THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 2

Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 2

Mục lục
Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM
Số 1
Số 2
Số 3
Số 4
Số 5
Số 6
Số 7
Số 8
Số 9
Số 10
Lời Bạt
Tất cả các trang

 

2.

Có tiếng gọi của Ngọc Thịnh, bảo đã đến nơi. Bước ra sân bay, cô Charlotte Zelders xinh tươi - Trợ lý Giám đốc của sản phẩm Campina International đã đến tặng bó hoa thắm. Hoa đẹp vì đang tươi. Nhưng liệu hoa héo thì có còn đẹp không? Chắc có. Bởi cứ nhìn hoa cúc thì rõ. Từng cánh vàng rũ xuống như mệt mỏi nhưng sắc màu vẫn không phai. Muốn nói một lời cám ơn về bó hoa thắm nhưng không biết ngoại ngữ nên đành chịu. Tôi lúng ba lúng búng, ấp a ấp úng. Lan man nhớ câu tục ngữ “lúng búng như ngậm hột thị” suốt cả một đoạn đường dài... Tại sao phải ngậm “hột thị” chứ không phải là hột gì khác nhỉ?

Trên đường về khách sạn Krasnapolski, tôi thấy những ngôi nhà như hộp diêm mọc lên ngăn nắp. Những sắc màu được phối hợp một cách hài hòa, không sặc sỡ mà đơn giản giống như người đàn bà qua tuổi xuân thì vẫn hấp dẫn được cái nhìn của ta chỉ bởi một chút son thơm trên khuôn mặt khả ái kia. Thường chỉ hai tông màu nóng và lạnh sóng đôi với nhau. Đó là cái đẹp kín đáo của phong cảnh ở đô thị này. Hầu như trước mỗi căn nhà đều có hoa. Hoa lặng lẽ và kiêu sa tươi thắm đến độ nao lòng những ai nhìn nó. Hầu hết các cửa sổ đều có gắn kiếng trong suốt. Trước ngày tôi đi, em yêu có nói với với tôi: “Đặc biệt là những ngôi nhà ở Amsterdam tầng trên cùng đều có một thanh bê tông trắng đưa ra và có một móc sắt. Chiếc móc đó dùng cho những gia đình ở trên cao có thể dùng ròng rọc để vận chuyển đồ vào nhà”. Sau này, ở đây nhiều ngày tôi quan sát và thấy đúng. Với cách vận chuyển như thế nó sẽ lý giải vì sao ở đây hầu hết các dãy nhà cao đều không có lan can chăng?

Chuyến xe chở tôi vẫn lao đi. Tôi ngước mắt nhìn thành khẩn và lặng lẽ như muốn thâu tóm hết cảnh vật mới lạ vào trong con mắt. Hàng cây khẳng khiu đứng hai bên đường cũng lặng lẽ không kém. Lặng lẽ vì không có gió đến để xào xạc. Lặng lẽ vì nó mặc nhiên không biết sáng nay có tôi lần đầu tiên trong đời đang ngắm nhìn nó. Một cảm giác hiu quạnh choáng ngợp lấy tâm hồn tôi.

Đã bảy giờ sáng nhưng thành phố vẫn vắng. Chỉ mới có bóng nắng nhợt nhạt bám trên tường.

Sau khi nhận phòng ở NH Grang Hotel Krasnapolsky, dù biết giá thuê phòng mỗi ngày đến 450 Euro (tương đương 5 triệu đồng Việt Nam), nhưng sự hào hứng khi đến một thành phố lạ khiến tôi chỉ đủ kiên nhẫn để rửa mặt, thay quần áo. Tôi lao ra đường. Như một đứa trẻ lao ra đón mẹ đi chợ về. Niềm vui này tinh khiết biết bao nhiêu.

