LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.4.2016

hung-vuong-co-ticjh-ngiopha-c-trueyn


Hôm qua, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Được nghĩ vào ngày. Đường phố vắng hơn. Đọc trên báo mới biết thông tin: Sáng ngày 16.4.2016, Công viên văn hóa Đầm Sen đã dâng lên bàn thờ Quốc tổ trên sân khấu quảng trường Âu Lạc trong công viên cái bánh chưng khổng lồ: cao 0,6 mét, diện tích bề mặt 2,5 mét vuông, nặng 2,5 tấn được làm từ 1.200 kg gạo nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt heo, 300 kg lá chuối, 50 kg lá dong. Để hoàn thành chiếc bánh này, 50 công nhân đã được huy động để gói và canh trực liên tục trong suốt hơn 70 giờ để nấu cho đến khi chín. Sau lễ, theo dự kiến chiếc bánh “khủng” này đuộc cắt cho khoảng 1.000 người ăn. Nhìn chung, dư luận không đồng tình việc làm có tính chất phô trương này. Trong tâm thức người Việt, lễ giỗ là tự lòng thành, chứ không phải mâm cao cổ đầy.

Ngày hôm qua, nghĩ rằng, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương chính là dịp cần ôn lại sức mạnh, tinh hoa của văn hóa Việt nằm trong bốn thần thoại rất đáng ghi nhớ, chứ không phải những lễ vật hoành tráng, các hoạt động "nặng phần trình diễn":

1.Ý thức giữ nước, thông qua câu chuyện Thánh Gióng. Giặc đến nhà, ngay cả đứa trẻ năm nôi cũng hăng hái ra trận, không có vũ khí, nhổ tre mà đánh giặc. Sau khi đất nước ca khúc khải hoàn, người anh hùng có công đánh giặc giữ nước “bay về trời”, đó là một khái niệm để nêu rõ phẩm chất có công nhưng không không kể công, không đòi quyền lực; 2. Khắc phục thiên nhiên, ách trời nạn nước để có cuộc sống tốt đẹp hơn, thông qua câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh; 3. Dám làm giàu, nỗ lực làm giàu, có sự sáng tạo để đạt đến mục đích, thông qua chuyện An Tiêm; 4. Ý thức xây dựng hạnh phúc lứa đôi, dám vượt lên trên quan niệm thông thường, thông qua chuyện Chử Đồng Tử.

Nhìn qua báo chí, hình ảnh, youtube… đã thấy cả hàng ngàn người có mặt tại Đền Hùng. Năm 1968, Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục miền Nam có in quyển Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền. Trong đó có chép bài Bài Chúc phúc Hội Đền Hùng:

Cõi Nam riêng một góc trời
Hùng Vương gầy dựng đời đời nghiệp vua
Phong Châu là chốn kinh đô
Chia mười lăm bộ bản đồ mênh mông
Trứng Rồng lại nở ra Rồng
Ngàn con muôn cháu vốn dòng Lạc Long
Cây kia ăn quả ai trồng
Sông kia nước uống hỏi dòng từ đâu?
Quân thần hai chữ trên đầu
Hiếu trung hai chữ dãi dầu lòng son
Ba tòa chót vót đầu non
Ngàn thu sùng bái vẫn còn khói hương
Bụi hồng mấy cuộc tang thương
Bia xanh còn đó, khoán vàng còn đây
Trời cao bể rộng đất dày
Sông Thao, núi Tản chốn này còn ghi
Bốn bề cây cỏ xanh rì
Nhìn xem phong cảnh khác gì Đào Nguyên
Đường mây sẵn bực bước lên
Rõ ràng lăng miếu mẹ Tiên, cha Rồng
Năm năm mở hội Đền Hùng
Tiếng thơm lừng lẫy nức lòng mẹ cha
Nước non vẫn nước non nhà
Dân hai nhăm triệu vẫn là anh em
(Vô Danh)

Câu cuối cho biết, bài này ra đời trong những năm đầu thế kỷ XX. “Năm năm mở hội Đền Hùng” là chuyện trước kia. Ngày 2.4.2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn: Quốc lễ. Sáng nay, đọc Status trên trang Facebook cá nhân của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, nguyên văn như sau:

“Cần xây dựng cái gì? Ý thức công dân hay ý thức  chủng tộc?

Quang cảnh hàng chục ngàn người kéo lên đồi Hy Cương núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) trong ngày gọi là "giỗ tổ" hôm nay, thêm một lần, buộc những ai biết suy nghĩ phải nghĩ lại: Lâu nay dân Việt, công chúng ở VN được bồi đắp tinh thần gì? ý thức gì? - Ý thức công dân hay ý thức chủng tộc mù quáng?

