LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.1.2016

 

38.39.06.08.11.06chi_nam_kim_ngioc

 

Quyết liệt. Dứt khoát. Táo bạo. Nhanh chóng. Đâu vào đó. Một trận đánh lớn. Đánh nhanh diệt gọn. Thế thắng tựa chẽ tre. Một phát là xong. Những từ oanh liệt, sang trọng này xin được dành cho vụ “ra quân” chào mừng “tiệc hoa” đầu năm 2016 tại Hà Nội. Sáng ngày 1.1.2016, chị Hà, nhân viên của Công ty Thảo viên xanh Udic phát biểu:  “Chúng tôi không tin vào mắt mình nữa. Lúc 21 giờ đêm qua, tôi đi một vòng hồ Gươm và thấy các luống hoa còn nguyên vẹn, thế mà 6 giờ sáng nay, khi tôi đến làm việc thường nhật, nhiều chỗ hoa đã biến mất, chỉ còn những bãi đất trống trơn”(Báo Thanh Niên ngày 2.1.2016). Chào đón năm mới, có 7 ô đất trồng hoa (diện tích mỗi ô từ 10 - 300 m2) đã bị “càn quét” ngay sau đêm giao thừa Tết Dương lịch, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hãy nghe các nhà trí thức bình luận “sự kiện” này ra sao? GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa: “Ở đây có hai khía cạnh phải nói. Một là ý thức cộng đồng. Họ có thể rất đẹp trong nhà nhưng sẵn sàng ném rác ra đường. Hai là, thói quen luôn luôn thích đi tắt. Nếu đường đi là hai cạnh góc vuông thì dứt khoát là họ đi tắt qua cạnh huyền. Kể cả lội ruộng giẫm hoa thì họ cũng đi như thế! Nên có mấy khóm hoa mà năm nào cũng có chuyện”. GS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa:  “Cái đấy là lỗi tiện thể của người Bắc mình. Người trong Nam có ý thức đỡ hơn vì họ quen với lối sống phương Tây rồi. Trên các quốc lộ để tiện đường đi, người ta phá cả hàng rào. Đấy là chung cho xã hội miền Bắc, không thể đổ tội cho người Hà Nội được”.

Ấy là một cách nhìn nhận vấn đề về cái sự không lấy gì làm vui vẽ lắm. Còn đây, ý kiến của những người dân: “Nên trồng xương rồng ở vườn hoa Hà Nội, cho hết dám giẫm đạp luôn”; “Tôi đề nghị nên trồng thật nhiều cây mắt mèo vào các bãi cỏ, thảm hoa. Tôi dám cá là sẽ không một ai dám đi vào đám cây mắt mèo ấy nếu không muốn bị ngứa tối tăm mặt mày, mà càng gãi thì nó càng ngứa, ngứa đến tóe máu ra”; “Trồng hoa gì cũng được nhưng ngày lễ lớn công ty cây xanh nhớ rải bàn chông bằng đinh vào khu vực trồng hoa để bảo vệ cảnh quan của Thủ đô” (Báo Thanh Niên ngày 3.1.2016.) Đọc xong cái “hiến kế” này, bèn cười xòa. Thiên hạ ngày càng biết đùa. Cũng là vui. Ai đời lại hiến kế bằng cách “chơi khăm” tinh quái ấy?

Bàn về chuyện này, tưởng nhỏ nhưng thật ra cũng chẳng dễ. Ngày kia, đi xe hơi cùng một đại gia giàu nứt đố đổ vách, anh đã từng bỏ ra rất nhiều khoảng tiền làm từ thiện, giúp trẻ em nghèo hiếu học.... Vậy mà, khi phóng xe hơi ngoài xa lộ, thỉnh thoảng có những quãng đường thay vì đi thẳng, phải mua vé cầu đường dù chẳng đáng là bao nhưng anh vẫn lách, vòng vèo qua đường khác, đường xấu hơn một chút nhưng khỏi phải qua trạm gác. Hỏi cơn cớ làm sao? Anh chỉ cười cười dường như không muốn cho y, vốn luôn hỏi sự việc bằng cái tính tò mò của một nhà báo.

Mà thôi. Hãy quay về với chuyện văn chương chữ nghĩa, vốn rành rẽ ơn nhưng chuyện vừa nêu trên. Rằng, câu thành ngữ “giậu đổ bìm leo” thế mà hay. Chỉ bốn từ hiền lành, bình dị, gần gũi nhưng khi sắp xếp hợp lý lại tao ra một nghĩa mới hoàn toàn khác. Có thể, vẽ ra cái sự tráo trở, bày đàn, gió chiều nào theo chiều nấy, thượng đội hạ đạp, quên đi cái nghĩa ơn người khác đã giúp mình; khi người đó sa cơ thất thế là sẵn sàng nhảy loi choi mà mắng, mà chì chiết, mà vui tay xỉ vã như thể vô can, không hề hàm ơn, liên quan gì đến người đó v.v… và v.v…

