LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.7.2017

me-con-chi-thai-daon-tiuan-le-minh-quoc

Từ trái: Mẹ con chị Thái, Đoàn Tuấn, Lê Minh Quốc tại nhà cũ của thi hào dân tộc Tú Xương (ảnh chụp ngày 1.9.1998)

 

Một người sống bằng nghề cầm bút, dấu hiệu nào cho thấy họ đã già, đã mệt mỏi, đã bước chân qua dốc bên này của cõi đời mình và đang chậm rãi từng ngày đi xuống? Có lẽ, rõ ràng nhất là lúc họ không còn tha thiết, hào hứng gì với sự cảm nhận trong một ngày đã thấy, đã nhìn, đã nghe, đã biết... Từng sự việc, sự kiện ấy dẫu có ập đến một hoặc nhiều lần nhưng rồi, họ vẫn dửng dưng, bàng quan như một kẻ đứng bên lề. Tức là, họ không còn hào hứng sử dụng con chữ để ghi lại tâm trạng, niềm cảm hứng/nỗi tuyệt vọng trong khoảnh khắc ấy nữa. Cứ thản nhiên như không.

Cứ tự soi rọi lấy bản thân chính mình thì rõ. Ắt nhiều người “ồ” lên thán phục, và không rõ tại sao lúc ấy/thời ấy mình lại viết khỏe/viết nhiều đến thế? Sự hăm hở, trong sáng, cuồng nhiệt, bất vụ lợi của tuổi trẻ quý lắm, còn hơn cả kinh nghiệm của người già. Kinh nghiệm chẳng là gì, nếu chỉ còn đọng lại trong suy nghĩ, suy tư chìm sâu ký ức? Mấy hôm nay đã đọc kỹ lại bản thảo Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Nhớ và rất nhớ những tháng ngày chiến binh ở K.

Ngày ấy, trong túi áo của y và Tuấn không lúc nào thiếu quyển sổ tay và cây bút. Hễ đọc một câu thơ/văn nào hay, thích thú là ghi lại; hễ nghe ai sử dụng một từ nào đắc địa, hễ một câu thơ vụt ngang qua đầu là ghi lại... Ghi chép từng ngày. Cũng là một cách làm giàu thêm vốn tiếng Việt. Chỉ có thế. Ở rừng làm gì có sách, báo để đọc? “Ở rừng thiếu thơ để đọc/ Chúng tôi làm thơ cho mình/ Từng câu chữ chưa tròn trịa/ Ra đời từ cuộc trường chinh/ Chúng tôi làm thơ để đọc/ Như trồng thêm lúa để ăn/ Như cắt tranh lợp nhà ở/ Làm thơ dưới tiếng pháo gầm/ Những câu thơ mặc áo lính/ Đồng phục xanh màu lá rừng/ Đến với những người ra trận/ Như quàng khẩu súng sau lưng”. Ấy là suy nghĩ mà y đã “tự bạch” từ năm tháng ấy.

Rồi lúc ra quân, vẫn còn trẻ. Sức trẻ ấy, tràn trề trên từng trang viết. Từng bài báo. Từng quyển sách. Không mệt mỏi. Đã đi là viết. Bây giờ thỉnh thoảng đọc Facebook bạn bè, nhất là của Ngô Nguyệt Hữu tự dưng lại nhớ về năm tháng ấy, của chính y. Ối dào, hắn ta viết ròng rã từng ngày, từng giờ, bộc bạch suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về thời cuộc chỉnh chu, có trách nhiệm, đâu ra đó. Nhìn và đọc, y cũng thèm lắm chứ, nhưng rồi không thể chạy marathon cùng người trẻ. Sức mấy.

À, có phải còn thêm một dấu hiệu của tuổi già nữa là lúc người ta đã khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn và cũng chừng mực hơn? Và điều cay đắng nhất, theo y, vẫn là ở chỗ nhìn sự vật dù quen/dù lạ cũng không còn có gì hăm hở trong sự khám phá mới mẻ nữa; nếu có cũng chỉ là sự quan sát, chứ không ghi nhận, phát biểu, biểu lộ gì cảm xúc của mình. Sống như thế, có chán không? Biết trả lời thế nào? Thật ngớ ngẫn thay, lúc còn trẻ, thu thập nhiều tài liệu, sách vở cứ nghĩ trong đầu: “Về già, sẽ viết”, tức sẽ sử dụng/sử lý khối tư liệu ấy “ra môn ra khoai/ ra nếp ra tẻ”. Thế nhưng, có dịp, hầu hết con người ta buông xuôi. Không thèm đoái hoài, ngó ngàng gì đến nữa. Bởi thân xác mỏi mệt, ngựa nản chân bon, nắng ngã qua chiều.

