LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.1.2016

 

Truyen-Kieu-abn-tieng-Nga1-R

Truyện Kiều bản tiếng Nga

 

Chuyện làng văn của nước nhà, có thể ghi nhận đây là tin vui đầu năm 2016.

Theo Báo Thanh Niên ngày hôm qua: “Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được chọn vào danh sách tác phẩm đọc ngoài giờ của học sinh từ lớp 6 - 12 của nhiều trường trung học tại Thái Lan. Bộ Giáo dục Thái Lan có quy định học sinh phải đọc tác phẩm văn học của các nước trong khối ASEAN, đặc biệt sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, và các trường có thể tự chọn tác phẩm cho học sinh của mình”, từ Thái Lan, TS Montira Rato, người dịch tác phẩm trên sang tiếng Thái vừa cho biết. Chị cũng nói thêm ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Chulalongkorn (Bangkok) trong môn văn học (Introduction to Literature) của bộ môn văn học so sánh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã sớm được đưa vào danh sách các tác phẩm mà sinh viên năm thứ 2 có thể chọn làm tiểu luận và mỗi khóa học đã có hàng chục sinh viên chọn viết về cuốn sách này để nộp cuối học kỳ. Như vậy, sau tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua được Đại học Quốc gia Moskva của Nga đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2012, bây giờ thêm một tác phẩm nữa của Nguyễn Nhật Ánh được giảng dạy trong trường học ở nước ngoài”.

Kế cái tin vui là tin không vui.

Như đã biết, những ngày cuối đời, nằm trên gường bệnh GS-TS Trần Văn Khê có viết di nguyện, trong đó, quan trọng nhất, ông mong muốn: 1. Tiền phúng điếu tại tang lễ ông được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng cho người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam; 2. Căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh (TP.HCM) nơi ông sống từ năm 2006, sau khi từ Pháp quy cố hương được sử dụng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Đến nay, do nhiều lý do cả hai ý nguyện trên đều không thực hiện được.

Dù biện minh bằng tất cả lý do gì đi nữa, sự thiệt thòi không thuộc về người đã khuất. Lại thêm một lần nữa, nhìn thấy rõ hơn nữa một não trạng của một cơ chế đã thuộc về bản chất.

Trước đó, chiều ngày 24.12.2015 tại Chùa Quán Thế Âm, Q. Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), lần đầu tiên khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại Việt Nam, nằm trong khuôn viên hơn 7.000m2, lưu giữ hơn 500 hiện vật, cổ vật quý hiếm. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần - tâm linh của người Việt, đồng thời góp phần trong việc giữ gìn những di sản văn hóa Phật giáo. Với những gì GS-TS Trần Văn Khê đã chắt chiu sưu tập, bảo quản cẩn trọng v.v…hoàn toàn có thể lập nên một không gian âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sực nhớ lại trường hợp của nhà Nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy (1920-1995), nếu lúc ấy nhà cầm quyền có phép ứng xử đúng điệu ắt kho tư liệu đồ sộ của ông còn giúp ích cho đời sau nhiều lắm.

Nhiều người lấy làm tâm đắc ca từ: “Dựng lại người, dựng lại nhà” của Trịnh Công Sơn. Sau chiến tranh hoang tàn, đổ nát, cái gì cần dựng trước? Câu hỏi đó, nhìn qua những gì đã diễn ra mới thấy sự tài tình, thông tuệ của một người nhạc sĩ tài hoa.

Nhất song ngọc thủ thiên nhân chẩm,

Bán điểm chu thần vạn khách thường

(Một đôi tay ngọc nghìn người gối,

Nửa điểm môi son vạn khách hôn)

Lâu nay, rất thích hai câu thơ này. Tất nhiên, không rõ tác giả. Chiều nay, nằm đọc quyển sách vừa mua Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục (NXB Khoa học Xã hội) của Phạm Tú Châu. Đọc ở trang 140 mới biết thêm rằng: “Tìm tư liệu của zhidao.baidu.com trên mạng thì thấy 2 câu này trong bài Nam Lương thôn phụ phán lang quy tình ca (Tình ca về người phụ nữ nông thôn ở Nam Lương mong chồng về) gồm tám đoạn, bốn đoạn trên kể lên đường đi nghìn dặm tìm chồng và không ngờ đã tìm thấy chồng đang mải vui thú với gái làng chơi. Đoạn thứ sáu dịch nghĩa như sau:

Gà mái đôi tám khéo điểm trang,

Đêm đêm động phòng đổi tân lang.

Đôi cánh tay ngọc nghìn người gối,

Nửa điểm môi son vạn khách hôn.

“Gà mái” chỉ gái điếm, vì kê (gà) đồng âm với kỹ (kỹ nữ), “nhất song ngọc thủ” (đôi bàn tay ngọc) được đính chính cho đúng là “nhất song ngọc tí” (đôi cánh tay ngọc)”. Thú vị chưa? Tự suy luận ra rằng, không phải ngẫu nhiên, gần đây trong tiếng lóng có cụm từ “gà móng đỏ”. Nhưng tác giả bài thơ trên là ai, vẫn chưa rõ.

Những ngày đầu năm, vẫn không gì mới. Mỗi ngày lặng lẽ đi qua. Nghĩ đến Tết âm lịch, chẳng náo nức gì mấy. May mà còn có niềm vui đọc sách, viết nhì nhằng, bằng không làm gì cho hết một ngày. Đêm qua, lai rai với Đoàn Tuấn cùng vài người bạn. Nhận lấy tập từ Tuấn tập thơ Kiều bản tiếng Nga. Lúc ấy, tự dưng lại nhớ đến ngày tháng ở biên giới Tây Nam, lúc ấy cũng tước đoạt quyển Truyện Kiều mà Tuấn giấu kín ở ba lô. Ôi cái sự đời, thoáng đó đã xa.

Nhắc lại với Tuấn, về sự kiện sáng 26.12.2015, tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tổ chức khánh thành cột mốc 30 và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thuộc tỉnh Gia Lai, Việt Nam và Rattanakiri, Campuchia. Địa danh O Za Đao nghe thân thiết quá đi mất. Ngày đó, đã đến đó và làm bài thơ ở đó. Thơ rằng: “Rũ áo bụi đỏ biên giới/ Nhảy tắm suối O Za Đao/ Đôi dép lốp kỳ lưng nhau/ Suối bạc cười lên trắng xóa”. Chơi với bạn cũ còn có cái thú, qua bạn, lại nhớ về thời trẻ của chính mình. Đã lâu rồi có đọc tản văn của nghệ sĩ hài Xuân Hương, chi tiết này cảm động, đại khái, khi nhìn thấy bạn của ba mình là lại nhớ đến thân phụ, vì thế, như một tình cảm tự nhiên cảm thấy quý mến họ.

Đoạn thơ trên viết năm 1979 ở O Za Đao, bao nhiêu năm rồi? Đọc lại thấy xa lạ gì không? Ắt có. Đó là từ “dép lốp”. Loại dép này ra đời trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947 còn gọi “dép Bình Trị Thiên”, “dép cao su” chế tạo là từ lốp ô tô. Nhiều tư liệu cho rằng,  ý tưởng đầu tiên làm ra dép lốp thuộc về đại sứ, nhà ngoại giao Hà Văn Lâu. Tra trên Google sẽ tìm khối thông tin, vì thế không bàn thêm nữa. Quái lạ, ở ngoài Bắc, Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội - 1977) do Văn Tân chủ biên lại không ghi nhận, chỉ có “dép cong” (tr.244). Ở trong Nam, Việt Nam tân từ điển (Nhà sách Khai Trí in năm 1965) của Thanh Nghị, chỉ ghi nhận “dép da”, “dép dừa”, “dép cong” (tr.401). Tra tiếp Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 1998) do Nguyễn Như Ý chủ biên, có ghi nhận “dép cao su” tức “dép lốp” bên cạnh các loại dép cong, dép da, dép dừa, dép lê, dép một, dép nhựa (tr.530). Thế đấy, bây giờ mấy ai còn nhìn thấy đôi “dép lốp” nữa. Rồi không ai sử dụng từ này nữa, tự nó mất đi. Đọc lại câu thơ “Đôi dép lốp kỳ lưng nhau” lại thương lấy tuổi trẻ của chính mình, Tuấn nhỉ?

Nhân trường hợp tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chọn vào danh sách tác phẩm đọc ngoài giờ của học sinh từ lớp 6 - 12 của nhiều trường trung học tại Thái Lan, có ý nghĩ muốn làm bộ sách giáo khoa của học trò miền Nam trước 1975. Đơn giản thôi, chỉ là chọn lại những bài học thuộc lòng, tập làm văn, chính tả đã in trong các tập sách Quốc văn, Việt ngữ, Tập đọc của cấp tiểu học, qua đó, giải thích lại các từ ngữ đã sử dụng, in lại hình ảnh đã có trong sách. Với cách tuyển chọn này, ít ra không chỉ là tài liệu giáo dục của một thời mà còn là những trang văn cần thiết cho các bạn trẻ. Vừa nói ra ý định, anh bạn làm xuất bản trầm tư một chút rồi lại trầm tư. Quái lạ, những gì về văn hóa, văn chương liên quan đến trước 1975 vẫn còn là sự dè dặt đến khó hiểu.

Dù biện minh bằng tất cả lý do gì đi nữa, sự thiệt thòi không thuộc về người đã khuất. Lại thêm một lần nữa, nhìn thấy rõ hơn nữa một não trạng của một cơ chế đã thuộc về bản chất.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment