Tư liệu L.M.Q
Thú chơi sách cũ đấy. Bấy lâu này, trong đầu cứ thỉnh thoảng nhớ lại mất câu trong bài Học thuộc lòng thời tiểu học. Nhớ mang máng. Không thể nhớ trọn bài. Đã trên dưới hơn 50 năm rồi còn gì. Nhớ rằng:
Mẹ ơi! Trên trái đất này
Con yêu quý nhất bàn tay mẹ hiền
Bàn tay mẹ - bàn tay tiên
Bồng con suốt mấy năm liền mẹ ơi
Những khi trái gió trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Chỉ nhớ đến thế. Quyết tìm lại cho bằng được. Chịu. Cái đầu óc bã đậu chỉ nhớ đến đó. Mấy hôm nay, sắp xếp lại sách cũ. Thì ra, đã sưu tập chừng 50 quyển sách giáo khoa (SGK) in ấn trước 1975. Lật hú họa một quyển. Quyển Tập đọc lớp ba, không ngờ, trang 142 có bài Lòng mẹ, tác giả Chiêu Đăng. Thế nhưng 4 câu đầu lại không có. Vậy, tại sao lâu nay lại nhớ? Có lẽ do học ở quyển sách giáo khoa khác, có in đầy đủ hơn chăng? Chi tiết này cho thấy, SGK tại miền Nam trước 1975 cùng một chủ đề, một môn học nhưng có nhiều cách biên soạn khác nhau, miễn là nó tuân thủ theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo Dục.
Vấn đề này, trên Nhật ký đã đôi lần phân tích rồi. Không nhắc lại nữa. Có điều, cần bổ sung thêm, SGK tiểu học thuở ấy, có loại dùng trong trường học do “Nhân dân Hoa Kỳ với sự hợp tác của Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa thân tặng các Trường Sở tại Việt Nam. Sách này tặng, không bán”. Sách in giấy láng, trắng, in rất đẹp. Tò mò một chút, xem kỹ ở bìa 4, sách được in tại Hong Kong. Nếu ai đó, có sưu tập SGK thời Việt Nam thuộc Pháp, ắt cũng phát hiện ra rằng, thời đó cũng có nhiều loại SGK in tại Hong Kong. Trong khi đó, nếu xem các SGK phát hành trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thì hoàn toàn mù tịt, giấy in rất tốt, trắng láng, tốt gấp trăm lần SGK in tại miền Bắc cùng thời điểm, nhưng hoàn toàn không có một chi tiết nào cho biết in tại đâu?
Trở lại với bài Học thuộc lòng Lòng mẹ:
Những khi trái gió, trở trời
Em đau là mẹ đứng ngồi không yên
Tìm thầy, lo chạy thuốc men
Vì em, săn sóc ngày đêm nhọc nhằn
Hết bóp trán lại xoa chân
Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành
Em ho, ngực mẹ tan tành
Em sốt, lòng mẹ như bình nước sôi
Em nằm khấn Phật, cầu Trời
Sao cho chóng khỏi, mẹ cười, em vui
Các ông bà Chiêu Đăng, Bảo Vân, Hà Mai Anh, Nguyễn Khắc Lộc v.v… có công lớn lắm. Họ là tác giả của nhiều bài Học thuộc lòng đã đi vào trí nhớ của học trò thuở ấy. Hầu như bây giờ, chẳng một ai nhớ đến nữa. Dù muốn dù không, cũng phải thừa nhận rằng, môi trường giáo dục ngày đó vẫn còn tốt lắm. Trước đó nữa, khi người Pháp mới sang, các nhà Nho đã nhìn thấy sự thay đổi nhố nhăng đang diễn ra, xáo trộn giữa truyền thống và thực tại. Tiêu biểu như lời thở than của thi sĩ Tản Đà (1989-1939):
Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược ru
Trong Nam, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng là một trong những giá trị tích cực nhằm cổ xúy, bảo tồn, gìn giữ nề nếp cũ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, thời điểm, “Chi bằng đi học làm thấy phán/ Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò” (Tú Xương) cũng là lúc khởi đầu những giá trị mới. Đáng lưu ý nhất là sự giao thoa, va chạm, giằng xé quyết liệt giữa văn hóa Đông và Tây đã hình thành của một thế hệ trí thức “chín sớm”. Nếu không, làm gì có Thơ mới, Kịch nói, Cải lương, Chèo cải lương (cách tân chèo), Tiểu thuyết hiện đại v.v…