Trước mắt tôi là quảng trường DAM - “trái tim của Amsterdam”. Những chú bồ câu thản nhiên ùa đến thân thiện với tôi như thể không có gì phải cảnh giác cả. Tôi nhớ đến món nhậu này ở quê nhà, nhưng lập tức cái suy nghĩ phàm phu tục tử ấy bị tôi đẩy lùi ra khỏi óc. Cùng Thịnh lang thang trên những đường phố. Phố dài và hẹp cho tôi cái cảm giác nửa nhớ đến Hội An, nửa nhớ đến Đà Lạt. Lạ kỳ chưa? Bởi con đường hẹp và thấp thoáng có người đi xe đạp lướt qua chăng? Bởi những cửa hàng lưu niệm san sát mọc lên mà tôi từng gặp ở phố Hội? Bởi gì nữa? Có lẽ đúng nhất bởi tôi đã yêu dấu một cái gì đó cổ kính, yên tĩnh như tâm hồn của mình.

Những người đi xe đạp trên phố không vội, họ đi chậm. Quan sát tôi thấy mỗi chiếc xe đạp đều có gắn chuông, gắn đèn nữa chứ! Đi dăm bước ta lại gặp một dòng xanh thẳm cắt ngang qua. Đứng trên cầu nhìn về thấy những ngôi nhà nơi xa xa tôi mới thấy quyến rũ lạ lùng khi nó soi bóng xuống dòng xanh. Thành phố này là thành phố của sông. Các con đê xây dọc bờ sông. Vì thế cái tên Amsterdam được hình thành cũng là từ đó. Cái đuôi “dam” có nghĩa cái đê, cái đập. Phần đầu là tên con sông, con suối đã bị cái đê kia ngăn lại. Nói cách khác Amsterdam có nghĩa “Con đê trên sông Amster”. Mà ở Hà Lan có nhiều địa danh tương tự như thế, chẳng hạn sông Rotte tại Rotterdam, sông Ee tại Edam... Quả không ngoa khi nói toàn bộ đất nước Hà Lan là một vùng châu thổ, nó được nuôi dưỡng bởi hai bầu vú mẹ vĩ đại sông Rhine và sông Maas, dù thấp hơn vài ba mét.

Bước chân lang thang trên phố như một người nhàn tản, không vướng bận một nhọc nhằn nào của công việc hằng ngày sồng xộc đuổi theo sau khiến tôi cảm thấy khoái trá và tươi tỉnh. Gõ giày xuống mặt đường, tôi tự hỏi từ thế kỷ nào người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Hà Lan? Chịu. Không rõ trong thư tịch cổ của họ có ghi lại không? Nhưng với người Hà Lan, trong sử sách của nước ta có ghi khá chi tiết.

Có thể nói, được đi xa, khám phá những chân trời mới là khát vọng của loài người. Với người châu Âu trong những năm đầu của thế kỷ XVI, họ đã đến nước Nam ta với hai mục đích: tìm nơi giao dịch buôn bán và truyền bá đạo Thiên Chúa giáo. Từ năm 1523, người Bồ Đào Nha đã tìm đến trước nhất, sau đó thuyền bè của thương nhân nhiều nước khác cũng dần dần tìm đến. Thế nhưng để đạt đến mối quan hệ thương mại “bánh ít đi, bánh quy lại” thì phải mất gần một trăm năm sau!

Nhìn lại lịch sử nước nhà trong giai đoạn này, ta thấy các thế lực phong kiến Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều đang tiến hành những cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt” rất khốc liệt. Do đó, cả chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều muốn kết thân với họ để qua đó, nhờ mua... vũ khí!

Đây là bi kịch đau đớn của lịch sử nước nhà, khi đọc sử giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, ta tưởng chừng như mỗi dòng, mỗi chữ còn thấm máu của dân đen.

Lần đầu tiên vào năm 1606, thuyền buôn Hà Lan tình cờ biết đến Việt Nam, khi họ đi từ Batavia (Indonésia) sang Trung Quốc, bị bão đánh dạt vào bờ biển Quy Nhơn thuộc xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, nhưng họ chưa nghĩ đến việc thông thương buôn bán. Theo tôi, phải đợi đến năm 1637 lúc đến Phố Hiến ở Đàng Ngoài, họ mới thật sự “gieo hạt” trên mảnh đất này.