Việc nâng cấp một lễ hội địa phương lên mức độ lễ hội quốc gia - lễ hội "giỗ tổ" ngày 10/3 hàng năm là trường hợp như vậy - đã thành hình và tồn tại từ trước 1945, trước khi những người cộng sản cướp chính quyền và cai trị dân Việt. Nhưng chỉ sau những năm 1990, sau khi "phe XHCN" đã tan rã, lễ hội này mới dần dần được khôi phục. Chừng như chỉ khi cái thiên đường XHCN trở nên mù mịt hẳn, nhà cầm quyền mới tạm dựa vào các biểu tượng dân tộc để thay thế, nhưng lại thiếu năng lực định hướng, nên đã để cho nó tự phát tăng tiến theo hướng một tâm lý dân tộc, một tâm lý chủng tộc nữa, ngày càng cuồng tín, ngày càng dại dột.

Cái thời làm ăn để tăng phúc lợi con người, cái thời cần hội nhập với toàn nhân loại này, lẽ ra những điều hàng đầu cần bồi bổ cho mọi thành viên xã hội phải là ý thức về quyền con người, ý thức về quyền và trách nhiệm của công dân, ý thức và trách nhiệm một công dân của thế giới. Lẽ ra phải thấy, những ông Lạc Long, Hùng Vương của truyền thuyết, của dã sử, dù sao vốn chỉ gắn với dân Kinh (=Việt), chứ không đủ đại diện cho trên 50 tộc người trên đất này; chưa kể là khi những anh những chị từ Phi Châu, từ Brazil, từ các xứ khác tới đây, hoặc để làm ăn, hoặc để đá bóng, nếu lai có nguyện vọng "Việt hóa" (lấy chồng hoặc vợ Việt, sông lâu trên đất Việt, vào quốc tịch Việt), thì cái quốc tịch VN phải nằm ngoài tiêu chí "có là con cháu vua Hùng hay không".

Thế nhưng cái tôn giáo Hùng Vương lại đang được nhân lên, lấy kinh phí ngân sách để hỗ trợ, lấy ý chí quan chức để tác động, khiến nơi nơi xây đền thờ Hùng Vương, như ngụ cái ý kiêu căng ngạo mạn rất vô lối, đặt tín ngưỡng người Kinh cao hơn tín ngưỡng các tộc người còn lại trên đất này.

Bây giờ cơn cuồng giỗ tổ đang gây ra những chen lấn suýt chết người; liệu đã đủ để người ta nghĩ lại tất cả những chuyện này?”.

Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Lê Giang comment: “Chắc anh Lại Nguyên Ân muốn dùng khái niệm "ý thức dân tộc" chứ không phải "ý thức chủng tộc" (chủng tộc da đen, da vàng, da trắng...)?”. Vâng, “ý thức dân tộc” thì đúng hơn. Status cực đoan của anh Lại Nguyên Ân rất đáng lưu tâm  trong bối cảnh hiện nay. Mỗi một người đều có cái quyền bất di bất dịch, đó là sự phản biện không ngoài mục đích thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn. Chưa có dịp tranh luận, chỉ xin phát biểu rằng, y rất tán thành với ý kiến: “Cái thời làm ăn để tăng phúc lợi con người, cái thời cần hội nhập với toàn nhân loại này, lẽ ra những điều hàng đầu cần bồi bổ cho mọi thành viên xã hội phải là ý thức về quyền con người, ý thức về quyền và trách nhiệm của công dân, ý thức và trách nhiệm một công dân của thế giới”.

Sau vụ diễn viên hài Minh Béo bị bắt tại Mỹ ngày 24.3.2016, nhiều tờ báo trong nước có loạt bài nói về tính xấu của người Việt khi ra nước ngoài. Nói cách khác, các bài viết đã phân tích vì các thói xấu nào đã khiến người Việt chưa trưởng thành, chưa thể trở thành “công dân của thế giới”. Diễn viên hài này bị cơ quan chức năng của Mỹ đã truy tố truy tố 3 tội danh: Quan hệ tình dục bằng đường miệng (oral copulation) với trẻ vị thành niên, cố gắng thực hiện hành vi khiêu dâm với trẻ dưới 14 tuổi và định gặp trẻ vị thành niên cho mục đích dâm ô. Hôm qua cà phê ở ngoài Sài Gòn, nàng bảo: “Này anh, ông luật sư bào chữa cho Minh Béo có nói câu này, đại khái, ở Mỹ khi ra tòa, chính phủ phải chứng minh người đó có tội; ngược lại ở xứ mình, khi ra tòa, người đó phải chứng minh mình vô tội”.

Cho đến thời điểm này, phân tích về tính cách người Việt tốt lẫn xấu, đáng chú ý nhất là công trình khoa học cấp Nhà nước: Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai (NXB Văn hóa Văn nghệ) của GS - TSKH Trần Ngọc Thêm. Đây là công trình GS-TS Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Tung ương đánh giá: “Đề tài có cách nhìn hệ thống chặt chẽ, nhất quán trong tư duy nghiên cứu, thể hiện bản lĩnh của người nghiên cứu về giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”.

Thử nêu một chi tiết nhỏ, đâu là những biến động gần đây trong các giá trị phổ biến?

Theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm: “Trong thời gian gần đây niềm tin của người dân ở Việt Nam vào nhiều lãnh vực trong cuộc sống đang bị giảm sút nghiêm trọng” (tr.305); “Theo báo cáo điều tra về “Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chánh cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2012” có 25,38% người dân chủ trương không bao giờ tố cáo dù bị vòi vĩnh ở bất kể lãnh vực nào; chỉ có 1,63% chủ trương sẽ tố cáo nếu bị vòi vĩnh từ 100 triệu đồng trở lên (PAPI 2012:31). Điều này phản ánh sự thờ ơ của người dân: họ thà chấp nhận mất tiền theo yêu cầu và cố gắng làm việc để bù vào còn hơn là đi đòi chính nghĩa vừa mất thời gian vừa rối rắm nhiêu khê, không những không hiệu quả mà thường là còn bị trù úm nữa” (tr.307-308). Đọc đến đây tự nhiên, chúng ta sực nhớ đến câu thành ngữ cũ rích: “Cái kiến mà kiện củ khoai”. Vậy hóa ra, bộ máy công quyền trong xã hội ngày nay chẳng có thay đổi gì?

Tệ nạn trầm trọng nhất là gì?

Ông Thêm có đưa ra biểu đồ 7 tệ nạn trầm trọng nhất từ 15 lựa chọn, theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Nạn tham nhũng; nạn quan liêu, cửa quyền; nạn hối lộ; nạn bạo hành, cướp giật; nạn cờ bạc, số đề; nạn mại dâm. Từ các số liệu, chỉ số ông đã thống kê ở 5 lãnh vực: Phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm ở cơ quan nhà nước; Phải chi thêm đề được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh; Phải chi thêm tiền để được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Phụ huynh phải chi thêm tiền con em, được quan tâm hơn; Phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng – để dẫn đến kết luận: “Thứ nhất tình trạng tham nhũng - hối lộ ở cả 5 lãnh vực đều không giảm đi mà có chiều hướng tăng lên. Thứ hai, việc xin việc ở cơ quan nhà nước phải “lót tay” nhiều nhất, mặc dù lương cán bộ là thấp nhất, làm việc thì nhàn nhã nhất, chứng tỏ mức độ tham nhũng ở khu vực này là cao nhất” (tr.310-311).

Tất nhiên, để có những số liệu này, là còn những mẫu biểu thăm dò, khảo sát từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có chứng cứ khoa học chứ không cảm tính phán xét.

Đứng ở góc độ của nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình nghiên cứu được giảng dạy trong các trường đại học như Cơ sở văn hóa Việt Nam,  Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ…, ông Thêm còn liệt kê 11 thói hư tật xấu đã nẩy sinh: (1) Thói dựa dẫm, ỷ lại; (2) Thói cào bằng, đố k; (3) Bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái; (4) Bệnh sĩ diện, háo danh; (5) Bệnh thành tích; (6) Bệnh phong trào; (7) Bệnh hình thức; (8) Bệnh nói xấu sau lưng; (9) Bệnh vô cảm, chém chặt; (10) Tật ham vui, thích “tám”; (11) Bệnh triệt tiêu cá nhân (tr.311).

Tác động nào đã khiến tính cách người Việt ngày càng xấu đi?

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã trình bày thấu đáo qua hơn 600 trang sách, thiết nghĩ đây là một trong những tài liệu cần thiết cho để tìm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Và qua đó, điểm nhấn của công trình này như tác giả cho biết: “Vẫn là xây dựng một hệ giá trị mới phù hợp hơn, giúp cho quốc gia và dân tộc có khả năng miễn dịch để dảm bảo sự phát triển kinh tế  phải đi đôi với văn hóa - con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết”.Đọc đi, để thấy GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã phân tích ra làm sao. Đôi khi y tự hỏi, tác động nào đã khiến tính cách người Việt ngày càng xấu đi? Tất nhiên, nhiều người đã tìm ra câu trả lời nhưng vẫn "im thin thít như thịt nấu đông"? Tại sao? “Ngậm miệng ăn tiền” vẫn là sự khôn ngoan đấy chứ? Khôn ngoan hay thói xấu, y tự vấn y đó thôi.

Lại nhớ câu thơ của Tản Đà: “Đời đáng chán hay không đáng chán/ Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm?”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment