THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 3

Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 3

Mục lục
Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM
Số 1
Số 2
Số 3
Số 4
Số 5
Số 6
Số 7
Số 8
Số 9
Số 10
Lời Bạt
Tất cả các trang

 

3.

Tôi và Thịnh đi vào trong các cửa hàng lưu niệm. Ấn tượng nhất là cối xay, hoa tulip và giày gỗ. Cả ba thứ này đều được người Hà Lan thể hiện rất phong phú. Tôi dùng chữ “rất” ở đây là chính xác, chứ không nói điêu. Họ đã thực hiện cả ba thứ trên bằng nhiều vật liệu, nhiều kích cỡ khác nhau, bởi tự ý thức là biểu trưng của văn hóa Hà Lan. Trong bữa ăn trưa bên dòng sông Zaan, Thịnh hỏi cô Charlotte Zelders:

-Nói đến Hà Lan người ta hay nhắc đến điều gì?

Câu trả lời:

-Thứ nhất, hôn nhân đồng giới; thứ hai, cối xay gió và thứ ba là hoa tulip. Đến Hà Lan mùa này thì đành chịu. Hoa tulip chỉ nở rộ quãng từ tháng 3 đến tháng 4, cối xay gió bây giờ đa phần sử dụng cho mục đích “để chơi cho đẹp”, cho “rất Hà Lan”.

Hôn nhân đồng giới? Nghe thoáng qua nhưng tôi lại nổi da gà! Tôi tiếc không có nhiều vốn liếng về tiếng Anh nên không thể hỏi Charlotte Zelders bình luận gì về chuyện này. Qua thông tin trên báo chí, tôi biết, hiện nay trên thế giới có thêm nước thứ 3 đồng ý với hôn nhân đồng giới là Tây Ban Nha, sau Hà Lan và Bỉ.

Đây là một trong những trò trớ trêu nhất mà con người “qua mặt” Thượng đế chăng? Không những thế, ở Hà Lan cũng như một số nước phương Tây khác, người ta còn chấp nhận chung sống trước hôn nhân. Điều này bình thường đến nỗi, tôi biết, khoảng mươi năm trước đây trên truyền hình Hà Lan có mở cuộc thi đối vui chủ đề Những bức thư tình. Giải thưởng dành cho ai và như thế nào? Dành cho cặp tình nhân tổ chức làm đám cưới hẳn hòi trước khi... chung sống với nhau và giải thưởng cũng khá độc đáo là đám cưới của họ được... phát sóng trên truyền hình. Cứ tưởng chuyện bịa, nhưng trời ạ, tôi có bao giờ biết dựng chuyện đâu!

Có điều tôi không hiểu tại sao Charlotte Zelders không nhắc đến đôi giày gỗ? Vì trong phút chốc được hỏi đột ngột nên không nhớ ra chăng? Ngày nay đến Hà Lan, tôi thấy có bày bán rất nhiều giày gỗ trong các của hàng lưu niệm. Ban đầu tôi ngạc nhiên lắm, có người giải thích do ngày xưa người nông dân của xứ sở này đã mang giày gỗ đi vắt sữa bò. Nhưng cách lý giải này xem ra thuyết phục hơn: Khoảng ¼ lãnh thổ với 60% dân số Hà Lan sống trong vùng nằm dưới mực nước biển, vì thế vùng đất này ngày xưa rất ẩm ướt, nhất là vào mùa đông. Do đó, người nông dân ở đây nghĩ ra chiếc giày gỗ không thấm nước thay cho các loại giày dép khác để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và cũng để giữ ấm cho đôi chân.

Khi ta gọi tên đất nước này là Hà Lan (Holland), thật ra chỉ nhắc tới hai tỉnh duyên hải Bắc và Nam - đóng vai trò quan trọng của lịch sử Hà Lan. Tên chính thức của đất nước này The Netherlands (nether: thấp, land: vùng đất), nghĩa là một vùng đất thấp và người ta còn gọi Plays Bas theo tiếng Pháp cũng có nghĩa tương tự. Điểm thấp nhất tại Rottterdam nằm dưới mặt nước biển 6,7 mét. Khi bước xuống sân bay chính ở thủ đô Amsterdam, tôi đâu ngờ nó cũng nằm ở độ cao thấp hơn mặt nước biển đến 5,7 mét. Điểm cao nhất của Hà Lan ở đâu? Ở vùng đất gần biên giới Đức và Bỉ, nhưng cũng chỉ cao 321 mét so với mực nước biển.

