là ai? Nói một cách khiêm tốn, bởi đang phấn đấu đạt đến trình độ “cao thủ võ lâm” trong làng nhậu nên tôi không thể không chụp chung với ông... Heineken! Hơn nữa, còn vì một lý do chính đáng. Tính đến năm 2002, nếu Hà Lan, nhà đầu tư thứ hai trong Liên minh châu Âu tại Việt Nam với tổng số vốn 2,8 tỷ Euro thì Heineken đã góp sức không nhỏ.Theo tài liệu của Sứ quan Hà Lan tại Việt Nam, tôi biết thêm “con số đầu tư thực tế còn cao hơn bởi vì không kể 124 triệu Euro của nhà sản xuất bia khổng lồ Heineken/APB mà vốn đầu tư được đăng ký dưới danh nghĩa Singapore”. Thế sao tôi không có cảm tình được chứ? Tôi có thái độ ấy do học tập người xưa đấy thôi. Ngày xưa, chẳng xưa gì đâu, chỉ mới năm 1791, chúa Nguyễn Phúc Châu đã đến Hội An, ông đã đặt tên cây cầu - sau này ta quen gọi “Chùa Cầu - do người Nhật Bản xây dựng là “Viễn lai kiều”. Chúa Nguyễn có một tầm nhìn, một bản lĩnh đáng nể khi chọn từ câu của Khổng Tử trong Luận ngữ “Hữu bằng tự viễn lai, bất duyệt lạc hồ?” (Có người bạn từ xa xôi đến, há không vui sao?). Vậy ông Heineken đến, không đến chơi mà đến đầu tư kinh tế nước nhà vậy sao tôi không vui chứ! Vì thế khi qua đây, khi thấy tượng sáp của ông, tôi không thể không... chụp hình chung!

Dù “câm”, không thể hỏi, nhưng qua sự phiên dịch của Thịnh, tôi cũng biết được rằng, bia Heineken xuất hiện từ năm 1863, khi ông Gerard Adriaan Heineken mua lại nhà máy bia lớn nhất Amsterdam lúc bấy giờ là “De Hooiberg”. Để tạo cho bia này có một hương vị riêng, năm 1886, tiến sĩ Elion- học trò của bác sĩ Louis Pasteur đã tạo ra men bia “Heineken A” sử dụng cho đến tận ngày nay. Chỉ tiếc tôi không được tham quan nhà máy bia quá nổi tiếng này. Dân nhậu ở Việt Nam từng kháo nhau rằng, nghe đâu số lượng bia Heineken mỗi năm sản xuất nhiều đến độ... nếu xếp các chai bia Heineken lại thành hàng, thì đủ bao quanh trái đất đúng 27 vòng!

Có thật thế không?



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com