Có những kẻ bất tài vô tướng nhưng muốn “ăn trên, ngồi trốc” nên trổ ngón nghề tự nguyện “dắt gái” đặng “gài” sếp; có những kẻ biết sếp vốn đạo cao đức trọng, không ăn cắp vặt, không cướp cơm chim, chỉ thích bàn về phép sống nhân nghĩa ở đời nên thường chiêu đãi bữa ăn chay tịnh chỉ rau, củ, quả và có rượu Tây đặng thanh lọc tâm hồn mà bàn chuyện để đức cho đời sau nhưng lúc chia tay lại đãi sếp món tráng miệng là “rau sạch” mơn mởn chân dài váy ngắn củn cớn mười sáu xuân xanh; có những kẻ khi sếp đang “lên voi” đứng trước mặt vợ của sếp thì cúi rập đầu, một câu “thưa” hai câu “dạ”, một câu “chị” hai câu “em” nhưng khi sếp “xuống chó” lại thay đổi cái nhìn như muốn xé toạt áo ngực người mà mình đã từng vái như vái “mẫu nghi thiên hạ” v.v… và v.v…
Đó cũng là một trong những tính xấu của người Việt.

Ơ hay, vừa nói bàn chuyện văn chương, sao lại nhảy một phát quan chuyện nhân tình thế thái? Ừ nhỉ. Thì quay lại vậy. Rằng, vừa rồi mới đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Phóng viên Thoại Hà (vnexpress.net) hỏi: “Anh có đọc trước kịch bản chuyển thể không?” Anh cho biết là không: “Chỉ vì tôi quan niệm mỗi độc giả đều cảm nhận cuốn sách theo cách của mình. Nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn... cũng là những độc giả. Ngay cả tôi, khi cuốn sách được in ra, tôi cũng chỉ là một độc giả của cuốn sách như bao độc giả. Chỉ khác ở chỗ tôi là độc giả đầu tiên. Khi đặt dấu chấm cuối cùng lên trang sách, tôi không còn thẩm quyền để phát ngôn, chẳng hạn "phải hiểu chỗ này như thế này", "ý tôi là như thế kia"… và khi cuốn sách được in ra hàng vạn bản, nó đã có cuộc sống riêng của nó, lúc đó nó đã thuộc về công chúng. Nếu tôi bảo phải hiểu cuốn sách là A nhưng người đọc cứ muốn hiểu là B thì tôi cũng không thể áp đặt được. Đó là tính dân chủ trong cảm thụ văn chương và khoảng trống văn bản trong tác phẩm của nhà văn luôn có chỗ cho óc sáng tạo và trí tưởng tượng của bạn đọc”.

Câu trả lời chính xác. Một văn bản chính trị, nghị quyết, hợp đồng ký kết v.v… nó buộc từ người viết đến người đọc, người nghe phải cùng có chung một cảm nhận, một nhận thức, một cảm xúc đồng nhất để cùng hành động, cùng thực hiện. Tác phẩm sáng tạo, hình thành từ cảm xúc chủ quan, mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ bao giờ cũng có nhiều sắc màu khác nhau trong sự tiếp nhận, tiếp cận... Mà, phải nhìn nhận rằng, chính người cảm thụ lại góp phần sáng tạo lần thứ hai. Cùng chiêm ngưỡng một bức tranh, dù người họa sĩ vẽ sóng biển chiều lả lơi, sắc màu xanh biếc, gam vàng nắng chiều thê thiết gợi tình, gợi cảnh ấm áp, y nhìn thấy thế. Nhưng người bạn đi cạnh từng là thuyền nhân (boat people) với một một sự ám ảnh không cùng, lại nhìn ra những xác chết thì đã sao? Chẳng sao cả. Nghe ca từ: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” của Trịnh Công Sơn có người nhìn thấy hình ảnh tháp Chàm sừng sững trong óc; có người lại nhìn thấy “tầng tháp cổ” là hình ảnh cổ ba ngấn quý phái của giai nhân thì đã sao? Chẳng sao cả.

Một sáng tạo nghệ thuật cần phải đối sử một cách khách quan, kề cả tác giả “bình đẳng” với người cảm thụ. Nếu hàng triệu triệu con người từ nhiều thế hệ đã hiểu Truyện Kiều như Nguyễn Du đã hiểu, có lẽ đến nay, sức vang, sự ám ảnh, dự báo của kiệt tác này chỉ còn lại bụi mờ thăm thẳm dưới gió lốc phủ phàng và khắc nghiệt của thời gian. Khi nghe ca khúc “Bi hài kịch (Phạm Duy phổ thơ Phẩn nộ ca của Thái Luân viết năm 1966):

Đạo diễn đưa tay lên
Đạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch bỏ màn
Bi hài kịch chưa xong
Diễn viên rơi nước mắt
Đạo diễn khóc hay cười
Khán giả thì bưng môi
Khán giả thì im hơi
Ôi bi kịch còn dài
Trong hay ngoài sân khấu
Bên trên hay là bên dưới
Ai cũng buồn như nhau
Đạo diễn đưa tay lên
Đạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch còn dài
Bi hài kịch chưa thôi”.