Trong trí nhớ của tôi vẫn còn nhớ câu “Nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến”. Kinh kỳ là tên gọi của Thăng Long, nay thủ đô Hà Nội. Phố Hiến nay thuộc tỉnh Hưng Yên - một tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng. Hay nói cách khác Hưng Yên là hậu thân của Phố Hiến. Nhưng tại sao họ lại chọn phố Hiến?

Nếu ai hỏi tôi như thế, tôi sẽ hỏi lại, tại sao lại có cái tên Phố Hiến?

Đang nghĩ ngợi như thế bỗng có một chú chim câu sà xuống chân tôi, hai con mắt nó tròn xoe. Tôi chựng người trong giây lát để làm quen với chúng.

Nói vắn tắt một lời, đó là tên gọi tắt của một cơ quan quyền lực “Hiến sát sứ ty”, còn gọi “Hiến ty” thành lập từ năm Hồng Đức thứ 2 (1471). Nó là một trong ba cơ quan quản lý cấp trấn thời Lê, mãi đến năm 1473 triều đình mới định rõ chức vụ của cơ quan này gồm 32 điều, đại khái, chịu trách nhiệm tâu bày, khảo sát năng lực làm việc của các quan trong trấn, kiểm tra các vụ kiện tụng, tuần hành xem xét đời sống và sản xuất trong địa phận mình quản lý - từ đó báo cáo, đề xuất về triều đình. Khi chọn người giữ chức vụ này, dù chức phó cũng phải người đã đậu tiến sĩ “biết kỷ cương phép nước, quen việc, không sợ cường hào”, bởi đây “chức uy nghiêm ở một địa phương cho nên xem là quan trọng” như trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết.

Các thương nhân Hà Lan và các nước khác khi đến Phố Hiến, họ được Chúa Trịnh cho phép cư trú. Họ đến bởi cuối thế kỷ XVI, qua thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, Phố Hiến đã trở thành một thương cảng sầm uất của Đàng Ngoài, sánh ngang với thương cảng Hội An ở Đàng Trong. Sở dĩ như thế vì Phố Hiến nằm ở tả ngạn sông Hồng, chỉ cách kinh thành Thăng Long khoảng 60 km về phía Nam, thuận lợi cho việc giao thương của các doanh nhân từ xa đến. Bên cạnh đó, chính vì làm tốt “công tác cán bộ” nên Phố Hiến có thuận lợi hơn nữa trong việc phát triển. Không thể không nhắc đến vai trò của quan trấn thủ có công mở mang Phố Hiến - Tước quận công Lê Đình Kiên (1623- 1704). Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, cho biết ông: “Làm việc liêm khiết công bằng, dập tắt được mối trộm cướp, làm cho nhân dân yên ổn, nên được cất nhắc giữ chức này”.

Chỉ mấy dòng đánh giá như thế, có thể ai đó thấy bình thường, nhưng nếu hiểu được bối cảnh xã hội đương thời thì mới cảm nhận hết nỗ lực lớn của một ông quan trị dân. Bởi lẽ, khi đọc lại bộ Lịch triều tạp kỷ - nguồn sử liệu trong khoảng hơn 100 năm cuối đời Lê, tôi thấy dân tình trong những năm tháng đó vô cùng ngột ngạt. Mặc dầu triều đình liên tục ban hành những chính sách yên dân, nhưng các quan lại cấp dưới không những không thực hiện mà còn lợi dụng quyền lực nhũng nhiễu, ức hiếp dân đen. Vì thế các cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra không ngoài mục đích đòi quyền sống của những con người thấp cổ bé miệng.

Chỉ khi nào làm tốt “công tác cán bộ”, quan lại liêm khiết, tự nguyện làm đày tớ của dân, yêu thương dân như con thì may ra xã hội mới có thể ổn định, phát triển kinh tế. Phố Hiến đã có thời gian được cai trị bởi những ông quan thanh liêm. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để vùng đất này hấp dẫn các thương nhân phương xa đến giao thiệp, đặt quan hệ làm ăn lâu dài.