Từ thực tế này, không chỉ có đôi giày gỗ ra đời mà cối xay gió cũng được hình thành.

Trong quá trình lấn biển giành đất, người ta đã đắp đê ngăn nước, dùng máy bơm kiểu cối xay gió, tất nhiên nó ngày càng được cải tiến, để tát nước ra rồi tôn đất lên cao hơn. Những vùng đất lấn được này gọi là polder. Với tâm lý phải thường trực đối đầu với thiên tai, lũ dâng cao và đất lún xuống, nước ập tới cuốn phăng tất cả mọi thứ ra biển nên vai trò các những ông quan trông coi đê thời ấy có một quyền lực rất to lớn.

Chống lại cơn giận dữ của Thủy tinh cũng là mối lo triền miên của dân tộc Việt. Ở Việt Nam, việc đào đê trị thủy được tiến hành một cách có hệ thống, bài bản từ thời nào? Tôi sực nhớ đến chức quan Hà đê sứ thời nhà Trần, họ cũng có quyền lực tương tự như vậy chăng? Sau khi đoạt ngôi nhà Lý, nếu chỉ chấn chỉnh võ bị quân sự, mà không quan tâm đến cải thiện dân sinh thì không hẳn nhà Trần đã được lòng dân. Vì thế Thái sư Trần Thủ Độ, năm 1244, tâu vua Trần xuống chiếu lệnh các quan dân ra sức đắp đê Đỉnh Nhĩ ( đê quai vạc) hai bên bờ sông Hà để ngăn nước lớn; đắp đến đâu nếu ruộng đất người dân bị hao tổn, thì nhà nước đều quy ra giá tiền mà đền bù. Để công việc tiến hành nhanh chóng, ông đặt ra chức quan Hà đê sứ để đôn đốc, chọn các quan ít việc giao cho giữ chức này. Thế là hàng năm cứ đến mùa nghỉ làm ruộng thì đắp đê và đào ngòi để phòng khi nước lụt và đại hạn, rồi bắt trồng cây ở hai bên thân đê để giữ cho đê khỏi bị sạt lở. Tầm nhìn xa của Trần Thủ Độ được nhà sử học Ngô Thì Sĩ ghi nhận trong Việt sử tiêu án: “Bắt đầu có đắp đê từ đây”. Rõ ràng Trần Thủ Độ đã đẩy mạnh công cuộc trị thủy, làm thủy lợi mà trước đó chưa mấy ai nhìn ra ích lợi của nó.

Trở lại câu chuyện với Charlotte Zelders, Thịnh cũng hỏi thêm:

-Vậy khi cô đến Việt Nam có ấn tượng gì khó quên nhất?

Charlotte Zelders cười thật tươi:

-Chả giò.

Ngập ngừng trong giây lát cô buột miệng:

-Xe máy quá nhiều.

Chúng tôi cùng cười vang. Gió ngoài sông thổi lên lồng lộng.

Với đôi giày gỗ, tôi đã thấy họ thể hiện từ nhỏ xíu khoảng một lóng tay đến... 2 mét! Và màu sắc thì vô cùng tận. Từ một màu hoặc để mộc không trang trí đến sặc sỡ màu sắc khác nhau, miễn là đẹp mắt.

Hoa tulip cũng thế. Những bông hoa này hầu hết được làm bằng gỗ, mỗi hoa là một màu riêng biệt, có cả màu đen. Nếu có hoa nở thắm như môi cười của cô gái hạnh phúc bởi lần đầu trong đời được bước lên xe hoa về nhà chồng, thì cũng có hoa chúm chím như tình yêu trinh nữ dậy thì. Du khách tha hồ mà chọn.

Và cối xay gió, tôi thấy có loại làm bằng nhựa, gỗ, gốm, kim loại... to nhỏ đủ cỡ - kể cả vẽ lên đĩa gốm như một bức tranh nghệ thuật.

Tóm lại, chỉ có ba biểu trưng ấy nhưng người ta đã sáng tạo nhiều cách thể hiện. Hơn người là ở chỗ đó. Cũng là hạt gạo nếu để nguyên nấu thành cơm, nhưng xay ra thành bột thì người ta làm thành sợi bún, sợi mì... và hàng chục loại bánh “hầm bà lằn” khác nhau. Để làm gì? Để đổi món cho ngon miệng dù bản chất của nó cũng chỉ là chất bột đấy thôi. Nghĩ đến đây, tôi phải “tâm phục khẩu phục” nghệ thuật ẩm thuật ở Huế. Chỉ là bột, nhưng qua bàn tay khéo léo, tinh tế và nhu mì của các bà nội trợ của vùng đất mà Bùi Giáng nhìn thấy “Vẫn còn núi Ngự trên bờ sông Hương”, họ chế biến thành vô số thứ bánh khác nhau. Mà mỗi loại bánh khi nếm, tôi lại ngạc nhiên vì sao lại ngon đến thế? Nhưng quen thuộc nhất có lẽ là “bánh nậm”, bởi thế chỉ riêng ở Huế mới có thành ngữ “Con tinh bánh nậm”, nghe ra vừa tinh nghịch, vừa hồn nhiên và láu lỉnh thế nào ấy...

Chợt Thịnh hỏi:

-Có mua gì không?

Tôi giật mình rồi ngần ngừ trong giây lát. Bởi tôi đang miên man suy nghĩ, chỉ là cối xay gió, giày gỗ, hoa tulip nhưng tại sao người ta có thể nghĩ ra nhiều cách thể hiện đến thế? Trí tưởng tượng của họ phong phú quá đi thôi. Muốn mua những hàng lưu niệm biểu trưng của văn hóa Hà Lan để đem về làm quà cho người nhà, dù không rẻ chút nào. Một bông hoa tulip giá bán vài Euro, mắc hơn cả chùm hoa tươi ở chợ Bến Thành, nhưng lẽ nào không mua? Trong khi mắt no nê ngắm nhìn hàng hóa phong phú của họ thì trong trí óc tôi lại cựa quậy những sự so sánh này nọ. Nhưng tôi vội gạt phắt đi và cúi xuống chọn những bông hoa tulip vì nghĩ đến em yêu. Trước ngày đi xa, em đã dặn rồi. Lời dặn dò ấy, làm sao tôi có thể quên? Đôi mắt đen nhanh nhánh nhìn tôi tha thiết như thế thì dù thế nào đi nữa tôi cũng mua cho bằng được. Không rõ, trong chuyện cổ của người Hà Lan có “sự tích về hoa tulip” không? Nhưng tôi biết có câu chuyện hấp dẫn liên quan đến hoa tulip, hấp dẫn đến nỗi ngay sau đó, lập tức tôi nghĩ đến phong trào nuôi cút ở miền Nam trước năm 1975. Ấy là cái thời không rõ do đâu, mà người ta đua nhau nuôi cút để rồi phá sản một cách tức tưởi.

Từ thế kỷ XVI ở châu Âu, người ta bắt đầu biết đến một loài hoa lạ, gọi hoa Tiurban vì nó rất giống một loại mũ đội đầu ở Thổ Nhỉ Kỳ tên Tiurban. Người Hà lan rất cuồng nhiệt đón nhận sắc màu rực rỡ, tươi thắm của nó và trồng ở nhiều nơi, họ gọi hoa tulip (hay người Trung Quốc dịch là hoa uất kim hương). Với các nhà người làm vườn chuyên nghiệp họ không chỉ trồng bằng hạt giống mà còn nghĩ đến cách lai tạo nhiều hoa tulip giống mới. Dần dần việc chơi hoa này như một nhu cầu thời thượng, đã là dân “sành điệu” thì dứt khoát không thể không có hoa tulip trong nhà. Trước nhu cầu này, giá hoa tăng dần lên là lẽ tất nhiên, nhưng ban đầu giá cả của nó còn có thể chấp nhận được.

Sang thế kỷ thứ XVII, giá hoa tulip bỗng tăng vọt đến chạm trời. Bởi lúc này các nhà buôn Hà Lan bắt đầu “phất’ lên cùng với sự thịnh vượng của đất nước. Giai đoạn này sử Hà Lan này gọi “thời Hoàng kim”. Sự thịnh vượng này có được là nhờ các hoạt động của Công ty Liên hiệp Đông Ấn thành lập năm 1602, Công ty Liên hiệp Tây Ấn “chuyên trị” việc đóng tàu và buôn bán dọc theo các bờ biển châu Á, châu Phi. Trong thời điểm này, Hà Lan cũng lập các thương điếm ở Malaysia, Việt Nam, Nam Phi, Nhật Bản và các thuộc địa ở Indonésia và Nam Mỹ... Họ thịnh vượng bằng nghề đánh cá. Ngay từ thời Trung cổ, Hà Lan đã nổi tiếng với những thùng cá trích kếch xù xuất đi thị trường quốc tế. Với cá trích, họ đã hoàn thiện đến mức tuyệt hảo của công nghệ chế biến. Chỉ một nhát dao, vâng, họ moi ruột cá trích chỉ bằng một nhát duy nhất. Mà động tác này chỉ diễn ra trong chớp mắt. Và cá trích nếu được họ ướp muối thì giữ được chất lượng gần như đến vô tận, đến độ... “thiên thu bát ngát”!