Chắc chắc sẽ có nhiều cảm cảm khác nhau, từ hàng phía khán giả, từ văn bản đã đọc. Đại khái thế. Câu chuyện này còn dài. Mà nói về tác giả Thái Luân, kể cả tra trên Google chẳng thấy nhắc đến một cách đầy đủ. Đọc lại tạp chí Văn, mới biết tác giả thơ này cùng thời với các anh Tần Hoài Dạ Vũ, Luân Hoán, Đông Trình, Nh.Tay Ngàn, Trần Quang Long v.v… Với tập thơ Vùng tủi nhục, in từ thập niên 1960, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ghi nhận như một trong những nhà thơ trẻ thời ấy trước nhất viết thơ phản chiến chống chính quyền Sài Gòn cũ. Đúng như anh Nguyễn Nhật Ánh vừa phát biểu: “Và khi cuốn sách được in ra hàng vạn bản, nó đã có cuộc sống riêng của nó, lúc đó nó đã thuộc về công chúng”.

Vâng, tác phẩm đã thuộc về công chúng.

Và công chúng, đối tượng cảm thụ chính là người “giải mã” cho thông điệp mà tác giả đã trình bày trong tác phẩm của mình. Mà điều này quan trọng xiết bao. Lâu nay giới nghiên cứu đều đồng tình, Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa là cuốn từ điển cổ viết bằng chữ Hán và chữ Nôm rất giá trị của nước Việt ta, nay vẫn còn lưu giữ được. Nhờ nó, đời sau có thể tìm lại dấu vết của chữ Nôm từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Với quyển này, sau khi khảo cứu chu đáo, cô Trần Thị Xuân Lan đã lấy bằng Tiến sĩ năm 1985 và luận án này đã được Viện Khoa học Xã hội TP.HCM duyệt in thành sách. Xin mở ngoặc có tính chất riêng tư một chút: nhà văn Đoàn Thạch Biền có quyển sách này, biết bạn thơ Cao Xuân Sơn thích đọc chữ Hán, anh đã tặng cho bạn. Chơi với nhau, đối xử như đến thế ắt đáng khen. Đóng ngoặt.

Trở lại Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, giới nghiên cứu hiện nay vẫn còn điểm bí rị 2 điểm: 1. Sách khắc in năm nào? Tác giả là ai? Văn bản còn lưu trữ cho biết, sách khắc in năm Tân Tỵ. Nhưng cụ thể là Tân Tỵ nào? Theo cô Trần Thị Xuân Lan, chỉ có thể là năm 1761. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngô Đức Thọ - dõi chí sĩ Ngô Đức Kế  (1878-1929), Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa xuất hiện sớm hơn nhiều. Ông căn cứ vào câu thơ: “Sào ty ươm dã tơ vàng tốt sao”, và đặt nghi vấn ở chữ “sào”. Vấn đề đặt ra phải “giải mã” chữ “sào” để khám phá cho bằng được thông điệp, nếu có, mà tác giả đã giấu ở đó. Sở dĩ, ông Thọ phát hiện ra sớm hơn người khác vì ông là chuyên gia, tác giả của công trình Nghiên cứu chữ Huý trên các văn bản Hán Nôm.

Bằng nhiều phương pháp về học thuật, xin không dám lạm bàn, cuối cùng ông khẳng định đó chính là chữ “hỏa” đã viết kỵ húy, chứ không phải chữ “sào” có nghĩa là “tổ”. Vậy “hỏa” là tên ông vua nào mà phải viết né đi? Trả lời cho câu hỏi này, ông đã mất nhiều năm và cuối cùng ông dừng lại ở triều đại nhà Hồ. Muốn thế, trước hết phải lập gia phả dòng họ Hồ. Điều này cực khó, sử liệu phả hệ dòng họ Hồ không còn nhiều. Mà ông đã làm được. Rồi may sao, khi đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư, ông phát hiện ra câu “Hồ Hán Thương tên cũ là Hỏa”, tất nhiên chữ “hỏa” cũng viết theo nguyên tắc kỵ húy. Với phát hiện này, TS Ngô Đức Thọ đã chứng minh thuyết phục quyển sách quý này ra đời vào năm Tân Tỵ (1401). Về tác giả, lâu nay, giới nghiên cứu cho là của Pháp Tính vì căn cứ vào câu thơ mở dầu: “Hồng Phúc danh hương, Chân Pháp Tính/ Bút hoa bèn mới tính nên thiên”, nhưng khổ nổi, nhà nghiên cứu Phật học Lê Mạnh Thát lại xác định thiền sư Pháp Tính sống vào khoảng 1470-1550. Muốn hiểu rõ vấn đề lý thú này, cứ xem lại tài liệu từ cuộc Hội thảo quốc tế Hán Nôm tổ chức tháng 111.2004 tại Hà Nội thì rõ.

Ôi, ngày tháng qua nhanh quá. Sự học mênh mông quá. Thoáng đó, thoáng đây. Đã cận kề cái Tết rồi. Lại già thêm một tuổi trời. Buồn hay vui?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment