LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.4.2016

 

Những ngày này, thú thật, không muốn viết gì nữa. Muốn khép lại trang Nhật ký. Viết, phải suy nghĩ. Mệt quá. Nghĩ nhiều nhất vẫn là câu hỏi luôn thường trực ở trong đầu: “Tại sao?”. Tại làm sao đất nước mình khốn khổ, khốn nạn đến thế này? Những ngày này, trong câu chuyện với nhau, dù bàn đến đề tài gì đi nữa, cuối cùng vẫn bật ra câu hỏi nhói lòng: “Thế thì, chúng ta ăn gì?”. Ăn cái gì đây hả trời cao đất dày? Sống ở một đất nước mà ăn bất kỳ cái gì cũng sợ ngộ độc, có là sự bình thường?

Có người nói một điều rất thật: "Khi biết thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, tôi nghĩ mình sẽ chuyển sang ăn thịt bò. Khi biết thịt bò có thể hô biến từ thịt heo tẩm hoá chất, tôi nghĩ mình sẽ chuyển sang ăn thịt gà. Khi biết gà cũ, gà chết được nhuộm hoá chất thành thịt gà mới vàng rụm, tôi nghĩ sẽ bỏ thịt, ăn cá. Khi biết cá bị nhiễm độc thuỷ ngân, tôi nghĩ mình sẽ chuyển sang ăn tôm. Khi biết tôm bị bơm thuốc kháng sinh gây độc, tôi nghĩ mình sẽ phải chuyển sang ăn... chay. Khi biết rau được tưới dầu nhớt, đậu hũ trộn với cao xây nhà, tôi nghĩ ăn cơm trắng chan nước mắm qua ngày cho lành. Khi biết gạo mốc được tẩy trắng thành gạo và nước mắm được làm từ cá ươn cá thối, tôi dằn lòng sẽ sang ăn bún, phở, mì. Khi biết bún, mì, phở cũng được tắm trắng, tôi nghĩ mình sẽ ăn trái cây sống qua ngày. Khi biết trái cây cũng được tiêm chất bảo quản và nguồn gốc Trung Quốc... Giờ em phải ăn gì đây?"

Có người nói một điều rất thật: "Sau 1975, người Việt chủ yếu "tị nạn chính trị" và sau 1990 thì "tị nạn giáo dục", tiếp theo sẽ là "tị nạn môi trường". Đất nước thời bình mà tị nạn như có chiến tranh, buồn khiếp".

Báo chí liên tục thông tin về thực phẩm bẩn, những mặt hàng thực phẩm vật tươi sống đã sử dụng chất salbutamol, vàng ô… Sự việc nghiêm trọng đến nổi sáng 27.4.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa hết, cả nước đang chấn động, kinh hoàng trước thông tin: Khoảng 80 tấn hải sản chết bất thường, dạt vào bờ biển miền Trung, lan rộng từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Theo những phán đoán ban đầu, phải có một loại độc tố cực mạnh trong nước biển mới khiến cá chết nhiều đến thế. Từ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, nguyên nhân bước đầu được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Cụ thể, nước biển bị ô nhiễm tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) do Tập đoàn Formosa đầu tư. Theo dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy về phía nam lan vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam.

Chủ đầu tư tại Vũng Áng là Tập đoàn Formosa, lai lịch của nói như thế nào? Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 27.4.2016 có bài Hồ sơ “đen” của Formosa. Tổng hợp tài liệu từ: archive.ban.org, Plastics News, AP, nhà báo Anh Thông viết như sau: “Tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG) là một tổ hợp công nghiệp đa ngành gồm hóa dầu, chất dẻo, công nghệ sinh học, thiết bị điện tử, công nghiệp ô tô… hoạt động từ năm 1958 ở Đài Loan. Gần 60 năm hoạt động, Formosa đã vướng không ít rắc rối vì bê bối đạo đức kinh doanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ môi trường mà cả sức khỏe con người.

Năm 1998, Formosa âm thầm đổ một lượng rác thải chứa chất độc hại vào Campuchia, tại một bãi đất cách thị trấn du lịch Sihanoukville, nơi có khoảng 3.000 người sinh sống. Nhiều người dân đã vô tư bới nhựa từ đống rác này về nhà dùng. Vài ngày sau, nhiều người trong số đó phải nhập viện với triệu chứng ban đầu là sốt cao, tiêu chảy. Một người nhặt rác và một người ngủ trên đống rác đã tử vong. Các cuộc điều tra sau đó kết luận, các nạn nhân đã nhiễm độc thủy ngân có trong rác thải mà Formosa chẳng thể tiêu hủy được. Chính phủ Campuchia phát hiện một công ty của nước này ký hợp đồng nhập khẩu số rác trên và Formosa đã hối lộ ba triệu USD để vận chuyển thành công số rác thải đến Campuchia. Có ít nhất 1.300 người dân sống ở khu vực gần bãi rác bị xác định nhiễm độc thủy ngân từ bãi rác. Nồng độ thủy ngân có trong đống rác này gấp 20.000 mức an toàn cho phép. Trước sức ép của chính quyền và dư luận, Formosa phải xin lỗi, bồi thường và vận chuyển số rác độc hại trên trở về Đài Loan.

Năm 2009, Formosa nhận giải Hành tinh đen, là một giải do tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức Ethecon khởi xướng nhằm trao cho những cá nhân hoặc tổ chức "góp tay" vào việc hủy hoại môi trường.

Năm 2013, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã phạt Formosa 1,5 triệu USD vì vi phạm các quy định bảo đảm môi trường. Trước đó, năm 2009, cơ quan trên cũng đã phạt Formosa 2,8 triệu USD vì lý do tương tự. Hồ sơ của Formosa là một trong những hồ sơ bị chú ý kỹ ở Mỹ vì mức độ nguy hại gây ra cho môi trường mà Formosa từng “ghi dấu” trong quá khứ.

Năm 2014, báo chí Đài Loan trích dẫn kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học tại đây chỉ ra, công nghệ sản xuất dầu mỏ của Formosa đã thải ra chất gây ung thư, phá hủy mô gan ở người. Người dân Đài Loan vô cùng bức xúc về hoạt động xâm phạm an toàn môi trường của Formosa”.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chọn bạn mà chơi”, xét ra vẫn còn có tính thời sự. Trước sự kiện cá chết tại Vũng Áng, trả lời báo chí, ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội nói thẳng thừng, không thèm quanh co, nói một câu cực sốc: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”.

Thế là rõ.

Trên mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều ý kiến "chọn cá", nhưng rồi lại có sự “phản tỉnh” rất đúng và kịp thời, chẳng hạn: “Tôi vừa gỡ cái avatar có cái biểu tượng con cá và dòng slogan; "Tôi là người Việt Nam - Tôi chọn cá". Lúc đầu thấy cũng hay hay nên tôi hưởng ứng... Nhưng sau đó suy nghĩ kỹ và nhận thấy đây là một sự vô lý rất vô tình và hơi 'ngây thơ" của cộng đồng mạng. Biển của mình, trời của mình, đất của mình mà một thằng nói tiếng Việt lơ lớ ở đâu nhảy vô đặt điều kiện: " Chọn cá hay chọn nhà máy ?" Chuyện quái gì đã xảy ra vậy? Này nhé, tao không cần chọn cái nào cả vì tất cả là của quê hương tao, đất nước tao. Tao chọn là mày (Formosa) phải cút khỏi Vũng Áng ngay!”.