Thời điểm năm 1965, lúc quân đội Mỹ đổ quân sang miền Nam Việt Nam, các trí thức cũng có nỗi âu lo như thế hệ đầu thế kỷ XX. Có lần cà kê dê ngỗng, nhà văn Sơn Nam cho biết khi ông viết Truyện ngắn của truyện ngắn, chính là phản ánh tâm trạng của tầng lớp trí thức nghèo thành thị đang hoang mang, không rõ thế sự sẽ diễn biến ra sao khi có sự can thiệp của quân đội Mỹ. Gọi là truyện ngắn nhưng nó dài đến 117 trang in, NXB Phù Sa ấn hành. Nhân vật Tấn là nhà văn, ký giả, nhân ngày chủ nhật đi lang thang, giết thời gian rồi vào tiệm hớt tóc, có thanh nữ gội đầu. Cuối cùng, tác giả nhấn nhá nhiều lần rồi kết thúc: “Thôi! Càng gội càng buồn”.
Nhịp văn trễ nãi, câu văn lê thê, không chuyện gì ra chuyện gì, những câu đối thoại tán gẫu vừa tầm phào, vừa triết lý rồi cũng chẳng đi đến đâu cả. Thỉnh thoảng, tác giả trình bày quan niệm viết truyện ngắn, về nhân tình thế thái một cách rời rạc v.v… Đó là sự cố tình của một thủ pháp nhằm phản ánh tâm trạng không định hướng, chưa biết sẽ “xoay chân” thế nào khi cục diện chiến tranh đang có nhiều sự khác lạ hơn trước. Người trí thức phải làm gì? Sơn Nam cho rằng, thời điểm đó, ông chưa biết phải ứng xử thế nào cho “phải đạo” - nghĩa là vẫn có thể viết kiếm sống công khai, không bị "chụp mũ", vừa bám sát mục tiêu: “Sau khi in anh em “trong khu” nếu có đọc được thì cũng không buồn, Sơn Nam vẫn là người của thời “chín năm” chứ không đổi dạ thay lòng; thứ hai, những truyện ngắn này không chỉ phù hợp với “khẩu vị” của người đọc đương thời mà qua đó phải ngụ ý rằng, thiên nhiên và con người ở mảnh đất chót vót cực Nam của Tổ quốc là một phần không thể tách rời của non sông nước Việt”.
Trong khi đó, phải thừa nhận rằng, những người "Việt cộng nằm vùng” có tổ chức chỉ đạo, đã có cái nhìn khác hẳn, có chủ đích rõ rệt. Họ đã tìm cách đối phó bằng nhiều sách lược, chiến lược khác nhau từ quân sự đến văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, trên tạp chí Tin Văn, từ số 1 ra ngày 6.6.1966, Vũ Hạnh đã công bố tiểu luận nổi tiếng Chín điểm trong văn nghệ. Nay, đọc lại nhiều tư liệu, mới biết rằng, các luận điểm này, Vũ Hạnh đã bám sát chủ trương của Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Không phải ngẫu nhiên Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc được thành lập cũng vào năm 1966 v.v… và cũng không phải ngẫu nhiên, chào mừng sự kiện thành lập Mặt trận Giải phóng, Vũ Hạnh viết truyện dài Lửa rừng (tên ban đầu Truyện nàng Y Klan), khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, đã viết các truyện ngắn ấn tượng như Người chồng thời đại , Mụ Tư Cò…
Đọc lại tạp chí Tin Văn, có thể nắm bắt được các thông tin quan trọng liên quan đến những sự kiện trên. Vấn đề đặt ra, khi quân đội Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam sẽ dẫn đến sự suy đồi, xuống cấp của đạo đức, văn hóa như thế nào? làm thế nào để bảo vệ? Không rõ, sau này có ai tự hỏi, liệu chừng thời điểm ấy, tình hình căn hóa, xã hội miền Nam có thật sự "tụt dốc" thê thảm hay chỉ là một biện pháp, sách lược chính trị nhằm tập hợp lực lượng trí thức phản đối Mỹ, chính quyền thân Mỹ một cách công khai?