Tài đến thế là cùng.

Nhưng thử hỏi cá trích có ích lợi như thế nào cho sức khỏe? Chắc là có. Có cụ thể như thế nào thì tôi không biết. Chỉ biết vừa rồi, ngày 29.6.2005, cụ bà Henny van Andel-Schipper - một cựu giáo viên dạy nữ công, sinh ngày 29.6.1890 tại thành phố Smilde (Hà Lan) vừa ăn mừng sinh nhật lần thứ 115, sống thọ nhất thế giới hiện nay. Bí quyết trường thọ mà cụ cho biết, chỉ dùng một suất cá trích trong khẩu phần ăn hàng ngày. Mà cá trích là loại cá như thế nào chứ? Thú thật, trước đây để làm một người đàn ông gương mẫu và đạo đức tốt, tôi cũng có vài lần đi chợ mua cá. Chính nhờ “thâm nhập thực tế”, tôi đã viết được bài thơ “Đàn ông đi chợ Tết”. Nay lẩm nhẩm lại vẫn còn thấy hay:

Cao hứng ngày xuân đi chợ Tết

Chân mang giày, cổ thất cravate

Ai nỡ nào nói thách đàn ông

Giữa dòng người, tôi huýt sáo thong dong

Lanh lảnh tiếng rao mời chào những cá

Cá giẫy đành đạch như muốn hụt hơi

Cá sặc bướm này quằn quại đang bơi

Cá vồ, cá trê nằm trơ mắt ngó

Cá lòng tong kia đang bơi quạu quọ

Tôi quờ quạng rờ con cá lưỡi trâu

Sực nhớ vợ dặn khoái cá bã trầu

Đặt tiền xuống mua. Thôi, mua cá nhái

Cá thở quều quào lách luồn quày quại

Tội nghiệp nên thôi. Mua lấy cá mè

Cá nằm quay lơ - vợ rủa ai nghe?

Mặt nàng quằm quặm còn chi là Tết?

Hay mua cá trê?Nhưng làm sợ mệt

Con cá út thịt trắng muốt béo dai

Cá ngát, cá linh quắn quíu nằm đây

Bụng cũng muốn mua. Làm sao mua hết?

Loạng choạng một hồi sắp tàn ngày Tết

Mặt mày quàu quạu chủ cá mắng vui:

“Mua đi cho rồi lựa tới lựa lui!”

Nàng nguýt, háy, lườm làm tôi nhớ...vợ

Thông cảm đàn ông lần đầu đi chợ

Trong bài thơ này không có con cá trích. Vậy cá trích là loại cá như thế nào? À! Ông Nguyễn Ngọc Hải khi làm “Từ điển vể 270 con vật”, cho biết như sau: “Cá trích (herring): cỡ nhỏ (10 - 14 cm) gồm cá biển, cá nước ngọt và cá di cư. Cá trích chủ yếu ăn động vật nổi. Đây là đối tượng quan trọng của nghề cá thế giới. Cá trích ở nước ta sống ở ngoài khơi vịnh Bắc bộ, biển Đông, đến mùa đẻ vào tháng 3 - 4 tập trung thành từng đàn di cư vào vùng gần bở để đẻ. Ngư dân ven biển dùng lưới vây kết hợp với ánh sáng đèn, khai thác được khá nhiều. Có những loài cá trích mà đường di cư đến các biển Bắc cực rất khó xác định, vì lúc thì chúng ở gần mặt nước, lúc ở dưới sâu. Đôi khi cá ở sâu cách mặt nước hàng trăm kilômét, rồi bỗng nhiên lại ngoi lên bất thình lình từng đàn dày đặc, chen lấn, xô đẩy nhau. Trong trường hợp này, một chiếc thuyền khó mà quay đi quay lại được. Nếu người ta có cắm mái chèo xuống nước lúc ấy thì chỉ chọc vào toàn những cá là cá!”

Ủa! Đang chuyện nọ sao lại xọ chuyện kia? Lẩn thẩn quá đi thôi. Vậy xin trở lại với câu chuyện của thế kỷ XVII.

Sự phồn vinh bằng nghề đánh cá sẽ lý giải vì sao người Hà Lan nổi tiếng với nghề đóng tàu gỗ, nghề đi biển dẫu thuở ấy chưa có la bàn nhưng họ sẵn sàng đối mặt với bất trắc của giông gió biển khơi đi tìm những chân trời mới. Họ đi và lúc ấy chắc hẳn không thèm biết đến câu nói sau này của nhà văn Mohamed Dib: “Người ta nhiều khi quên mất rằng biển không bao giờ có tuổi, sức mạnh của nó nằm ở đấy”, mà chỉ tự hào như Horace đã nhìn nhận: “Người đầu tiên lao con thuyền mỏng mảnh của mình ra biển dữ hẳn phải có trái tim bọc bằng đồng và gỗ sồi”.

Khi “trong tay sẵn có đồng tiền”, các thương nhân giàu có nhờ cá trích thu hoạch được trên biển dữ  đã chơi hoa tulip. Cách chơi của họ mới ghê gớm làm sao, bên cạnh việc xây nhà cao cửa rộng, ăn mặc quần là áo lượt, lên ngựa xuống xe thì họ còn tìm mua cả... rừng hoa rực rỡ đem về trang trí trong nhà, trong vườn. Giá hoa tulip bỗng tăng vùn vụt đến chóng mặt, tăng đến ngất ngư, tăng đến nỗi người ta gọi đây là hiện tượng “sự cuồng hoa tulip” trong lịch sử tài chính. Giá của củ hoa này đang nhích dần đến giá bằng... ngôi nhà tráng lệ! Có tài liệu cho biết một củ hoa tulip thuở ấy có thể bán được 2.500 guilder, đủ sức để mua 2 xe tiểu mạch, 4 xe cỏ khô, 4 còn bò lực lưỡng, 4 con lợn béo ục ịch, 12 con cừu, 4 thùng bia, 2 thùng bơ, 550 kg phomát, 1 cái giường, 1 bộ quần áo và 1 cái cốc bằng bạc. Thông tin này khiến ta lè lưỡi kinh ngạc, khó có thể tin được tại sao lại như thế nhỉ?

Từ năm 1634, người ta phải dùng cân tiểu li để cân các củ hoa tulip như ngày nay ta dùng để cân vàng vậy. Sự đầu cơ bắt đầu hình thành. Hễ có tiền thì người ta đầu tư vào việc mua củ hoa này về trồng để chờ bán ra với giá cao hơn gấp nhiều lần. Vòng quay của công cuộc đầu cơ đã lôi cuốn mọi tầng lớp trong xã hội. Các nhà làm luật cũng không đứng ngoài, họ soạn thảo ra các quy chế về luật mua bán hoa hoặc chuyên thảo các hợp đồng!

Nhưng trên đời này, không có gì có thể đi ngược lại quy luật biện chứng. Khi đến một thời điểm thích hợp dứt khoát nó phải thay đổi. Sau một thời gian dài “làm mưa làm gió”, cung cầu trên thị trường đã trả hoa tuylip về đúng với vị trí của nó. Việc bán đấu giá đã không còn diễn ra theo đúng dự kiến của các nhà buôn lớn. Chẳng hạn, dự kiến với một củ hoa tulip họ sẽ thu về 1 guilder, hoặc cao hơn nữa. Nhưng không, họ chỉ đạt được 0,5 guilder! Giá hoa tulip rớt dần và cơn sốt về hoa cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tin xấu này lan truyền khắp nước Hà Lan và tạo nên sự hoảng loạn chưa từng có. Bao nhiêu người đã phá sản khi lao vào vòng quay này? Bao nhiêu người đã tự tử vì trắng tay? Bao nhiêu người hoảng loạn tâm thần vì tiếc của?

Dần dần hoa tulip trở về giá trị thật của nó.

Năm 1999, người ta kỷ niệm 400 năm hoa tulip được trồng tại Hà Lan. Như thế loại hoa này xuất hiện tại Hà Lan bắt đầu từ năm 1599.

Tôi cầm những bông hoa tulip trên tay. Mỗi bông hoa chúm chím nở ra ba cánh và bên trong còn he hé đang nụ. Bông hoa làm bằng gỗ nên không có hương. Hương của nó có giống như hương tóc của em yêu sau mỗi lần tắm gội không? Có lẽ nó cũng dịu dàng, đằm thắm và có ma lực quyến rũ đến thế là cùng chứ gì? Liếc nhìn qua cô bán hàng đang lơ đễnh nhìn ra phía ngoài, tôi đưa bông hoa gỗ lên mũi  ngửi và mỉm cười một mình. Thịnh hỏi:

-Cười gì thế?

Tôi đang cười một mình thú vị với sự so sánh ấy. Nhưng không trả lời.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com