Quan chức Việt Nam lại khác. Theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ: “Lúc 20g ngày 27.4.2016, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt là: do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng bất thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người, tạo nên hiện tượng “tảo nở hoa” hay thủy triều đỏ. Theo ông Nhân, đến thời điểm này chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động của Công ty Formosa và các nhà máy với hiện tượng cá chết hàng loạt. Ngay cả các thông số về môi trường cũng đều nằm trong “quy chuẩn quy định”. Như vậy, những câu hỏi vì sao cá chết, nước biển có độc hay không, ăn cá có độc hại gì không... đều chưa có câu trả lời. Ngoài thông tin do ông Nhân đưa ra trên, không có phóng viên nào kịp đặt câu hỏi phỏng vấn tại cuộc họp báo này”. Cuộc họp báo này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, Báo Tuổi Trẻ rút tít chính xác: “Họp báo về cá chết: Vẫn nợ người dân câu trả lời xác đáng”. Không còn một từ nào tồi tệ hơn sự tồi tệ mà cư dân mạng xã hội đã phản ứng gay gắt đối với quan chức này. Bia miệng ngàn đời. Không rõ bản thân ông Nhân cùng gia đình ông ta khi đọc những dòng nguyền rủa ấy sẽ nghĩ gì?

Đã xuất hiện nhiều bài thơ trên các facebook cá nhân, chẳng hạn, Ở chính nhà mình sao không được tự do?:

Đàn bà tôi đái không qua ngọn cỏ
Làm được gì để bảo vệ đàn con?
Đất của tôi ơi, người mất hay còn
Khi loang lổ trong những thớ thịt sâu ngàn muôn vết loét
Biển của tôi ơi, cái mặn ngàn năm đã thành đắng ngắt
Những con mắm người đang rã dưới vực sâu
Đất của tôi đâu, biển của tôi đâu
Những đứa trẻ thơ hôm nay có lớn lên thành người vong quốc
Sáng nay cài cho con chiếc khăn quàng đỏ
Tay mẹ run run, bất lực lắm rồi
Này hồng suối, xanh đồi
Này vàng rừng, bạc biển
Này địa này thiên
Đất không còn là đất
Trời chẳng thể còn trời
Mẹ, đàn bà đái không qua ngọn cỏ
Biết lấy gì để che chở cho con?
Biết dạy con thế nào về hai chữ nước non
Khi chính mẹ cũng hoang mang liệu nơi đây có hóa thành cố quốc
Khi tận đáy tâm can cứ trào lên ngàn lời nhức buốt
Sao ở chính nhà mình ta chẳng được tự do?
Sao ở chính nhà mình mà mẹ cứ mãi miết lo
Gói ghém hành trang cho những đứa con thơ lớn lên rồi xa mẹ
Đời mẹ rồi có như đời sông đời bể
Chất độc đớn hèn nào đã ngấm vào tim
Lạy đất trời này cho con của mẹ bình yên
Bình yên làm người vong quốc
Bởi mẹ - đàn bà đái không qua ngọn cỏ
Nhiễm nặng lắm rồi…
Căn bệnh của nước non.

(La Mai Thi Gia, 25.4.2016)

Đất nước mình ngộ quá không anh?

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...

(Trần Thị Lam -25.4.2016)

Đọc những bài thơ này, y cảm thấy xấu hổ cho cho chính y. Đã hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được cấp thẻ đàng hoàng, ấy thế, trước sự việc liên quan đến sự sống còn của đồng bào máu đỏ da vàng, y đã đứng ở đâu? Trả lời đi? Sáng nay,  Báo Tuổi Trẻ cười số 546 đã phát hành. Dừng lại với trang 28 với bài viết Nếu không là đồ đá của Điếu Quan. Sau khi nêu một loạt câu hỏi “tại sao?”, tác giả kết luận: “Nếu cứ hỏi tại sao và cố tình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như thế này thì nhiều khả năng tôi trở thành kẻ thần kinh hoang tưởng mất”. Nghĩ mà buồn. Nhìn đâu cũng thấy buồn não ruột. Đã có người bi quan nghĩ đến Bắc thuộc lần thứ 3. Y không nghĩ thế, chỉ nghĩ rằng: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”?

L.M.Q

ly-do-ca-chet-TTC-2016-1ly-do-ca-chet-TTC-2016-2

Chia sẻ liên kết này...

Add comment