THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 7

Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM - Số 7

Mục lục
Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM
Số 1
Số 2
Số 3
Số 4
Số 5
Số 6
Số 7
Số 8
Số 9
Số 10
Lời Bạt
Tất cả các trang

 

7.

Trời ạ! Thói quen là điều khó cưỡng lại nhất. Thói quen phải ngủ trưa đã khiến tôi ngượng phát khiếp khi đến Wageningen. Trong khi giáo sư Jan Steijns thuyết trình về ba giai đoạn tăng trưởng, phát triển và bảo vệ về “Loại sữa tốt hơn cho thế hệ vuợt trội: sữa LBC” thì hai con mắt của tôi đã nhíu lại, tưởng chừng như có bàn tay vô hình nhẹ nhàng đè nó xuống. Nhưng không thể. Để tự giữ mình trước mọi người, tôi nghĩ cách tốt nhất là... làm thơ. Tôi huy động tất cả những gì đã thấy, đã cảm nhận trong những ngày này để đầy lùi cơn buồn ngủ đang đến chập chờn, chỉ cần một phút mất cảnh giác hai con mắt nhắm ngay lập tức. Khổ thế! Tôi nghiêm nghị nhủ tôi rằng, nhớ lại đi! Hình ảnh nào ám ảnh nhất? “Hoa tulip và sữa bò”. Hình ảnh ấy đã được huy động tối đa vào bộ nhớ để từ đó, dần dần những câu thơ được gọi đến. Nó đến trong lúc tôi vừa lắng tai nghe bài thuyết trình và vừa không nghe gì cả. Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi có được bài thơ:

tôi đang hình dung ra gương mặt thơ dại của em

chẳng thấy gì ngoài hoa tulip

hoa là em và em cũng là hoa

tôi yêu hoa đến chết

ước gì trần truồng nằm trên cỏ biếc

lăn ngoài vô tận của thời gian

hoặc hóa thành bông hoa nhỏ xíu

gió Netherlands thổi đến tận mây ngàn

tôi bay ra ngoài nhọc nhằn cơm áo

làm chàng chăn bò ngày tháng lang thang

tôi lang thang như con bò béo nẫn

trên cánh đồng cỏ tươi

mẹ đã nuôi con bằng sữa mẹ

nay sữa của con nuôi lại con người

những chân trời châu lục xa xôi

không kể da đen, da vàng, da trắng...

muôn màu da anh em

không cần chiến tranh, không cần chiến thắng

cùng nắm tay nhau đi đến lòng mình

mỗi bình minh

trên tay cầm cốc sữa

ta chạm vào nhau và chúc tụng hòa bình

em yêu dấu

anh nhớ về em là vạt nắng lung linh

sưởi ấm hoa tulip

hoa là em và em cũng là hoa

tôi yêu hoa đến chết...

Bài thơ viết đến câu cuối, bài thuyết trình cũng vừa chấm dứt. Chúng tôi được hướng dẫn dùng thử các sản phẩm của Campina. Thú vị làm sao. Không hiểu sao tôi có một dạ dày khổng lồ đến thế. Trong một thời gian ngắn, nhưng tôi đã dùng thử vài chục loại sữa khác nhau, từ loại sữa tiệt trùng đến sữa hỗ trợ sức khỏe; từ bơ đến phô - mai được làm từ sữa. Ngon nhất với tôi là các loại phô - mai, có loại mềm hiệu Gouda, Maasdam, Edam; có loại phô - mai nhẹ như Milner hoặc có loại được chế biến từ sữa dê, thậm chí còn có cả phô - mai chay nữa! Riêng về đồ tráng miệng và kem thì tôi cũng thử luôn cả bánh pudding, trứng đánh sữa v.v... Sữa kỳ diệu hay sự sáng tạo của con người kỳ diệu? Chỉ từ sữa, người ta đã chế biến ra hàng chục sản phẩm khác nhau mà loại nào cũng... ngon! Có lẽ, uống sữa là một hình ảnh dễ thương nhất của con người. Bởi nó không là nước lã nhằm giải phóng cơn khát và cũng không phải bia rượu để tạo ra một cảm giác. Nó là sữa. Nhưng lạ thay! Ở Hà Lan, sữa còn rẻ hơn cả... nước suối! Một chai nước suối 500 ml mua ở siêu giá 1,25 Euro, còn một lít sữa chỉ... 70 cent Euro! Bất chợt hình ảnh cậu học trò của thời tiểu học lại hiện về trong tôi một cách hiền lành và trong trẻo biết bao nhiêu. Thuở ấy, tôi nhớ, cứ mỗi giờ ra chơi lũ học trò “nhất quỷ nhì ma” bị thầy cô ép phải uống sữa và ăn bánh mì. Đó là một tiêu chuẩn bắt buộc. Bây giờ nghĩ lại cứ ngỡ như chuyện cổ tích.

Rời nơi này, chúng tôi lên đường đến khách sạn De Wereld. Chiều vẫn nắng, dù đã chiều. Gió thổi xào xạc trên vòm lá. Những con đường rợp bóng mát. Chia hai con đường là một dòng mương nhỏ, nước trong vắt còn thấy lũ cá nhép nhỡn nhơ bơi. Thoáng nghĩ về em khi nhìn thấy hàng cây hai bên đường xào xạc gió. Lứa đôi nào mà không từng có những khoảnh khắc tình tự dưới vòm xanh? Gió đã nói điều gì mà lá reo lên vậy?

Đến khách sạn De Wereld, ngay phòng tiếp tân, đã thấy ngay cái bếp. Bước lên phòng, đã thấy bông nhét lỗ tai, vì nó nằm sát mặt đường, và cũng không máy lạnh. Bước vào phòng tắm, không thấy có bồn tắm như ở các khách sạn bình thường khác. Ngay cả bước vào thang máy cũng không quá ba người! Thế nhưng, khách sạn này được xếp vào loại “danh giá” nhất! Thấy quyển “Hotel B & B  - De 100 Leukst hotel en B & B’s” trên bàn, tôi tò mò lật ra xem thì biết khách sạn này được xếp hạng thứ nhất trong số một trăm! Thế có lạ không chứ? Bỗng dưng tôi lại nhớ đến câu vè vui vui:

Đi đâu cũng chép cũng ghi

Không biết thì hỏi tự ti làm gì?

Chính vì không “tự ti” nên tôi mới đem ngạc nhiên này hỏi Linh, nàng đáp:

-Ủa? Chứ anh không biết đây là nơi mà Đức quốc xã đã ký văn bản đầu hàng vô điều kiện Hà Lan trong Đệ nhị thế chiến sao?

Thì ra thế! Không như mọi khách sạn khác, nó còn gắn với một ý nghĩa lịch sử trọng đại, vì thế mắc tiền là phải, dù tiện nghi không bằng. Ngay cả buổi sáng điểm tâm cũng không có nhiều thức ăn để chọn nhưng du khách năm châu cứ tìm đến, cứ phải nằm ngủ một đêm cho biết! Hầu như mọi bày biện, trang trí vẫn như trước. Ngay cả sảnh lớn, nơi đã diễn ra sự kiện lịch sử kia vẫn được giữ nguyên. Vẫn một cái bàn lớn cỡ ngang một mét, dài một mét rưỡi, cao ngang tầm ngực của tôi, khi uống nước người ta phải đứng, chứ không có ghế để ngồi. Bức tường sát mặt đường vẫn loại cửa sổ có kiếng dày trong suốt, bắt đầu từ đầu gối của tôi cao lên đến gần nóc phòng.

Khi bước ra ngoài, ngay cửa vào khách sạn tôi thấy có gắn một cái biển đồng lớn, sơn màu hồng có chạm nổi “5 Mei 1945”, nó được đóng khung bằng những thanh sắt đen có hoa văn trang nhã, phía trên là một tấm bảng đồng chạm từng dòng chữ đôi nét về sự kiện đó. Cách đó chừng mươi mét là ngã tư đường, giữa đường có dựng một bức tượng đồng màu đen người đàn ông trần truồng, ngửa mặt đau khổ và đưa hai cánh tay lên như đang thở than một nỗi niềm tuyệt vọng với trời xanh thăm thẳm. Ở giữa tượng có ghi những dòng chữ Hà Lan, nhưng tôi không đọc được, có lẽ họ nhắc lại một quá khứ chiến tranh đau buồn của thời đệ nhị thế chiến chăng?

Một thói quen của sự liên tưởng đã khiến tôi sực nhớ về khách sạn Continental ở Sài Gòn. Nơi nhà văn tiến bộ Anh Graham Greene đã viết tác phẩm nổi tiếng The quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Ông đã đến Việt Nam lần đầu khoảng năm 1942-1943, sau đó còn quay lại khoảng năm 1951 -1953. Thời gian này, ông đã ở khách sạn Continental và đã viết tác phẩm nổi tiếng trên tại phòng 214 (lầu 2). Căn phòng này được cấu trúc nằm ở góc nhìn ra Nhà hát Lớn và đường Đồng Khởi. Sau một phần tư thế kỷ khi viết The quiet American, ông đã phát biểu: “Tôi đã đến Việt Nam vì đã yêu đất nước đó. Tôi đã yêu ngay tức khắc từ khi đến đó lần đầu”.

Vào khoảng thập niên 1960, nhiều người yêu thích tác phẩm này đã đến khách sạn Continental để đoán già đoán non ai là nguyên mẫu của nhân vật Phượng? Và gần đây, năm 2002, nó được Hãng phim Giải phóng hợp tác với nước ngoài dựng thành phim. Nếu khôn khéo, ta cũng có thể học tập được như người Hà Lan đang kinh doanh khách sạn De Wereld chăng? Bằng tư duy của nhà thơ, kẻ luôn thất bại trên thương trường, khó có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi trộm nghĩ nếu phục hồi nguyên trạng căn phòng mà nhà văn đã ở thì ít nhiều cũng đạt hiệu quả về quảng bá “thương hiệu” Continental và kinh doanh?

Trước lúc chờ ăn tối, tôi rủ Thịnh thả những bước chân đi lang thang trong thành phố này. Đi bởi biết rằng, sẽ còn rất lâu mình mới có thể trở lại nơi này để đi một cách thong dong như thế này. Thong dong là do trong lòng không vướng bận, không toan tính một điều gì. Đi đến một nơi xa lạ lần đầu tiên, ta sẽ có những cảm xúc mới mẻ, những cái nhìn lạ lẫm mà sau này có đến lại và cũng đi như thế nhưng điều ấy không lập lại. Thú vị là chỗ đó. Có những nơi người ta chỉ đến một lần rồi vĩnh viễn chia xa, dù trong lòng rất đỗi mến yêu. Cũng giống như tình yêu. Có những gương mặt của tình ái, chỉ gặp một lần duy nhất, hằn sâu vết nhớ trong ký ức, nhưng chẳng bao giờ ta gặp lại lần nữa. Dòng đời cứ thế tuồn tuột trôi qua.

-Đi thôi Thịnh ơi!

Dù đã 19 giờ nhưng trời vẫn còn nắng. Bóng nắng nhẹ nhàng và trong suốt. Đi ngang qua một ngôi nhà thờ cổ, cửa chính khép kín, tôi thấy có nhiều xe đạp được khóa cẩn thận để ơ thờ trong sân khuôn viên. Gần đó, có một tấm bảng đồ lớn, vẽ chi tiết các con đường trong thành phố này. Các cửa hàng đều đóng cửa, đứng bên ngoài cửa kiếng nhìn thấy rõ mọi thứ, nhưng chịu, không thể mua sắm gì được. Con đường nhiều ngả rẽ, lòng đường chỉ rộng bằng những con đường ở Hội An nhưng dốc thoai thoải. Hoa dại nở ven đường, tôi cứ tưởng như những con mắt trẻ thơ đang nhìn theo. Nghĩ thế nên lòng dịu lại. Tịnh không có một tiếng ồn ào, thỉnh thoảng chỉ có vài chiếc xe đạp lướt qua. Yên tĩnh đến lạ thường. Những ngôi nhà ở đây đều thấp và có sân vườn rộng. Đường phố lẫn không gian thanh tịnh một cách cổ kính và hiền lành gợi nhớ đến Đà Lạt. Có điều lòng đường đẹp đến mê hồn, được lát bằng gạch màu cà rốt lớn hơn loại gạch đinh của ta một chút, chứ không phải tráng nhựa đen sì. Và chính vì trời còn nắng, một thứ nắng của chiều chưa hẳn đã chiều, của ban mai chưa sắp ban mai nên tôi cứ ngỡ ngàng, không biết mình đang đến với một thành phố vừa đi ngủ hay chưa thức dậy?

Tôi còn muốn đi nữa. Nhưng phải quay về khách sạn thôi. Đã đói. Trong bữa ăn tối ở trong vườn, sát bên ngoài khách sạn De Wereld, thỉnh thoảng tôi ngước nhìn lên trời. Không một vì sao mọc. Vẫn nắng. Vòm trời trong vắt. Những chai rượu vang đỏ ngon nhất đã được khui ra để bắt đầu cho một bữa ăn tối do Công ty Campina chiêu đãi. Ngước mắt nhìn qua góc đường bên kia, tôi thấy một cô gái tóc vàng ngồi ngay trên vệ cỏ, gác chân hớ hênh lên sườn xe đang sóng soài dưới đất và “nấu cháo” điện thoại cầm tay. Có lẽ cô ta đang trò chuyện với tình nhân? Chắc thế. Chỉ với người thương, người nhớ thì người ta mới đủ kiên nhẫn lắng nghe như uống lấy mọi thanh âm, mọi ngữ điệu lan man dài dòng của một giọng nói từ xa vọng đến.

Đã chai vang thứ hai, nhưng cuộc điện thoại ấy vẫn chưa dứt.

Trong bữa ăn này có một khách mời quan trọng, buộc chúng tôi phải veston lịch sự. Một phụ nữ khả ái người Hà Nội khoảng ngoài năm mươi, nói thông thạo tiếng Hà Lan và tiếng Anh, bà Đinh Thị Minh Huyền - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.

Theo tìm hiểu của tôi, tính từ năm 1759 - sau khi Hà Lan không còn giao thương với chúa Trịnh Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong - hơn hai trăm năm sau mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước mới được xác lập. Theo tài liệu của Sứ quán Hà Lan, sự kiện này diễn ra vào ngày 3.4.1973, lúc đó Đại sứ Hà Lan tại Bắc Kinh kiêm luôn chức Đại sứ tại Hà Nội. Đến năm 1976, văn phòng Đại sứ Hà Lan được mở tại Hà Nội, nhưng năm 1988 phải đóng cửa vì lý do tài chính và mở lại vào năm 1993. Tuy nhiên mối quan hệ ngoại giao vẫn duy trì trong những năm đó thông qua Đại sứ Hà Lan tại Băng Cốc. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Lan vẫn duy trì lãnh sự quán danh dự từ năm 1993 đến 1996, đến năm 1997 mới được nâng cấp thành Tổng lãnh sự quán. Tính đến năm 2002, chỉ có khoảng 375 người Hà Lan sống tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, bà Huyền đóng vai trò Đại sứ trên đất nước này đã bao nhiêu năm? Tôi muốn hỏi, nhưng ngại bị đánh giá là người tò mò, nên thôi. Bằng kiến thức của một người đóng vai trò ngoại giao và ở nhiều năm trên xứ sở của hoa tulip, trò chuyện thân mật với bà thật thú vị. Bà cho biết, đại khái:

Hà Lan có diện tích 41,523 km 2 (khoảng 1/8 diện tích Việt Nam). Dân số 16,2 triệu dân. Mật độ dân cư rất cao: 478 người/ km 2. Hiện nay, có gần 10.000 người Việt nam sống tại Hà Lan. Người Việt nhập cư sống khá vất vả. Nếu không có chí tiến thủ, không chịu học thêm, khó có thể hội nhập. Vật giá ở đây thuộc loại đắt đỏ nhưng lương công nhân dành cho người nhập cư chỉ 1.000 Euro, lái xe chỉ 1.500 Euro...

Tôi thoáng phân vân. Có thật thế không? Nếu đúng, với đồng lương này, họ chỉ có thể đủ thuê được... hai, ba ngày ở khách sạn Krasnapolski tại thủ đô Amsterdam!

Sau này, trong một lần đi mua sắm, tôi vàThịnh tình cờ bước vào cửa hàng “Nieuwendijk 148, 1012 MS Amsterdam”, gặp chủ nhân trước sống ở Chợ Lớn, sang đây lập nghiệp đã hơn 25 năm, tôi hỏi lại, cũng nghe trả lời như thế. Dù sống ở Hà Lan phải đóng thuế nhiều, nhưng anh chị Minh - chủ cửa hàng “souvenirs” này - không phàn nàn vì nghĩ rằng, khi về già, không lao động được nữa, nhà nước sẽ trợ cấp cũng bằng chính đồng tiền mà mình đã đóng thuế. Tôi nghĩ, tạo được tâm lý đó cho người dân là điều không dễ. Phải một xã hội ổn định, phồn thịnh thì mới có thể hình thành nếp nghĩ ấy. Cũng theo anh chị, trước đây ở Amsterdam cũng có nhà hàng Việt Nam, nhưng không sống nổi, phải bán lại cho người Hoa. Vậy muốn tìm ăn món ăn thuần túy theo phong cách “mắm tôm, cà pháo” thật không dễ dàng. Tôi nghĩ, nhà hàng này đóng cửa vì số lượng thực khách thưởng thức món ăn Việt không nhiều, và cũng có thể tiền thuê mặt bằng quá cao chăng? Anh Minh xởi lởi cho biết, chẳng hạn cửa hàng của anh chị Minh bề ngang độ 3,5 mét, sâu gần 20 mét nhưng phải thuê đến giá... 6.000 Euro! Rồi một dịp khác, theo lời mời của bà Huyền, chúng tôi đã đến văn phòng Đại sứ quán Hà Lan, khi hỏi về giá thuê căn nhà này, bà úp úp mở mở “vài ngàn gì đó” nhưng không cho biết cụ thể bao nhiêu! Dù vậy, bà cũng cho biết là sắp đến Nhà nước ta sẽ mua một mảnh đất riêng để làm Sứ quán, chứ tiền thuê nhà, dù được tính theo quan hệ ngoại giao, nhưng cũng đắt đỏ lắm.

Thật lạ cho Hà Lan, Amsterdam dù thủ đôø, nhưng cơ quan chính phủ lại đóng tại The Hague và nhiều tổ chức quốc tế cũng đặt trụ sở như Toà án Tư pháp quốc tế (ICJ), Toà án Hình sự quốc tế (ICC)... Ngay trước văn phòng Đại sứ Việt Nam ở địa chỉ “Princes Mariestraat 6 a-b, 2514 KE The Hague”, tôi thấy có ghi cụ thể thời gian làm việc từ 14 g đến 17 giờ. Bước lên phòng làm việc của bà Đại sứ, tôi thấy có treo nhiều bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh quê nhà và không ít đồ gốm Bát Tràng được trang trí đẹp mắt.

Thời gian chậm rãi trôi qua những chai vang đỏ. Mặt tôi đỏ dần. Bữa ăn tối vẫn chưa xong. Trước mắt tôi, vẫn là những món ăn thật ngon, hầu hết đều được chế biến từ cá. Sương đã lạnh trên môi. Môi thèm hát vu vơ vì đã chếch choáng say. Nhìn những miếng cá thật tươi, thật ngon, thật béo bỗng nhiên đầu lưỡi lại thèm đến những giọt nước mắm vàng óng để gợi lên một cảm giác mằn mặn và hương vị của biển khơi đã được cô lại từng giọt sóng sánh. Nhưng không thể. Lại thèm những trái ớt nhỏ xíu, màu xanh non để gợi lên cái cay tê tê đầu lưỡi, một vị cay như khi ta lỡ lời nói với ai một điều gì không phải, khiến sau đó phải ngượng ngùng, bẽn lẽn với chính mình. Nhưng cũng không thể.

Nhìn qua bên kia đường, không rõ cô gái tóc vàng ngồi tỉ tê với điện thoại di động đã đi về từ lúc nào rồi nhỉ?



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com