Trước khi làm ăn ở Phố Hiến, tàu buôn Hà Lan đã đến Đàng Trong. Năm 1632, tàu Grootenbrock bị bão giạt vào bờ biển Đàng Trong, họ được cứu sống nhưng hàng hóa bị Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tịch thu. Từ đó, tàu buôn Hà Lan từ thủ đô Indonésia cũng bắt đầu kéo đến Faifô (sử Hà Lan ghi Faicfo, tức Hội An) và họ được phép ở lại buôn bán. Năm 1634, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, con trai Nguyễn Phúc Lan kế vị. Trong năm này, tàu Hà Lan được đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) buôn bán, không bị đánh thuế, nhưng khi họ xin lại số hàng hóa bị tịch thu thì chúa Nguyễn không thuận. Đây là một trong những lý do khiến người Hà Lan thông thương với Đàng Ngoài, dù đầu năm 1636, một thương điếm của họ chính thức mở tại Hội An. Và chỉ sau hai năm hoạt động, nó đóng cửa vào năm 1638.

Mối quan hệ giao thương giữa Hà Lan và Việt Nam được đánh dấu quan trọng vào năm 1637. Cứ theo Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam  do Viện Sử học biên soạn (NXB Khoa học Xã hội - 1987) thì rõ:

“Năm 1637: Tàu Kegrol do Hartsing cầm đầu chở hàng hóa đến Đàng Ngoài tặng chúa Trịnh Tráng hai khẩu súng đại bác; chúa tiếp kiến cho phép mở thương quán ở Phố Hiến (Hưng Yên -  Hải Hưng).

“Có thể qua cuộc tiếp kiến với Hartsing, Trịnh Tráng cho rằng người Hà Lan không liên hệ với chúa Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong nên sau đó, vua Lê Thần Tông gửi thư cho Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia nhờ người Hà Lan giúp đỡ để chống lại Nguyễn Phúc Lan.

“Tàu Kegrol trở lại Đàng Trong, được Nguyễn Phúc Lan ủy nhiệm mang thư và phẩm vật cho toàn quyền Batavia. Trong thư, Nguyễn Phúc Lan ngỏ ý vui lòng nếu được người Hà Lan đến buôn bán ở Đàng Trong. Thư có đoạn viết: “Tôi thiết tha mong mọi người đến buôn bán ở bến cảng nước tôi”.

“Đậu Hà Lan bắt đầu trồng ở Phố Hiến”.

A! Mấy chữ “đậu Hà Lan” nghe gần gũi và đời thường biết bao nhiêu.

Một đoạn sử liệu ngắn ngủi cho biết lúc ấy thương nhân Hà Lan đã “bắt cá hay tay”, hay nói cách khác cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều muốn tạo quan hệ với người Hà Lan. Thuở ấy, ta và họ mua bán với nhau những gì? Xin thưa, ta cung cấp cho họ lụa, đồ sứ, gỗ và đường... Họ bán cho ta những thứ như len, vải tơ tằm và gia vị... Tuy nhiên, trong quan hệ này người Hà Lan không để lại dấu ấn sâu đậm về kiến trúc, văn hóa tại Phố Hiến, kể cả tại Hội An, bằng thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc.

Nếu có chăng chỉ là “đậu Hà Lan” - quen thuộc trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt.

Chỉ có thế thôi ư?

Trong trí nhớ của tôi bỗng hiện lên những viên bi ngũ sắc và những con cá bảy màu. Tuổi thơ của ai lại không có viên bi lăn trong giấc mơ và những con cái quẩy đuôi trong trí tưởng tượng? Không biết, nơi khác gọi con cá đó tên gì, nhưng ở miền Trung xa xôi “rượu hồng đào chưa nhắm đã say...” lũ trẻ con chúng tôi gọi là cá Hà Lan. Con cá ấy thân cũng dài chừng hai lóng tay, nhỉnh hơn thân chiếc đủa. Con trống, từ đầu đến đuôi đều lấp lánh sắc màu; con cái, thân một màu vàng nhạt và đuôi cũng sặc sỡ như thế. Không biết nó du nhập vào Việt Nam từ thuở nào? Từ thuở với đậu Hà Lan chăng? Tôi không quên loại  cá này, bởi nó hiền lành, dễ nuôi và mắn đẻ.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com