Ròng rã nhiều số báo, Tin Văn đã in tham luận, ý kiến, văn kiện này nọ v.v… Có một “mẫu số chung” mà nhiều trí thức "thân cộng" thuở ấy, nhấn mạnh: “phòng thủ” vững chắc nhất trước làn sóng tha hóa đạo đức, suy đồi văn hóa vẫn là nếp nhà, là gia đình. Nếu “văn hóa” Mỹ “xâm nhập” vào từng gia đình - rào chắn cuối cùng - là giá trị truyền thống mất gốc rễ. Đại khái thế. Tất nhiên, vấn đề giáo dục học đường cũng được đề cập đến. Mà giáo dục thời đó thế nào? Cùng lắm chỉ Ngựa chứng trong sân trường (Duyên Anh), Ngôi trường đi xuống (Vũ Hạnh) là cùng chứ gì? Là các cậu học trò lếu láo, xem thường thầy cô; là nhân vật của Vũ Hạnh như ông Doan-tit-xi-ta Trần Ngọc Tẹo mở trường học chỉ vì tiền chứ chẳng co mục tiêu giáo dục gì sất! Chỉ khốn nạn đến thế hay còn có gì khác nữa không? Không rõ, thời đó đã xuất hiện sự khốn nạn đến tận cùng như Gạ tình lấy điểm (Nguyễn Huy Thiệp), lấy từ “người thật việc thật” năm 2006 của gã Đỗ Tư Đông, Phó khoa Báo chí CĐ Phát thanh Truyền hình TƯ I; đã xuất hiện sự khốn nạn đến tận cùng như gã Sầm Đức Xương - cựu hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm (Hà Giang) mua dâm học trò; đã xuất hiện sự khốn nạn đến tận cùng như xuất hiện “đường dây 'sex tour' sinh viên" (Báo Thanh Niên ngày 18.12.2015)? Nếu có, việc thành lập Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc là hợp lý quá, phải không?
Rằng thưa, câu hỏi tầm phào
Chỉ là tiếng vọng rơi vào lãng quên
Thưa rằng, đời sống buồn tênh
Thế nào ai biết phải nên thế nào?
Sáng nay, chỉ mới suy nghĩ vẩn vơ, thoáng một chốc đã đi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đến thăm Tuấn Anh - đồng nghiệp của Báo Sài Gòn Giải phóng. Anh nằm ở Khoa Tim mạch. Một chiến sĩ kiên cường của làng bợm Lưu Linh đã phải tạm dừng bia bọt lai rai. Lúc về, ngang qua sân bệnh viện mới biết ở đây có dựng tượng danh thần Nguyễn Tri Phương. Lại tự hỏi, cách đặt tên như thế có bất cập không nhỉ? Năm 1873, chống giữ thành Hà Nội, cụ bị thương nặng, giặc Pháp bắt đưa xuống tàu cứu chữa. Nhưng cụ không chịu cho chúng băng bó, tuyệt thực mà chết. Chết vì nghĩa lớn. Một cái chết vẽ vang sáng ngời sử sách. Thế thì, bệnh viện mang tên cụ nhằm nêu lên phẩm chất nào mà từ bác sĩ đến bệnh nhân phải noi theo?
Thoáng đó. Đã chiều.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|