Thế thì, câu châm ngôn hay nhất, thiết thực nhất vẫn là “Việc gì làm được hôm nay, chớ để ngày mai”. Ngày mai? Làm gì có ngày mai. Con người ta cứ chần chừ, lần lữa mãi rồi cuối cùng nào nên cái tích sự gì. Chẳng mấy chốc “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi?”. Nghe ra bùi ngùi, ngậm ngùi như một tiếng nấc âm thầm, lặng lẽ lướt xuyên đêm thanh vắng rồi sực tỉnh ngủ, bước ra sân chỉ nghe tiếng gió đi ngang qua vô hình tướng mà lòng rỗng rênh đến buồn tênh.

Khi viết những dòng này, rõ ràng, y đã già. Có phải rằng, dấu hiệu của tuổi già, còn là những ai thường chép miệng/tặc lưỡi mở đầu bằng từ “nếu”? Đừng có mơ. “Với chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào trong cái lọ chai”. Một câu ngạn ngữ Pháp. Quá hay. Nói thì nói thế. Nếu bây giờ quay lại thời tuổi trẻ, lúc ra Hà Nội, y sẽ làm gì? Thì cũng sẽ phóng xe đi Nam Định một chuyến như ngày nọ đã đi vào mùa thu năm Mậu Dần (1998). Đi, ghi chép và cũng để thưởng thức một trong hai thứ “đặc sản” của Nam Định: “Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự”.

Ngày ấy đã ghi chép như sau: Chỉ vài tiếng đồng hồ đi xe honda với tốc độ 30 km/giờ, chúng tôi đã có mặt ở Nam thành cảnh trí mà từ đầu thế kỷ X X những thi sĩ dân gian đã miêu tả: “Thanh Nam cảnh trí an bài/ Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông/ Nhất thành là phố Cửa Đông/ Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao/ Hàng Giày đẹp khách yêu đào/ Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân…”. Chúng tôi đã đến phố Hàng Nâu, sát Hàng Cót bên chợ Vị Hoàng để thăm lại ngôi nhà cũ của Tú Xương (1870-1907).

Chỉ tồn tại trên trần gian 37 năm nhưng Tú Xương đã để lại một bản lĩnh thơ, một sự nghiệp văn học đồ sộ. Lúc mất, ông được an táng tại khu Cồn Vịt của làng Phụ Long. Đây là vùng đất xưa của Nam Định, thời đó chỉ là cánh đồng hoang, đất cao như cồn. Mãi sau này mới rước hài cốt về công viên Vị Xuyên. Quyển Thành Nam xưa của Vũ Ngọc Lý (Sở VHTT Nam Định 1997) viết: Đến năm 1865 làng Vị Hoàng đổi tên thành làng Vị Xuyên. Lý do là khi cụ Trần Bích San thi trúng Tam nguyên được vào chầu vua. Vua Tự Đức hỏi quê quán, cụ thưa cụ người làng Vị Hoàng - Hoàng là tên ông tổ họ Nguyễn. Kiêng tên húy, vua Tự Đức cho đổi Hoàng thành Xuyên. Từ đó, dân quen gọi đất ấy là làng Vị Xuyên (tr. 51). Đây là tên làng của Tú Xương - trong bài thơ Đất Vị Hoàng, ông viết: “Có đất nào như đất ấy không?/ Phố phường tiếp giáp với bờ sông”.

Năm 1883, Nam Định mất vào tay Pháp. Năm 1913, Pháp lấy đất ở Hậu Đồng lấp đoạn sông Vị ở phố Hàng Nâu, Hàng Mâm, Hàng Song. Đến năm 1956, nó mới được đào lại và ngày nay xây dựng thành công viên Vị Xuyên. Ngôi mộ của Tú Xương được xây dựng khang trang, nằm sát bên bờ sông gió thổi lồng lộng. Trên mộ bằng đá có khắc tên tuổi nhà thơ lớn của dân tộc, ghi rõ là Trần Tế Xương. Tuy nhiên, gần đây nhiều người vẫn cho rằng, Trần Kế Xương mới đúng là tên thật của ông. “Kế” có nghĩa là “tiếp nối” và “Xương” có nghĩa “thịnh vượng”. Rất tiếc, không gặp được người xây bia mộ này để hỏi thêm cho rành rẽ. Trong trưa nắng, thắp nén nhang lên ngôi mộ Tú Xương với tất cả lòng thành kính, bỗng nghe đâu đó trong gió vọng đến những câu thơ trong Vị Hoàng hoài cổ của ông: “Nô nức qua chơi đất Vị Hoàng/ Nơi này phong vận, đất nhiều quan/ Trời kia khiến vậy sông nên bãi/ Ai khéo xoay ra phố cả làng”.

Âm hưởng câu thơ buồn man mác ấy đã đưa chúng tôi quay về ngôi nhà mà thuở sinh thời ông đã sống. Tú Xương sinh ngày 10.8 năm Canh Ngọ (tức ngày 5.9.1870) tại ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu. Ngôi nhà này, ông nội Tú Xương là Trần Duy Năng đã để lại cho bố Tú Xương là Trần Duy Nhuận: “Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi/ Trông dòng sông Vị, tựa non Côi”. Năm 1894, năm Tú Xương thi đậu tú tài thì ngôi nhà này bị cháy, về sau do làm ăn thua lỗ nên mẹ của ông đã đem cầm cố cho mụ Hai An ở phố Khách. Không trả được nợ, ngôi nhà bị người ta tịch ký.

Còn ngôi nhà số 280 phố Hàng Nâu hiện nay mà chúng tôi đến là nhà vợ Tú Xương. Bà Hai Sửu - mẹ vợ nhà thơ - đã cho con gái là Phạm Thị Mẫn. Chính ngôi nhà này thuở sinh thời ông từng Tự cười mình: “Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành/ Mắt thời lo láo, mặt thời xanh/ Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó/ Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh”. Nay, ngôi nhà đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Văn hóa. Nay, chủ nhân ngôi nhà là chị Thái - công nhân nhà máy dệt Nam Định. Chị kể: “Gia đình chồng tôi mua lại ngôi nhà này từ năm 1952. Căn phòng dài mười mét này, trước kia là cái sân của cụ Tú trồng cây cảnh, chúng tôi mới xây lên vài năm gần đây thôi. Hồi tôi mới về làm dâu, thì sân này nhiều cây, nền thấp, hễ một cơn mưa là ngập”.

Bước ra phía sau, mới đúng căn nhà mà ngày xưa Tú Xương đã ở. Tất cả còn nguyên vẹn. Chị Thái nói tiếp: “Nghe nói đây là di tích của nhà thơ Tú Xương nên chúng tôi tự ý thức gìn giữ, không sửa chữa thêm bớt gì cả, dù chẳng có ai ràng buộc phải giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà của cụ Tú”. Khoảng cách giữa căn phòng mới xây - nguyên là sân trồng cây - với nhà cũ của Tú Xương cũng là một cái sân dài độ ba mét. Từ dưới sân nhìn lên ngôi nhà, chúng tôi thấy một căn gác gỗ. Mặt tiền của căn gác được đóng bằng gỗ, tất cả mười lăm tấm gỗ. Phía trên lợp ngói âm dương với từng mảng rêu bám xám xịt. Từ căn gác ấy có cánh cửa nhỏ mở ra để nhìn trời xanh. Nhiều bài thơ tuyệt tác đã được Tú Xương viết từ căn gác chỉ có bề ngang ba mét đó.

Trong nhà, có sáu cột gỗ và một lối đi lên gác, nhưng chị Thái bảo: “Đừng lên. Gác xập xệ lắm rồi”. Căn nhà cũ của Tú Xương nay là phòng ngủ, phòng học của cháu gái mười bốn, mười lăm tuổi - con chị Thái. Gương mặt cháu rạng rỡ khi biết chúng tôi đến tham quan. Mắt cháu sáng lên một niềm vui, một niềm tự hào khó tả. Hiện nay, phố Hàng Nâu đã được đổi tên là phố Nguyễn Thị Minh Khai. Ngồi trong nhà chị Thái, nhìn ra đường, tôi thấy vẫn còn đó nhiều cây nhãn mọc hai bên đường. Đường lộ đắp cao, sạch sẽ. Dù mới đến lần đầu tiên song chúng tôi có cảm giác như thân quen tự thuở nào. Không riêng gì chúng tôi mà nhiều người khi đến Nam Định, vì yêu mến nhà thơ cũng đã tìm đến căn nhà này.

Sực nhớ đoạn văn mà nhà văn Nguyễn Tuân đã viết sau khi đến thăm ngôi nhà cũ của Tú Xương: “Hàng Nâu là một cái phố cũ, nhiều nhà gác, cửa kiểu mắt cáo, cáo nhô ra cái lùi vào như hàng răng khểnh của một cô gái không đẹp nhưng rất có duyên. Phố có nhiều kiểu nhà theo lối kiến trúc cổ, trông dễ bồn chồn vương vít. Khi còn con sông Vị ở ngay sau lưng phố, thuyền phố nâu vào sát phố Minh Khai này, những cái cót nâu, bịch nâu lù lù trên bến và trong nhà. Những dáng người tung nâu từ mạn thuyền tung lên, những tiếng đếm nâu, đếm từng củ một, nó không như tung gạch cặp díp đếm từng đôi một. Đúng với cái tên nâu sồng của nó, phố Hàng Nâu xưa là một cái phố lam lũ của người lao động chân tay. Nó cũng là cái phố của những nhà nho thanh bạch… Phố Hàng Nâu cứ tan chợ chiều là thấy diễn ra những quang gánh, thúng mẹt của những người bán tôm tép rau quả nhì nhằng. Nó là một cái phố ngoại ô, cái phố bìa bao tỉnh, giống như xóm nghèo vẹo bắn ra ở tận chân lũy tre làng. Nó rất đúng với cảnh trong thơ Tú Xương: “Trời kia khiến vậy sông nên bãi/ Ai khéo xoay ra phố cả làng…”.

Chao ôi! Đoạn văn của nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân càng làm tôi thêm phần lưu luyến khi rời khỏi phố này. Và tôi, trong giây phút xúc động tột cùng xin có đôi dòng gọi là Tưởng nhớ Tú Xương: "Đồng kia rày đã lên nhà/ Chung cư, khách sạn, massage ào ào/ Giữa khuya gặp trận mưa rào/ Tưởng vào mùa gặt nôn nao điếng người/ Liên doanh giữa đất và người/ Tầng tầng cao ốc chọc trời vút lên/ Chỗ này thuở ấy rộng thênh/ Cây đa, bến cũ nhớ quên nhọc lòng/ Tôi về có thấy gì không/ Chập chờn váy lụa lúa đồng tương tư/ Tiếng xe chạy máy gầm gừ/ Tưởng là vó ngựa, tưởng như gập ghềnh/ Có còn không sợi tơ mềm/ Nối trời với đất lênh đênh cánh diều/ Những cây trụ điện khẳng khiu/ Nhùng nhằng dây nhợ ngỡ chiều xuống nhanh/ Chỗ này vàng rộ lúa xanh/ Ao xưa cá quẫy trăng thanh tự tình/ Tôi về chót vót building/ Karaoke cứ xập xình đêm đêm/ Ruộng đồng rày đã cao thêm/ Nền nhà mới đợi sang tên mỗi ngày/ Bàn tay dỗ lấy bàn tay/ Vọc xuống đất ngất ngầy ngây mùi bùn…”.

Trong ghi chép này, y có nhắc đến con gái chị Thái, lúc ấy, cháu độ 14, 15 tuổi, nay cũng đã ngoài 30 rồi còn gì? Biết đâu, đọc được bài viết này, liệu cháu có còn nhớ đến hai vị khách là nhà thơ luôn trẻ trung, đẹp trai của ngày xưa đã đến thăm nhà không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment